Mua bán trọn gói quyền tác giả: Lợi cả đôi đường

03:51 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tám, 2003

Ngày 9.8 tới đây, tại TPHCM, Công ty văn hóa Phương Nam công bố vấn đề bản quyền đặc biệt đối với các tác giả Cao Xuân Hạo, Nguyễn Khải và Nguyễn Văn Xuân. Cả ba tác giả trên đều đã ký hợp đồng với Phương Nam về việc bán bản quyền tác phẩm của mình trong một thời hạn nhất định.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, dịch giả, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã ký hợp đồng "bán đứt" tất cả các tác phẩm trong vòng 30 năm, với số tiền trả trong vòng ba năm.

Nhà văn Nguyễn Khải cũng ký hợp đồng 5 năm, trong thời gian này, Phương Nam toàn quyền quyết định đối với việc xuất bản toàn bộ tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của ông từ khi mới sáng tác cho đến năm 2003.

Trước đó, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cũng đã bán bản quyền tác giả cho Phương Nam với thời hạn 30 năm.

Hiện nay, Công ty Phương Nam đã cử một nhân viên với tư cách là thư ký giúp ông soạn thảo lại toàn bộ những bản thảo chưa in. Không chỉ riêng Công ty Phương Nam, trước đó NXB Trẻ (TPHCM) cũng đã mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.

Như vậy, từ đây mở ra một hướng hợp tác mới có triển vọng sáng sủa giữa các tác giả và các đơn vị làm sách với mục đích hai bên cùng có lợi và làm thông thoáng môi trường kinh doanh văn hóa.

Theo ông Trần Thức, Trưởng phòng liên kết xuất bản của Phương Nam, đây là một cách làm ăn bài bản, đàng hoàng, bảo đảm quyền lợi của tác giả.

Để hiểu hơn tiếng nói của những người trong cuộc, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ba nhà văn, dịch giả vừa ký kết hợp đồng bản quyền đặc biệt với Phương Nam về vấn đề "cái lợi lớn nhất mà họ nhận được".

* Dịch giả, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo:

"Cái lợi thấy rõ là mình được hưởng một số tiền khá lớn, chỉ phải chịu thuế thu nhập; còn họ lo cho mình chuyện in, phát hành tác phẩm. Khi tác phẩm bị in lậu, họ sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát về vấn đề bản quyền. Có người cho là rẻ, nhưng theo tôi rẻ còn hơn không.

Lâu nay, nhiều NXB không những in không sách của tôi, không trả nhuận bút, không tặng sách, mà thậm chí còn không thông báo một tiếng để tác giả sửa lại những chỗ sai, thiếu, hoặc in lần trước bị sót. Thành ra có hiện tượng là cuốn "Con đường đau khổ" tôi từng dịch người ta in lại thiếu mất những 50 trang. NXB làm quá ẩu, còn tác giả mang tiếng, lại không có thì giờ kiện tụng nên NXB tha hồ làm gì thì làm.

Còn ở đây, Phương Nam không chỉ mua bản quyền những tác phẩm dịch, mà còn cả những công trình nghiên cứu của tôi nữa, cả thảy hơn 20 tác phẩm. Họ tôn trọng những thành quả lao động của tác giả và rõ ràng tính đến việc có lợi cho họ thì mới làm. Nhưng đây cũng là một cách ưu tiên cho tôi...".

* Nhà văn Nguyễn Khải:

"Trong vòng 5 năm, họ in toàn bộ tác phẩm của tôi và tôi không có quyền đưa bản thảo cho bất cứ NXB nào khác. Sau 5 năm, nếu làm ăn tốt thì cả hai bên tiếp tục ký, còn không thì thôi. Cái lợi trước mắt là tính nhất quán.

Ở đây thể hiện một cách làm ăn đàng hoàng, công ty chịu trách nhiệm in khoảng 10 tác phẩm của tôi trong vòng hai năm 2003-2004, với số lượng ít nhất là 1.000 cuốn/tác phẩm. Sau 15 ngày sẽ thanh toán tiền cho tác giả. Nếu tái bản cũng vậy. In sách đẹp, cẩn thận.

Trước đây nhiều nơi làm ăn lôm côm, đến tác phẩm của mình mà chính tác giả cũng không biết in khi nào, nhuận bút trả ra sao".

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân:

"Cái được đầu tiên là mình đỡ lo về in ấn, mình chỉ việc sửa lại "đồ cũ" để đem in. Tôi chưa có kinh nghiệm trong chuyện bản quyền lắm.

Với tôi 30 năm hay 5 năm cũng vậy thôi. Cái được thứ hai là họ làm cả quảng cáo. Đây là khâu khó nhất. Họ lo cho mình thì coi như mình chỉ việc nghiên cứu và đầu tư vào bản thảo thôi. Từ trước đến nay tôi mới chỉ in khoảng 5-7 cuốn sách. Hiện còn khoảng 10 bản thảo đang trong giai đoạn hoàn tất để in".

Theo Lao Động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: