04/07/1776: Mỹ tuyên bố độc lập

Nguồn: “U.S. declares independence,” History.com
04:46 CH @ Chủ Nhật - 04 Tháng Bảy, 2021

Vào ngày này năm 1776, ở thành phố Philadelphia, Pennsylvania, Quốc hội Lục địa đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nền độc lập của Hoa Kỳ tách biệt với Vương quốc Anh và quốc vương của nó. Bản tuyên ngôn này được đưa ra 442 ngày sau khi loạt súng đầu tiên của Cách mạng Mỹ nổ ra ở Lexington và Concord ở Massachusetts và đánh dấu sự mở rộng về mặt tư tưởng của cuộc xung đột mà cuối cùng đã khuyến khích sự can thiệp của Pháp dưới danh nghĩa những Người yêu nước (Patriots).

Sự phản đối lớn đầu tiên của người Mỹ đối với chính sách của Anh Quốc xuất hiện vào năm 1765 sau khi Quốc hội thông qua Đạo luật Tem phiếu, một biện pháp đánh thuế để tăng nguồn thu cho quân đội Anh đang đồn trú tại Mỹ. Dưới khẩu hiệu “không có đại biểu (trong Quốc hội Anh) thì không trả thuế,” các cư dân của thuộc địa Mỹ đã triệu tập Đại hội Đạo luật Tem phiếu vào tháng 10 năm 1765 để cất tiếng nói phản đối việc đánh thuế. Sau khi Đạo luật có hiệu lực vào tháng 11, hầu hết người dân đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Anh Quốc, cùng với đó là một số cuộc tấn công có tổ chức nhằm vào cơ quan hải quan và nhà ở của những người thu thuế. Sau khi biểu tình kéo dài nhiều tháng ở các thuộc địa, Quốc hội đã biểu quyết để bãi bỏ Đạo luật Tem phiếu vào tháng 3 năm 1766.

Hầu hết cư dân thuộc địa tiếp tục lặng lẽ chấp nhận chế độ cai trị của Anh Quốc cho đến khi Quốc hội Anh ban hành Đạo luật Trà năm 1773, một dự luật được đưa ra nhằm cứu Công ty Đông Ấn đang suy sụp bằng cách giảm đáng kể thuế trà và cấp giấy phép độc quyền buôn bán trà ở Mỹ. Mức thuế thấp cho phép Công ty Đông Ấn bán phá giá trà, thậm chí còn rẻ hơn trà nhập lậu của các thương nhân Hà Lan, và nhiều cư dân thuộc địa đã coi đạo luật này là một ví dụ khác của sự chuyên quyền về thuế khóa. Để đáp lại, những Người yêu nước ở Massachusetts đã tổ chức “Tiệc trà Boston,” một cuộc phản đối bằng cách tổ chức lật đổ hơn 8 tấn chè của Anh xuống cảng Boston.

Tức giận trước Tiệc trà Boston và các hành vi hủy hoại tài sản trắng trợn khác, Quốc hội Anh đã ban hành các Đạo luật Cưỡng chế, còn được biết đến dưới tên gọi các Đạo luật Không thể dung thứ, vào năm 1774. Các Đạo luật Cưỡng chế này phong tỏa Boston khỏi các chuyến tàu thương mại, chính thức thành lập chế độ cai trị quân sự ở Massachusetts, cho phép quan chức Anh không bị truy tố hình sự ở Mỹ, và yêu cầu cư dân thuộc địa cho phép quân đội Anh ở nhờ. Sau đó, các cư dân thuộc địa đã kêu gọi Quốc hội Lục địa cân nhắc một cuộc kháng chiến thống nhất chống lại Đế quốc Anh.

Các thuộc địa khác chăm chú dõi theo Massachusetts, thuộc địa dẫn đầu cuộc kháng chiến chống Anh, thành lập chính phủ cách mạng và lực lượng dân quân để chống lại sự hiện diện quân sự ngày một tăng của Anh Quốc trên các thuộc địa. Tháng 4 năm 1775, Thomas Gage, thống đốc người Anh ở Massachusetts, ra lệnh cho quân đội Anh hành quân đến Concord, nơi phát hiện ra một kho vũ khí của những Người yêu nước. Ngày 19 tháng 4 năm 1775, quân đội Anh vấp phải một nhóm dân quân Mỹ ở Lexington, những phát đạn đầu tiên của cuộc Cách mạng Mỹ đã được khai hỏa.

Ban đầu, cả người Mỹ và người Anh đều coi cuộc xung đột như một cuộc nội chiến bên trong Đế quốc Anh: với vua George III, đó là một cuộc nổi loạn ở thuộc địa, và với người Mỹ, đó là một cuộc đấu tranh giành quyền lợi như những công dân Anh. Tuy nhiên, Quốc hội Anh vẫn không sẵn sàng đàm phán với lực lượng nổi dậy Mỹ, thay vào đó, họ mua lính đánh thuê của Đức để giúp quân đội Anh đè bẹp cuộc nổi loạn. Để đáp lại sự từ chối cải cách của Đế quốc Anh, Quốc hội Lục địa bắt đầu thông qua các biện pháp nhằm xóa bỏ chính quyền Anh ở thuộc địa.

Tháng 1 năm 1776, Thomas Paine xuất bản cuốn Lẽ thông thường (Common Sense), một cuốn sách ngắn có ảnh hưởng chính trị ủng hộ cho sự độc lập của Mỹ và bán được hơn 500.000 bản chỉ trong một vài tháng. Mùa xuân năm 1776, sự ủng hộ cho nền độc lập dấy lên trên khắp các thuộc địa, Quốc hội Lục địa kêu gọi các tiểu bang thành lập chính phủ của riêng mình, và một ủy ban năm người đã được giao nhiệm vụ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Phần lớn bản Tuyên ngôn Độc lập được soạn thảo bởi Thomas Jefferson, cư dân của Virginia. Để biện hộ cho nền độc lập của Mỹ, Jefferson đã tham khảo nhiều từ triết học chính trị của John Locke, một nhà ủng hộ các quyền tự nhiên, và từ nhiều tác phẩm của các nhà lý thuyết người Anh khác. Phần đầu của Tuyên ngôn chứa những dòng nổi tiếng: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Phần thứ hai trình bày một danh sách dài bao gồm những sự bất bình cung cấp cơ sở lý luận cho cuộc nổi dậy.

Trái trái sáng, Benjamin Franklin - một trong những người thành lập nhà nước Hoa Kỳ, Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ John Adams và Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson. Franklin và Adams đang giúp chỉnh sửa bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa bỏ phiếu chấp thuận lời kêu gọi tách khỏi Anh của tiểu bang Virginia. Những lời lẽ đầy kịch tính của nghị quyết này được thêm vào phần kết của bản Tuyên ngôn Độc lập. Hai ngày sau, ngày mùng 4 tháng 7, Tuyên ngôn chính thức được 12 tiểu bang thuộc địa thông qua sau một số sửa đổi nhỏ. New York thông qua nó vào ngày 19. Ngày mùng 2 tháng 8, Tuyên ngôn được ký.

Cuộc chiến giành độc lập của Mỹ còn tiếp tục kéo dài thêm 5 năm. Những sự kiện nổi bật sau đó là chiến thắng của những Người yêu nước ở Saratoga, mùa đông khốc liệt ở Valley Forge, sự can thiệp của người Pháp, và chiến thắng cuối cùng ở Yorktown năm 1781. Năm 1783, với việc ký kết Hiệp ước Paris với Đế quốc Anh, Hoa Kỳ chính thức trở thành một quốc gia tự do và độc lập.

VỀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP HOA KỲ:

1. Quốc hội liên lục địa Mỹ bỏ phiếu về sự độc lập của Mỹ là vào ngày 2/7/1776.

2. Ngày 4/7/1776 là ngày có ý nghĩa với nước Mỹ bởi vì đây là ngày Quốc hội chính thức phê chuẩn văn kiện Tuyên ngôn Độc lập. Ngày này không tổ chức sự kiện Đọc Tuyên ngôn Độc lập.

3. Có 56 thành viên Quốc hội đã ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập.

4. Sau khi Tuyên ngôn Độc lập được thông qua, “Ủy ban 5 người” gồm Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert R. Livingston được giao trách nhiệm nhân bản văn kiện này. Vào ngày 5/7/1776, chủ nhà in John Dunlap tại Philadelphia đã gửi tất cả các bản sao Tuyên ngôn Độc lập mà xưởng của ông đã in ra tới các tờ báo trên khắp 13 thuộc địa, cũng như tới các chỉ huy của binh linh Lục địa và các chính trị gia địa phương. Đã có hàng trăm bản sao do ông Dunlap in ban đầu, nhưng chỉ có 26 bản trong số đó còn tồn tại và hiện nay hầu hết được trưng bày trong các bảo tàng và thư viện.

5. Khi một trong những bản sao Tuyên ngôn Độc lập được chuyển đến thành phố New York ngày 9/7/1776, George Washington khi đó là chỉ huy trưởng của lực lượng Lục địa tại New York đã đọc văn kiện này trước đám đông tập trung trước tòa thị chính. Sau đó đã dẫn tới một vụ bạo loạn tại Thành phố New York, bức tượng Vua George III tại đây đã bị kéo đổ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hòa hợp dân tộc

    29/04/2019Nguyễn Hòa Bình (tổng hợp)Tháng 4 của Hoa Kỳ là một ngày tháng đáng lưu ý của lịch sử. Cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861. Bốn năm sau vào ngày 9 tháng 4-1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng Grant của miền Bắc...
  • Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ

    23/05/2017Nguyễn Hiến LêTừ một người đi tìm vàng ở California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ...
  • Sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia

    14/10/2016Thành công thật sự không bao giờ là một sự tình cờ. người thành công có một văn hóa tiến bộ kết hợp sự ham học và vận dụng liên tục...
  • Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

    22/05/2016Nguyễn Trần BạtCó thể nói quan hệ với Hoa Kỳ là quan hệ hết sức quan trọng để vừa mở đầu vừa đảm bảo, vừa làm thuận lợi toàn bộ quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam...
  • Nước Mỹ qua những bài Diễn văn Tổng thống

    24/02/2014Có thể nói rằng, lịch sử chính trị Hoa Kỳ đã được tái hiện một cách đầy đủ và sinh động thông qua những bài diễn văn của các đời Tổng thống. Trong những thời điểm khó khăn, một số Tổng thống đã khéo léo sử dụng các bài diễn văn để "lên dây cót"...