Một số vấn đề cần quan tâm khi khởi dựng sự nghiệp trong lĩnh vực mạng
Bị đánh lừa bởi những lời nhận xét rằng mạng máy tính hiện là một lĩnh vực nghề nghiệp hấp dẫn và đang thiếu nhân lực có kiến thức, rất nhiều người đã nhảy sang với hi vọng sẽ có được một vị trí ngon lành trong các công ty. Tuy nhiên, hãy nên xem xét thật kỹ lưỡng vì trên thực tế, thiếu nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật mạng do đây là công việc khó và cạnh tranh cao để có được vị trí tốt.
Mặt khác, chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực mạng khá mơ hồ và khoa trương khiến nhiều người nhầm lẫn. Do vậy cần phải hiểu rõ từng chức danh nghề nghiệp vì mỗi vị trí có mức lương trung bình và tiềm năng phát triển khác nhau.
Một số chức danh nghề nghiệp cơ bản:
Quản trị viên mạng
Nhìn chung công vịêc của các quản trị viên mạng là thiết lập cấu hình và quản lý các mạng nội bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN). Mô tả công việc đối với quản trị mạng thường tỉ mỉ khiến nhiều người thấy đáng sợ. Ví dụ, “ứng viên phải chịu trách nhiệm phân tích, lắp đặt và thiết lập cấu hình mạng máy tính trong công ty. Công việc thường ngày gồm theo dõi hoạt động mạng, giải quyết sự cố và đảm bảo an ninh mạng. Những công việc khác bao gồm trợ giúp khách hàng về bộ điều hợp cho hệ điều hành và mạng, cài đặt cấu hình cho bộ định tuyến, chuyển đổi, tường lửa và đánh giá công cụ mạng của bên thứ ba.”
Những người mới vào nghề thường thiếu kinh nghiệm trong danh mục mô tả công việc nêu trên. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng hầu hết những nhà tuyển dụng thường không hi vọng các ứng viên có kiến thức chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực. Do vậy, không nên nản lòng trước những mẩu quảng cáo việc làm với yêu cầu rất chi tiết và bao trùm nhiều lĩnh vực như vậy.
Kỹ sư mạng
Tuỳ thuộc vào từng công ty mà kỹ sư mạng và quản trị viên mạng được sử dụng hoán đổi nhau hoặc có phân biệt. Đối với những công ty phân biệt giữa hai chức danh này, quản trị mạng thường tập trung vào công việc quản lý mạng hàng ngày còn kỹ sư mạng tập trung vào công việc nâng cấp đánh giá sản phẩm của người cung cấp, thử hệ thống an ninh v.v…
Kỹ thuật viên mạng
Công việc tập trung vào các vấn đề cài đặt, xử lý sự cố và sửa chữa một số phần cứng và phần mềm. Kỹ thuật viên dịch vụ thường phải đến các khách hàng ở xa để hỗ trợ và nâng cấp mạng. Tuy vậy, một số công ty cũng không phân việt giữa kỹ thuật viên, kỹ sư và quản trị viên mạng.
Phân tích/Lập trình viên mạng
Viết các phần mềm hoặc tập lệnh (scripts) hỗ trợ cho phân tích mạng như các tiện ích chuẩn đoán và theo dõi mạng. Họ cũng chuyên sâu vào đánh giá sản phẩm của công ty khác, tích hợp công nghệ phần mềm mới vào môi trường mạng hiện tại hoặc xây dựng môi trường mạng mới.
Quản lý viên hệ thống thông tin/mạng
Kiểm soát hoạt động của quản trị viên, kỹ sư, kỹ thuật viên mạng hoặc lập trình viên. Quản lý viên hệ thống thông tin/mạng thường tập trung vào việc lập kế hoạch đánh giá chiến lược dài hạn.
Mức lương cho các vị trí này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công ty tuyển dụng, điều kiện thị trường, kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên.
Những vấn đề cần quan tâm khi khởi dựng nghề nghiệp trong lĩnh vực mạng máy tính:
Thực tập lấy kinh nghiệm
Yêu cầu kinh nghiệm là nỗi ám ảnh chung của nhiều người tìm việc. Các nhà tuyển dụng thường chỉ thuê những người có kinh nghiệm trong khi kinh nghiệm chỉ thu được khi có việc làm. Lĩnh vực mạng máy tính cũng không phải là ngoại lệ cho dù công việc ở lĩnh vực này rất sẵn.
Tuy vậy, có một số cách để lấy kinh nghiệm trước khi thực sự được tuyển dụng. Ví dụ như thực tập toàn thời gian trong kỳ nghỉ hè hoặc làm bán thời gian những công việc trợ giúp học tập tại trường. Thực tập thường không được trả lương cao, công việc dễ gây nhàm chán và thường thực tập viên dường như không thể hoàn thành được một dự án đáng kể nào trong khoảng thời gian ngắn như trên. Tuy vậy, điểm quan trọng đó là kinh nghiệm thực tế mà công việc đó mang lại. Chỉ riêng việc một người đầu tư thời gian vào làm việc như vậy đã gây ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.
Với một vị trí tốt sẽ có rất nhiều ứng viên nộp đơn cho dù đó là một công việc bán thời gian. Để nổi bật giữa rất nhiều ứng viên hãy đề cập đến công việc và một số thành quả của mình trước đây cho dù đó chỉ là những bài nghiên cứu trong khoá học. Ví dụ một người có thể bắt tay vào làm bài nghiên cứu trên lớp sau đó mở rộng bài nghiên cứu đo. Hoặc họ cũng có thể tự nghiên cứu, thử nghiệm những công cụ và tập lệnh quản trị mạng.
Tuy nhiên có một kỹ năng hay bị bỏ qua đó là khả năng giải thích các khái niệm kỹ thuật. Nếu người nào có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có lợi thế đáng kể. Lợi ích của kỹ năng này được thấy rõ trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Để có thể nói về các vấn đề kỹ thuật không phải là chuyện dễ nhưng nếu một người có kỹ năng trả lời ngay các câu hỏi thì người đó sẽ tự tin và chuẩn bị tốt hơn để thăng tiến. Định kỳ đến các buổi phỏng vấn xin việc cho dù vị trí này không hấp dẫn cũng như thường xuyên tới các hội chợ việc làm cũng là một ý tưởng hay.
Đi theo công nghệ nào
Đây cũng là một câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người mới bước chân vào lĩnh vực mạng máy tính. Có rất nhiều công nghệ như Microsoft, UNIX, Cisco, Novell tuỳ thuộc vào sở thích của từng người từng công ty.
Có nhiều lời giải cho câu hỏi này như người học thích công nghệ nào thì đi theo công nghệ đó hoặc tìm hiểu công ty họ định xin làm việc xem công nghệ nào họ cho là quan trọng. Tuy nhiên điều cơ bản không phải là học công nghệ nào trước tiên mà quan trọng hơn người học phải hiểu rằng công nghệ thay đổi rất nhanh. Do vậy những người muốn tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực mạng không thể chỉ biết tới một công nghệ duy nhất.
Tập trung vào các kiến thức cơ bản
Mạng máy tính bao gồm một số công nghệ cơ bản mà rất nhiều khoá học về mạng đang dạy như: IP và TCP/IP, mô hình OSI, Ethernet, internetworking. Những kiến thức nền mang lại rất nhiều lợi ích, do vậy người học nên chọn cho mình khoá học phù hợp hoặc tự nghiên cứu chuyên sâu những kiến thức đó.
Một số người quả quyết rằng mạng và công nghệ thông tin là một “trò chơi dành cho giới trẻ” và nhìn chung các công ty định kỳ lại thay đổi nhân viên trẻ hơn. Nếu đúng như vậy có lẽ mạng máy tính sẽ là một lĩnh vực ít hấp dẫn nhất đối với mọi ngưồi. Trên thực tế, đây là lĩnh vực rất phức tạp, bao gồm rất nhiều công nghệ đến mức các công ty coi trọng cả những nhân viên có kinh nghiệm lẫn những nhân viên mới nhiều hoài bão. Một chiến lược xây dựng sự nghiệp hiệu quả là tìm kiếm và học hỏi những kỹ năng mới từ những người có kinh nghiệm.
Rất nhiều công ty coi tấm bằng đại học 4 năm là một lời cam kết bước vào ngành. Công nghệ mạng thay đổi rất nhanh nên các nhà tuyển dụng đánh giá cả kiến thức hiện tại cũng như khả năng học tập và thích nghi trong tương lai của ứng viên. Giấy chứng nhận mới chỉ chứng minh kiến thức hiện tại nhưng tấm bằng đại học cho thấy rõ khả năng học tập nói chung của một người.
Tự học là một cách hiệu quả nhưng thường bị nhiều người đánh giá không đúng. Nói chuyện và liên lạc với những người khác cả nơi bạn sinh sống cũng như trên Internet, bạn sẽ có thể thu được những thông tin có giá trị về các vấn đề kỹ thuật cụ thể cung như những lời khuyên về viết đơn xin việc, về các công ty đang tuyển dụng, các trường v.v… Chúc bạn may mắn trong ngành mạng máy tính hoặc bất cứ ngành nào bạn chọn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường