Đặt vấn đề về các cuộc cải cách

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
07:07 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Tư, 2008
Bất kỳ xã hội nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ đòi hỏi phải đổi mới và cải cách. Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển, cải cách đang là một nhiệm vụ cấp bách hơn cả. Chúng ta đều biết rằng, thuật ngữ "cải cách" xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nhưng trong hai thập kỷ qua, thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt khi nói đến những quốc gia đang chuyển mình hướng tới hệ thống kinh tế định hướng thị trường trong bối cảnh đời sống chính trị ngày càng cởi mở hơn. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, một loạt các nước đang phát triển trên thế giới, chủ yếu là ở châu Mỹ Latin, Bắc Á và Đông Á, tiến hành mở cửa và cải cách, chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường, đồng thời hệ thống chính trị cũng chuyển sang hướng ít nhiều dân chủ hơn so với trước kia. Không nằm ngoài tiến trình chung này, những nước XHCN cũ ở Đông Âu, Liên bang Xô Viết và những nước XHCN ở Đông á cũng buộc phải chuyển mình, thậm chí chịu sức ép thay đổi về thế chế, theo đòi hỏi ngày càng gia tăng từ bên ngoài. Quá trình cải cách được ghi nhận như là một làn sóng lớn mang tính toàn cầu vì có sự tham gia của cả các nước phát triển với mục tiêu đem lại sự tăng trưởng ở những quốc gia này. Đến nay, có thể nói hầu hết tất cả các nước đang phát triển đều đang rất nỗ lực nhằm vượt qua những khó khăn và thách thức do làn sóng cải cách đặt ra. Các nước này hiện đang phải đối mặt với yêu cầu cải cách trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Cuộc sống là sự giao thoa của tất cả các lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung lại có bốn lĩnh vực chủ chốt là kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục. Điều đó có nghĩa là một chương trình cải cách toàn diện phải tiến hành trên cả bốn lĩnh vực này.

Do bối cảnh xã hội kém phát triển, quá trình cải cách của các nước thế giới thứ ba có những đặc điểm, nội dung và chiến lược thực hiện hoàn toàn khác với các nước phát triển. Không nhận thức rõ vấn đề này, áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm cải cách của các nước phát triển, nhiều cuộc cải cách của thế giới thứ ba gặp phải những rủi ro không đáng có, do đó, lâm vào tình trạng mất định hướng thậm chí thất bại. Các nhà cầm quyền ở những nước này tiến hành cải cách nhưng lại không dựa trên tiền đề là nhận thức đúng về nhu cầu và bản chất của cải cách. Cho nên, có thể khẳng định rằng những gì mà các nước thế giới thứ ba đã và đang làm, về bản chất không phải là cải cách mặc dù có một số tính cải cách trong chương trình hành động của các quốc gia này. Trên thực tế, đó chỉ là sự thay đổi để tồn tại, là phản ứng bị động của các nhà cầm quyền trước sức ép của cuộc sống. Như đã nói ở trên, về bản chất, cải cách là chủ động, cái gì không chủ động thì không phải là cải cách. Các nước thế giới thứ ba đang thay đổi không theo đòi hỏi mà theo sức ép của cuộc sống. Sức ép và đòi hỏi là khác nhau. Các nước này không nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh của các cuộc cải cách cần cho quá trình phát triển. Họ chỉ làm theo các yêu cầu của các định chế quốc tế mà hoàn toàn không có nhu cầu tự nhận thức về đòi hỏi cải cách, càng không có đủ hiểu biết để biến cải cách thành một chương trình toàn diện. Bởi vậy, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu chiến lược thực hiện và những mối quan hệ nội tại của các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách chính trị và cải cách kinh tế, hai bộ phận chủ yếu góp phần quyết định vào sự phát triển của thế giới thứ ba. Chính trị, kinh tế là các công cụ khoa học hoặc công cụ tinh thần đối với sự phát triển của dân tộc. Các công cụ ấy đều có nghĩa vụ đối với sự phát triển. Bên cạnh đó không thể bỏ qua cải cách văn hóa và cải cách giáo dục. Vai trò của hai cuộc cải cách này mang tính dài hạn hơn vì chúng đảm bảo môi trường tinh thần cho sự phát triển bền vững, đồng thời tạo ra nguồn lực phát triển tương lai cho các nước này.

Bàn về lý thuyết cải cách là bàn về những quy luật chung về cải cách. Đó là tính tiên phong của cải cách kinh tế với vai trò tạo tiền đề cho các cuộc cải cách khác, đặc biệt là cải cách chính trị. Bởi vì cải cách kinh tế nhằm làm cho lợi ích tăng lên mà lợi ích tăng lên thì cuộc sống vật chất được đảm bảo, khi đó con người mới ý thức được và bắt đầu đòi hỏi về những quyền lợi tinh thần của mình. Điều này đồng nghĩa với tính trễ tất yếu của cải cách chính trị so với cải cách kinh tế; nhưng suy cho cùng, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể thay thế cải cách chính trị bằng cải cách kinh tế được. Vì cải cách kinh tế khi đến một giới hạn nào đó sẽ đòi hỏi phải có không gian chính trị rộng hơn để bảo trợ, để cải cách kinh tế tiếp tục diễn ra ở những chặng cao hơn. Nếu không cải cách chính trị thì sẽ đến lúc nảy sinh mâu thuẫn giữa kinh tế và chính trị. Cải cách chính trị là cuộc cải cách trung tâm của toàn bộ chương trình cải cách. Vấn đề tiếp theo cần bàn đến là tính tất yếu phải cải cách văn hóa nhằm tạo môi trường tinh thần cho cải cách kinh tế và chính trị. Môi trường tinh thần là văn hóa có tính lạc hậu tương đối trong tương quan với thực tiễn phát triển, nhưng đến một lúc nào đó thực tế sẽ đòi hỏi phải phá bỏ tất cả những gì kìm hãm phát triển do sự lạc hậu của văn hóa gây ra. Nhu cầu phải cải cách văn hóa chính là phục vụ sự phát triển liên tục của cuộc sống. Cuối cùng là nhiệm vụ của cải cách giáo dục với vai trò là tạo ra con người mới cho những chặng phát triển tiếp theo. Con người là trung tâm của mọi cuộc cải cách, do đó cải cách giáo dục trở thành điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách.

Ý thức được những quy luật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là các nhà hoạch định chương trình cải cách phải nhận ra một đòi hỏi khách quan của thực tiễn khi tiến hành cải cách, đó là tính đồng bộ của các cuộc cải cách. Có thể nói, tính đồng bộ là bản chất của chương trình cải cách triệt để. Tại sao lại khẳng định như vậy? Đó là bởi vì đồng bộ chính là sự có mặt của tất cả yếu tố của cuộc sống trong một chương trình hành động xã hội. Tỷ trọng của các yếu tố có thể khác nhau tuỳ thuộc vào sự khác nhau của các trạng thái chính trị xã hội vào những thời điểm khác nhau. Nhưng nếu không có mặt tất cả các yếu tố của đời sống xã hội trong các chương trình hành động xã hội, tức là trong cải cách, thì không thể gọi là đồng bộ. Cách phân chia thành bốn cuộc cải cách là cách phân chia để dễ phân loại và để dễ tổ chức chương trình. Thực ra, trong mỗi một chương trình đều có tất cả các yếu tố của các chương trình khác, nhưng điều quan trọng là sự có mặt của các yếu tố đó phải đủ để tương thích với các yếu tố khác, các cuộc cải cách khác.

Như vậy, sự đồng bộ của cải cách thể hiện một cách chủ động sự đa dạng tinh thần về mặt nhận thức trong từng cuộc cải cách cũng như toàn bộ chương trình cải cách xã hội. Tính đồng bộ của các cuộc cải cách được hiểu là sự tham gia của các nhân tố mới vào quá trình thực hiện mục tiêu đổi mới nhận thức xã hội. Việc tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách đòi hỏi nhận thức rất toàn diện của các nhà chính trị và tính đồng bộ của các cuộc cải cách được quyết định bởi chất lượng của các nhà chính trị, đầu tiên là chất lượng nhận thức.

Tiến hành thành công các cuộc cải cách và đảm bảo thành công của chương trình cải cách toàn diện là mục tiêu của không chỉ của các chính phủ, những nhà hoạch định chính sách phát triển quốc gia, mà còn của nhân dân với vai trò là trung tâm của các chương trình cải cách, những người thực hiện các chương trình cải cách. Muốn vậy, các quốc gia, các chính phủ cần phải nhận thức đúng về cải cách, về lý thuyết cải cách và phương pháp tiến hành hợp lý và khoa học để đảm bảo đạt được những kết quả như mong muốn. Lý thuyết về cải cách là một bản đồ về những cuộc cải cách cần thiết để một dân tộc phát triển, là một công nghệ để sắp xếp các cuộc cải cách cần thiết, để chỉ dẫn các chặng cũng như lộ trình của quá trình cải cách. Về mặt lý luận, nó sẽ tạo ra sự đồng bộ của một chương trình cải cách toàn diện.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: