"Tôi cần phải quyết liệt hơn"
Phóng viên (PV): Giáo dục là một ngành không tự thân tồn tại mà theo những nhu cầu nhất định của xã hội với mục tiêu đào tạo ra những sản phẩm có thể đáp ứng được những yêu cầu nhất định. Và nếu có những gì khúc mắc thì phải chăng nên tìm căn nguyên của những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của ngành Giáo dục trong chính hiện trạng xã hội ta? Ví dụ, xã hội nếu chỉ cần những trí thức được trang bị bằng những loại bằng cấp khác nhau thì dù Bộ Trưởng Nguyễn Minh Hiển có muốn hay không, nhưng mặc nhiên bộ máy giáo dục lập tức sẽ cho ra lò hàng loạt ông cử, ông nghè bằng cấp sáng choang nhưng thực chất tri thức, năng lực sáng tạo thế nào thì chưa ai rõ. Hoặc khi xã hội cần những tri thức thực tài thì giáo dục sẽ chú trọng vào việc đó. Nhìn từ góc độ này, chuyện nảy nòi ra quá nhiều bằng cấp hiển nhiên không chỉ là lỗi của ngành Giáo dục mà chúng ta phải nhìn sâu xa hơn trong công tác chọn người tài, công tác chọn cán bộ của chúng ta.
Bộ Trưởng Nguyễn Minh Hiển (BT NMH): Rõ ràng, xã hội cần nguồn nhân lực như thế nào thì giáo dục phải định hướng theo cái đó, đó là cốt lõi của vấn đề. Hiện nay có một vấn đề lịch sử là nhu cầu nhân lực xét trên cái tổng thể với mong muốn của từng cá nhân, từng gia đình còn có những cái chưa trùng khớp lắm. Thí dụ, hiện nay người ta đang phê phán nhiều về tâm lý coi trọng bằng cấp, nhưng thực ra ngay trong tiềm thức của chúng ta vẫn quan niệm càng học cao càng tốt, điều này trong chừng mực nào đó cũng có cái lý của nó. Nhưng trong điều kiện hiện nay, khi đang có những biến đổi sâu sắc cả về mặt kinh tế và xã hội, tôi nghĩ, cái nhận thức đó cũng cần phải thay đổi. Trách nhiệm cuả ngành Giáo dục là phải làm sao cho xã hội hiểu được điều đó. Hơn nữa, công tác cán bộ của chúng ta cũng cần có những thay đổi cho phù hợp, nhiều khi hơi nặng quá về vấn đề bằng cấp cũng gây nên những tác động đối với xung quanh. Tất nhiên, tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với công việc của tổ chức khi cân nhắc đề bạt 2 người cùng vào một cương vị nào đó thì chọn người có bằng cấp cao hơn, việc này có cái lý của nó, nhưng có lẽ nên đi vào thực chất xem con người như thế vào một vị trí như thế thì có phát huy được không.
PV: Ông có cảm giác rằng trong những năm gần đây, một bộ phận nào đó trong ngành Giáo dục đã bị cơ chế thị trường lợi dụng trong việc cấp nhiều văn bằng, chứng chỉ cho những người thực chất là không xứng đáng. Người tài thực sự thì họ đi sâu vào chuyên môn của họ và không có thời gian để thực hiện hết thảy những thủ tục hành chính quan liêu để được dán nhãn bằng cấp Cho nên thông thường những người thực hiện hết những thủ tục đó thì lại không phải những chuyên gia giỏi nhất .Với cương vị của người đứng đầu ngành, ông có thấy trách nhiệm của mình trong đó, và liệu chúng ta sẽ làm được gì để khắc phục tình trạng này trong tương lai? Ông suy nghĩ thế nào về cái mà chúng ta đang lo lắng là việc thương mại hóa giáo dục ?
BT NMH: Khi chúng ta chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thì các ngành đều phải chuyển, nhưng thực sự trong lĩnh vực kinh tế, tôi thấy rõ ràng chuyện đó thuận lợi hơn, còn các lĩnh vực xã hội thì khó hơn, thực sự mà nói còn rất lúng túng. Chuyển như thế nào để vừa giữ được mục tiêu XHCN với những gì tốt đẹp của thời kì trước. Bên cạnh đó, cũng lại phải thích ứng với cơ chế kinh tế mở, không phải Nhà nước cứ đứng ra bao sân hết tất cả. Phải nói là chủ trương xã hội hóa giáo dục rất đúng và chúng tôi hiện nay rất ủng hộ và phải làm mạnh hơn nữa, nhưng do quản lý không chặt chẽ và chưa có kinh nghiệm, thành thử có những nơi này nơi kia quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc lợi dụng mong muốn học hành của con em để làm những điều không tốt, mà gọi chung là thương mại hóa giáo dục, trong đó có chuyện văn bằng chứng chỉ giả như anh vừa nói. Cái này thì không phải chỉ mới xuất hiện 2-3 năm nay mà ngay từ Nghị quyết T.Ư II khóa VIII đã tổng kết, đánh giá và nhấn mạnh việc chống lại thương mại hóa trong giáo dục, tức là việc lợi dụng một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích lĩnh vực này để làm giàu không chính đáng. Cái đó một phần lỗi là do quản lý của ngành chưa nhạy bén, chưa theo kịp, các giải pháp chưa phù hợp, chưa kịp thời, rồi khi phát hiện thiếu sự kiểm tra, thanh tra, uốn nắn nghiêm túc, có tác dụng ngăn chặn Cho tới hôm nay, việc này vẫn là một bài toán hết sức nan giải.
PV: Trong một lần trả lời phỏng vấn, giáo sư Văn Như Cương có nói một câu mà được nhiều người ca ngợi , đại ý rằng, nếu ông được cử làm Bộ trưởng Bộ GD – ĐT thì việc đầu tiên ông làm là từ chức ngay. Thế nhưng, nhìn từ góc độ khác thì đấy là một câu nói chưa thể hiện ý chí của kẻ sĩ. Việc đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng trong hoàn cảnh hết sức phức tạp hiện nay là một hành động dũng cảm và có trách nhiệm của người trí thức, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chứ không phải lúc nào cũng chỉ là một sự tham quyền cố vị. Tôi muốn hỏi rằng trên cương vị Bộ trưởng, cái gì là khó khăn nhất đối với ông mà cơ chế cũ đã để lại cho ông? Hay là ông cảm thấy tất cả đều thuận lợi, và những gì ông chưa làm được là do yếu tố chủ quan trong con người ông?
BT NMH: Về phát biểu của một số đồng chí thì tôi rất khó có bình luận gì, vì đấy là quyền của họ. Nhưng tôi luôn bình tĩnh lắng nghe mọi ý kiến khác nhau với tinh thần hết sức cầu thị, lọc trong những điều đó cái gì hợp lý, nếu mình có những yếu kém bất cập thì sửa. Còn đánh giá về công việc, hoàn thành trách nhiệm mình được giao đến đâu thì tôi nghĩ là ý kiến của các giới trong xã hội, của công luận rất quan trọng, nhưng dù sao thì còn có những đánh giá chính thức khác của tổ chức, của những người mà tôi cho là rất am hiểu công việc, biết rõ tôi làm được gì, những gì tôi chưa làm được Đối với những đánh giá chính thức đó, chúng tôi luôn luôn phải theo.
PV: Cũng không ít người chân chính và có trí tuệ đánh giá rằng con tàu giáo dục đã đến lúc quá rệu rã và ông Hiển được trao nhiệm vụ làm thuyền trưởng. Và trong những điều phê phán Bộ GD – ĐT, ông Hiển cũng bị oan rất nhiều. Bất kỳ ai đó không được toàn quyền làm bất kỳ những gì mình khát vọng thì không thể thay đổi được bao nhiêu. Bộ trưởng chỉ có thể chữa chỗ này thì lại hỏng chỗ khác. Ông có nghĩ rằng với cỗ máy đó, chúng ta phải bỏ hết đi, tháo hết ra và phải bắt đầu từ những chiếc đinh ốc đầu tiên không?
BT NMH: Tôi nghĩ rằng, và cũng như tôi đã báo cáo ở Quốc hội, thực trạng giáo dục của chúng ta hiện nay không đến nỗi bi quan như vậy. Thật sự mà nói, bên cạnh những yếu kém bất cập thì chúng ta đã làm được nhiều việc. Tôi nghĩ tình hình giáo dục hiện nay có những mặt rất tốt, những nhân tố mới, điều đó rất đáng mừng. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn ý thức được những cái bất cập, thậm chí như anh nói là rệu rã. Chứ còn đặt vấn đề nó có phải là do cả một quá trình để lại hay không thì tôi nghĩ không nên đặt vấn đề như thế, nhất là với cương vị được giao để quản lý ngành thì anh không nên nói rằng cái việc đó do quá khứ để lại. Thực sự tôi bao giờ cũng ý thức rằng, cảm ơn các đồng chí đi trước, mỗi người đều có điều kiện lịch sử, nhưng những đồng chí đó đều rất cố gắng làm tốt công việc của mình. Tôi luôn luôn tôn trọng những gì mà các đồng chí đi trước đã làm, và mình cũng đã kế thừa được những cái mà các đồng chí để lại. Có thể có ý kiến này ý kiến kia thì mình lắng nghe tất cả, nhưng trong suy nghĩ thì tôi không bao giờ trách cứ một ai. Trước hết là trách mình cái đã. Và chắc chắn sau này tôi sẽ không nói và làm bất cứ điều gì bất lợi cho những người đi trước cũng như đi sau mình.
PV: Lời cảm ơn của Bộ trưởng có lẽ thể hiện đạo ứng xử của người Việt. Nhưng đôi khi nó lại gây ra rất nhiều cản trở cho công việc. Có thể lớp người đi trước để lại những sai lầm, mà đôi khi sai lầm của người đi trước để lại những hậu quả có thể kéo dài tới 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Tất nhiên, người đi sau là Bộ trưởng thì có thể cảm ơn sai lầm của người đi trước đã chỉ ra để chúng ta sẽ không đi vào con đường đó nữa Nhưng nếu chúng ta không vạch rõ trách nhiệm của từng thế hệ thì những con người đang phải chèo lái con thuyền giáo dục dễ bị oan lắm. Vậy trong những lời phê phán ấy, theo ông. Bộ GD - ĐT bị oan bao nhiêu và cá nhân bộ trưởng bị oan bao nhiêu.
BT NMH: Quả tình, có người này người kia phê phán tôi là hơi phong kiến một chút, nhưng tôi luôn tâm niệm phải tôn sư trọng đạo, mình cần phải cảm ơn những người đi trước trong nghề giáo dục là một sự kế thừa. Chúng tôi có ngày hôm nay là có phần rất quan trọng việc gây nền móng của các đồng chí đi trước, còn phán xét cụ thể như thế nào thì tôi thấy nên để cho xã hội, nên để cho những người khác có khoảng cách rộng ra một chút người ta nhìn thấy vấn đề, người ta nêu lên, như thế khách quan hơn. Tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề xem xét xem cái gì là do quá khứ để lại, cái gì là do mình. Tất cả những gì đương xảy ra hiện nay đều có anh Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Có thể có những việc trước đây làm chưa được thì đáng ra anh phải giải quyết cho nó tốt hơn
Nói thực, trong những quan hệ hàng ngày, trong đời sống xã hội, nhiều khi mình bị phê bình là hiền lành quá, có vẻ một chiều quá Nhưng như tôi đã trình bày với các anh, tôi bao giờ nhìn nhận con người ta trước hết ở cái mặt được, mặt tốt đã, thậm chí cả những người rất gay gắt đối với mình thì biết đâu trong con người ta còn có những cái gì rất hay mà mình chưa tìm, chưa học được hết. Thôi thì mình cứ bình tĩnh kiên trì lắng nghe, anh thực sự cầu thị thì tôi nghĩ, cuối cũng dư luận xã hội cũng hiểu.
PV: Ông có cảm giác rằng, ông là một người quá mát tính? và như người ta nói, làm Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cũng như là làm chính trị, không phải lúc nào cũng đeo găng trắng được. Và trong thời điểm hiện nay, với sự tích lũy những hệ lụy của bao nhiêu đời Bộ trưởng, chúng ta thực sự có một số vấn đề về mặt cơ chế, về đội ngũ. Và cũng đã đến lúc theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước cần một nguồn nhân lực rất mới, rất giỏi để đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhu cầu hội nhập kinh tế - quốc tế Vậy nên, chúng ta cần có những cuộc cải cách tương đối, đôi khi hơi đau đớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nếu chúng ta lại dịu dàng quá, nói như Olga – Bergols là “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” thì
BT NMH (cười): Tôi nghĩ rằng, có lẽ tôi cảm nhận được ý đó. Thực sự tôi bao giờ cũng nghĩ mình là thầy giáo, 21 năm giảng dạy đại học, cái đó nó lớn lắm, in dấu vào cả phong cách làm việc, cả suy nghĩ Hơn nữa gia đình tôi cả hai bên tuyệt đại đa số đều là giáo viên cả Đúng là đứng trước một trách nhiệm rất lớn, thì đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải có những quyết định nhiều khi rất đụng chạm, và tôi cũng cố gắng làm điều đó, nhưng dù sao đi nữa trước khi xử lý, trước khi làm một vấn đề gì, tôi hết sức cân nhắc. Thực sự mà nói, bao giờ bên cạnh cái lý thì phải có cái tình bên trong, mà tôi cũng rất tiếc là có một số trường hợp vì quá thiên về cái đó mà dẫn đến những cái mình phải chịu những hậu quả. Đôi khi người ta nói ngược lại hẳn với những gì đã xảy ra. Nhưng mà tính con người rất khó thay đổi, mình cũng không nên thay đổi khiến mình trở thành một con người hoàn toàn khác, xa lạ với những suy nghĩ của mình .
PV: Tôi cũng là một phụ huynh và tôi biết, chính việc dạy thêm tràn lan quá mức là có một phần đóng góp của các phụ huynh. Các phụ huynh đã chạy đua nhau, và không ai kìm được cả. Và nói thực, việc học thêm nó như một cỗ máy nghiền nát toàn bộ tuổi thơ của trẻ con Và một đứa trẻ không có tuổi thơ, không có vui chơi, có thể không trở nên điên loạn nhưng sẽ trầm cảm, sẽ thành những con robot Có danh nhân đã nói, một đứa trẻ không bao giờ biết đến một ngày đẹp trời, một buổi dạo chơi trong vườn thú, những trò chơi trên cát nghĩa là không có gì để dựng lên một ký ức tuổi thơ bằng tâm hồn. Nó đã bị già hóa quá nhanh, và khi đứa trẻ bị già hóa quá nhanh thì tính độc ác trong nó lại rất cao Có lẽ đây là một sự sợ hãi còn lớn hơn những việc khác. Theo Bộ trưởng thì có thể có giải pháp nào không?
BT NMH: Trước hết tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình và trách nhiệm của ngành trong việc để cho chuyện dạy thêm học thêm có những tiêu cực nặng nề. Cái đó có nhiều lý do, trong đó có vấn đề chương trình, sách giáo khoa, vấn đề phương pháp của thầy, có cái áp lực về việc thi cử phải đạt điểm cao, đến lớp phải có những vấn đề người ta gọi là bệnh thành tích Mặt khác cũng phải thấy nguyên nhân từ phía gia đình, nhưng phải chia sẻ với các phụ huynh, không phải tự nhiên mà người ta lại muốn như thế. Thực tình mà nói bây giờ học vấn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm công ăn việc làm, xác lập vị trí xã hội. Ai cũng muốn con em mình ở bậc thang cao nhất của trình độ học vấn. Cái thứ hai nữa là, trường lớp ở ta nhiều và chênh lệch nhau khá lớn. Có những trường rất tốt, có trường trung bình, có trường thì rất khó khăn. Ví dụ như cháu nhà anh thì anh không thể yên tâm khi gửi vào một trường có chất lượng đào tạo trung bình. Muốn vào được trường tốt hơn thì phải qua tiêu chí là thi cử, phải có tuyển chọn, mà muốn con mình vượt qua được thì nếu chỉ có những chương trình ở trong nhà trường thì cũng khó đạt được.Ngoài ra còn có cái áp lực khác nữa, mà lại rất vô hình. Việc thấy đi học là sợ, là đối phó đang là một vấn đề hết sức thực tế. Đúng ra đi học phải là niềm vui. Ở đây tôi không nói đến những trường hợp bắt ép đi học thêm mà nói đến những khía cạnh không hẳn là tiêu cực để thấy được vấn đề dạy thêm học sinh là có nguyên nhân sâu xa từ trong xã hội. Muốn xóa bỏ vấn đề đó mà chỉ đưa ra những giải pháp thuần túy về mặt giáo dục không thôi thì chưa chắc đã giải quyết được, mà nó là vấn đề giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tôi thấy việc dạy thêm học thêm, nhất là ở các lứa tuổi các cháu còn nhỏ là dứt khoát phải chấm dứt trong thời gian tới. Hay vừa rồi chúng tôi nói đến chuyện luyện thi vào đại học, phải nói là thành một phong trào, gần như một cơn sốt sau những kỳ thi tốt nghiệp. Bây giờ mình phải chặn nó lại, có nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chuyên môn. Bây giờ anh ra đề thi đừng để cho các lò luyện thi lợi dụng cái đó để bắt ép học sinh thì nó sẽ giải tỏa được một phần hiện tượng này.
PV: Ông có cảm giác rằng giữa những người ra đề thi và hệ thống luyện thi có một mối quan hệ vô hình đầy vụ lợi nào đó không?
BT NMH: Trước đây thì đúng là có vấn đề như thế. Tất nhiên không phải là tất cả. Có những thầy ra đề nghiêm túc, có những thầy chỉ chuyên luyện thi thôi.
PV: Hiện nay theo ông thì không còn nữa?
BT NMH: Tôi không dám khẳng định hoàn toàn là không có. Nhưng bây giờ anh có muốn đưa nội dung anh luyện thi vào đề thi cũng không được, bởi quy trình hết sức chặt chẽ. Thông thường học sinh đến luyện thi ở các trường đã chọn, vì thầy ra đề chính là thầy luyện thi và chấm thi cho mình, nhưng bây giờ các thầy đó không được mời vào nữa. Thứ hai là, không có những cái quá lắt léo, đánh đố, chỉ có anh đi luyện thi mới có mẹo mực để giải được. Việc cần làm hiện nay là phải giải thích, vận động để xã hội hiểu được điều đó, ủng hộ mình; các phụ huynh biết và đừng để cho các cháu đi học thêm nữa. Còn bây giờ dùng một giải pháp hơi cực đoan là cấm hết thì cũng không thành công.
PV: Kỳ thi đại học vừa rồi, số lượng học sinh điểm thấp quá nhiều. Theo ông, đấy là do trình độ thực sự, do trí lực của các em hay do cách ra đề bài chưa hợp lý?
BT NMH: Thực ra hiện tượng đó không chỉ có năm nay mà cả một thời gian rất dài. Thi tuyển đại học là một kỳ thi rất gắt gao, thậm trí có những đề thi trước đây nói thẳng ra là đưa cho thầy giỏi cũng chưa chắc đã làm được. Cho nên, bây giờ chúng tôi cố gắng bỏ những cái lắt léo, bỏ những cái mang tính đánh đố, nhưng mà dù sao thì đấy vẫn là một kỳ thi rất khó. Công luận vừa rồi cũng đã gợi ý cho ngành Giáo dục một giải pháp: đằng nào cũng thi tuyển từ trên xuống dưới, thì anh cần lấy một cái gì đó để động viên khơi dậy lòng tự tin, yếu tố tích cực trong con người. Đừng làm một điều gì khiến các cháu đọc đề bài là hết cả hồn. Đó chỉ là chuyện kỹ thuật thôi. Thực sự tôi tin là càng các khóa về sau thì càng tiến bộ hơn. Có thể phê phán về chuyện này chuyện kia, nhưng mà quả thực về tiềm năng trí tuệ, năng lực tiếp thu nhận biết các vấn đề thì tôi tin là lớp trẻ họ hơn. Đừng quá sốt ruột, quá lo lắng, cho rằng mọi thứ nó tồi tệ. Đất nước dứt khoát phải đi lên, và thế hệ sau, dù không dám chủ quan để nói rằng mọi thứ đều suôn sẻ cả. Nhưng tôi tin rằng, họ có tiếng nói, có năng lực của họ.
PV: Trong lúc một số người của thế hệ trước lo lắng cho chất lượng của lớp trẻ, nhưng có vấn đề ngược lại là thế hệ trẻ hiện nay cũng đang rất lo lắng cho một số hiện tượng tiêu cực trong thế hệ đi trước, nhất là những người thành danh. Ông có cảm giác rằng một bộ phận trong đội ngũ giáo sư của mình, nhất là các giáo sư có học vị cao được hình thành trong một hai chục năm gần đây hiện lại đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Chưa có bao giờ giáo sư lại dính vào các vụ tiêu cực như hiện nay, có những người rất khả kính trong cơ chế bao cấp nhưng vào nền kinh tế thị trường là mất phương hướng ngay, còn tiêu cực hơn cả những người mới trưởng thành hiện nay. Theo ông, lý do tại sao, hay là những tiêu chí để lựa chọn đội ngũ tinh hoa của trí thức chúng ta có vấn đề để lọt vào đấy những con người vừa không hồng vừa không chuyên?
BT NMH: Tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất là sự phấn đấu của mỗi một con người, cái đó bất kể là anh nhiều tuổi hay ít tuổi, anh là giáo sư hay không là giáo sư. Có người cả một giai đoạn dài không có vấn đề gì, nhưng đứng trước một thử thách nhất định nào đó là anh bộc lộ ra ngay, và anh bị ngã. Có những người còn rất trẻ, và họ cũng đứng trước những thử thách rất lớn, nhưng họ vẫn đứng được, vẫn giữ được.
PV: Ông là người trung dung?
BT NMH: Tôi không nghĩ như thế, cứ để người khác định giá thì tốt hơn. Nhiều khi anh em cũng phê bình tôi xử lý như thế là thiên về mặt tình cảm, nhưng thực sự tôi là như thế.
PV: Có cảm giác rằng ông luôn sẵn sàng “giơ đầu chịu báng”, miễn là giữ được hòa khí cho Bộ GD – ĐT để cùng nhau làm việc. Nhưng liệu ông có cảm giác rằng đôi khi lòng tốt của ông làm mọi thứ nó nhẵn hơn thực tế, mà thực chất cuộc sống thì rất xù xì, rất sóng gió và để tạo ra những động lực mới thì thực sự mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những sai lầm, khiếm khuyết? Liệu ông có cảm giác là về mặt công việc đôi khi ông cần phải trở nên sắc nét hơn, rắn rỏi hơn?
BT NMH: Ở đây có 2 vấn đề: về một con người và về một lãnh đạo. Nếu cố gắng hòa được hai cái vào làm một thì rất tốt. Tôi biết, tôi có những điểm yếu như anh nói và tôi cố gắng sửa, nhưng không phải thể hiện cái cương quyết, quyết liệt của mình bằng cách đao to búa lớn, cái đó nó xa lạ đối với tôi. Cái quan trọng nhất là đạt được đến mục tiêu, còn cách làm thì mỗi người có một cách riêng. Nhưng quả tình tôi thấy trong cách chỉ đạo điều hành về công việc thì đòi hỏi có một số cái quyết liệt hơn, cứng rắn hơn.
PV: Xã hội hóa giáo dục là một việc rất tốt, nhưng thực sự là sẽ phi đạo đức nếu như người ta thấy một vị giáo sư, một người thầy giáo kiếm được quá nhiều tiền bằng giáo dục. Làm người thầy giáo dẫu sao cũng giống như theo một cái đạo. Một số vị giáo sư hiện nay tại sao bị tha hóa? Tha hóa là vì tham gia một số cơ sở giáo dục và lấy quá nhiều tiền, điều đó là không thể chấp nhận được. Dù trong chế độ nào cũng thế thôi, tư bản cũng thế thôi, giáo sư có thể sống sang trọng, đầy đủ, nhưng giáo sư không thể kiếm nhiều tiền như một ca sĩ hay như nghề khác được, phải có những cơ chế nào đấy hạn chế thu nhập của những người làm giáo dục. Theo ông như thế có đúng không, hay là cứ thả?
BT NMH: Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến với anh. Từ rất xa xưa các cụ đã nói: nghề thầy giáo và nghề thầy thuốc là nghề rất thanh bạch. Chính vì cái đó mà hai nghề đó được xã hội tôn trọng và đã trở thành truyền thống. Cho đến nay, kinh tế phát triển và các nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi con người được nâng cao hơn, trong đó có cả thầy giáo, nhưng cái đó vẫn còn nguyên giá trị. Không thể nào anh giàu lên bằng giáo dục được, giàu lên bằng cách mở trường lớp, thu tiền một cách vô tội vạ. Nhưng mà tôi vẫn nói là nếu như anh chỉ nhìn một chiều, đòi hỏi tất cả những người có điều kiện đầu tư cho giáo dục là không được có lợi nhuận gì thì không nên.
PV: Trên cương vị Bộ trưởng, ông có dám hứa với bạn đọc ANTG CT rằng, chúng ta sẽ cố gắng hết sức mình để không ai có thể lợi dụng cơ chế xã hội hóa giáo dục, lợi dụng ngành Giáo dục để làm giàu một cách bất chính? Ví dụ, độc quyền sản xuất những công cụ giáo dục, soạn những sách giáo khoa, sách tham khảo không cần thiết, tổ chức những thủ tục thi cử một cách rườm rà, rắc rối không cần thiết v.v khiến cho nhân dân phải tốn phí nhiều tiền không cần thiết khi nhận lấy những kiến thức của mình?
BT NMH: Chống lại các biểu hiện thương mại hóa giáo dục, lợi dụng giáo dục một cách bất chính để làm giàu cái đó thực sự là kiên quyết chống. Cái đó không chỉ là trách nhiệm chính trị với tư cách Bộ trưởng Bộ GD – ĐT mà còn là trách nhiệm đạo đức của một công dân, một thầy giáo. Tôi cương quyết chống cái việc đó. Nhưng mà đây là một cuộc chiến vô cùng cam go, bởi vì nó hết sức tinh vi, hết sức tế nhị, và sự chống đối cũng hết sức khốc liệt. Có thể nó thể hiện khác nhau, nhưng cuối cùng ngẫm lại thì thấy chính vì động chạm đến quyền lợi, phải nói là động chạm rất lớn của một bộ phận nào đó nên họ đang chống đối kịch liệt. Nhưng tôi tin rằng việc đó được toàn xã hội ủng hộ, tại sao mình không làm? Còn cái chuyện người ta phản ứng, chống đối thì cũng là chuyện dễ hiểu, không có một cái gì bằng phẳng, toàn là những chuyện dễ chịu đối với anh cả. Tôi cũng đâu có ngại!
Phóng viên thực hiện, An Ninh Thế Giới tháng 11/2003
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi