Ra mắt cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi” - Một Olga nhiều hơn ta từng biết

03:42 CH @ Chủ Nhật - 05 Tháng Mười Hai, 2010
Cùng một tác giả:

Buổi tọa đàm về cuốn sách Olga Berggoltz của tôi (tác giả Thụy Anh) đã diễn ra tại Hà Nội vào 28/11/2010, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Nga này (1910 - 1975).

Mang dáng dấp một chân dung văn học, Olga Berggoltz của tôi dựng lại cuộc đời của nữ thi sĩ này với đầy đủ những thăng trầm trong số phận: từ khi còn là một cô bé con bắt đầu tập làm thơ, dấn bước vào thế giới thi ca với đủ cay đắng ngọt bùi, qua mọi mất mát, tù tội rồi còn lại một mình, cô đơn với bệnh tật và men rượu. Kèm theo đó là một số bài thơ được tác giả Thụy Anh dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

Thật ra, qua những bản dịch của Bằng Việt, thơ Olga sớm được bạn đọc Việt Nam yêu thích và biết đến từ cách đây vài chục năm với những Không đề, Mùa lá rụng, Mùa Hè rớt. Không chỉ ở tình cảm đặc biệt của độc giả Việt Nam với văn học Nga, nói như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (khách mời tham gia tọa đàm), thơ Olga rất gần với cảm thức phương Đông: có cái nhìn hồn hậu độ lượng, tràn đầy hy vọng và tha thiết về con người, về cuộc sống... Như lời dịch giả Thụy Anh tự nhận: tôi đã tránh chọn dịch một số bài thơ Olga vốn từng khắc dấu trong trái tim người đọc qua những bản dịch của Ngân Xuyên, Bằng Việt. Chính tôi cũng yêu mến những bản dịch đó và khó lòng chấp nhận những phiên bản khác.




Bìa cuốn sách

Cũng sáng tác thơ và có 17 năm học tại Nga, tình yêu với Olga là lý do chính để Thụy Anh tìm hiểu và thu thập những tài liệu về nhà thơ này như ghi chép, thư từ, hồi ký của nhà thơ và các bè bạn từng gặp bà. Chính trên nguồn tư liệu ấy, chân dung của Olga Berggoltz được chị dựng lại theo từng chặng đường của cuộc đời, với những tâm trạng, cảm xúc khác nhau trước sự thăng trầm cùng vinh quang và cay đắng mà lịch sử nước Nga xô viết mang lại cho nhà thơ. Cùng với đó, những bài thơ được Thụy Anh chọn dịch cũng chia theo các mốc thời gian tương tự.


Thụy Anh và nhà thơ Hữu Việt tại buổi tọa đàm


Buổi ra mắt cuốn sách "Olga Berggoltz của tôi" của dịch giả Thụy Anh ngày 28/11/2010

Đọc Olga Berggoltz của tôi, độc giả bắt gặp một Olga không chỉ nồng nàn trong tình yêu mà còn có những vần thơ khi hài hước tự trào, lúc nghiệt ngã, gay gắt và quyết liệt. Thậm chí, bắt gặp cả sự hi sinh của một nhà thơ tình khi phải để thơ tình “nhường chỗ” cho những bài thơ thời sự, đầy gắp những lời kêu gọi, động viên nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng bóng hình những cảm giác sâu kín nhất của con người...

10 năm đọc về Olga, tôi càng nhận ra một Olga khác, một Olga không chỉ viết những vần thơ tình đắm đuối mà còn là một nhà thơ công dân, gắn chặt với những nỗi đau lớn nhất mà một người phụ nữ có thể trải qua. Chỉ có cách “bước theo” bà trong từng chặng từng chặng thăng trầm của cuộc đời, tôi mới có thể thấu hiểu những gì bà để lại”, dịch giả Thụy Anh cho biết.



Dịch giả Thụy Anh: Olga Berggoltz kiêu hãnh, quyết liệt, khát khao và trung thực
(Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện, Tiền Phong)

TP -Dịch giả Thụy Anh vừa ra mắt cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi” gồm một tiểu luận công phu và những bản dịch thơ, với hy vọng giới thiệu một chân dung thơ và con người Olga Berggoltz hơn những gì người ta đã từng biết về bà ở Việt Nam.


Dịch giả Thùy Anh

- Điều gì ở Olga Berggoltz khiến chị say mê đến thế trong khi thế hệ những người Việt Nam yêu mến bà hầu hết đã nhiều tuổi?

Thực ra, tôi không nghĩ rằng những người Việt Nam yêu mến Olga đều đã nhiều tuổi đâu hoặc là tôi cho rằng 7x vẫn còn là rất trẻ! Hơn thế nữa, tình yêu bất chấp mọi điều đang xảy ra xung quanh, đối tượng của tình yêu lại càng không phải do ta lựa chọn, nó nằm ngoài các khái niệm “sành điệu, thức thời”. Người đọc Việt Nam yêu Olga từ trước đến nay, phần lớn nhờ công của dịch giả Bằng Việt và Ngân Xuyên.

Với tôi, ban đầu cũng vậy, các bản dịch đã dẫn tôi “đến với” Olga như đến với một nữ sĩ ca ngợi tình yêu, nhưng sau khi tiếp cận tác phẩm của Olga qua nguyên tác, tôi đã bất ngờ với diện mạo thi ca phong phú đa dạng của bà.


Có những quãng thời gian, tôi dịch "như điên" mà cảm hứng không dịu lại. Năm nay, cuốn sách mới được in ra cho dù tôi thực sự chưa hài lòng về cấu trúc bài viết và lượng thông tin mà tôi cho là chưa đầy đủ. Song tình yêu nồng nhiệt đối với Olga thì hẳn bạn đọc đều cảm nhận được và đồng cảm cùng tôi. (Thụy Anh)

Bà khiến tôi cảm phục vì sự kiêu hãnh đến cùng cực của một người phụ nữ làm thơ đã “ngẩng cao đầu” sống và viết “qua nỗi đau” cá nhân để thấu hiểu nỗi đau của đất nước và dân tộc, để có thể chia sẻ với Tổ quốc mọi niềm chua chát - “như đã từng chung nỗi hân hoan”.

Bà khiến tôi say mê vì sự quyết liệt nồng nhiệt trong tình bạn, tình yêu, trong lao động, cống hiến với những bài thơ luôn là lời tuyên bố “Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim”!

Bà khiến tôi thấy đồng cảm với những khát khao rất bản năng của người phụ nữ, đồng thời khiến tôi xót xa khi thấy những khao khát ấy đã bị cuộc đời hay số phận dập vùi không thương tiếc.

Tôi còn yêu Olga hơn nữa vì sự trung thực của bà, không chỉ với những sự kiện lịch sử lớn lao đã và đang xảy ra trên đất nước mà Olga chứng kiến, mà, trên hết, Olga đã rất trung thực với chính mình. Nhật ký, ghi chép, thư từ… mà nữ sĩ để lại cho thấy bà viết lại tất cả không mảy may ngại ngùng, tô vẽ, giấu giếm.

Tôi còn yêu Olga hơn nữa vì sự trung thực của bà, không chỉ với nhữngsự kiện lịch sử lớn lao đã và đang xảy ra trên đất nước mà Olga chứngkiến, mà, trên hết, Olga đã rất trung thực với chính mình. Nhật ký, ghichép, thư từ… mà nữ sĩ để lại cho thấy bà viết lại tất cả không mảy mayngại ngùng, tô vẽ, giấu giếm.
- Khó khăn nào khi dịch Olga Berggoltz sau những bản dịch rất thành công của nhiều dịch giả, đặc biệt là Bằng Việt với các bản dịch Mùa hè rớt, Bài ca cuộc đời, Mùa lá rụng… đã làm rung động trái tim độc giả Việt Nam?

Khi bắt tay vào dịch Olga, tôi hiểu rằng tôi không có ý định “so tài” cùng ai nên cũng không có cảm giác “sợ hãi” và áp lực. Trước mặt tôi chỉ có văn bản, tư liệu về cuộc đời nhà thơ, gương mặt sáng buồn đầy cương nghị của bà và cuối cùng là tôi phải đối mặt với lao động dịch thuật đầy khó khăn cũng đầy mê hoặc.

Việc dịch thơ Olga Berggoltz là một cơ duyên đối với tôi, dường như không phải do tôi chủ định muốn làm mà do số phận “đưa đẩy”, trong những thời điểm cảm xúc dồn nén mạnh mẽ. Giờ thì tôi mong muốn được chia sẻ với bạn bè một cách cảm thơ Olga theo kiểu của mình, bên cạnh một Olga “bất di bất dịch” mà nhà thơ Bằng Việt đã đem đến cho tôi trước đó.

- Những bản dịch mới của chị đem đến góc nào về gương mặt thơ Olga Berggoltz mà người đọc Việt Nam chưa biết?

Tôi muốn giới thiệu Olga với tiếng thơ rành mạch, dứt khoát, mạnh mẽ, không khoan nhượng, không nửa vời, cũng không dịu dàng cam chịu. Olga từng tuyên bố: “Nếu đã đau thì đau cả tâm hồn, / và vui sướng thì cả người tôi trước đám đông cũng cháy bùng thành ngọn lửa…”.


Bìa cuốn sách " Ogla Berggoltz của tôi".

Hầu như bài thơ nào của Olga tình huống thơ cũng được đẩy đến tận cùng, để yêu thì yêu quay cuồng kiểu như: “em không tha thứ cho anh điều gì hết/ cũng không buông đôi tay ấm dịu hiền”, còn đã cay nghiệt thì cay nghiệt đến cực đoan, trực diện như trong đoạn thơ bà đáp trả người đời thế này: Tôi xin nói với các người rằng không có/ những tháng năm tôi vô nghĩa sống trên đời/ những con đường tôi đi qua vô ích/những áng tin vô bổ tôi nghe.

Olga có hệ thống ngôn từ, hình tượng trữ tình, hệ thống nhạc điệu, nhịp ngắt nghỉ rất riêng. Điều này tôi gắng thể hiện qua bản dịch. Ngay cả khi viết về tình yêu, từ ngữ bà dùng cũng thường là rắn rỏi, không bi lụy, tinh tế mà không mong manh, và nhiều trường hợp còn khá hài hước nữa.

- Giờ đây người đọc thơ ít đi, người yêu Olga Berggoltz càng ít, hơn nữa đấy lại là lối thơ cũ, chị nghĩ thế nào về khả năng đón nhận của độc giả hôm nay với tác giả này?

Thực sự là … tôi chẳng nghĩ gì cả! Chuyện thơ ca cũng khó nói như tình yêu vậy. Còn thơ ca, tôi không rõ lắm mọi người phân biệt thế nào là lối thơ cũ và lối thơ mới. Tôi cho rằng, mỗi một tác giả, mỗi một phong cách sáng tác, mỗi một thời đại… có những giá trị riêng của mình mà không ai phủ nhận được.

Ai thích, ai thấy hợp, ai rung động họ sẽ đọc. Không nhất thiết phải kỳ vọng vào khả năng độc giả (dù là già hay trẻ) đón nhận một chân dung người thơ. Tôi chỉ hy vọng vào việc Olga mà mình đang giới thiệu với bạn đọc Việt Nam đây tương đối sát thực so với một Olga trong nguyên tác.

- Đọc tiểu luận và các bản dịch của chị, cảm thấy rõ là chị bị tác giả “ám” rất nặng. Làm sao để thoát ra để bắt đầu với những tác giả khác khi mà công việc của một dịch giả thì không thể dừng lại?

Đúng vậy, điều này cũng là băn khoăn của tôi. Nếu tôi “thoát” ra được để bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu một tác giả khác cũng sôi nổi và nhiệt tình như tôi đã từng làm với Olga, thì lúc ấy tôi mới dám tự coi mình là dịch giả thực sự chuyên nghiệp. Còn bây giờ, tôi chỉ mới là người dịch nghiệp dư mà thôi.

-Xin cảm ơn chị!

* Thụy Anh: Olga Berggoltz của tôi, Nxb Trẻ, Quý 4-2010
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Số phận tiêu biểu "soi gương" lịch sử Nga

    07/11/2010Olga Berggholz là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của văn học Nga thế kỉ XX. Bên cạnh những vần thơ công dân, những trang thơ tình của bà có được sức sống lâu bền hơn cả. Thơ bà là tiếng nói của một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm với trái tim nồng nàn yêu thương nhưng cũng luôn khắc khoải, lo âu trăn trở...