Tiếp chương 4 - Bám thắt lưng tây

03:53 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2003

Về khía cạnh "bám thắt lưng Tây để học" mà nói, tiêu biểu nhất có lẽ là toàn bộ quá trình hợp tác của FPT với Ngân hàng VID-Public Bank.

VID-Public Bank (viết tắt là VPB) là ngân hàng liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam với Public Bank, Ngân hàng lớn thứ ba ở Malaysia. FPT đến với VPB khá bất ngờ. Tháng 8/1992, FPT đạt được những thành công vượt bậc trong việc tiêu thụ máy Olivetti tại thị trường Việt nam. Tổng giám đốc khu vực của Olivetti khi đó là Mr. Unduraga đã sang thăm và làm việc với FPT. Có lẽ đó là đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của các hãng có tên tuổi đến thăm FPT. Hồi đó Olivetti còn mang sang nhiều thiết bị và phần mềm về ngân hàng để demo. Kinh nghiệm quý nhất mà chúng tôi học được của bạn là nếu chương trình có lỗi thì cứ tắt béng máy đi rồi bật lại.

Trong các cuộc nói chuyện, tình cờ ông ta nhớ ra ông bạn là Chan Kok Choy, Tổng Giám đốc của VPB. Ông ta bèn dẫn anh Bình đến giới thiệu. VPB đồng ý mua luôn máy Olivetti, đồng thời cũng muốn ta đưa ra giải pháp phần mềm toàn diện thay cho hệ thống nửa thủ công lúc đó. Được trang bị bằng kiến thức của hai vụ MSB và BNP, tôi liền bắt tay ngay vào đàm phán hợp đồng. Nhờ đó, tôi gặp MooSun (tức [email protected]), ngườiđã góp phần không nhỏ vào thành công của nhóm Ngân hàng. Những hôm đầu tiên là những hôm cực kỳ khó khăn. MooSun có vẻ hoàn toàn không hiểu chương trình của chúng tôi làm được gì. Câu hỏi làm anh băn khoăn nhất là mở tài khoản như thế nào. Hồi đó chúng tôi cũng thấy bất lực lắm. Chương trình của ta cứ thấy tài khoản mới là mở cần gì phải module riêng. Một việc nhỏ như thế mà thằng này cũng không nhận thức được. Mãi sau này chúng tôi mới hiểu. MooSun vốn được đào tạo như một người Operation, nhìn nhận chương trình như một công cụ cung cấp việc tự động hóa các nghiệp vụ của Teller. Còn SIBA khi đó đơn giản chỉ là một chương trình Accounting thuần túy, back-end (tất tần tật làm vào cuối ngày). Tuy nhiên, chắc do tin lời giới thiệu của Olivetti, Mr. Chan cũng ký với chúng tôi một hợp đồng phần mềm trị giá 16.000 USD (theo chuẩn của BNP).

Đây là đề án có nhiều kỷ lục, kỷ lục thứ nhất là thời hạn. Đây có lẽ là đề án kéo dài nhất. Cho đến bây giờ vẫn chưa có bản nghiệm thu HĐ mặc dù tiền đã đòi hết từ lâu, thậm chí đã ký thêm và đòi tiền mấy hợp đồng nữa rồi. Sở dĩ có chuyện đó là vì MooSun là người không bao giờ thỏa mãn với cái hiện có mà luôn luôn tìm các ứng dụng mới. Do đó anh chấp nhận ký thêm hợp đồng mới mà chẳng cần nghiệm thu HĐ cũ. Chính anh đã mạnh dạn áp dụng Passbook Printer, một loại máy in có khả năng in trên các form in sẵn với độ chính xác tới 1/240 inch. Trong lời giới thiệu của TTVN cũng có lời cám ơn ông MooSun vì anh đã chấp nhận đưa chương trình vào cho hệ thống thông tin nội bộ Ngân hàng.

Một trong những hệ quả hiển nhiên của kỷ lục thứ nhấtlà biến đề án này thành đề án qua tay nhiều người nhất từ xưa đến nay. Sau khi ký hợp đồng, do toàn bộ đội phần mềm của cả FPT và FiBI đều đang bận chinh chiến trong thị trường phía Nam là BNP và EximBank, tôi phải mượn Tấn Vinh (lúc đó đang làm cho khách sạn Thắng lợi) để thiết kế màn hình nhập giao dịch. Tuy trước đó anh chưa hề biết về ngân hàng, nhưng kỳ lạ thay giao diện đó vẫn còn giữ được cho đến nay. Sau đó anh Phạm Anh Tuấn bên Công thương tham gia viết các báo cáo kế toán, chị Quyên bên Hàng hải viết phần tổng hợp, Tú Huyền sau khi chạy khỏi Bảo Việt Hà nội viết phần tiền gửi và Tín dụng, Hồng Sơn và Vũ FiBI chịu trách nhiệm phần Remittance. Phạm Anh Đức tham gia một phần viết các chương trình in trên Passbook Printer. Module hệ thống do Đình Anh viết có cả chức năng cấp phép tức thời cho các giao dịch vừa là niềm tự hào vừa là nỗi lo âu khi tự nhiên các trạm làm việc không bắt được liên lạc. Đinh Quang Thái (tức thai@fpt) cũng góp một phần khi triển khai lại hệ thống Remittance. MooSun chịu trách nhiệm toàn bộ về phần tài liệu. Số là sau khi đọc các tài liệu mà chúng tôi cấp cho (vì không trốn tránh được), hắn chẳng hiểu gì cả nên đành phải bắt tay vào viết lấy. Phải nói tài liệu của MooSun đã cho chúng tôi hiểu được thực sự thế nào là User Manual. Trong đó miêu tả chi tiết cách một nhân viên phải làm thế nào để thực hiện được một giao dịch, kể cả việc bố trí máy, cắm điện, bật máy,... Tuy nhiên hiểu là một chuyện, còn làm được lại là chuyện hoàn toàn khác. Cho đến bây giờ các tài liệu sử dụng của FPT vẫn nổi tiếng là không giống với chương trình thật. Làm với MooSun còn có một thuận lợi lớn nữa, đó là anh luôn luôn viết rất chi tiết và có hệ thống những yêu cầu của mình. Những bản yêu cầu đó, thực chất đã góp phần đào tạo nghiệp vụ cho cả một lớp nhân viên FPT. MooSun gần như mê tín Tú Huyền, Hồng Sơn, Đình Anh và Xuân Chung (Bảo hành - chungnx@fpt). Đám cưới gây đầy thất vọng cho Khánh hói là của Tú Huyền cũng có vợ chồng anh tham dự. Có một chuyện nhỏ, như khi Ngân hàng mở chi nhánh ở Đà nẵng, anh cứ kỳ kèo anh Chung đi lắp mạng bằng được mặc dù biết rằng ở Đà nẵng có vô khối đội lắp được mạng. Vui nhất là khi anh Chung kể lại chuyện Hồng Sơn chiều chiều rủ anh ra bãi biển ngắm hoàng hôn, bỏ mặc các cô giao dịch viên ngân hàng xinh như mộng. Phải công nhận Sơn là người lãng mạn mà lại chung thủy - thế mới hay chứ. Là thần tượng của các em ngân hàng xinh đẹp, anh vẫn giữ được sự trong trắng. Nghe đồn là anh sắp lấy vợ.

Tháng 6/96, MooSun hết hạn về nước, FSS họp chia tay với anh tại quán ăn Huế Lý Thường Kiệt. Chúng tôi cùng hát với nhau. Anh cảm động nói: "Bây giờ tôi mới thấy thực sự buồn khi quyết định trở về". Hy vọng anh đang làm ăn thành đạt ở đâu đó trên đất nước Malaysia xa xôi và có nhiều duyên nợ với FPT.Những kỷ niệm về mối quan hệ với MooSun đã minh chứng rằng kiến thức và tình người không biết đến ranh giới địa lý và dân tộc cũng như ngôn ngữ.

Sở dĩ tôi nói là FPT có duyên nợ với Malaysia vì chính đề án VID-Public đã đưa SIBA ra ngoài biên giới Việt nam. Sau khi triển khai xong giai đoạn đầu, chúng tôi hân hạnh được đón ông Joseph Heathcote sang kiểm tra. Ông này là một chuyên gia hàng đầu về các hệ thống tin học ở Australia. Nghe đâu cả nước chỉ có dăm ba người. Ngân hàng mẹ của VID-Public là Public Bank thuê ông này trong 5 năm để chủ trì việc thay đổi toàn bộ hệ thống thông tin của mình. Public Bank là ngân hàng lớn thứ Ba tại Malaysia, và dự định sẽ down size và chuyển toàn bộ các chi nhánh của mình sang PC. Tổng dự án lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Nghe đâu đã ngã ngũ và người thắng cuộc hình như là HP Malaysia. Không hiểu sao ông Heathcote tình cờ lại quan tâm đến một hợp đồng bé tí có 16.000 USD ở Việt nam. Có lẽ vì liên quan đến giải pháp PC, nhưng nhiều phần chắc hơn là ông ta muốn thăm Việt nam. MooSun và Tổng Giám đốc Chan sợ lắm. Sau khi đã làm việc tại Ngân hàng, chúng mới dẫn ông ta đến trụ sở ISC tại Giảng Võ. Có lẽ đấy là bất ngờ lớn đối với ông ta vì thay vào những cơ sở lập trình sang trọng thì ông ta lại bắt gặp một sân trường đúng giờ ra chơi, ồn ào và hỗn loạn. Tôi có ngồi nói chuyện với ông ta chừng 1 tiếng đồng hồ về đủ thứ trên đời trong máy tính. Cũng tương đối thôi vì tiếng Anh giọng úc của lão, tôi chỉ hiểu được chừng 30%. Không ngờ hôm sau lão mang đến một hợp đồng dày cộp đề nghị ký với FPT để mở rộng chương trình. Ngoài những điểm tôi và MooSun đã thỏa thuận trước, hợp đồng có chứa một điều khoản quan trọng cho phép Public Bank sử dụng SIBA trong các chi nhánh của mình tại nước ngoài. Quá bất ngờ và sung sướng vì chương trình của mình được tôn trọng thế, tôi đã đồng ý ngay với khoản phí bản quyền là 5000 USD/chi nhánh, bụng cũng không tin rằng có lúc nào đó điều này lại trở thành hiện thực. Sau này khi triển khai tại Lào và Campuchia, cố gắng bịa ra mọi thứ chúng tôi cũng chỉ nâng hợp đồng lên được tới 20000 USD (kể cả ăn ở). Thiệt hại sơ sơ cũng tới 50000 USD và còn có thể bị thiệt nữa. Tuy nhiên đổi lại ông Heathcote đã cho chúng tôi một cơ hội để khẳng định mình. Đối với cá nhân tôi điều đó là vô giá. Ông còn sang thăm Việt nam nhiều lần nữa. Lần nào tôi cũng dẫn ông và Chan đến ăn ở quán Huế, vừa rẻ và ngon. MooSun thì thầm với tôi: "Mr. Heathcote rất nể chúng mày, thỉnh thoảng ông lại bảo sang chơi để nói chuyện với Mr. Nam". Vì thế nên Tổng Giám đốc Chan luôn luôn coi chúng tôi là thần tượng. Hôm cuối năm vừa rồi, tôi nói Hồng Sơn muốn gặp Chan tại Emotion, cũng chỉ để gặp nhau cho vui, tôi quên mất rằng hôm đó là ngày bận rộn nhất của Ngân hàng. Thấy 2 cậu hớt hải phóng xe Mercedes đến tôi mới thấy hơi xấu hổ vì đã quá lạm dụng lòng tốt của bạn. Chính Chan đã mời tôi sang Malaysia chơi mấy ngày tháng 8/1994. Nhân dịp đó, Heathcote đã dẫn tôi đến thăm một chi nhánh được coi là tiên tiến nhất của Public Bank. Chương trình ở đó chạy trên Windows, tuy nhiên so về tính tích hợp giữa các modules thì coi bộ có vẻ kém của ta. Phần nào đó chuyến thăm này cũng liên quan đến TTVN sau này. Chẳng là hồi đó, ở VN đang rộ lên làm Internet. Cuộc đấu ác liệt giữa Viện Tin học, anh Trần Xuân Thuận, Trung tâm Thông tin Thương mại, Bưu điện. Ai cũng đưa ra dự án, nghe nói đến 500.000 USD. Anh Bình có nói tôi nên tham gia. Tuy nhiên lúc đó hoàn toàn mù tịt chẳng biết gì nên tôi làm ngơ. Nhân chuyến thăm Malaysia, được Peter Bate, một tay gián điệp của FPT nằm trong nội bộ Olivetti giúp đỡ, tôi gặp được 1 tay tự xưng là chuyên tư vấn về các giải pháp mạng. Sau này khi tôi mời chú tư vấn cho đề án Internet VN (vẫn võ cũ để khai thác thông tin), chú than rằng chẳng có tiền tôi mới ngã ngửa ra là các phần mềm và công cụ cho Internet lúc đó hầu hết là cho không. Cuộc cạnh tranh chủ yếu là tổ chức khai thác và nội dung, các vấn đề mà các nhà khoa học ở ta hoàn toàn không đề cập đến. Khi làm TTVN chúng tôi vẫn luôn luôn tuân theo các nguyên tắc đấy. Xin nói 1 chút đến Peter Bate. Anh làm ở Olivetti Malaysia và là người đấu tranh để Olivetti đầu tư chiều sâu vào Việt nam thông qua FPT. Những năm 91-92, Olivetti đang có khoảng 60% thị trường Ngân hàng ở Việt nam. Ru ngủ bởi những thắng lợi đó, những lời khuyên của Peter bị lãnh đạo hãng bỏ qua. Khi Olivetti bắt đầu nhận thức được điều đó, cam kết vào Việt nam thì có thể nói cơ hội tốt nhất đã bị qua. Từ vị trí dẫn đầu, Hãng lại phải bắt tay vào cuộc chiến mới để dành lại các thị trường đã mất. Một phần đó cũng là thất bại của FPT. Thiết nghĩ tất cả nhân viên FPT có thể rút ra những kinh nghiệm sâu sắc cho riêng mình. Peter sau đó chán lại bỏ về Australia. Xin mở ngoặc thêm là chính Peter đã giới thiệu SilverLake đến FPT từ đầu năm 1993.

Một đề án lý thú về mặt marketing mà tôi muốn nêu ra đây hợp đồng với chương trình cấp nước Phần lan gọi tắt là YME. Chính phủ Phần lan tài trợ cho Hà nội để cải tạo hệ thống cấp nứơc sạch của thành phố. Trong đó có việc xây dựng lại chương trình Quản lý thu tiền (gọi là Billing). Đột nhiên một ngày đẹp trời cuối năm 1992 chúng tôi nhận được đơn mời tham gia đấu thầu chương trình Quản lý Thu tiền. Đây là lần đầu tiên FPT tham gia vào một cuộc đấu thầu phần mềm. Chúng tôi rất lúng túng không biết xoay xở thế nào. Cùng tham gia có các công ty Gen Pacific và Viện Tin học. Trong đó đáng ngại nhất là Viện Tin học vì có các chuyên gia kinh nghiệm trong việc viết dự án. Tôi và anh Bảo được phân công chuẩn bị hồ sơ. Chúng tôi quyết định sẽ gồm 2 phần: Giải pháp kỹ thuật và Giới thiệu Công ty. Trong giải pháp kỹ thuật, phần phức tạp nhất là giải trình việc tại sao dùng Fox. Còn nội dung công việc, rất may là đội bạn đã chuẩn bị khá chi tiết. Lý thú nhất là phần giới thiệu Công ty. Anh Bảo nghĩ ra kế kể thật nhiều những người sẽ tham gia đề án. Và thế là danh sách những chuyên gia của FPT sẽ tham gia thực hiện đề án bao gồm cả các Tiến sĩ Thủy lực (chúng tôi cho rằng cũng gần với nước) như Trương Gia Bình, Lê Thế Hùng, Trần Văn Trản,... tổng cộng mấy trang. Quả nhiên hồ sơ chúng tôi gây ấn tượng. Sau mấy lần thất bại trong việc thuyết phục tôi giảm giá, anh chàng Seppo to béo và vui tính người Phần lan đồng ý ký với FPT hợp đồng trị giá 13000USD, cao hơn gấp rưỡi so với giá của Viện Tin là 7000 USD. Tôi còn nhớ ngày ký hợp đồng là ngày 2/1/1993. Tôi và anh Ngọc đèo nhau lên tận chỗ rẽ cầu Thăng long. Anh Ngọc thú nhận đây là hợp đồng dày nhất mà anh ký. Sau đó chúng tôi có ăn cắp lại mẫu này và áp dụng cho hầu hết các hợp đồng phần mềm khác. Về anh chàng Seppo này tôi nhớ nhất là chuyện khi tôi hỏi: "Are you married?", anh ta trả lời "Many times". Đề án này cũng góp phần làm cho anh ta thấy rõ tính mềm dẻo của người Việt nam. Do đã liệt kê danh sách những người tham gia quá nhiều, tôi với anh Bảo bàn nhau lúc đầu cũng phải đi họp cho đông thật. Thế là Nam, Bảo, Khánh, Phương, Thành, Huyền,.... được huy động hết. Đến lúc triển khai hợp đồng còn mỗi Phạm Anh Đức. Thế mà vẫn xong, Seppo lại còn rất kính trọng Đức và ký thêm mấy hợp đồng nữa.

Hợp đồng này tuy không lớn lắm về giá trị nhưng có ý nghĩa lớn vì lần đầu tiên chúng tôi chủ động tham gia đấu thầu với Tây và đã thắng. Tôi chắc rằng trong thành công ngày nay của anh Bảo cũng có ít nhiều kinh nghiệm từ vụ này.

Nhắc đến Marketing không thể không nhắc đến lần xuất ngoại đấu thầu đầu tiên của tôi và Khắc Thành. Đó là vụ MayBank. MayBank là Ngân hàng lớn nhất Malayxia, quyết định mở chi nhánh tại Việt nam vào giữa năm 1995. Nhờ môi giới, họ biết được FPT đã cung cấp giải pháp cho VID-Public và Chinfon Bank. Sau mấy lần gặp gỡ, Mr. Wan Kup, giám đốc chi nhánh Việt nam bảo tôi: chúng mày phải sang bên Trụ sở chính của Ngân hàng bọn tao để giới thiệu cho bọn máy tính ở đó. Thế là tôi và Thành khăn gói quả mướp sang đó. Đối thủ của chúng tôi là một công ty Malayxia tên là InfoPro. Bọn này tôi đã từng gặp khi sang Phnompenh. Chương trình của chúng cũng chạy trên Fox, tuy nhiên do có sự đầu tư và tham gia bài bản của Unisys, nên chương trình khá chuyên nghiệp. Mặc kệ chúng, bọn tôi miệt mài chuẩn bị slides và chương trình mẫu. Không ngờ, tay chịu trách nhiệm chính, Mr, Azip người ấn độ lại ủng hộ chúng tôi nhiệt liệt. Sau khi liếc qua chút ít, anh trực tiếp đứng ra giới thiệu và bảo vệ SIBA trước đại diện của các phòng ban nghiệp vụ khác. Buồn cười nhất là trong khi Azip đang ca ngợi SIBA thì chúng tôi tìm cách ăn trộm bản Infopro để về nghiên cứu. Một hôm tôi mượn cớ kéo mấy tay quân địch ra một góc để nói chuyện cho Khắc Thành "backup" dữ liệu. Tất nhiên là thay vì backup, anh đã nhanh tay copy tất cả những file đã được chúng tôi bí mật nén trước vào đĩa mềm. (có một điểm chúng tôi quên mất là không nhìn trộm mã khóa người dùng supervisor, may mắn làm sao khi về Triều cái lại mò ra được). Khó nhất là ăn cắp tài liệu. Quyển user manual to tướng là nỗi thèm muốn của chúng tôi. Cuối cùng tôi quyết định ngỏ lời với Azip hy vọng cậu ta giúp đỡ. Không ngờ hắn ta cười lên hô hố: "Chương trình này thối lắm, của chúng mày hay hơn nhiều lấy làm gì" thế là chúng tôi ngọng. Tuy nhiên sau này khi thực hiện hợp đồng, cuối cùng Tú Huyền cũng trộm được.

Chúng tôi để chương trình lại và ra về trong bụng cũng không hy vọng lắm. Không ngờ ít lâu sau tự nhiên thấy gọi đến để ký hợp đồng khẩn cấp cả phần cứng lẫn phần mềm. Để lấy tiền nhanh, Khánh hói đã ký đại mà chẳng cần đóng dấu gì. Có lẽ sự tự tin của chúng tôi đã thuyết phục được Azip và đến lượt mình sự tự tin của anh đã thuyết phục được các vị kiểm tra khó tính của một trong những ngân hàng lớn nhất khu vực này.

Biết chuyện chúng tôi sang tận nước bạn để bán hàng, bè bạn ở chỗ khác cũng có vẻ nể lắm.

Có lẽ điều đáng kể nhất mà tôi học được trong các cuộc hợp đồng với nước ngoài đó là sự tự tin. Nhờ may mắn tôi được gặp gỡ và làm việc với khá nhiều chuyên gia của các nước bạn. Từ Âu, á, Mỹ, úc đều có. Chân thật và thẳng thắn, chưa bao giờ chúng tôi làm cho bạn phải thất vọng. Cả chúng tôi và đối tác đều thừa biết là còn rất nhiều điều chúng tôi chưa làm được, thậm chí còn chưa biết tới. Nhưng khả năng học hỏi và áp dụng nhanh chóng của những lập trình viên Việt nam đã làm cho đội bạn phải tôn trọng. Tôi thật sự tin rằng nếu tất cả mọi người đều nhận thức được điều đó chúng ta sẽ có một cơ hội tốt để thực hiện bước nhảy vọt trong công nghệ thông tin. Tin học là một ngành đặc biệt, đến một ngày nếu chúng ta cho rằng mình đã quá giỏi và không cần lắng tai nghe, thì sản phẩm dù có tốt đến đâu cũng sẽ nổ tung không còn dấu vết như bong bóng xà phòng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan