Người châu Á có thể tư duy?
Người châu Á có thể nghĩ (Can Asian think)? Nếu bất chợt có ai đặt câu hỏi này với bạn thì cũng đừng ngạc nhiên quá đỗi bởi câu hỏi đó đã được Kishore Mahbubani, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore (1993-1998) và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chính sách công danh tiếng ở Singapore đặt ra từ lâu. Câu hỏi đó gợi cho chúng ta và hầu hết người châu Á một sự tò mò, băn khoăn và thậm chí là một sự khiêu khích.
Kishore Mahbubani, như ông tự nhận, là một người “đã may mắn được đi qua nhiều nền văn hóa và nhiều thời kì khác nhau”. Là một người Hindu gốc Ấn ở Singapore (Sindhi) ông đã có những láng giềng là người Hồi giáo gốc Malaysia, người Hoa đến từ Trung Quốc. Ông cũng đã từng là “một thần dân của nước Anh, sau đó trở thành công dân Malaysia, và chỉ 2 năm sau, năm 1965, lại mang quốc tịch Singapore”. Trong sự nghiệp của mình ông “đã đi từ Đông sang Tây” vì vậy có được các trải nghiệm khác nhau ở những vị trí, thời điểm và trong những nền văn hóa khác nhau. Điều này làm cho cái cách ông đặt ra câu hỏi liệu người châu Á có thể nghĩ càng trở nên khiêu khích, gây ra sự tò mò băn khoăn của những độc giả khi cầm trên tay cuốn sách này của ông.
Câu hỏi được dùng làm tựa đề của cuốn sách này đã không chỉ là sự khiêu khích nhằm vào người châu Á mà còn cả những người ở ngoài châu Á hay nói chính xác là những người phương Tây. Như tác giả đã viết, tiêu đề của cuốn sách mang tính khiêu khích này sẽ gợi ra hai câu hỏi lớn dành cho hai đối tượng khác nhau. Trước tiên là cho những người châu Á, liệu người châu Á có thể nghĩ? “Bạn có thể nghĩ được không? Nếu có, tại sao các xã hội châu Á lại để mất cả ngàn năm và tụt hậu nhiều so với các xã hội châu Âu – các xã hội đến đầu thiên niên kỷ này đã vượt rất xa chúng ta?” Ở đây, câu hỏi không còn chỉ là sự băn khoăn, sự khiêu khích và còn là cả một sự cảnh tỉnh đối với những người châu Á. Tiếp đến, tác giả cũng dành một câu hỏi cho “những người bạn phương Tây” là liệu “người châu Á có thể nghĩ cho chính bản thân họ?” Hay nói cách khác là liệu người phương Tây có tin là người châu Á có thể tư duy và chấp nhận cái cách tư duy của người châu Á để rồi chấp nhận không áp đặt cái tư duy phương Tây vốn được xem là độc tôn lên những người bạn châu Á của họ?
Phải nói ngay rằng ngay chính bản thân tác giả cũng đã không thể trả lời cho câu hỏi lớn xuyên suốt cuốn sách này. Trong lần xuất bản đầu tiên, tác giả còn lưỡng lự giữa ba phương án trả lời ‘có thể’, ‘không’ và ‘có lẽ là có thể’. Ông viết trong lời nói đầu cho lần xuất bản này như sau: “Người châu Á có thể nghĩ? Nếu nhìn từ lịch sử các xã hội châu Á trong vài thế kỉ gần đây, câu trả lời có lẽ là ‘không’ – hay giỏi lắm là ‘không được tốt lắm’.” Còn trong lời nói đầu cho lần ấn bản thứ ba tác giả đã thừa nhận rằng ông không có “tham vọng đưa ra một câu trả lời đích đáng” mà chỉ muốn “chính độc giả tự thách thức những giả thuyết cũ mà thôi”.
Nhưng dù không có một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu người châu Á có thể nghĩ, xuyên suốt cuốn sách chúng ta có thể thấy toát lên hai khẳng định của tác giả cũng có thể coi là hai câu trả lời ở dạng không trực tiếp cho câu hỏi mà tác giả đã đặt ra. Theo Kishore Mahbubani, người châu Á “cần phải nghĩ – và tư duy rất sâu sắc – về triển vọng của mình trong thế kỷ tới và trong thiên niên kỷ mới.”(Lời giới thiệu cho lần xuất bản đầu). “Nhưng bài học đầu tiên mà châu Á cần học là học cách phát triển, triển khai và duy trì một phần mềm đúng: Cơ chế phát hiện nhân tài, hòa bình và sự trung thực (MPH – meritocracy, peace, honesty – có lẽ đó là cách viết tắt dễ nhớ trong thời đại thay đổi nhanh chóng ngày nay).”
Còn đối với người phương Tây, câu trả lời của Kishore Mahbubani là phương Tây hãy tự giải phóng mình khỏi những giáo điều về tư tưởng để có thể nhìn lại chính mình như phần còn lại của thế giới vẫn nhìn thấy nó và “đó là một liều thuốc giải cho thói tự hãnh, quen với ngọt ngào trong những bài viết của giới phương Tây về các vấn đề đương đại” (Lời giới thiệu lần thứ 2). Ông cho rằng “nếu những luận điểm này có bất cứ giá trị gì, tôi hi vọng nó sẽ dẫn các học giả phương Tây tới việc chấp nhận rằng họ không phải là “độc cô cầu bại” về trí tuệ và họ nên khiêm tốn chút khi rao giảng vấn đề này với những độc giả không thuộc phương Tây.”
Vì vậy, cho dù là khiêu khích, tác giả kỳ vọng rằng “sẽ lại có một cuộc đối thoại mới giữa Đông và Tây khi xã hội châu Á bắt đầu phát triển thành công lại” chứ không chỉ là một cuộc đối thoại “quá lời” trong những năm 1990 để rồi sau đó “cả hai phía (trong đó có chính Mahbubani) rút khỏi cuộc tranh luận trong xấu hổ rằng mình đã quá lời”.
Tuy đặt ra một câu hỏi mang đầy tính học thụât nhưng cách tiếp cận Kishore Mahbubani không nặng về khía cạnh lý thuyết. Chẳng có một định nghĩa, một chuẩn mực nào về tư duy được tác giả đưa ra. Như tác giả thừa nhận, những bài viết của ông rải rác trong một quãng thời gian dài và trên các diễn đàn khác nhau được dựa trên “trực giác” và “trải nghiệm” sống hơn là tư duy hàn lâm, học thuật (Lời giới thiệu cho ấn bản lần thứ 2). Chính vì điều này mà cuốn sách của ông sẽ không phải là vật đối chứng với công trình mang tính học thuật của R. Nisbett (The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently and Why). Điều này sẽ có thể làm thất vọng một số người cả ở phương Đông lẫn phương Tây khi có ý định so sánh giữa Mahbubani và Nisbett.
Nhưng cũng chính ở điểm này cuốn sách của Kishore Mahbubani thể hiện những khiếm khuyết đáng tiếc. Rất nhiều lập luận của tác giả chỉ dựa trên những hiện tượng thuần túy mà chưa đi sâu vào bản chất của sự việc. Tác giả cố gắng tìm kiếm và xâu chuỗi các sự kiện riêng lẻ nhằm biện minh cho một lập luận có sẵn hơn là dùng những sự kiện đó để đi đến một chân lý chưa được khám phá. Chẳng hạn khi nói về sự biến đổi xã hội ở Mỹ kể từ năm 1960, tác giả liệt kê một loạt các con số ấn tượng nhưng không hề chỉ ra mối liên hệ nhân quả giữa sự thay đổi trong các thiết chế xã hội với “sự suy đồi lớn của xã hội” Mỹ. Công việc của tác giả giống như việc gọt một đôi chân cho vừa với đôi giày mà tác giả đang có hơn là đi tìm kiếm sự lý giải thích đáng cho những gì tác giả quan sát được.
Đọc sách của Kishore Mahbubani chúng ta sẽ nhanh chóng cảm nhận thấy một sự tự hào của tác giả về châu Á và các “giá trị châu Á” cho dù tác giả đôi lúc đã cho thấy một sự kiềm chế để tránh sa vào một cuộc tranh luận mới như tác giả thừa nhận rằng “cả hai phía rút khỏi cuộc tranh luận trong xấu hổ rằng mình đã quá lời”. Song hành với sự tự hào (đôi lúc là thái quá) này là một sự phê phán đôi khi nhẹ nhàng, đôi khi rất gay gắt nhằm vào phương Tây và Mỹ. Nhưng dù chỉ trích Mỹ và phương Tây, tác giả vẫn không thoát khỏi thái độ trông chờ vào Mỹ và phương Tây. Thái độ chỉ trích Mỹ và phương Tây của tác giả trong suốt cuốn sách nhiều khi giống như là một lời chê trách, than vãn, hờn dỗi của một người thất vọng vì sự trông đợi không được đáp ứng hơn là một sự phê phán tỉnh táo và sòng phẳng đối với Mỹ và phương Tây.
Một sự khác biệt khác với các công trình mang tính học thuật là sự thiên vị của tác giả. Với vị trí là một nhà ngoại giao, một người phụng sự lợi ích của một quốc gia, tác giả không hẳn đã biện minh cho châu Á mà cốt lõi của lập luận của ông là biện minh cho chính ông, cho chính phủ ông mà ông đã phụng sự. Chẳng hạn như trong bài viết về Polpot, ông đã tìm cách bóp méo sự thật lịch sử, đưa ra một cách nhìn khác sai lệch về lịch sử nhằm bảo vệ cho lập trường về vấn đề CPC của Singapore trong thời kỳ mà ông từng là quan chức ngoại giao. Chính ở điểm này dụng công của tác giả dường như đã không được thành công như ý muốn. Trong khi tác giả khuyên người châu Á phải biết tư duy, tư duy sâu sắc để có thể đuổi kịp và thậm chí là làm cho người phương Tây phải ngả mũ kính phục và khuyên người phương Tây phải biết phá bỏ sự xơ cứng trong tư duy và phá bỏ các định kiến thì tác giả vẫn giữ nguyên định kiến của mình, những định kiến cố hữu mà tác giả đã cố gắng bảo vệ và biện minh trong hầu hết các bài viết trong cuốn sách này cho dù nó khó có thể phản ánh đúng lịch sử cũng như thực tại. Đọc những gì tác giả viết về CPC, Trung Quốc, Việt Nam và cả Mỹ và phương Tây, người ta dễ dàng nhận thấy cái định kiến cố hữu gần như không thể vượt qua của tác giả. Và điều này chỉ có thể được giải thích bằng việc tác giả đã từng là một tác nhân góp phần hình thành chính những định kiến đó và đứng đằng sau những định kiến đó là lợi ích của chính phủ mà tác giả đã phụng sự.
Cuốn sách có thể làm hài lòng những người luôn tự hào về châu Á và cũng sẽ làm hài lòng những người luôn tìm thấy thú vui trong việc chỉ trích Mỹ và phương Tây. Nhưng cuốn sách sẽ không đủ để làm hài lòng những ai muốn thực sự có thể tự hào một cách chính đáng về châu Á và cả những người muốn phản bác, chỉ trích Mỹ và phương Tây một cách công bằng, sòng phẳng và thực sự khách quan.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015