Phát huy việc tự học trong trường phổ thông trung học
Nước ta hiện còn rất nghèo, đầu tư cho giáo dục bình quân đầu người chỉ mới bằng 1/10 mức trung bình, 1/100 mức cao của thế giới. Giải bài toán "đuổi kịp" như thế nào trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khi phải lấy 1 đọ với 10, đọ với 100? - Khơi dậy nội lực, đó là câu trả lời chung. Trong giáo dục, thì nội lực trước hết là nội lực ở người học; Khơi dậy được nội lực này thì sẽ khơi dậy được nhiều nội lực khác trong ngành và trong xã hội.
Xét về lâu dài thì phải lo từ tiểu học. Nếu học sinh đã quen với "tự học" từ tiểu học, thì lên đến phổ thông trung học (PTTH), "tự học" đã đi vào cuộc sống đời thường. Còn trong tình hình hiện nay thì vấn đề trở nên bức xúc ở PTTH vì đó là cấp học chuẩn bị cho học sinh vào đời hay lên đại học. Hiện nay mối nguy lớn là nhiều sinh viên đại học vẫn chưa thoát khỏi cảnh "thầy đọc, trò chép", tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa tự cập nhật được kiến thức, cứ phải ở lớp tập trung để bồi dưỡng rất tốn kém mà hiệu quả hạn chế.
Vậy một trường PTTH nên bắt đầu chuyển từ dạy - học sang dạy - tự học (nghĩa là dạy sao cho học sinh quen dần với tự học) như thế nào? Có những việc có thể làm ngay, có những việc phải chuẩn bị từng bước, từ từ.
Việc thứ nhất có thể làm ngay là nhà trường quy định việc giáo viên kiểm tra học sinh "tái hiện bài". "Tái hiện bài" có nghĩa là sau khi học sinh đã học bài tự cho là đã hiểu bài, thuộc bài, học sinh gấp sách lại, xây dựng lại bài đó theo cách hiểu của mình và trình bày cho chính mình, cho thầy (nói hoặc viết) hoặc cho một người thứ hai nào đó. Tái hiện bài chủ yếu là dùng trí nhớ logic chứ không phải trí nhớ kiểu học thuộc lòng. Nó buộc học sinh phải hiểu, phải suy luận, cũng giống như người đi đường, sau khi đã đi một lần có người dẫn đi thì tự đi lại con đường đó, chỉ có một mình. Lần đi trước, do có người dẫn nên anh ta ít chú ý quan sát, so sánh, động não dọc đường; lần sau, do không ai dẫn đi, lại không nhớ được hết các tình tiết trong lần đi trước hoặc gặp phải tình tiết mới dọc đường anh ta phải quan sát, so sánh, hỏi đường, động não để vượt khó khăn. "Tái hiện bài" sẽ dẫn đến "phát triển tư duy độc lập" còn nếu không tái hiện bài thì có nguy cơ là chỉ biết "tư duy ăn theo" nghĩa là chỉ biết "suy nghĩ theo kiểu bắt chước". Khi tư duy độc lập đã phát triển thì sẽ có tư duy phê phán, sẽ có năng lực "phát hiện vấn đề", bước đầu của tư duy sáng tạo.
Việc thứ hai có thể làm ngay là để cho học sinh tham gia "ra bài". Hai việc trên, dễ nhận thức, nhưng làm cho đúng, cho có hiệu quả cũng không dễ. Việc kiểm tra "tái hiện bài" mang tính chất "cá biệt hóa"; phải khéo léo kết hợp kiểm tra miệng với kiểm tra viết và khéo kết hợp với gia đình cùng làm khi mà trong gia đình có người lớn đã từng học PTTH; chỉ cần người lớn đó nghe học sinh trình bày lại bài nó mới học như là nghe một ông thầy giảng để tự mình củng cố lại kiến thức cũ. Đây là hình thức "gia đình giúp con cháu học tập" còn mới mẻ, nhà trường cứ thử phối hợp với Hội cha mẹ học sinh hay Hội khuyến học để làm thử. Có một cái khó nữa là phải nghiên cứu chuẩn để đánh giá việc "tái hiện" theo hướng học sinh càng biểu hiện tư duy độc lập càng được đánh giá cao, nếu tỏ ra học thuộc lòng thì lại đánh giá thấp. Việc để cho học sinh tham gia "ra bài" cũng khó ở chỗ chọn nội dung gì cho phù hợp với trình độ học sinh, cao quá học sinh không làm được, thấp quá ít tác dụng. ở đây cũng nên kết hợp với gia đình. Nếp "truyền thụ một chiều" đã đẻ ra nếp "thầy ra bài' còn học sinh thì "thụ động chờ thầy ra mới làm, nếp đó hằn sâu đến mức nhiều người lớn (giáo viên và phụ huynh học sinh) làm thay học sinh một cách không tự giác. Chẳng hạn, khi một học sinh muốn sử dụng một công thức nào đó nhưng lại không tin lắm vào trí nhớ của mình, bèn hỏi người lớn cho chắc xem công thức đó có đúng như vậy không thì khuynh hướng chung hiện nay là người lớn trả lời ngay "đúng" hay "sai" (khi người lớn biết rõ là đúng hay sai). Đúng ra là phải hướng dẫn để học sinh tự mình đánh giá được là đúng hay sai và nếu sai thì tự mình sửa được sai. Chẳng hạn, có thể hướng dẫn học sinh xem lại lý thuyết và cố gắng để tái hiện được lý thuyết sao cho sau này, dù có quên công thức, học sinh cũng tự tái lập được mà chả phải hỏi ai. Xem lại lý thuyết như vậy học sinh có mất thì giờ nhưng cái lợi rất cơ bản và lâu dài không chỉ về mặt củng cố kiến thức, phát triển tư duy mà cả về rèn luyện tính cách "dựa vào sức mình là chính, vạn bất đắc dĩ mới nhờ người khác"; tính cách này sẽ tạo nên bản lĩnh, phát huy cao nội lực.
Ngoài hai việc trên, nếu muốn đi sâu hơn vào rèn luyện tư duy và tính cách trong mối quan hệ với kiến thức thì ngay việc nhận thức cách làm cụ thể cũng đã khó. Cách tốt nhất là nâng "lao động soạn bài" lên thành "lao động nghiên cứu khoa học" vì chỉ có "nghiên cứu khoa học" với những yêu cầu chặt chẽ, nghiêm túc của nó mới buộc người ta cố gắng đến cùng trên con đường tìm ra chân lý, không dễ thỏa mãn với những thông tin, những kết quả sơ bộ. Mỗi giáo viên, trên cơ sở phần mình được phân công dạy, cố chọn lấy một phần nào đó thích hợp (hạn chế đề tài) mà trước đây mình dạy theo lối "truyền thụ một chiều", nay cố gắng thiết kế lại theo lối dạy - tự học. Bước đầu không nên làm ồ ạt, hãy chọn một vài người có điều kiện nhất và tình nguyện làm thử trước, rút kinh nghiệm chung cho toàn trường, cho sự chỉ đạo của Ban giám hiệu rồi dần dần mở rộng ra. Nếu gắn được với một trường Đại học sư phạm và kết hợp vào đó để làm luận văn, luận án thì càng hay. "Tự học" giúp phát triển tư duy độc lập, rồi tư duy phê phán, tư duy sáng tạo nên tham gia nghiên cứu khoa học là cách tốt nhất để có thể thực hiện dạy - tự học. Có qua thực tế nghiên cứu khoa học mới hiểu sâu được "tư duy" và "tính cách", mới thấy rằng tuy kiến thức là quan trọng nhưng tư duy và tính cách còn quan trọng hơn nhiều và mới thấy rằng: "đọc một trang sách và nghiền ngẫm sâu sắc thì hơn là đọc mười trang mà hời hợt". "Học một, biết mười" chỉ có thể bằng "tự học" nhờ vào một tư duy sắc sảo và một tính cách vừa mạnh mẽ ở tư tưởng tiến công, vừa đằm thắm ở sự kiên trì nhẫn nại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm