Kênh thông tin đang bị lãng phí

04:47 SA @ Chủ Nhật - 20 Tháng Mười Một, 2005

Được coi là một phần bộ mặt của nhà trường, nhưng những website của các trường đại học lại là một vật thể hoàn toàn xa lạ với những sv trong chính ngôi trường đó.

SV thờ ơ với kênh thông tin quan trọng của trường mình

Chi phí để xây dựng một website cho trường được tính bằng con số chục triệu. Số tiền chi ra hàng tháng cho việc thuê server và quản trị trang web cũng không dưới 300 USD. Với sự đầu tư như thế, lẽ ra các website của trường phải nhận được sự quan tâm ủng hộ của SV. Tuy nhiên, sự thực lại không phải như vậy.

Trang web Alexa.com đã có những thống kê sau mỗi 3 tháng cho thấy rằng: bình quân số người truy cập vào các trang web của các trường ĐH ở Việt Nam trong 1 ngày là cực kì thấp so với những trường ĐH học khác trên thế giới. Có những trang web số người truy cập/ngày chưa đạt được đến con số 10 như ĐHSP Hà Nội, ĐH Giao thông - Vận tải, ĐH Kiến trúc, ĐH Ngoại thương... Hai trường có số người truy cập/ngày cao nhất ở Việt Nam là ĐH Bách khoa (xếp hạng 139.144) và ĐHQG (xếp hạng 147.620). Trong khi đó, 2 người bạn rất quen thuộc với chúng ta ở ngay trong khu vực Đông Nam Á là NUS và NTU ở Singapore lại nhận được sự quan tâm rất lớn: NUS xếp hạng 5631 và NTU xếp hạng 16433. Chúng ta có thể so sánh qua biểu đồ sau.

ĐH Bách Khoa Hà nộiĐại học NUS
Tại sao sự khác biệt này lại quá lớn?

Giao diện xấu xí

Các nghiên cứu khoa học cho thấy: 50% cảm tình của bạn về một con người được quyết định bởi ấn tượng ngoại hình của người đó trong lần gặp đầu tiên. Vậy mà rất nhiều các website các trường ĐH lại gây ấn tượng không mấy tốt đẹp với người truy cập ngay từ lần đầu bởi giao diện rất khô khan và kém thân thiện.

Phần lớn các website đều bắt đầu với trang chủ khá đơn điệu, chỉ có tên và biểu tượng truyền thống của trường với chất lượng hình ảnh rất kém. Một điều hay gặp ở hầu hết các trang web này là một tấm ảnh chụp toàn cảnh ngôi trường từ xa. Truy cập vào website của ĐH Thương mại (http://www.vcu.edu.vn/) giao diện chào mừng bạn chỉ là một tấm ảnh chụp trường với chất lượng khá tệ, hình ảnh mờ ảo, màu sắc nhợt nhạt. Trong ảnh là toàn cảnh khuôn viên trường, vài bạn SV đang giả vờ đi lại, nở nụ cười rất ... kịch! Dòng chữ "Trường Đại học Thương mại - Vietnam University of Commerce" với hai màu cơ bản xanh - đỏ chạy ngang màn hình. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với website này là sự qua loa trong thiết kế, và sự hào hứng xem tiếp nội dung trang web chỉ còn non nửa.

Website ĐH Kinh tế Quốc dân

Nhưng không chỉ trang web của ĐH Thương mại mới có cách bố trí vừa khô khan vừa kém thẩm mĩ này. Lướt qua một số các trang web khác, giao diện chào mừng bao giờ cũng chỉ gồm một vài hình ảnh giới thiệu về trường với chất lượng hình ảnh cũng... tệ như vậy. Những hình ảnh này hoặc chạy ngay phía trên cùng cửa sổ (như ĐH Bách khoa, ĐHQG) hoặc được đặt ngay chính giữa màn hình, gây nên một cảm giác cứng nhắc cho SV khi truy cập. Phan Huyền Trang (ĐH KTQD): "Lần đầu tiên truy cập vào website trường mình, tôi thấy nó thật giống như một trang web của các bậc bô lão, không có tí hơi thở nào của tuổi trẻ. Ngoài tên trường và tên các mục chính của website, chỉ có độc nhất tấm hình chụp trường từ xa, 1 cành hoa đào bị ghép hình thô thiển và dòng chữ Kỷ niệm 49 năm. Khủng khiếp hơn là cái nền màn hình màu xanh da trời cực kì lạc hậu!".

Website Học viện Tài chính

Tệ hơn, nhiều trường dùng nguyên cả trang chủ chỉ để trương lên biểu tượng của trường, như website của Học viện Tài chính. Màu sắc chủ đạo trong những website này là xanh da trời sẫm, nâu, vàng nâu, xanh rêu - những màu bị SV đánh giá là không hiện đại và kém hấp dẫn. Trong khi đó, những trang web cá nhân ngày càng nhiều, và hiển nhiên là ngày càng hấp dẫn do được trang trí bởi những gam màu bắt mắt, những hình anime cực xịn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện liên tục của những trang web được design chuyên nghiệp như các báo điện tử, các trang giải trí... Không có gì phải ngạc nhiên khi SV vẫn hào hứng truy cập web, nhưng lại bỏ qua một kênh thông tin (đáng lẽ là) rất quan trọng và sát sườn như vậy.

Nội dung xa lạ với SV

SV không vào website bởi họ không tìm thấy điều gì gần gũi với mình ở đó. Một điều dễ nhận thấy là nội dung website của các trường ĐH nặng về đối ngoại hơn là đối nội. Phần lớn website được dành để giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các phòng ban đoàn thể, lịch sử của trường, các thành tích mà nhà trường đã đạt được... Tuy nhiên, những thông tin đó nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Ví dụ như khi muốn tìm hiểu về các hướng nghiên cứu khoa học của ĐH Thương mại, bạn sẽ chỉ tìm thấy 4 gạch đầu dòng ngắn gọn, không ghi chú, không giải thích. Chuyển qua mục Hợp tác Quốc tế, cũng chỉ có những cái tên trường, không có thông tin gì thêm, đường link cũng không. Và hiển nhiên là SV không mấy hào hứng với những thông tin đó.

Mục Tin tức xem ra là mục được truy cập nhiều hơn cả, mặc dù tốc độ cập nhật thông tin của nó chậm hơn rất nhiều so với các trang báo điện tử chuyên nghiệp. Tuy nhiên, website của trường liên tục đưa lên thông tin về những sự kiện to lớn của đất nước liên quan đến chuyên ngành của mình, nhưng không nhiều trường chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho SV về những hoạt động mà họ đang quan tâm: kế hoạch hoạt động của trường mình, lịch thi, tra cứu điểm thi học kì, những kì nghỉ trong năm, chính sách học bổng... Không phải trường nào cũng làm được như ĐHQG, có hẳn một chuyên mục Dịch vụ, giới thiệu cho SV mới nhập trường thông tin về KTX, bản đồ, hướng dẫn SV nước ngoài nhập học. Những SV khác có thể tìm thấy ở đây thông tin về phòng ở thích hợp, học bổng và giải thưởng nghiên cứu khoa học, cách xin đi học tập ở nước ngoài... Những mục như "Việc làm cho SV" ở website ĐHSP, hoặc "Lịch hoạt động tuần" ở website ĐH KTQD vẫn đang là niềm mơ ước của rất nhiều SV các trường khác.

Diễn đàn - Rối như giao thông đường bộ

Một số các trường đã xây dựng diễn đàn của mình để SV có nơi trao đổi liên hệ trực tiếp với nhau. Tuy nhiên những diễn đàn này đã nhanh chóng bị bỏ hoang ngay sau khi chào đời, vì hai nguyên nhân:

Thứ nhất là cách tổ chức của diễn đàn không rõ ràng và khó theo dõi. Các topic được sắp xếp lung tung, không theo đúng chủ đề. Nhiều khi trong chủ đề này lại có vài bài viết với nội dung chẳng có gì liên quan xen vào. Cách trình bày của diễn đàn không dễ nhìn, hoặc là líu ríu đặc những chữ, hoặc là nhiều chuyên mục còn trùng lặp, làm SV không biết phải vào đâu để tìm được vấn đề mình quan tâm. Vào thăm diễn đàn của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì cách sắp xếp topic đầy ngẫu hứng có một không hai của nó: Nền màu trắng tinh, không có kẻ ô dóng hàng, nhìn chẳng khác gì một bản Word gõ vội. Ai không tinh mắt có thể nhìn hàng nọ xọ hàng kia như chơi. Còn diễn đàn của ĐH Thuỷ lợi lại đánh đố thị lực của SV bằng font chữ vàng trên nền màu xanh da trời rất nhức mắt.

Lí do thứ hai, nội dung của diễn đàn khô khan và không gần gũi với SV. Diễn đàn của ĐH Ngoại thương bao gồm những topic nghe tên rất hoành tráng như "Các vấn đề cơ bản về Logistics", "Các vấn đề về giao dịch điện tử", "Các vấn đề liên quan đến Luật kinh doanh"... Nhưng trong topic chỉ có 1 hay 2 bài viết, đều là của các thầy cô giáo, hầu như không thấy có ý kiến tham gia của SV. Trong khi đó lại không hề có box nào dành cho các vấn đề chung về cuộc sống của SV trong trường, để SV có thể bộc lộ suy nghĩ của mình. Những diễn đàn như thế đã không làm tốt vai trò làm cầu nối trung gian cho SV trong và ngoài trường trao đổi ý kiến và liên hệ với nhau. Nó đã trở thành nơi độc diễn của một vài cá nhân mà không nhận được mấy phản hồi. Một số diễn đàn khác có số bài viết trả lời nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng đa số lại là spam với những câu ngắn ngủn như "Hihi, cám ơn bác nhé!" hoặc "Có thật không thế?", "ý kiến đó hay lắm!". Chấm hết. Diễn đàn của ĐHNN Hà Nội có những topic nghe rất bổ ích như "Cơ hội việc làm", "Cho thuê máy chiếu chuyên nghiệp" ... nhưng nội dung lại chỉ là một thông báo. Vị trí đúng nhất của nó phải là mục Tin tức chứ không phải là 1 vấn đề để đưa ra thảo luận trong diễn đàn. Và cứ thế, rất nhiều các topic được lập ra với 0 bài viết trả lời.

Tuyên truyền kém

Một tham khảo nhỏ chúng tôi thực hiện ở ĐH Thuỷ lợi cho thấy: 14/20 SV được hỏi không biết địa chỉ trang web của trường mình. 2 người biết địa chỉ nhưng chưa vào bao giờ. Người còn lại không biết là trường mình có website. Đó là sự yếu kém trong tuyên truyền ở các trường. Nếu như SV không biết đến sự tồn tại của trang web thì làm sao họ có thể tham gia đóng góp cho trang web trường mình được? Rồi cứ như thế, những trang web được đầu tư tiền của để tạo nên bộ mặt cho trường, cho bản thân thương hiệu SV của trường đó, lại hoàn toàn nằm bên lề cuộc sống của SV.

Nếu cứ như thế này, không biết đến bao giờ kênh thông tin trường tiện dụng và hiệu quả này mới thực sự trở nên gắn bó và hữu ích với đời sống SV?

Góc nói sinh viên

  • Đinh Công Minh (lớp XD7, khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp ĐH Xây Dựng): Tôi có vào địa chỉ website của trường, giao diện và hình ảnh tạm được nhưng nội dung còn sơ sài. Thực sự tôi chưa quan tâm lắm đến nó.
  • Thái Linh (C31 HV Quan hệ Quốc tế ): Mình có đăng ký member của website trường nhưng ít tham gia lắm. Website do các anh chị đi trước xây dựng nên phần lớn là bài viết của các anh chị. Các member mới thì rất ít, mà lại không nhiệt tình. Có lẽ là do những mục gần gũi với SV còn chưa nhiều.
  • Trần Thanh Hương (Anh18, K43E, ĐH Ngoại thương): Tôi mới vào website của trường một vài lần thôi, vì thông tin không cập nhật mấy. Sau cả tuần cũng chả có gì mới.Tôi rất muốn là website có khu vực để SV thực sự trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình, trong forum chẳng hạn.
  • Lê Phước Hạnh (H31 Học viện Quan hệ Quốc tế): Tôi hay tìm thông tin về môn học, những kinh nghiệm từ khoá trước, thông tin về việc làm...trên website. Nhưng thông tin cập nhật chậm, có những tin đăng từ hồi hè đến giờ mà vẫn để trên trang nhất. Điều đó làm cho website mất sức hấp dẫn với người truy cập.
  • Trần Tiến Thành (Điện tử 9 K49 ĐH Bách khoa): Website trường mình khá hấp dẫn và nhiều thông tin. Rất tiện ích cho SV. Hơi tiếc là còn ít người lên website vì việc tuyên truyền cho trang web chưa tốt lắm.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: