“Bệnh gian và tham của người Việt không thể chữa được”

11:54 SA @ Thứ Hai - 06 Tháng Tám, 2018

Người Việt có thói xấu lớn nhất là sợ nói ra cái xấu của mình, ai nói ra cái xấu của mình thì coi người đó là kẻ thù và họ vội gạt đi để lấp liếm: “Tôi không như thế”… Chính “hệ miễn dịch” với cái xấu không cònkhiến người Việt không thể phát triển được…” - Đó là nhận định của nhà nghiên cứu, phê bình Văn học Vương Trí Nhàn khi mở đầu câu chuyện nói về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của người Việt trong bối cảnh hội nhập thế giới.

LỜI TÒA SOẠN:Lá thư của một học sinh lớp 4 Việt Nam đường hoàng gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, đã thể hiện rõ khát vọng hòa bình, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền và khát vọng làm chủ đất nước, của những công dân tương lai. Những công dân tương lai này sẽ tiếp bước những cái tên đã trở thành huyền thoại trong giới khoa học toàn cầu như Ngô Bảo Châu. Tên của doanh nhân Phạm Nhật Vượng được xướng lên trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes, đã chứng minh khát vọng của nhiều doanh nhân thời đại mới muốn góp phần đưa nước Việt sánh vai các cường quốc 5 châu.


Đặng Lê Nguyên Vũ muốn Trung Nguyên vượt qua Starbucks ngay tại Hoa Kỳ trên con đường chinh phục vị trí lãnh đạo ngành cà phê thế giới; Hai CEO của Vingroup và Viện nghiên cứu phát triển giáo dục Việt Nam là Lê Thị Thu Thủy và Giản Tư Trung lọt vào danh sách những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu; Hai nữ yếu nhân của Vinamilk và Dược Hậu Giang là Mai Kiều Liên và Phạm Thị Việt Nga lọt danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á… tất cả đều là minh chứng hùng hồn của những khát vọng Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Nhưng như vậy đã đủ cho một nước Việt hùng cường?

Để cổ vũ, phát hiện và tôn vinh cho khát vọng ấy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính thức mở chuyên mục “Vì Khát vọng Việt” từ tháng 5/2013. Chuyên đề đầu tiên sẽ là: Người Việt “mạnh” hay “yếu”?

Để có cái nhìn đa chiều, bài đầu tiên (dưới đây) xin được nói về những tật xấu, điểm yếu khổng lồ của người Việt qua góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình Vương Trí Nhàn.

Bài 1: “Bệnh gian và tham của người Việt không thể chữa được”


Người Việt có thói xấu lớn nhất là sợ nói ra cái xấu của mình, ai nói ra cái xấu của mình thì coi người đó là kẻ thù và họ vội gạt đi để lấp liếm: “Tôi không như thế”… Chính “hệ miễn dịch” với cái xấu của mình không còn khiến người Việt không thể phát triển được…”.

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu, phê bình Văn học Vương Trí Nhàn khi mở đầu câu chuyện nói về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của người Việt trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Người Việt không thể phát triển vì… quá nhiều thói xấu

Nhắc đến nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn, không ít người Việt vẫn “cay cú” ông vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng” khi nêu rõ tuốt tuồn tuột những thói hư tật xấu của họ qua những tác phẩm văn học, tác phẩm báo chí và qua chính phát ngôn của ông trong cuộc sống hằng ngày.

Dẫu biết, nêu lên những thói xấu là để cảnh tỉnh, để ai đó thấy bóng dáng của mà “tránh đi, thay đổi đi” và quan trọng là giúp người Việt nhận ra những điểm yếu để sửa chữa trong bối cảnh hội nhập với thế giới nhưng theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, làm được điều đó là không dễ, như thể con kiến đối đầu với một tảng núi.

Gần 10 năm, kể từ khi bài viết đầu tiên về thói xấu của người Việt được công khai trước dư luận, đến naykhi ngồi nói chuyện với ông, nhắc đến chủ đề này, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn vẫn lặng lẽ nói: “Hệ miễn dịch” của dân mình với thói xấu đã không còn nên không thuốc gì chữa trị được”. Với ông điều đó rất nguy hiểm, vì nó làm người Việt, nhất là người Việt trẻ không tiến lên được.

Vương Trí Nhàn là nhà nghiên cứu, phê bình văn học từng gây tiếng vang lớn nhất và được dư luận biết đến nhiều nhất với hàng loạt bài viết đăng tải trên báo Thể thao – Văn hóa nhiều năm về trước về chủ đề: “Thói hư, tật xấu người Việt”. Khi đó mỗi bài viết của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đều là nghiên cứu, tập hợp những nhận định, góc nhìn của giới trí thức, học giả Việt Nam đầu thế kỷ XX về dân tộc mình.

Dù sau những bài viết này của ông có rất nhiều ý kiến đánh giá, nhận định trái chiều. Nhưng có một điều ai cũng thừa nhận là ông dám nói thẳng, nói thật những tồn tại, những tật xấu mà ai cũng có thể bắt gặp đâu đó của người Việt.

Là người yêu văn học Nga, câu nói của nhà văn Sêkhôp: Một con người sẽ tốt hơn nếu ta nói cho anh ta biết anh ta là người thế nào... chính là “đòn bẩy” để nhà phê bình Vương Trí Nhàn tập hợp lại tất cả những nghiên cứu thói xấu của người Việt từ trước đến nay của ông với mong muốn chia sẻ, mỗi người hãy nhìn lại mình để tốt hơn.

Từ sự đúc kết ấy, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận định: Người Việt bây giờ nhiều thói hư tật xấu hơn nhiều so với trước đây.

Với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, cái xấu nhất của người Việt chính là ghét những ai nói ra cái xấu của mình. Ông cho rằng người Việt chỉ thích được người khác khen. Ngay cả khi người khác chê mình hợp lý, họ cũng thấy khó nghe.

Theo ông, người Việt không thể phát triển vì… quá nhiều thói xấu.

Chính từ thói xấu này theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, kéo theo người Việt lại nặng óc hư danh và sống không có lý tưởng. “Trước đây ông Phạm Quỳnh từng nói: Dân ta là dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu cho đến bậc phú hào nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá. ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội. Cậu cả, cậu hai luồn lót hàng chục, hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán… hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nói.

Cũng bàn đến thói xấu nhất người Việt là ghét ai nói cái xấu của mình, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng một phần vì cái tính tự ái của người Việt. Ông rất thích và tâm đắc hai câu thơ của nhà thơ Tản Đà: “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Theo ông dân mình “trẻ con” lắm, thích khen, ảo tưởng rất nặng trong tâm lý.

Vì tính “trẻ con” nên hay tự ái, cứ khen thì vỗ tay vào còn hễ ai chê thì bực dọc khó chịu và chối ngay theo cách: “Tôi không như thế”… Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn coi đó là thói nói dối, một thói xấu đáng lên án của người Việt hiện nay.

Hệ miễn dịch với thói xấu không còn nên… không có thuốc chữa

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thói xấu thứ hai của người Việt không phải là nói dối mà đáng buồn hơn là nhiều người Việt hiện nay không có nhu cầu tự nhận thức, xem lại mình là người như thế nào, đặt mình trong thời gian, không gian cụ thể thì sẽ ra sao.

Một người nước ngoài từng nói: Người Việt ít có khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng nhận xét đó rất chính xác, người Việt ta chỉ tri kỷ chứ không tri âm, hai kẻ nói chuyện với nhau như hai người điếc. Tiếp nữa thói xấu người Việt là sự thiếu chính xác trong mọi thứ, thiếu khoa học, thiếu nghiên cứu sống rất bộc phát hồn nhiên.

Nhưng nhìn lại tất cả theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn “cái xấu người Việt có rất nhiều và tựu trung lại một đó là sự tham và gian”.

Từng đi và nghe người nước ngoài nói rằng người Việt Nam gian xảo và tham lam ngẫm lại ông cho rằng đúng vì tham danh, tham lợi nên người ta phải nói dối phải gian xảo với nhau.

Tất cả những thói xấu này theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sẽ cản trở sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Hơn hết cái thói tự kỷ trung tâm luận, thấy mình là trung tâm, cứ bắt người khác phải theo ý mình. Sự kiêu ngạo quá lớn của người Việt so với thế giới là điểm bất lợi cho sự phát triển của từng cá nhân và của đất nước.

Ví thói xấu người Việt là căn bệnh nan y, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nếu là thầy thuốc ông cũng chịu “bó tay” khi được hỏi về phương pháp “điều trị” thói xấu người Việt. Ông cho rằng, thói xấu ở đâu cũng có nhưng người Việt hiện nay thì “Hệ thống miễn dịch với thói hư tật xấu đã không còn nên không thể trị được”.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta

    06/05/2013Phan KhôiCứ xem hiện trạng thì Khổng giáo (đạo của Khổng Tử) ở nước ta ngày nay chừng như không có thế lực gì nữa. Các sách Tứ thơ, Ngũ kinh không được đem dạy ở các nhà trường. Các hội Tư văn, Văn chỉ cũng không còn thạnh hành mấy ở dân gian. Nay, muốn tìm cho ra cái gì là cái biểu hiệu của Khổng giáo ngày nay, thì chỉ còn ra Trung, Bắc kỳ, đến tại các văn miếu hàng tỉnh hàng huyện mà cung chiêm hai kỳ xuân tế thu tế trong mỗi năm mà thôi, ngoài ra không còn có cách gì nữa.
  • Người Việt xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ

    08/07/2018Hà NhiKhi được hỏi về thói xấu của người Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại thường mắc thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức….