Ở lại hay ra đi?

10:12 CH @ Thứ Sáu - 21 Tháng Mười, 2005

Bill Gates và Larray Ellison được đánh giá là những sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp thành đạt hiếm có trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít các CEO, mặc dù rất năng nổ trong bước đầu khởi nghiễp, đã sớm phải khăn gói ra đi khi doanh nghiệp vẫn đang trong thời kỳ trứng nước. Dưới đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn của giáo sư Noam Wasserman - một chuyên gia hàng đầu về quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard (Mỹ) với tạp chí New Business về đề tài này.

Noam Wasserman là phó giáo sư giảng dạy môn Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard. Năm 2003, ông đã hoàn thành một nghiên cứu với tựa đề “Sự kế vị chức Giám đốc điều hành của nhà sáng lập doanh nghiệp, nghịch lý của thành công khởi nghiệp” đoạt Giải thưởng Aage Sorensen Memorial Award năm 2003 của trường đại học danh tiếng này. Cùng với đồng tác giả của mình, Henry McCanne, thuộc Trung tâm Khởi nghiệp Rock Center, giáo sư Wasserman gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu tình huống về sự kế vị chức Giám đốc điều hành (CEO) – nhà sáng lập của công ty Willy Technology.

NB: Ông có thể cho độc giả biết về nghiên cứu của mình không?

N. Wasserman: Nghiên cứu của tôi tập trung vào sự thất bại của các sáng lập viên trong các công ty mới thành lập, trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh hoạt động xây dựng tổ chức – nguồn gốc của mọi rắc rối trong việc đạt được mục tiêu của các sáng lập viên mà phần lờn trong số họ, do không có kỹ năng quản lý, đã sớm phải nhường chỗ cho các Giám đốc điều hành “chuyên nghiệp” được thuê từ bên ngoài. Các dữ liệu mà tôi thu thập được cho thấy tỷ lệ các giám đốc điều hành - nhà sáng lập đồng hành được cùng nhau trên chặng đường khởi nghiệp là rất thấp – điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển. Trường hợp của Bill Gates và Larry Ellison ụai là một ngoại lệ. Hai nhà sáng lập doanh nghiệp tài ba này đã thu hút sự chú ý của mọi người không phải vì họ là những cá nhân điển hình, mà vì họ là những bậc anh tài hiếm có.

NB: Theo ông thì tại sao điều này lại xảy ra?

N. Wasserman: Trong các công ty lớn, khi các CEO không điều hành tốt thì họ sẽ dễ dàng bị thay thế, và ngược lại, khi điều hành tốt, việc thay thế những người này là gần như không có khả năng xảy ra. Nếu một CEO điều hành doanh nghiệp thành công, việc anh ta giữ vững chiếc ghế của mình là hoàn toàn hợp quy luật. Thông thường, trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp, sáng lập viên sẽ là người thích hợp nhất cho vị trí lãnh đạo bởi hơn ai hết, họ là người hiểu ý tưởng kinh doanh cũng như muốn hiện thực hóa ý tưởng bằng việc thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi CEO – sáng lập viên đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó rồi, thì xác suất anh ta bị thay thế sẽ tăng lên rất nhiều. Một đứa trẻ nhỏ khi phát triển sẽ chẳng thể nào mặc mãi chiếc áo thuở sơ sinh. Doanh nghiệp cũng vậy, khi đã có những bước đi vững chắc, vị trí CEO – sáng lập viên giờ đây không còn thích hợp nữa. Lúc này, nhiệm vụ mà doanh nghiệp đặt ra là phải bán được sản phẩm. Và CEO chính là người phải xây dựng một tổ chức bán hàng, quản lý nhiều hoạt động khác, làm việc với khách hàng, giải quyết các vấn đề tài chính phức tạp,… tóm lại là những công việc rất khác với những điều mà một sáng lập viên được chuẩn bị. Khách quan mà nói, nhiều nhà sáng lập cũng thừa nhận rằng công việc của một CEO đòi hỏi những kỹ năng mà họ không có. Nhưng về mặt tình cảm, họ lại quá gắn bó với công ty mà mình đã khởi sự, đã từng giữ vị trí CEO; và thành công mà họ đã đạt đến cho tới giai đoạn này khiến họ càng khó bị thuyết phục rằng mọi việc đã đến lúc cần phải xem lại, vị trí của họ đã đến lúc cần phải thay thế. Tuy nhiên, hoàn toàn chính xác khi nói rằng chính sự thành công của các CEO – nhà sáng lập đã làm tăng nhu cầu phải thay thế chính họ . Nhu cầu này càng tăng lên khi CEO - nhà sáng lập mời các nhà đầu tư từ bên ngoài vào mà các nhà kinh doanh thì lại luôn nghĩ rằng những người khởi sự doanh nghiệp thường sẽ bị thay thế trong quá trình phát triển doanh nghiệp, và bởi vậy đã góp phần khiến cho quá trình này diễn ra sớm hơn. Một khi sáng lập viên mời các nhà đầu tư đóng góp vốn vào công ty, thì quyền quyết định về việc ai giữ chức CEO không còn chỉ phụ thuộc vào một mình nhà sáng lập nữa. Kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy mỗi khi các nhà sáng lập phát hành một đợt cổ phiếu mới để thu hút đầu tư thì khả năng họ bị mất chức CEO lại tăng mạnh. Rõ ràng là lúc này, nhà sáng lập chịu nhiều ảnh hưởng từ phía các nhà đầu tư. Đó là một trong những yếu tố mà Henry McCance và tôi đã nghiên cứu trong trường hợp của Wily.

NB: Chẳng lẽ việc các nhà sáng lập phải rời khỏi vị trí CEO là không thể tránh khỏi ư?

N. Wasserman: Không phải là không thể tránh khỏi, nhưng có nhiều khả năng xảy ra. Chúng tôi đã nói về trường hợp của Quỹ đầu tư Onset Ventures ở Thung lũng Silicon, nơi đã áp dụng kiểu trắc nghiệm “hoặc giàu có, hoặc khư khư giữ ghế”. Đó là cốt lõi vấn đề mà người khởi sự doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ: Mâu thuẫn giữa nhu cầu kiểm soát công ty (tức là việc giữ chiếc ghế quyền lực) với việc điều hành hiệu quả để doanh nghiệp càng ngày càng ăn nên làm ra, luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà quản lý. Những mâu thuẫn này thường dẫn đến một kết cục là người khởi sự doanh nghiệp phải từ chức một khi đã dẫn công ty tới một cột mốc thành công nào đó. Hãng Onset không muốn đầu tư vào các nhà khởi sự kinh doanh “muốn khư khư giữ ghế ” – những người không muốn từ chức ngay cả khi điều đó là cần thiết đối với sự thành công của doanh nghiệp. Cũng giống như Onset Ventures, hầu hết các quỹ đầu tư đều muốn có sự “thay máu” trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, để đảm bảo duy trì chiếc ghế quyền lực của mình, các sáng lập viên đành phải từ bỏ việc huy động vốn từ bên ngoài, mặc dù đây là việc cần thiết để xây dựng một công ty đáng giá. Trong lớp học khởi sự doanh nghiệp, tôi đã buộc các sinh viên phải suy nghĩ thật nghiêm túc xem tại sao họ chọn khởi sự doanh nghiệp, để rồi phải thực hiện một sự lựa chọn khắc nghiệt đi kèm với nó. Nếu chỉ lo khư khư giữ chiếc ghế quyền lực, nhà quản lý sẽ có nguy cơ làm giảm khả năng đạt được mục tiêu khởi sự chung của toàn công ty - điều trái với mong ước cũng như động cơ ban đầu của họ.

NB: Với những nhà sáng lập rời bỏ vị trí CEO, liệu họ có còn giữ được chút quyền hạn nào không?

N. Wasserman: Đó là một điểm khác biệt giữa việc từ bỏ vị trí quyền lực của các CEO-nhà sáng lập với sự từ chức của các CEO được tuyển mộ từ bên ngoài tại các công ty lớn. Trong những công ty lớn này, sau khi CEO bị thay thế, anh ta thường rời bỏ công ty để đi tìm một nơi làm việc mới. Tuy nhiên, trong các doanh nghiệp mới khởi sự, ban quản trị công ty thường cố gắng tìm cách để giữ nhà sáng lập ở lại trong một vai trò mới, chẳng hạn giữ một vị trí điều hành thấp hơn hoặc đơn giản là chỉ có tên trong ban quản trị. Vì các nhà sáng lập thường đóng vai trò quan trọng đối với công ty của họ, việc họ rời bỏ hoàn toàn khỏi công ty có thể là một tai họa lớn. Tình huống lý tưởng nhất là khi ban quản trị và nhà sáng lập có thể cùng tìm ra một vị trí phù hợp khác không kém phần quan trọng mà họ cảm thấy sẵn sàng đảm nhận, ví dụ như vị trí Cố vấn HĐQT. Mặc dù rất khó thuyết phục các nhà sáng lập rằng họ cần nhường chỗ cho người khác, nhưng đó không phải là việc không làm được nếu như tất cả mọi người đều mong muốn hướng công ty đến một tương lai tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp các sáng lập viên xin chủ động từ chức vì bất mãn với đường lối kinh doanh của công ty. Xét từ góc độ quản lý, một CEO mới thường cảm thấy rất khó làm việc trong công ty khi mà người tiền bối – vị cựu CEO, đồng thời là nhà sáng lập – vẫn còn loanh quanh đâu đó. Điều này thậm chí còn phức tạp hơn nếu nhà sáng lập đồng thời giữ một vị trí điều hành thấp hơn, như giám đốc kỹ thuật chẳng hạn. Trong trường hợp đó, CEO mới vừa phải “báo cáo với chủ tịch hội đồng quản trị - nhà sáng lập và vừa nhận báo cáo trực tiếp của giám đốc kỹ thuật - nhà sáng lập". Bản thân việc tiếp quản công ty đã là thử thách lớn với bất kỳ một CEO mới nào, nhưng hoạt động trong tình huống trên còn làm cho khó khăn tăng lên gấp bội.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: