Trường ca của Trịnh Công Sơn: Dã Tràng Xe Cát

05:25 CH @ Thứ Bảy - 04 Tháng Tư, 2009

>> Xem:

Rất nhiều người biết và thuộc các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ ít người biết anh đã viết trường ca "Dã tràng ca". Anh Trịnh Xuân Tịnh nói: "Anh tôi đã viết trường ca này lúc ngoài hai mươi tuổi, bản chính hiện đang được gia đình lưu giữ".

Theo hồi ức của họa sĩ Đinh Cường thì mùa hè 1964, trong lễ ra trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã dàn dựng và cùng bạn bè hát rất thành công bài trường ca. Các bạn của Trịnh Công Sơn đã cả quyết: "Trường ca Tiếng hát Dã Tràng là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của anh sau này". Rất tiếc bài ca này đã thất lạc nhiều năm.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ huy ban hợp xướng trình diễn Trường ca "Tiếng Hát Dã Tràng"
trong Đại nhạc hội lần thứ nhất trường Sư phạm Quy Nhơn tổ chức (1964)

Trường ca Tiếng Hát Dã Tràng về hình thức là một bài thơ dài, thể hiện đầy đủ phong cách ca nhạc Trịnh Công Sơn, là bài hát về thân phận dã tràng, sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu. Trường ca chính là một dự báo sớm thiên tài âm nhạc họ Trịnh.

Do hoàn cảnh thực tế gia đình, do ảnh hưởng Phật giáo hấp thụ từ nhỏ, do sách báo, âm nhạc ngoại quốc du nhập Nam Việt Nam, tư tưởng Trịnh Công Sơn trong bài nhuốm màu triết lý về thân phận làm người. Kiếp người là vô nghĩa, con người là khổ đau, chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt nỗi đau khổ. Về sau anh phát triển thêm, con người muốn bớt khổ đau phải có nhau, phải biết thương nhau "sỏi đá cũng cần có nhau". Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: "Trường ca là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường".

Trường ca được Trịnh Công Sơn viết trong giai đoạn sa sút nhất về tinh thần và vật chất. Những người hiểu hoàn cảnh bi đát, vô vọng của Trịnh Công Sơn lúc đó mới hiểu được Trường Ca và biết được vì sao ông không muốn nhắc đến giai đoạn Quy Nhơn để tránh hiểu ông là người bi quan, yếu đuối.

Dã tràng ca gồm chương Dã tràng 1: Lời biển vọng, Tiếng hát của dã tràng - bể cát và thân phận đó, Bãi cát chiều và lời vỗ về của người khách lạ, Niềm đau vô vàn của thân phận, Lời nói trên không.

Chương Dã tràng 2: Tuổi 20 vào đời, Niềm đau khoảng không, Bốn mùa và tuổi đó, Chốn nương náu, Lời buồn thánh, Bốn mùa là niềm vô vọng, Ngỏ ý, Chốn ẩn trú cuối cùng (Tình yêu mọc cánh thiên thần).

Ca sĩ Ánh Tuyết bằng khả năng và tấm lòng trân trọng của mình đã từng dàn dựng trường ca này tại phòng trà ATB vào đêm 1 và 2/4/2004 kỷ niệm 3 năm ngày mất của nhạc sĩ. Và năm nay 1/4/2009, ca sĩ Ánh Tuyết và nhóm ATB cũng tổ chức Đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Nhà hát Hòa Bình và lần nữa giới thiệu rộng rãi trước công chúng Trường ca Tiếng hát Dã Tràng...

Chungta.com xin đăng tải toàn bộ trường ca này:

Chương 1: Dã Tràng Ca

Lời Biển Vọng

Dã tràng xe cát biển Đông
Dã tràng dã tràng dã tràng xe cát biển đông
Dã tràng, dã tràng dã tràng xe cát hoài công
Trùng dương ơi mấy ngàn năm
Gọi miên man cho sóng triều lên
Quên dã tràng ngày đêm xe cát
Trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên
Gọi cơn sóng đau khi sóng triều lên
công dã tràng muôn đời vỡ tan
Trùng dương, trùng dương gọi xa còn nhớ
Trùng dương đưa sóng vào bờ
Ngày đêm nghe nắng nghe mưa
dã tràng vẫn đem hoài công
Hải đăng mắt đêm gọi mãi
Trùng dương đưa sóng vào bờ
Đùa lên biển cát hoang vu
xóa từng mảnh công dã tràng
Dã tràng khóc cho thân mình
Trùng dương trùng dương gợi xa còn nhớ
Trùng dương ..... nhớ ....

Tiếng hát của dã tràng - bể cát và thân phận đó

Khi mưa lên, khi nắng về,
khi sương rơi, khi thu buồn,
khi chim én bay vào mùa xuân,
mình tôi đi, triền núi đến,
tôi xe cát nghe thân lưu đày,
mình tôi đi, làn sóng đến,
nghe công vỡ cho thân ru mềm.
Trùng dương ơi đã mấy ngàn năm,
gọi miên man cho sóng triều lên,
quên dã tràng đêm ngày xe cát,
trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên,
gọi cơn đau khi sóng triều lên
công dã tràng muôn đời vỡ tan .

Bãi cát chiều và lời vỗ về của người khách lạ

Này dã tràng ơi nghe thân lưu đày,
ngàn năm còn mãi, ngàn sau còn mãi
cho vai thêm gầy khi nắng khi mưa .
Trùng dương lên, trùng dương lên,
bờ cát trắng, bờ cát trắng,
trùng dương lên gọi mây thêm cho sóng cuồng nộ

Niềm đau vô vàn của thân phận

Thôi còn gì nữa đâu, còn gì nữa đâu,
xác dã tràng trắng bể thù sâu
Không còn gì nữa đâu
còn dài mãi sau đời lên cơn đau

Lời nói trên không

Trùng dương ơi đã mấy ngàn năm
gọi miên man cho sóng triều lên
quên dã tràng đêm ngày xe cát .
Trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên
gọi cơn đau khi sóng triều lên
công dã tràng muôn đời vỡ tan

Chương 2: Dã Tràng Ca

Tuổi 20 vào đời

Khi tôi nghe đời gọi, chân bước vô không ngập ngừng
khi tôi nghe đêm dàị, lòng hoài mong ánh sáng
khi hai mươi tuổi rồi, có những đêm chong đèn ngồi
chợt nhìn sâu đêm tôi, chợt hồn nghe tiếng nói dã tràng
dã tràng dã tràng xe cát biển đông
dã tràng dã tràng dã tràng xe cát hoài công

Niềm đau khoảng không

Từ đó tuổi hai mươi không còn biết vui
Từ đó đêm suy tư cho đời lắng sâu,
những đêm khuya về rã rời,
bàn tay hoang vu gọi mãi,
gọi vào niềm không buốt đau,
gọi vào ngày sau nhớ nhau

Buồn vui và tuổi đó

Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng,
tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn,
tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố,
xuân hạ thu đông theo gót chân hờ

Chốn nương náu

Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu,
sáng lên đồi núi bắt loa gọi vào tình yêu

Lời buồn thánh

Ôi ! thiên đàng thuở nhỏ, ngai vàng từ thuở
thuở mới sinh ra trời đất là nhà
nay đã mất rồi trong tuổi đôi mươi
Ngai vàng đã mất lâu rồi
thân dày dấu trong môi cười
tay dài gối giấc ngủ vùi
nghe mình hóa thân lâu rồi


Bốn mùa là niềm vô vọng

Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng
tôi gọi cơn đau cho nước về nguồn
tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố
dã tràng hai tay với tháng năm chờ

Ngỏ ý

Còn gì đâu, còn gì đâu mà không thương nhau
Niềm hoang vu gói đầy mắt dại
Niềm cô đơn như mây ngàn tới
còn gì đâu còn gì đâu mà không thương nhau

Chốn trú ẩn cuối cùng
(Tình yêu mọc cánh thiên thần)

Tên tháng ngày viết trên môi cười
đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu
nghe dã tràng, xuống hai vai gầy
đốt cơn buồn, đi đến tình yêu
Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu
Ta ra ngàn lối bắt loa gọi vào tình yêu

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Clip và bản dịch bài thơ ‘Đợi Anh Về’

    19/05/2020Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất ThịnhBức tranh trên cát không như bức tranh tĩnh mà là cả một câu chuyện tình cảm động trong Chiến tranh vệ quốc. Qua clip này, chúng ta cảm nhận được nhiều hơn về bài thơ Đợi Anh Về của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp (bản dịch của Tố Hữu, bản dịch lại của cha con tôi)...
  • Vì vốn dĩ cuộc đời là thế

    28/02/2019Siêu nhânTheo chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát Để gió cuốn đi mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Trên đời này, không có gì là mãi mãi, không có gì là không phôi phai. Tiền bạc: Hôm nay có, ngày mai mất...
  • 'Я вас любил' - 'Tôi yêu em', bài thơ không hình ảnh

    20/04/2014Ngô Tự Lập"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò...
  • Với piano tôi hoàn toàn là chính mình

    27/02/2007Nguyễn Thị Minh Châu thực hiệnTôi vẫn bướng bỉnh như xưa và chắc sẽ không bao giờ thay đổi một điều: không gì đánh đổi được tự do cá nhân. Với tôi chẳng gì bằng được làm theo ý mình, sống theo cách của mình, ai nói gì cũng kệ! Tôi bây giờ đằm tính hơn, nhìn đời điềm tĩnh hơn, biết giữ cân bằng giữa cảm tính và lý tính. Đấy là nét thay đổi không chỉ trong đời thường mà cả trong cách chơi đàn...
  • Rock Việt - cái nhìn của người trong cuộc

    13/11/2005Rock không phải là sự nổi loạn, đập phá. Nó chỉ là âm nhạc của sự phơi bày bức xúc, của sự thật mà thôi. Phóng viên điều tra để phơi bày sự thật - rock cũng vậy. Chỉ có điều thay bằng viết - họ hát!