Đào Trinh Nhất (1900-1951): từ một nhà báo sáng danh đến một học giả khả kính
Đào Trinh Nhất là nhân vật đã được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển Ba ở mục Truyện ký và lịch sử ký sự mệnh danh là “một tay kỳ cựu trong làng văn làng báo Nam kỳ và Bắc kỳ”. Đặc biệt, ngày ông qua đời (23-02-1951), báo chí trong Nam ngoài Bắc đã tôn vinh, dành cho ông không ít lời tốt đẹp: “Một lão thành trong làng báo”, “Một anh tài”, “Một kiện tướng trong văn giới, báo giới”, “Một ký giả lão thành”, “Một nhà báo kiêm sử gia có tiếng”, “Học vấn uyên thâm và thiên tài về nghề báo”, “Một danh tướng trong làng báo Việt Nam”... điếu văn của chủ nhiệm báo Cải tạo, nơi ông là chủ bút thì viết: “Nhớ anh xưa: khoa bảng nhà dòng, văn chương nếp cũ/ Học nhiều biết nhiều, Tây có Nho có/ đường trường dong vó ngựa, Nam tiến bao phen. Bể rộng vượt cánh hồng, Tây du mấy độ/ Cành câu cơm áo, đường công danh dơ gót mặt đua chen/Ngòi bút sắc đanh, trường ngôn luận thích đóng vai tự chủ”.
Vậy mà thời gian ít nhiều đã lãng quên ông.
Ngay người viết bài này, gần nửa thế kỷ trước đã phục ông khi đọc Nước Nhật Bản 30 năm duy tân và Đông Kinh nghĩa thục nhưng rồi cũng chỉ ngừng ở đấy. May mắn gần đây có ông Đào Duy Mẫn, một người nhiệt tâm với thân tộc, sau khi thành công với tuyển tập Hoàng giáp Đào Nguyên Phổmà tôi cũng có tham gia trong việc giới thiệu bài Văn sách thi Đình của cụ Hoàng Giáp cách đây vài năm, nay lại làm tiếp Tuyển tập tác phẩm Đào Trinh Nhất và cũng mời tôi tham gia. Quả thật lần này, nhờ sự hỗ trợ tư liệu của ông Đào Duy Mẫn mà tôi được tiếp cận với tác giả Đào Trinh Nhất tương đối đầy đủ hơn trước nhiều thì lòng cảm phục đã tăng lên gấp bội lần.
Tôi thấy đây là một ngòi bút có tài, có tầm, có tư tưởng không dễ có nhiều ở đương thời, cần được làm sống dậy cho xứng với tác giả đã đành mà còn cần cho đông đảo độc giả, những ai đang tha thiết quan tâm đến việc kho báu văn hoá tinh thần của dân tộc giữa thời buổi hội nhập gấp gáp, sôi động chưa từng có, được nhiều mà mất cũng không ít.
TỪ MỘT NHÀ BÁO SÁNG DANH...
Đào Trinh Nhất xuất thân với nghề làm báo. Ông từng là chủ bút hoặc bỉnh bút của nhiều tờ báo khắp Nam Bắc trong khoảng 30 năm trời. Hữu Thanh tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Trung Hoà nhật báo, Đông Pháp (phụ trương bằng Việt ngữ của tờ France Indochine), Phụ nữ tân văn, Thần trung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Mai, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Sài Gòn mới, Ánh sáng, Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Việt thanh, Cải tạo. Thời gian du học ở Pháp (1926-1928), ông đã viết trên Việt Nam hồn.
Không biết trong làng báo nước ta xưa nay đã có bao nhiêu người có mặt trên nhiều báo chí như Đào Trinh Nhất mà phần lớn lại là báo có thanh thế, nhiều độc giả của đương thời. So với nhiều người làm báo cùng thời, Đào Trinh Nhất có mấy điều lợi thế hẳn hoi.
- Một, ông là con của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, từng là yếu nhân của trường Đông Kinh nghĩa thục. Cái tên trường Đông Kinh nghĩa thục là do cụ đề xuất và được chấp nhận. Cụ lại là người làm báo đầu tiên của miền Bắc: Đốc biện (tức chủ bút)Đại Nam đồng văn nhật báo, chủ bút Đại Việt tân báo là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội một nửa bằng chữ Hán, một nửa bằng chữ quốc ngữ (năm 1905). Năm 1907, đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành đăng cổ tùng báo có quan hệ gần gũi với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, trong đó phần chữ Hán vẫn do cụ làm chủ bút. Trường Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại được 9 tháng (3/1907-12/1907) thì bị giải tán. Năm 1908, sau vụ Hà thành đầu độc binh lính Pháp, các cụ tham gia Đông Kinh nghĩa thục bị khủng bố. Cụ Đào Nguyên Phổ bị truy lùng ráo riết. Trong cơn nguy nam đó, để tránh phiền toái cho người thân và những người từng cưu mang che chở cho mình, cụ đã quyên sinh. Cuộc sống cao cả của người Cha như vậy chắc hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến người con, mặc dù lúc cha qua đời thì con mới lên 8 tuổi.
- Đào Trinh Nhất chịu ảnh hưởng cha trước hết là về nhân cách một con người đã sống chết với chính nghĩa, với lý tưởng ích quốc lợi dân, với nhiệt tình duy tân đất nước. Và dĩ nhiên còn là ảnh hưởng về sở thích, về khả năng làm báo trong đó có ký sự, có sử học. Một đời cầm bút của Đào Trinh Nhất đã để lại rất rõ những ảnh hưởng sâu đậm đó. Đây là hiện tượng cha truyền con nối, cha thế nào, con thế ấy, khá đẹp. Đào Trinh Nhất là người con có hiếu. Có thể chưa làm được một việc lớn như cha, nhưng ít ra cũng không làm việc gì đi chệch hướng của cha.
- Hai, Đào Trinh Nhất cũng có điều này khác với nhiều người làm báo đương thời. Ấy là chỗ, có những nhà báo nổi danh, ngang hoặc hơn cả Đào Trinh Nhất như Tản Đà, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Ngô Tất Tố...nhưng đến với công việc viết báo, chủ yếu vẫn chỉ bằng văn hoá Hán học, dĩ nhiên ít nhiều đã được hiện đại hoá. Ngược lại không ít người làm báo khác cũng nổi tiếng như Hoàng Tích Chu hay như các cây bút của Phong hoá, Ngày nay thì hầu hết lại chỉ có Tây học. Trong khi ở Đào Trinh Nhất là vừa Hán học, vừa Tây học. Về Hán học, với ông, ngày học trường Đông Kinh nghĩa thục đã có được một ít. Sau đó, học thêm và đã dự kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 dù không đỗ. Về Tây học, ông là học sinh trường Quốc tử giám ở Huế mà chương trình học vừa có Hán học vừa có Tây học. Sau đó từ năm 1926 đến 1928, ông lại cùng Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn du học Pháp, chuyên ngành báo chí. Đọc vào báo phẩm, văn phẩm của Đào Trinh Nhất, ta thấy rõ các thế mạnh, chỗ hơn nhiều người khác của ông chính là ở vốn tri thức vừa có Hán, vừa có Tây, vừa có cổ, vừa có kim. Và chính đó đã lộ tư cách học giả của ông ngay trên mặt báo chí.
- Ba, cũng còn một nét khác giữa công việc làm báo của ông so với nhiều người làm báo khác đương thời là ông ít viết theo từng bài lẻ, mà viết theo chủ điểm lớn, viết theo hệ thống, theo chuyên đề...để rồi xâu chuỗi lại là thành một công trình chuyên khảo. Không ít công trình chuyên khảo của ông được in về sau là kết quả của một trạng thái làm báo mang phong cách riêng đó.
...ĐẾN MỘT HỌC GIẢ KHẢ KÍNH
Đào Trinh Nhất đã để lại cho đất nước những tác phẩm sau đây:
Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924), Cái án Cao Đài(1929), Đông Chu Liệt Quốc (dịch), Thần tiên kinh (dịch), Nước Nhật Bản 30 năm duy tân (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Phan Đình Phùng-Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh (1937), Đông Kinh Nghĩa Thục (1937), Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư), Cô Tư Hồng (1942), Vương An Thạch (1943), Vương Dương Minh (1943), Chu Tần tinh hoa (1944), Lê Văn Khôi, Bùi Thị Xuân, Kẻ bán trời, Mộc Lan tòng quân, Con trời ngã xuống đất đen (1944), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (1946), Liêu trai chí dị (dịch - 1951) ([1])
Qua danh mục trên đây, thấy rõ Đào Trinh Nhất đã để lại một khối lượng tác phẩm vừa đồ sộ, vừa đa dạng với nhiều thể loại (khảo cứu, ký sự, lịch sử, tiểu thuyết, dịch thuật) thuộc phạm vi đất nước là chính nhưng cũng có ngoài nước thuộc Đông là chính nhưng cũng có Tây. Trong đó nổi lên ba luồng tư tưởng lớn có ý nghĩa đối với đất nước, đối với thời đại:
- Một, thuộc về quốc kế dân sinh.
- Hai, thuộc về khát vọng duy tân đất nước.
- Ba, cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và những gương sáng anh hùng cứu nước.
Ngoài ba chủ điểm đích đáng đó còn là những “giai thoại lịch sử” là những nhân vật lịch sử này khác, là cuộc đời của một me Tây, là cuộc sống của những “con trời ngã xuống đất đen”...
Về vấn đề quốc kế dân sinh, công trình đáng giá nhất là cuốnThế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Chúng ta đều biết vấn đề khách trú (chính là vấn đề Hoa kiều) trên đất nước ta, dù hôm nay thì chính sách của nhà nước ta đã rõ, nghĩa là coi Hoa kiều là một thành phần trong đại gia đình Việt Nam. Nhưng trong lịch sử, vấn đề đó không đơn giản chút nào. Trước thực tế làm ăn khôn ngoan, giỏi giang của người Hoa, ở nước ta không phải không có người đã lo sợ đến sự lấn át của họ đối với người Việt. Một khuynh hướng bài Hoa không phải không ít nhiều đã có, được báo chí đương thời phản ánh.
Đào Trinh Nhất vốn tâm huyết với lịch sử dân tộc, cũng đã đề cập tới vấn đề này qua công trình này. Điều đáng nói ngay là cách đề cập của ông công phu hơn, nghiêm túc hơn và cũng là đúng đắn hơn nhiều so với người đương thời.
Trước hết là bằng một sự khảo sát cụ thể, tỉ mỉ, trực tiếp ở đây là thuộc địa phận Nam Kỳ. Từ đó cho người đọc thấy: cả nước có 35 vạn người Hoa thì Nam Kỳ là 20 vạn và quả thật, họ đã khôn ngoan, giỏi làm ăn hơn, do đó đã lấn át người Việt khá rõ. Và từ sự thật không hay đó cho đát nước, ông không đặt vấn đề bài Hoa theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, bất lợi mà theo tinh thần dân tộc chân chính, tỉnh táo là chủ trương di dân hai miền Trung, Bắc vào Nam mà theo ông có hai ý nghĩa lớn:
“Một là tư bản và nhân công hợp với nhau. Tư bản và nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường. Tất phải tương tri tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay xướng lên cái chủ nghĩa tư bản và cái chủ nghĩa lao động có ý phản đối với nhau, thường khi bọn thợ đình công mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chính cớ rành rành là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông mà trong nước tan tành ra đó...Nước ta, Nam Kỳ sẵn của mà việc làm thiếu người. Trung Nam Bắc sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc làm gì to tát cả. Vậy nên di dân vào Nam Kỳ, tức là cách kết hợp nhân công với tư bản vậy. Vả chăng, ta cũng nên biết rằng, muốn đạt được bao nhiêu cái kỳ vọng lớn lao của ta sau này thì phải lấy Nam Kỳ làm trường hành động mới được.
Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là việc chẳng đã vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam sinh cùng một nòi, nói cùng một tiếng, theo cùng một văn hoá, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch sử mà mỗi xứ phục theo một chính thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với nhau không khỏi có chỗ ngăn trở đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau một lịch sử chung, một nguồn gốc chung, một tiếng nói chung, một lễ nghĩa chung”.
Những lời lẽ trên đây cho thấy tác giả đã để lộ những tư tưởng rất lớn khi đặt vấn đề di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ: di dân vào đay là để tạo ra sức mạnh cho Nam Kỳ mà cũng là cho cả nước để cạnh tranh trước thế lực khách trú. Là để củng cố, xây dựng lại sự thống nhất đất nước khi đã bị hao hụt do chính sách chia để trị của thực dân, coi ba kỳ như ba xứ sở riêng biệt. Đặc biệt, trong việc di dân Trung Bắc vào Nam Kỳ để xây dựng và phát triển, tác giả đã chạm vào một vấn đề rất lớn của thời đại, của thế giới là việc xử lý quan hệ giữa hai giai cấp tư bản và công nông: đối kháng hay cộng sinh mà theo tác giả phải là cộng sinh.
Rõ ràng là thời gian đã chứng minh hùng hồn cho quan điểm của tác giả. Những tài liệu gần đây được phát hiện của Mác-Engghen ở giai đoạn cuối, đặc biệt là của Engghen cho thấy quan điểm của Đào Trinh Nhất vào năm 1924 là một sự trùng khớp và ở Việt Nam là sự đi trước thời đại. Cũng cần nói thêm: Đào Trinh Nhất không sa vào chính sách bài Hoa bởi chính ông trong tác phẩm còn chủ trương học tập những kinh nghiệm làm giàu của họ. Với ông là theo quy luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Do đó, phải biết phát huy tối ưu vai trò của nội lực để thành kẻ mạnh trong khi buộc phải cạnh tranh, không thể khác. Ý nghĩa triết học chính là ở đó.
Thuộc luồng tư tưởng duy tân tự cường, với Đào Trinh Nhất, có các tác phẩm Nước Nhật Bản 30 năm duy tân, Vương An Thạch, Vương Dương Minh... Chúng ta đều biết: cuộc duy tân Minh Trị của Nhật Bản từ năm 1868 là một hiện tượng thần kỳ trong lịch sử không chỉ là ở châu Á mà còn là trên thế giới. Từ một nước chỉ toàn đảo là đảo, nằm chơi vơi giữa biển Đông, tài nguyên cũng chẳng có là bao, nhưng qua cuộc duy tân, với khẩu hiệu tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây mà chỉ trong vòng mấy chục năm, đã trở thành một cường quốc rồi là cường quốc thứ hai của thế giới, cùng với Thái Lan là hai nước vẫn giữ vững độc lập dân tộc trong khi hầu hết châu Á đã bị các đế quốc phương Tây chiếm đóng. Ngay đến cái nước Trung Hoa khổng lồ, từng làm mưa làm gió trong khu vực trước đó thì rồi cũng như một con voi già bị các chú sói từ trời Tây đến, con gặm tai, con gặm má, con gặm đùi, nhục hết nói...Còn Nhật Bản không chỉ giữ trọn độc lập mà còn chiến thắng cả một cường quốc trong chiến tranh Nhật-Nga (1905). Và ngày nay thì đã có thể tuyên bố với thế giới: Tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Nhật Bản. Tất nhiên, bên cạnh sự nghiệp thần kỳ đó, Nhật Bản đã sa vào chủ nghĩa phát xít, một thời gây tội ác lớn trong khu vực, với Việt Nam ta.
Mặc dù vậy, công cuộc duy tân thần kỳ của Nhật Bản vẫn là một hiện tượng hấp dẫn muôn đời. Ở nước ta, từ năm 1875 (Ất Hợi) trong chế sách thi Đình, vua Tự Đức đã nêu vấn đề để hỏi các vị Đình thí với cái ý là: “ Gần đây người ta lại rất coi trọng phương pháp của người Tây”, “có người lại muốn thay đổi văn hiến ngàn năm của ta, mới có thể đến cõi văn minh được. Đúng thế chăng, không đúng thế chăng?”, “Tất có người phân biệt được. Phải chăng là họ thấy nước Nhật Bản gấp theo công hiệu cận tiện mà cho là nên bắt chước chăng?”.
Đúng là nhà vua đã thấy Nhật Bản nhờ duy tân học tập phương Tây mà thịnh vượng lên. Từ đó đặt vấn đề ta có nên bắt chước Nhật Bản không. Nếu bắt chước thì vấn đề giữ gìn văn hiến ngàn năm phải thế nào?
Sang đầu thế kỷ 20, trong phong trào Đông Du, hướng theo Nhật Bản duy tân, bài ca Á tế Á đã có những lời ngợi ca nồng nhiệt công cuộc duy tân của Nhật Bản:
.... “Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn
Thái Đông(1) nổi hiệu duy tân
Nhật Hoàng là đấng minh quân ai bì([2])
Dòng Thần Vũ riêng về một họ
Vùng Phù Tang([3]) soi đỏ góc trời”
Sách báo Việt Nam trong 100 năm qua, đặc biệt là sau này, hẳn đã nói nhiều về công cuộc duy tân của Nhật Bản. Nhưng công trình Nước Nhật Bản 30 năm duy tân của Đào Trinh Nhất vẫn có vị trí không ai thay thế được ở độ quy mô, công phu của nó và thiết tưởng vẫn là một công trình rất cần cho những ai hôm nay đang quan tâm thiết tha với sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước.
Cuốn Vương An Thạch của Đào Trinh Nhất cũng là một cuốn sách lớn trong việc giới thiệu một kỳ tài duy tân chính trị xã hội Trung Hoa xưa mà người Việt Nam thời trước còn ít biết. Ở đầu sách trong mục “Thưa, có mấy lời”, Đào Trinh Nhất đã viết: “Độc giả có lẽ phải kinh ngạc: - Quái! Trung Quốc ở thế kỷ 11 mà nảy ra một nhà nho làm chính trị mới lạ như thế ư? Kinh công Vương An Thạch sinh ra giữa lúc nước nhà bần nhược, cường lân đè nén, suy xét nguyên nhân chỉ tại giáo dục thủ cựu, chính chị thủ cựu khiến nên dân nghèo nước yếu mà ra. Ông bèn lập chí cứu quốc bằng những chính sách duy tân , cả từ chính trị, giáo dục cho đến kinh tế, quân sự. Không phải nghị luận mà thôi, ông được thực hành những đại kế đã định. Tuy chí hướng không đạt, biến pháp không thành là vì bọn nhà nho đồng thời xúm lại phá hoại, nhưng mà tư tưởng và chính sách duy tân của ông có thể khiến cho chúng ta tưởng như ông là người ở thế kỷ 19, 20. Hơn nữa, tưởng như ông là một nhà chính trị bên kia trời Âu Mỹ”.
Riêng về tác phẩm thì nhà xuất bản đã viết: “Đào Quân chịu khó kê cứu tài liệu, viết tóm tắt mà rõ ràng, cốt chọn lựa những sự tích thiết thực, lý thú để độc giả xem thấy vui vẻ”.
Cuốn Vương Dương Minh cũng là thêm một trường hợp đáng giá. Vương Dương Minh (1472-1528) sống đời nhà Minh (Trung Quốc) là một nho sĩ độc đáo, đầy chủ kiến, dám phản biện lại các tiên nho, đặc biệt với Chu Tử- thần tượng của Tống Nho, chủ trương nâng cấp tâm học, xác định lại lý thuyết "trí tri cách vật", chủ trương thuyết "tri lương tri", đặc biệt là cổ động cho thuyết "tri hành hợp nhất". Thực chất tư tưởng của Vương Dương Minh là đặc biệt coi trọng cái tâm của con người, chống lại lối học huấn hỗ, giáo điều, xa rời thực tiễn, đề cao tự do tư tưởng và tinh thần thực dụng. Tư tưởng của Vương Dương Minhđược người đời sau đánh giá là một hiện tượng cấp tiến, coi ông là người có vị trí sau Khổng Tử dù cho đương thời lại bị chính người Trung Hoa từ chối. Nhưng sau đó, lại được Nhật Bản đón nhận, được nhiều học giả phương Tây rất mực đề cao. Đã có ý kiến cho rằng tư tưởng của Vương Dương Minh là một trong mấy thành tố ban đầu đưa đến cuộc duy tân Nhật Bản thần kỳ. Tiếc cho Trung Hoa về sau cũng đã nhận ra giá trị của tư tưởng Vương Dương Minh nhưng thời cơ đã mất bởi đã bị phương Tây trên đường phát triển ập đến xâu xé. Đào Trinh Nhất, bằng một lao động khảo cứu uyên bác, không chỉ về riêng Vương Dương Minh mà còn là tư tưởng, tình hình nho học của Trung Hoa nói chung, không chỉ những gì giữa Vương Dương Minh với đất nước của mình mà còn lại giữa Vương Dương Minh với các học giả phương Tây, với Nhật Bản, kể cả Việt Nam ta, cuối cùng đã tạo nên một công trình học thuật đúng là không dễ có nhiều.
Với Đào Trinh Nhất, ở ba công trình trên là nói chuyện duy tân ở nước ngoài, còn với công trình Đông Kinh nghĩa thục là chuyện của chính nước mình. Chúng ta đều đã biết trường Đông Kinh nghĩa thục, rộng ra là phong trào Đông Kinh nghĩa thục là một mốc son chói lọi, là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa lớn lao trong lịch sử dân tộc ở đầu thế kỷ 20, dù chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng thì đã bị kẻ thù dập tắt. Sách vở viết về Đông Kinh nghĩa thục ngày một thêm phong phú, đặc biệt là bộ sách 2 tập dày gần 2000 trang Đông Kinh nghĩa thục và thơ văn Đông Kinh nghĩa thục do Chương Thâu biên soạn trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long vừa qua, đã cho thấy tầm vóc văn hiến vĩ đại của Đông Kinh nghĩa thục là như thế nào? Nhưng thử hỏi: Ai là người đi đầu trong việc làm sống lại Đông Kinh nghĩa thục nếu không phải là Đào Trinh Nhất, với tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục(Mai Lĩnh, Hà Nội -1937) đã bị nhà cầm quyền Pháp bấy giờ cấm lưu hành.Với Đào Trinh Nhất, viết sách Đông Kinh nghĩa thục là chuyện vừa để trả mối nợ lòng với đất nước, vừa để trả mối nợ lòng với chính thân phụ kính yêu của mình. Một hiện tượng vừa hiếu với nước, vừa hiếu với cha, đẹp và hiếm là thế.
Về cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và các phong trào, các bậc anh hùng chống Pháp thuộc chủ điểm lớn thứ ba trong tư tưởng học thuật của Đào Trinh Nhất đã thể hiện ở các công trình: Việt Nam Tây thuộc sử( Đỗ Phương Quế, Sài Gòn - 1937), Phan Đình Phùng -Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến(1884 - 1895) ở Nghệ Tĩnh (Cao Xuân Hữu - 1937),Đời cách mệnh Phan Bội Châu (dịch Ngục trung thư, Mai Lĩnh - 1938), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917(Quốc dân thư xã - 1946).
CuốnĐông Kinh nghĩa thục đã nói ở trên nếu nhắc lại ở đây cũng có lý. Từ các công trình công phu này, nổi lên trước hết là một tinh thần dân tộc cao cả, một dũng khí hiếm hoi giữa cái thời buổi mà kẻ thù còn đè đầu cưỡi cổ - thời kỳ mà với dân tộc, với nhân dân, nói như Đoàn Như Khuê là "bể thảm mênh mông sóng lút trời" hay như Chế Lan Viên là "thung lũng đau thương". Thử hỏi trên văn đàn công khai đương thời có ai khác, ngoài Đào Trinh Nhất là người để tâm huyết, công sức vào việc dựng lại Việt Nam Tây thuộc sử tang tóc, đau thương này. Đúng là sau 1954, chúng ta có không ít công trình của các sử gia Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đinh Xuân Lâm...nhiều giáo trình đại học viết về lịch sử thuộc Pháp và chống Pháp rất mực phong phú. Nhưng thử hỏi ai là người đi đầu trong công chuyện cần thiết và cấp thiết này nếu không là Đào Trinh Nhất. Không chỉ là người đi đầu mà còn là viết trong nanh vuốt của kẻ thù. Rồi nữa, ai là người đi đầu trong việc làm sống lại cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng với người trợ thủ kiệt xuất Cao Thắng, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với vai trò lãnh đạo của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn bằng một sự khảo sát tường tận, một sự ngợi ca tột độ ngoài Đào Trinh Nhất. Chúng ta hẳn còn nhớ năm 1908, đốc học Trần Quý Cáp khi nghe tin nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vùng lên đấu tranh chống thuế thì thốt lên một câu: "Khoái tai! Khoái tai!" mà ngay sau đó đã phải lên đoạn đầu đài. Chúng ta nào đã quên cái gọi là "Văn chương quốc cấm", ai lưu hành , ai phổ biến là dễ chết như chơi. Vậy mà Đào Trinh Nhất đã làm những trước tác như thế. Đành rằng hai tác phẩm Việt Nam Tây thuộc sử và Phan Đình Phùng ... là viết và in năm 1937, đúng vào thời Mặt trận bình dân mà kẻ thù phải nhẹ tay. Dù vậy thì vẫn phải thấy ở Đào Trinh Nhất một sự nhậy bén, biết chớp thời cơ. Do đó khỏi phải lên đoạn đầu đài, chỉ bị kẻ thù cấm lưu hành mà thôi.
*
* *
Rõ ràng là Đào Trinh Nhất đã từ một nhà báo sáng danh trở thành một học giả khả kính. Khả kính ở trình độ học vấn uyên thâm, kiêm cả đông tây kim cổ. Nhưng khả kính trước hết là ở lương tâm, ở tư tưởng thuần khiết chính nghĩa, không dễ có nhiều trong báo giới, văn giới đương thời.
Việc lãng quên ông dù ít hay nhiều là một sự bất công. Nhưng trước hết là một sự thiệt thòi cho đất nước.
Ấn tượng cuối cùng về Đào Trinh Nhất ở người viết bài này là thế. Dẫu biết những gì mình đã biết, đã viết về tiên sinh hôm nay, cũng mới chỉ là bước đầu. Xin được quý vị cao minh, cao kiến chỉ giáo thêm./.
([1]) Dựa theo Nguyễn Đắc Lộc: “Thân thế và sự nghiệp văn chương Đào Trinh Nhất” . Văn bản do ông Đào Duy Mẫn cung cấp
1. Thái Đông: khu vực cực đông châu Á.
[2] Nước Nhật Bản từ khi thành lập chỉ có một dòng vua (Thiên Hoàng).
[3] Phù tang: tức Nhật Bản
Nội dung khác
Bạch Thái Bưởi - Khẳng định doanh tài nước Việt
28/08/2015Bộ sách Đạo kinh doanh Việt Nam và Thế giớiDịch giả Phan Quang Định - Người giải mã bí ẩn của các giấc mộng
20/11/2012Giao HưởngNguyễn Duy Cần (1907-1998)
24/03/2012Vũ Bằng (1913-1984)
31/01/2012Lương Kim Định (1914-1997)
04/01/2012Inrasara (1959 -)
24/06/2011Phạm Toàn (1932 -2019)
06/02/2011