Thói hư tật xấu của người Việt: nhiều thói xấu, tin nhảm, giới hạn yêu thương
Những thói xấu thông thường
(Khuyết danh (Nguyễn Văn Vĩnh?)Nhà nhơ, Đông Dương Tạp chí năm 1914)
Chẳng giấu giếm làm chi, các tật của nhà nhơ đại khái như sau:
1. Tính lười nhác, làm việc gì, không mấy ông chịu chăm chút siêng năng. Đi đâu thì lạng khạng rẽ ràng. Sáng không dậy được sớm mà đứng dậy thì làm thế nào cũng phải ngồi ngáp một lúc, rồi nào hút thuốc, nào uống nước, nào ăn trầu nào rửa mặt sau mới nhắc mình lên được mà ra ngoài.
2. Tính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám qủa quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì.
3. Hay nghĩ viển vông mà không lo việc trước mắt. Tiền sờ túi không một xu mà vẫn gật gù đánh chén, sánh mình với Lý Bạch,
4. Ngoại giả các tính ấy, lại còn một tính rất làm cho hại việc, là tính cẩu thả. Xem điều gì hoặc làm việc gì, chỉ cầu cho xong việc, chứ không chịu biết cho đến nơi đến chốn hoặc làm cho thực kinh chỉ(2) vững vàng. Lại một tính tự mãn tự túc, học chưa ra gì đã lấy làm khôn, tài độ một mẩu con đã cho là giỏi. Vì các tính ấy mà làm cho ngăn trở sự tiến hóa.
…Mấy thói trên là thói xấu ở trong tâm tính, lại còn nay chè mai chén, nay hát mai hỏng, nay tổ tóm mai tài bàn thì lại càng hủ lắm.
(1)so sánh.
(2)tạm hiểu: đạt tới chuẩn mực.
Dễ tin nhảm
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Dân ta tin rằng? Đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ(1) nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để ủng hộ cho dân vì thế mỗi ngày việc sự thần(2)một thịnh.
Muôn sự ở đời, do ở sức người làm ra mới gọi là tài trí nếu cứ cậy về quỷ thần thì sức người chẳng hóa ra hèn đốn lắm ru?
Xem như ở các nước Âu Châu, trừ ra thờ Giáo tổ(3) là để tỏ lòng kỷ niệm, còn không có đền thờ thánh nào, không nhờ đến sức âm phù mặc hộ(4) bao giờ, vậy sao mà nước nào cũng thịnh vượng?
Thiết tưởng chỉ những miếu trung thần nghĩa sĩ và miếu những bậc đại anh hùng hào kiệt thì mới đáng nên thờ. Mà thờ thì là để tỏ cái lòng kỷ niệm, chở không phải thờ mà cầu phúc. Ta nên coi cái miếu đó như một tượng đồng của người
(1)nơi chốn, đất ở.
(2)thờ thần.
(3)chỉ
(4)sự trợ giúp âm thầm.
Tự giới hạn trong tình yêu làng xóm
(Hoàng Đạo, Làng xã, báo Ngày nay, năm 1940)
Cái xã hội nhỏ ấy có thể là một sự trở ngại lớn cho tiến bộ. Vì làng An Nam xưa là một xã hội thống nhất về chính trị cũng như về tôn giáo nên một số đông dân làng chỉ có cái quan niệm với làng mà thôi. Họ chỉ biết có lũy tre xanh có đình làng của họ, ngoài ra đều là người dưng nước lã cả, không có gì liên lạc với họ hết. Những chuyện tranh nhau đánh nhau giữa hai làng An Nam xưa thường có xảy ra. Tình yêu người đồng bào bị cái tình yêu người cùng làng làm phai lạt, đó là cái hại lớn.
Sự liên lạc quá mật thiết giữa làng và dân làng còn là sự trở ngạt cho công cuộc di dân, cho sự thông thương cho sự tiến bộ. Đi xa tức là bỏ làng, và bỏ làng đối với người xưa là một điều xấu, một sự cực nhục!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịch