Từ sự mơ hồ của một khái niệm
Ít nhất là năm năm trở lại đây, trên các văn bản và các bài báo, đã lưu hành một khái niệm giáo dục dần dần trở thành quen thuộc, đó là khái niệm "đa ngành, đa lĩnh vực". Khái niệm này được ứng dụng cho các trường đại học, đặc biệt là cho mô hình giáo dục được cho là đổi mới: đó là mô hình đại học quốc gia. Đa ngành, đa lĩnh vực được xem là ưu thế, ưu điểm của mô hình này, là tính chất tiên tiến, hiện đại của nó. Tuy khái niệm này được lưu hành rộng rãi lâu nay, song tôi nhận thấy chưa có một văn kiện chính thức hay công trình lý luận nào về giáo dục đại học giải thích rõ hàm nghĩa của khái niệm quan trọng này và tôi cho rằng cho đến nay đối với rất nhiều người, đây còn là một khái niệm khá mơ hồ.
Trước hết, thường mỗi khái niệm mang một thuật ngữ tương ứng. ở đây, khái niệm có hai thuật ngữ: đa ngành, đa lĩnh vực. Hai cái "đa" này là đồng nghĩa chăng? là đồng vị chăng? Thí dụ như nói rằng: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực thì phải chăng có thể rút gọn lại mà nói đó là trường đại học đa ngành là đủ rồi, nếu "đa ngành" cùng đồng nghĩa là "đa lĩnh vực"?. Hay vì gọi "đa ngành" chưa hết nghĩa cho nên phải thêm vào mấy chữ "đa lĩnh vực", như một sự bổ nghĩa thêm, một đồng vị ngữ? Hoặc giả "ngành" và "lĩnh vực", là hai khái niệm có hai hàm nghĩa khác nhau, lĩnh vực được xem là rộng hơn ngành? Tôi nhớ lại tiêu đề cuộc hội thảo đầu tiên về mô hình đại học đa lĩnh vực tại TP Hồ Chí Minh năm 1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chữ này được chú bằng tiếng Anh là multidisciplinary và tiếng Việt thì gọi là đa lĩnh vực. Thế thì đa ngành, đa lĩnh vực chỉ là một hay là hai? Quả thực, trong đầu óc của những người đề xuất ra khái niệm này, hình như ranh giới cũng chưa lấy gì làm rõ ràng. Quả như Khổng Tử ngày xưa đã nói: "Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thiện tắc sự bất thành...". Thế mà lạ thay, ít nhất là 5 năm nay rồi, ở bậc đại học cao nhất của ngành giáo dục, người ta lại bằng lòng với một khái niệm mơ hồ như vậy. Chả trách mà "sự bất thành", đã làm đi rồi làm lại mà đến nay vẫn chưa xong cái mô hình đại học quốc gia!
Theo tôi hiểu thì khái niệm đa ngành xuất hiện và thông dụng là do sự phát triển của các khoa học sang thời hiện đại đã phân hóa thành quá nhiều ngành khác nhau, xa nhau, nên có nhu cầu tích hợp lại thành các nhóm liên ngành, phối hợp với nhau hoặc xuyên ngành, thâm nhập vào nhau. Xu hướng này trong khoa học cũng tác động vào trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Từ chỗ các trường đại học trước kia có xu hướng phân chia thành các ngành đào tạo riêng biệt (đơn ngành hóa), đã xuất hiện một xu hướng ngược lại. ở nhiều nước, người ta chủ trương không quá phân biệt các ngành đào tạo với nhau mà ở các trường đại học nên đào tạo nhiều ngành liên kết với nhau (đa ngành hóa). Theo tôi hiểu, chủ trương này thể hiện trước hết trong mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo ở đại học: đó là không nên đưa sinh viên đi vào chuyên ngành quá sớm và quá hẹp mà sau một trình độ trung học phổ thông toàn diện và vững chắc; nên đào tạo cho sinh viên một trình độ khoa học cơ bản và kỹ thuật cơ sở tương đối rộng có tính chất đa ngành, liên ngành, trước khi đi vào phân ngành, chuyên ngành. Xu hướng đào tạo này đáp ứng tình hình kinh tế xã hội và khoa học công nghệ hiện đại đang biến động rất nhanh chóng, giúp cho sinh viên khi ra trường có thể chủ động, sáng tạo thích ứng với nhu cầu công việc và nghề nghiệp trong cuộc sống, không đóng khung trong một ngành nghề được đào tạo sẵn ở trường đại học. Sinh viên ở các trường đại học phải được chuẩn bị các điều kiện không chỉ để ra đời đi vào một ngành nghề nào đó nhất định mà có thể tiếp tục học tập suốt đời để theo kịp đà tiến của xã hội và khoa học, nếu cần thì có thể chuyển từ nghề này sang nghề khác, ngành này sang ngành khác, đặc biệt là các nghề kế cận, tương tự có khi là các nghề rất khác, rất xa với chuyên môn đào tạo vốn có của mình. Theo nhận thức của tôi thì xu hướng này đúng là rất mới mẻ, hiện đại, vốn được gọi là xu hướng đào tạo theo diện chuyên môn rộng (Large profile) hay còn gọi là cơ bản hóa (Fundamentalisantion). Để thực hiện nó cần có sự nghiên cứu rất kỹ và thiết kế rất đúng, nếu không thì sẽ sa vào tình trạng "phổ thông hóa đại học" và "đại học hóa phổ thông" như ta đã làm với các trường đại học đại cương trước đây.
Cũng cần phải nói rằng về triết học giáo dục thì xu hướng nói trên phù hợp với quy luật của giáo dục không chỉ của thời đại ngày nay mà của mọi thời đại. Đó là sự kết hợp biện chứng giữa uyên (sâu) và bác (rộng), giữa diện và điểm, giữa nền vững và đỉnh cao, giữa tiềm năng và thực lực...
Vận dụng quy luật này là nhiệm vụ của giáo dục với tư cách là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật.
Như vậy, đa ngành hóa giáo dục đại học theo tinh thần như trên trước hết là một nguyên lý giáo dục. Quán triệt nguyên lý này vào thực tiễn đòi hỏi nhiều sự đổi mới, trong đó có sự đổi mới thích hợp mô hình tổ chức đại học. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nhất thiết phải xáo trộn, đảo lộn mô hình tổ chức đại học hiện hành, lắp ghép các đại học nhỏ được gọi là đơn ngành lại thành một đại học to gọi là đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng cách làm đó là sai lầm. Tôi nhận thấy trong lúc ở bên trên thì hình thành các đại học to gọi là đa ngành, song bên dưới ở các khoa và các bộ môn thì vẫn tiếp tục phân hóa thành từng ngành nhỏ gọi là chuyên ngành. Thí dụ: sinh viên ngành ngữ văn khi ra trường không những chia thành chuyên ngành ngôn ngữ, văn học và Hán Nôm mà còn kèm theo chuyên ngành báo chí nữa. Đó là tôi lấy một ví dụ có chừng mực nhất. Nhìn vào đại học của chúng ta thì không những đại học quốc gia là đa ngành, đa lĩnh vực mà toàn bộ đại học của chúng ta đều đa ngành, đa lĩnh vực, theo ý nghĩa là chia nhỏ ra thành bao nhiêu ngành manh mún khác nhau, không theo một cấu trúc, hệ thống nào cả. Có thể nói không quá đáng rằng sự phân loại và hình thành các ngành đại học của chúng ta hiện nay (tôi chỉ nêu trong các ngành khoa học xã hội, mà chắc là trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ cũng vậy) là cả một sự hỗn loạn, tùy tiện, không có quy hoạch nào cả. Nếu cần đạt yêu cầu đa ngành, đa lĩnh vực theo kiểu đó thì cứ như hiện nay đại học của ta thật là "đa" quá rồi, hà tất phải lập các trường đại học quốc gia mới thực hiện được đa ngành, đa lĩnh vực! Sự thực là trong lúc ta hô hào đa ngành hóa giáo dục đại học thì trên thực tế lại đang tiếp tục đơn ngành hóa một cách khốc liệt. Về mặt này, các đại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không cạnh tranh nổi với các trường khác ngoài đại học quốc gia, nhất là các trường đại học dân lập mới ra đời. Họ nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của xã hội để thu hút sinh viên vào các ngành "hấp dẫn", "câu khách" như tin học, điện tử, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, v.v. Không cần qua khâu đào tạo cơ bản, thậm chí không cần đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn xứng đáng. Nếu nhìn gần thành quả của kiểu đào tạo này, những người có hiểu biết về khoa học và giáo dục hẳn có thể kêu lên hai tiếng: trời ơi!
Trong lúc đó thì các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục của chúng ta ở bên trên cứ lúng túng như gà mắc tóc trong cái mô hình đại học quốc gia "đa ngành", "đa lĩnh vực", tiến thoái lưỡng nan trong cái mô hình rối rắm do chính mình bày ra, "bỏ thì thương, vương thì tội"...
Tôi cho rằng cần suy nghĩ lại, suy nghĩ thêm, suy nghĩ đúng về hàm nghĩa chân chính của khái niệm "đa ngành, đa lĩnh vực" như là một nguyên lý giáo dục đại học hiện đại, từ đó tiến hành chấn chỉnh từng bước hợp lý không chỉ mô hình đại học quốc gia hiện nay và toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của chúng ta, trong một dự án cải cách giáo dục đại học toàn diện, ít nhất là cho thời gian 2001-2002, tương ứng với chiến lược kinh tế - xã hội mà Hội nghị Trung ương vừa qua đã kiến nghị với Đại hội IX sắp tới của Đảng.
Trần Thanh Đạm (Báo Văn nghệ)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm