Vài suy nghĩ về toán học trong sự phát triển đất nước

03:51 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Hai, 2003

Giáo sư­ Hoàng Tụy, Tạp chí Tia sáng

 1- Chúng ta có chủ trương phát triển công nghệ phần mềm. Đây là một chủ trương đúng đắn, đã được nhiều người trong nước và bạn bè khoa học ở nước ngoài đề xuất từ vài chục năm nay. Cơ sở đề xuất đó dựa trên nhận định đã hình thành từ lâu là Việt Nam có nhiều tiềm năng toán học và cũng đã xây dựng được một lực lượng toán học đáng kể. Rất tiếc điều trớ trêu là tuy xuất phát của chủ trương trên dựa trên đánh giá tiềm năng toán học, nhưng thực tế nhiều năm qua, càng lo phát triển tin học và chú ý công nghệ phần mềm bao nhiêu thì chúng ta càng lơ là toán học bấy nhiêu, dường như có người nghĩ rằng có thể phát triển tin học và công nghệ phần mềm tách rời với toán học, không cần toán học. Tôi chỉ đơn cử một thí dụ: trong hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia ở nhiều nước (chẳng hạn Trung Quốc) đều có phòng thí nghiệm tính toán khoa học (scientific computing). Thực chất là đơn vị chuyên nghiên cứu phần toán học liên quan đến tính toán. ở ta, chẳng mấy ai mặn mà với đề nghị thành lập một phòng thí nghiệm như thế.

Gần đây các báo của ta tuyên truyền nhiều về công nghệ phần mềm của ấn Độ, mỗi năm xuất khẩu hàng tỷ USD, và triển vọng mấy năm tới có thể đưa ấn Độ tiến lên vị trí cường quốc phần mềm trên thế giới. Chúng ta muốn học tập kinh nghiệm ấn Độ, song chỉ chú ý kết quả sau cùng của họ. Còn con đường đi tới kết quả đó, để có được một nền công nghiệp phần mềm như ngày ngay của họ thì chúng ta không quan tâm. Tiện đây xin nhắc lại con đường ấy, để chúng ta rút kinh nghiệm:


Công nghiệp phần mềm của Ấn Độ bắt đầu xây dựng dưới sự bảo trợ trực tiếp của Viện Tata Institute of Fundamental Research ở Bombay là nơi tập trung nhiều nhà toán học Ấn Độ hàng đầu thế giới.
Ấn Độ có truyền thống lâu đời về toán học, và từ 50 năm nay đã là một cường quốc về toán học hiện đại.

Ấn Độ có cả một hậu phương toán học và tin học vững chắc ở Mỹ. Hiện tượng đập vào mắt các nhà khoa học nước ngoài khi đến Mỹ là ở nhiều khoa toán hay tin học và các viện nghiên cứu về những ngành liên quan ở Mỹ, đứng đầu là người ấn Độ hoặc một số khá đông người giỏi là Ấn Độ.

Với các lợi thế ấy, Ấn Độ xây dựng được một nền công nghiệp phần mềm như ngày nay là điều dễ hiểu. Trong khi đó ở Việt Nam, chút ít gì chúng ta đã may mắn gây dựng được theo những hướng ấy trước đây thì nay đang sa sút dần vì chẳng có ai quan tâm. Liệu chúng ta sẽ có cách nào phát triển công nghệ phần mềm mà không cần toán học?


2- Chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh thế giới bước vào nền kinh tế tri thức, mà đặc điểm là vai trò không ngừng tăng lên của trí tuệ. Trong bối cảnh đó, các thành tựu khoa học, công nghệ ngày càng mang theo một hàm lượng lớn về toán học. Có nhiều trường hợp toán học cổ điển không đủ sức giải quyết, dù phải vận dụng đến những máy siêu tính cực mạnh, nên hàng loạt bộ môn toán học mới đã ra đời để đáp ứng những yêu cầu đó. Và cũng không ít trường hợp những bộ môn toán học thuần túy lý thuyết trước đây bỗng trở nên rất đắc dụng.

Trong khung cảnh ấy, muốn du nhập và thích ứng công nghệ tiên tiến, rõ ràng phải có trình độ toán học. Hơn nữa, muốn nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, phải không ngừng tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm xuất khẩu. Có thể chăng thực hiện được điều đó mà không cần phát triển khoa học cơ bản và toán học?

3- Một đất nước muốn tiến lên phồn vinh cần thường xuyên chăm lo để có: Dân trí cao; Nhân lực lành nghề; Nhân tài cao cấp trong mọi lĩnh vực; Bộ máy quản lý có năng lực.

Tất cả các điều kiện trên đều chỉ có thể đạt được thông qua một nền giáo dục tốt được tổ chức, xây dựng phù hợp yêu cầu xã hội hiện đại. Nhưng ở bất cứ nước nào trên thế giới, trình độ và hiệu quả giáo dục cũng phụ thuộc rất nhiều chất lượng giảng dạy các môn khoa học cơ bản và toán học ở mọi cấp học, từ phổ thông, chuyên nghiệp, đến cao đẳng, đại học, về khoa học kỹ thuật và cả nhân văn, xã hội. Cho nên không chăm lo phát triển khoa học cơ bản và toán học thì không thể bảo đảm một nền giáo dục có chất lượng. Kinh nghiệm hai mươi năm qua cho thấy chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy toán học ở mọi cấp học của chúng ta có nhiều phần quá cổ lỗ, lạc hậu, không theo kịp được những bước tiến của thế giới. Ngày nay không có hiểu biết tối thiểu về toán, lý, hóa, sinh, thì thậm chí không thể hiểu và tận dụng được những tiện nghi sinh hoạt và lao động luôn luôn đổi mới, chưa nói thích ứng mau lẹ với những biến đổi nghiệp vụ thường xuyên diễn ra theo đà tiến của công nghệ trong mỗi ngành nghề.

Ngay cả quản lý kinh tế xã hội cũng vậy. Không có tư duy logic, không phân biệt nổi điều kiện "cần" và "đủ". Chẳng hạn, không biết tính toán hiệu quả, thì rất khó quản lý hành chính tốt. Luật lệ, thủ tục rườm rà, vừa không nhất quán, cái nọ hạn chế, phủ định cái kia, mở đường cho quản lý tùy tiện vừa phiền hà nhũng nhiễu dân, lại tạo mọi kẽ hở cho kẻ gian phạm tội (chế độ tài chính, trả công cho người lao động của ta hiện nay như vậy). Từ những việc cụ thể về quản lý đô thị (đánh số nhà, mạng lưới điện, mạng lưới cấp thoát nước, mạng giao thông trong thành phố, v.v.) cho đến những chuyện lớn hơn như các quyết định đầu tư (điển hình là xây dựng vô tội vạ để rồi đóng cửa hàng loạt nhà máy đường thua lỗ ở các địa phương thời gian qua), lựa chọn các chính sách kinh tế, v.v. Nói chung, có quá nhiều chuyện bê bối, giải quyết kém hiệu quả, lãng phí to lớn, một phần quan trọng cũng do dân trí và trình độ quản lý của các cơ quan quá thấp, không có thói quen tư duy logic, tư duy hiệu quả, tối ưu, hợp lý. Đã có thời đọc báo chúng ta bắt gặp những tính toán kinh tế dựa trên đồng tiền quái gở "rúp - đôla", và cả những cuộc thảo luận quay "hộp đen" để đẩy mạnh sản xuất phát triển, ấy thế mà phải mất bao nhiêu thì giờ mới rút được bài học. Đương nhiên bây giờ đã khác nhiều, nhưng cũng không nên vội nghĩ những việc tương tự không còn có thể xảy ra nữa.

  4- Nên bớt chủ quan và tỉnh táo hơn khi đánh giá trình độ toán học của ta so với các nước trong khu vực. Trong vài chục năm gần đây, có thể nói trên mặt trận toán học chúng ta đã lùi dần và rời bỏ một số vị trí quan trọng, nhường chỗ cho Singapore, Hongkong, Hàn Quốc. Các nhà toán học giỏi có tâm huyết đã "kêu cứu" liên tục, nhiều năm, nhưng vô vọng. Ngay cái việc đơn giản là để tận dụng trí tuệ toán học trong nước đã tích lũy được, khắc phục một phần sự lão hóa nhanh, cả về tuổi tác lẫn sức sáng tạo, của đội ngũ toán học của ta, giới toán học đã có đề nghị một biện pháp khẩn thiết mở một trung tâm đào tạo cao cấp về toán học ứng dụng. Thế mà cái yêu cầu nhỏ nhoi đó, tính ra có tốn kém là bao, cứ nằm im trên giấy từ 5 năm nay. Trong khi ở các cơ quan nghiên cứu và đại học của một số nước trong khu vực thấy cái không khí tuổi trẻ hăm hở, sung sức, hăng hái và đầy tham vọng chiếm ưu thế thì ở Việt Nam, nhìn vào các cơ quan khoa học của ta chỉ thấy một mầu những mái đầu bạc hay lốm đốm bạc, cùng một số người tuy chưa già dặn gì trong khoa học mà tuổi đời đã không còn trẻ. Theo sự đánh giá của tờ Asiaweek cách đây không lâu, đại học quốc gia của ta xếp thứ 62 trên 65 trong khu vực, cái ngôi thứ ấy tuy chưa có căn cứ đáng tin cậy lắm, cũng không thể coi là vinh dự được. Nếu chỉ so sánh các khoa toán, tôi e rằng chúng ta vẫn thua bạn bè.

Ta thường tự hào về những giải thưởng Olympic quốc tế, nhưng xin nói thật: các giải thưởng ấy, dù rất đáng tôn trọng song không có ý nghĩa nhiều như ta tuyên truyền. Và tôi thà đổi lấy tất cả các giải thưởng ấy để có một đội ngũ làm toán trẻ trung, sung sức, thật sự say mê làm khoa học một cách nghiêm túc để cống hiến, chứ không chỉ biết hướng cả sức lực tuổi trẻ vào việc luyện tập thi đấu giật một giải thưởng quốc tế trình độ phổ thông, xong rồi học gì và ra đời làm gì chẳng ai biết. Một xã hội chỉ chạy theo danh hão không thể gọi là một xã hội văn hiến. Không có nước văn minh nào mà trên mặt báo hay các buổi lễ long trọng xuất hiện một mật độ học vị, bằng cấp, chức danh khoa học dày đặc nhưng không mấy tương xứng với thực chất như ta.

Trong khi đó ta đã lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực về các mặt quan trọng: Giảng dạy toán học ở cấp phổ thông và đại học; Tổ chức nghiên cứu toán học nghiêm túc; ứng dụng toán học.

Xin hãy bớt thì giờ thảo luận những vấn đề to tát, nhưng quá chung chung, về chiến lược, quan điểm, phương châm, v.v..., mà dành nhiều thì giờ, công sức, điều kiện vật chất, đầu tư các mặt hoạt động thiết thực. Điều chua xót là dường như càng bàn thảo nhiều về giáo dục thì giáo dục càng bị bỏ mặc để lún sâu hơn vào thương mại hóa, càng bàn nhiều về tầm quan trọng của khoa học cơ bản thì khoa học cơ bản càng được ít người quan tâm. Khi chỉ có những ngành bị bỏ rơi ngồi lại than thở với nhau, còn các cơ quan hữu trách không chịu khó lắng nghe tìm hiểu thực chất những lời than đó có gì đáng suy nghĩ, thì rốt cuộc hội thảo là hội thảo, ai nói cứ nói, ai làm cứ làm. Và tất nhiên, con cháu chúng ta sau này sẽ thiệt thòi nhiều nhất vì sẽ phải trả giá đắt cho sự thiển cận của cha chú.

Tôi nhớ hồi mới thành lập Trung tâm Phân tích Hệ thống ở Viện Quản lý Kinh tế  trung ương cách đây gần hai mươi năm, những người nghiên cứu hệ thống đã từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng then chốt của kết cấu hạ tầng và cơ chế quản lý, nhưng không được mấy ai nghe. Đến khi mở cửa và hội nhập các vấn đề ấy mới dần dần được nhận thức rõ, và mỗi ngày càng rõ hơn, cho đến hôm nay thì đã rõ ràng là chuyện thời sự của xã hội. Nhưng ở đây kết cấu hạ tầng không nên hiểu chỉ có giao thông, đường sá, điện lực, bưu điện, viễn thông,... mà còn có giáo dục, y tế, cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ... Giáo dục và y tế đã có thời được chú ý, vì mọi người ý thức được tầm quan trọng cơ bản của các ngành ấy đối với tương lai dân tộc, còn bây giờ bị thả nổi, vì trong kinh tế thị trường được hiểu một cách lệch lạc, ai cũng muốn xếp nó vào phạm trù hàng hóa để bán chác trao đổi. Khoa học cơ bản   cũng lâm vào tình cảnh ấy. Trước kia, ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, khoa học cơ bản vẫn phát triển, vì hồi ấy chúng ta biết nhìn xa, trông rộng, tin tưởng ở chiến thắng và lo nghĩ đến tương lai con cháu sau khi nước nhà độc lập, thống nhất. Còn bây giờ, đối với nhiều người, mối quan tâm dường như đã chuyển hướng. Khi chúng ta đã không ngần ngại đi vay tiền thuê nhiều "chuyên gia" nước ngoài cố vấn cả việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa trung học cơ sở (!), với mức lương gấp hơn trăm lần mức lương cao nhất của các nhà khoa học của ta, thì trách gì khoa học không mòn mỏi sống dở chết dở. Nhà giáo còn có thể dạy thêm, luyện thi, thầy thuốc còn khám, chữa bệnh tư được, chứ nghiên cứu toán học thì ai cần. Cho nên việc nghiên cứu toán chưa kiệt quệ còn là may. Âu cũng là một an ủi, vì ít ra nó cũng chứng minh phẩm chất của đội ngũ toán học đã được đào tạo và rèn luyện trong một thời kỳ hoàng kim.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: