Niềm tin vào các chuyện lạ
Năm 1997, tuần báo Time đưa ra số liệu thăm dò tại Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ. Trong số những người được thăm dò ngẫu nhiên qua điện thoại, 81% tin thiên đường có thật, trong lúc chỉ 16% không tin; 63% tin có địa ngục so với 30% không tin. Trả lời câu hỏi: Điều gì xảy ra sau khi chết?, 61% tin là được lên thiên đường, 5% tin sẽ luân hồi, 4% cho rằng đó là dấu chấm hết và 1% sợ bị đầy xuống địa ngục. Như các con số đã thể hiện, ở đây đức tin cảm xúc đạt tới tỷ lệ 70%, trong khi sự tường minh trí tuệ chỉ có 4%!
Những thăm dò gần đây cũng cho kết quả tương tự. Chẳng hạn kết quả của Gallup năm 2005 cho thấy, 73% số người được hỏi tin ít nhất một trong mười hiện tượng lạ. Trong đó 41% tin ngoại cảm có thật; 37% tin có những ngôi nhà bị ma ám; 25% tin thuật chiêm tinh; 20% tin có luân hồi; và đặc biệt vẫn có tới 21% số người tin phù thủy có thật! Nghiên cứu đối tượng trên toàn thế giới qua mạng của Đại học Monash, nước Úc, năm 2006 cũng cho thấy, 70% tin có các hiện tượng không giải thích được làm thay đổi cuộc đời của họ, thường là theo hướng tích cực; 80% tin có linh cảm và 50% tuyên bố đã gặp kiếp trước của chính mình. Điều đáng quan tâm là các kết quả đó bền vững với thời gian, cho dù khoa học ngày càng phát triển, giúp con người khám phá nhiều bí ẩn của tự nhiên.
Lý giải như thế nào?
Đứng trước thực tế đó, các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra nhiều cách lý giải. Chẳng hạn trong cuốn Vũ trụ nghệ thuật, do đại học danh tiếng Oxford (Anh) ấn hành năm 1995, nhà thiên văn nổi tiếng John Barrow cho rằng, hệ quả âm tính của việc trông gà hóa cuốc, tưởng có sư tử ở một nơi không có, là rất nhỏ (mất chút công sức đi đường vòng để tránh) so với việc không nhìn thấy khi nó có thật (có thể bị sư tử ăn thịt). Nói cách khác, có thể có hoặc không có ma quỷ, với người nguyên thủy, đó là một thách đố không có lời giải. Vậy tốt nhất là cứ tin nó có thật và tổ chức thờ cúng, còn hơn không tin mà nó có thật thì nguy to. Theo Barrow, đây chính là căn nguyên mang tính sinh tồn của sự mê tín.
Còn theo cố thiên văn gia Carl Sagan thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh trong vũ trụ SETI, trong cuốn Thế giới quỷ ám - Khoa học như ngọn nến trong bóng tối, năm 1996, thì ngay cả ma quỷ cũng không đáng sợ bằng nỗi sợ hãi không tên; vì thế người ta cứ thích tin vào ma quỷ.
Hai nhà tâm lý Singer và Benassi thì cho rằng, việc thừa nhận thế giới huyền bí giúp con người có cảm giác làm chủ số phận tốt hơn. Bằng cách đó họ giảm được sự bất định của cuộc sống, ít nhất trong tâm tưởng. Vì thế khi có một “lý thuyết” giản đơn cho phép biết trước tương lai vốn không thể biết trước, chúng ta có xu hướng tin theo một cách không phê phán. Đó chính là nhu cầu qui hoạch trong một vũ trụ không thể qui hoạch, một nhu cầu rất con người và rất chính đáng! Vì thế chúng ta tin tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, tướng số... mà không hề băn khoăn xem chúng có đúng hay không. Các kết luận đó được đưa ra sau một nghiên cứu năm 1981, khi hai ông bố trí một nhà ảo thuật trình diễn trước hai nhóm sinh viên tâm lý đại cương. Một nhóm được thông báo trước rằng, đó là một nhà tâm linh có các khả năng “kỳ diệu” như nhìn cong thìa hay làm đồ vật biến mất; trong khi nhóm còn lại biết trước rằng, đó chỉ là sự khéo tay. Sau buổi trình diễn, hai phần ba số sinh viên thuộc nhóm thứ nhất tin rằng, đó chính là khả năng tâm linh huyền diệu. Tuy nhiên, hai nhà khoa học rất ngạc nhiên khi thấy, hơn một nửa số sinh viên thuộc nhóm thứ hai, dù biết trước đó chỉ là ảo thuật, vẫn khẳng định rằng, đó không phải là ảo thuật, mà là “tâm linh”!
Và không nên quên rằng với người nguyên thủy, nhìn đâu cũng thấy thánh thần và ma quỷ. Cái nhìn đó đã lặn sâu vào vô thức để trở thành bản chất con người. Nói cách khác, niềm tin vào sự huyền bí, như loạt bài phản ánh hiện tượng luân hồi vừa đăng trên TT&VH, chính là nhu cầu của con người và được quyết định từ bản năng sinh tồn, từ bản chất bên trong của con người. Khoa học chỉ như ngọn nến trong bóng tối(lời Sagan), nên rất khó đẩy lùi xu hướng đó.
Cũng không nên quên nhu cầu giải trí của công chúng và sức ép đối với giới truyền thông. “Đuôi một con cá” không phải là tin, nhưng “Quái vật hồ Loch Ness” thì đích thị là một tin mà đa số chúng ta đều muốn nghe. Chúng ta ai chẳng thích xem cảnh David Copperfield bay lượn trong không trung hơn cảnh một vị giáo sư khẳng định, điều đó trái với qui luật tự nhiên? Vì thế khi các nhà khoa học Mỹ lập một kênh truyền hình để giải thích các hiện tượng lạ bằng khoa học vào năm 1988, thì chỉ sau ba buổi phát sóng, họ phải đóng kênh vì không có người xem. Trong khi đó, hàng chục kênh chuyên kể chuyện lạ thì phát sóng năm này qua năm khác mà không bao giờ sợ thiếu người ngồi lì trước ti vi và xem chăm chú!
Cũng có người cho rằng, vì khoa học hiện hành không thể lý giải mọi hiện tượng tự nhiên, nên nhiều hiện tượng lạ cũng có thể nằm ngoài sự giải thích của khoa học. Người viết bài này thì cho rằng, ngoài các lý do kể trên, nguyên nhân chủ yếu của niềm tin vào sự huyền bí nằm ở bí ẩn của bộ não, cấu trúc phức tạp nhất tự nhiên. Bộ não phức tạp đến mức, số khả năng kết mạng của các tế bào thần kinh - yếu tố quyết định khả năng tư duy và nhận thức - lớn hơn tổng số hạt cơ bản có trong toàn vũ trụ. Vì thế có lẽ bộ não và tâm trí mãi mãi là những bí ẩn không thể lý giải được đến tận cùng. Và đó có thể là lý do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật hay tôn giáo, cũng như của niềm tin vào sự huyền bí của con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)