"Thần đồng" cracker Jon Johansen: 15 tuổi đại phá Hollywood
Jon Lech Johansen năm nay vừa tròn 21 tuổi, nhưng cái tên "Mr Johansen" đã trở thành biểu tượng của giới công nghệ thông tin châu Âu từ 6 năm về trước, lúc cậu nhóc Jon mới 15 tuổi đã làm con tàu điện ảnh Hollywood tròng trành vì những đợt sóng cracker (bẻ khoá). Câu chuyện lịch sử của Jon đã trở thành đề tài ăn khách cho hàng trăm bộ phim của Hollywood sau này, những người đã một thời bị Jon "đe dọa".
Tuổi thơ "dữ dội"
"Năng khiếu” hack của Jon đã sớm bộc lộ từ năm 12 tuổi, khi cậu nhóc sinh trưởng ở Na Uy bắt đầu viết vài chương trình nho nhỏ - nho nhỏ thôi mà đã rất đáng gờm. Dạo ấy là năm 1996, Computer là một khái niệm chưa phổ biến lắm, Internet lại càng là chuyện xa xôi. "Mr Johansen" bố đã lén vợ tậu một máy tính trị giá cỡ 3 tháng lương, một quyết định táo bạo làm thay đổi cuộc sống cậu quý tử của ông từ lúc đó. Một lần, Johansen bố mang về một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, khi tải hình ảnh lên máy tính, phần mềm của máy cứ bị khựng lại giữa chừng không làm sao load xong được. Cay cú, ông bố bèn "cầu viện" con trai, và thế là Johansen con ra tay... viết lại một phần mềm gọn gàng để load toàn bộ hình ảnh chỉ trong... 1 bước, trong khi chương trình chuẩn của chiếc máy ảnh đó "lê lết" đến 25 bước vẫn không xong!
Trong trường tiểu học, nhóc Jon lại càng là một "hiện tượng" khi đã sớm bộc lộ đam mê... chính trị và rất khoái tranh luận các đề tài quốc gia đại sự kiểu "Na Uy có nên gia nhập khối EU không?" hay "Chính phủ nên làm gì để phát triển kinh tế trong thập niên tới?". Giáo viên chủ nhiệm của Jon hãnh diện nói về học trò "cá biệt" của mình: "Cậu ấy sẵn sàng đứng lên và bảo vệ niềm tin của mình đến cùng. Đó cũng là người học trò giỏi vi tính hơn bất cứ... giáo viên vi tính nào cậu từng theo học từ trước đến giờ!".
16 tuổi, mới vào trường trung học được một năm, "Mr Johansen" liền... nghỉ học. Lý do cũng "choáng" y như hành động: "Trường học chẳng có tí thách thức nào". Cậu bỏ ra làm cho một vài công ty viễn thông rồi hợp tác với bố mở một công ty phần mềm với mức lương 4.500 USD một tháng.
Nhưng tất cả những thành tích trên không là gì so với cú đánh dữ dội làm tê liệt cả nền công nghiệp đồ sộ của Hollywood ngay lúc Jon 15 tuổi.
Người hùng của "võ lâm" Âu châu
Cái tên Johansen là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đối với những "nạn nhân" mà cậu nhóc đã hạ gục trong chuyến phiêu lưu vào ma trận hack, bao gồm những đại gia Fox, Google, Apple, MPAA..., nhưng tên gọi ấy cũng là biểu tượng đẹp đẽ nhất trong lòng hàng ngàn người hâm mộ khắp châu Âu - một ngôi sao không khán giả, không sân khấu nhưng đã "diễn xuất" trên cả tuyệt vời trong những phần mềm vi tính.
Nhắc lại một chút về lịch sử "công nghệ sao chép": thuở khai sinh công nghệ copy, người ta đã biết thu lại những bài hát trong đĩa, album, trên truyền hình... vào băng ghi âm, nhưng chất lượng không cao nên hiển nhiên không ảnh hưởng gì tới các đại gia băng đĩa. Đến thời đại kỹ thuật số, các đĩa CD dễ dàng được sao chép, in sang lại rất "ngọt" nhờ hệ thống âm thanh hiện đại. Các ông trùm băng đĩa bèn tung ra DVD để mã hóa nội dung các bài hát, bộ phim nhằm khống chế "công nghệ sao chép" này (năm 1997). Và Johansen, 15 tuổi, đã can dự vào để làm đảo lộn cả thế giới mã hóa của nền công nghiệp giải trí hái ra tiền đó, mở đầu cho một "thời đại hacker @".
Khởi điểm của cuộc tổng tiến công vào Hollywood này cũng chỉ là một sở thích bình thường - Jon rất khoái xem phim. Cậu mua hơn 300 đĩa DVD và tậu hẳn một dàn "đồ chơi" để có thể xem phim ngay trên cục cưng máy tính của mình (năm 1999). Đĩa phim Mỹ lậu rẻ hơn đĩa bán tại Na Uy nhiều nhưng lại không xem được trên các máy sản xuất tại châu Âu. Nếu là người nào khác, sáng kiến đơn giản nhất là mua ngay một chiếc đầu đọc "made in USA" cho tiện. Nhưng Jon lại làm theo cách khác: cậu viết một chương trình làm vô hiệu hóa các mã bảo mật của các phụ tùng DVD châu Âu này, khiến chúng ngoan ngoãn đọc những đĩa phim "vượt biên" từ Mỹ sang một cách ngon lành. Jon còn hào phóng tung lên mạng chiêu thức này để chia sẻ với các chiến hữu mê phim như mình.
Bước tấn công thứ hai cũng bắt nguồn từ một lý do vô hại. Jon khoái đem theo các đĩa phim khi đi du lịch đây đó, nhưng mang theo nhiều đĩa sẽ hết sức cồng kềnh, bất tiện, khó bảo quản, thế là cậu bèn viết tiếp một chương trình vô hiệu hóa các mã bảo vệ (chống sao chép) trên đĩa để copy chúng vào ổ cứng một cách nhẹ nhàng.
Vẫn hào phóng như lần trước, Jon tung "bí kíp" mới này lên mạng cho "bà con" sử dụng và hồn nhiên ký tên thật: Johansen. Cậu bé 15 tuổi ngây thơ cho rằng mình đang làm một "nghĩa cử đẹp". Nhưng "nghĩa cử" ấy đã làm rúng động giới truyền thông. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, báo chí giật những tít to đùng về cậu bé ngang nhiên "tấn công Hollywood bằng những chương trình bẻ khóa siêu hạng".
Hollywood, đương nhiên, không thể ngồi im cho nhóc Jon tuốt bên kia đại dương đe dọa. Sau khi The Matrix (Ma trận) và The Fifth Element, hai bộ phim nổi tiếng bị "cởi khoá" trên mạng, mở màn cho những cuộc xâm nhập ồ ạt khác, các hãng phim rục rịch phản đòn. Đại gia MPAA của Mỹ (Motion Picture of America) yêu cầu Jon "delete" chương trình nguy hiểm của cậu khỏi mạng Internet. Jon đồng ý, nhưng 1 tuần sau, khi luật sư của Jon bố tìm được một đạo luật nói rằng hành động của cậu vô hại, Jon lập tức phát tán trở lại chương trình xâm nhập của mình.
"Tội phạm quốc tế" trắng án
Jon trở thành hiện tượng đình đám nhất của mọi sự kiện. Một trường học tại Na Uy trao cho cậu giải thưởng danh dự trị giá hơn 2.000 USD. Các trang web gọi Jon là "người hùng bẻ khóa". Cô giáo thân yêu của Jon thì khích lệ: "Con hãy vươn lên cao nữa!"
Nhưng 9 ngày sau, cảnh sát Na Uy ập vào nhà Jon, tịch thu toàn bộ thiết bị vi tính và giải hai cha con về đồn thẩm vấn suốt 7 tiếng đồng hồ. MPAA quyết định khởi tố Jon. Nhóc Jon vẫn tỉnh bơ hợp tác với cảnh sát, thậm chí vui vẻ cung cấp password máy tính cho họ - cậu tin mình không làm gì phạm pháp. Năm 2002, Mr Johansen bị khởi tố với tội danh phá hủy hệ thống bảo mật của các công ty điện ảnh bằng cách rải chương trình bẻ khóa lên mạng. Tại kinh đô điện ảnh New York, các trùm Hollywood hè nhau lập hẳn một hội đồng, đệ trình những vi phạm của Jon lên tòa án Mỹ, nơi không khoan nhượng cho những kẻ vi phạm tác quyền.
Jon trở thành "tội phạm quốc tế" nhưng vẫn là anh hùng trong giới "võ lâm" châu Âu. Tháng 12/2002, một ban hội thẩm mở ra suốt 6 ngày. Mr Johansen, bấy giờ đã 18 tuổi, bình tĩnh giải thích "động cơ gây án" của mình. Phiên tòa được phát thanh trực tiếp toàn Na Uy, cả đất nước tạm dừng mọi hoạt động chỉ để nghe phán quyết về cậu bé tài năng của họ.
Cuối cùng, tòa kết luận: Jon đã chép lại các đĩa phim mà cậu đã bỏ tiền ra mua và điều đó không hề phạm pháp. Còn chuyện tung những mánh bẻ khóa lên mạng, người ta không tài nào tìm được những chứng cớ cụ thể để chứng minh "có ai đó đã sử dụng phần mềm của Jon để sao chép đĩa trái phép". Jon thắng kiện và trở thành tên tuổi lừng lẫy nhất trong giới công nghệ thông tin, một "ông tổ" của nghề "Cracker" với đủ mọi trường phái, động cơ ra đời từ những ngày ấy.
Trở lại với Mr Johansen của năm 2005. Ở tuổi 21, chàng thanh niên nổi tiếng chọn cho mình con đường "chính đạo" và quyết tâm lập nghiệp ngay giữa đất Mỹ - nơi diễn ra những kỷ niệm không mấy ngọt ngào 6 năm về trước. Chọn Hoa Kỳ làm bàn đạp để khởi đầu một chặng đường mới, chàng hacker vẫn còn quá trẻ đã tự tin mỉm cười: "Ở Mỹ, tôi sẽ chơi theo luật Mỹ!".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu