Chương 3 - Thương mại

03:49 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2003

Nếu như hiểu chương trình có khả năng thương mại là chương trình có thể bán được ra tiền thì chương trình thương mại đầu tiên của FPT là chương trình tính dự toán công trình do anh Bảo, Nam và Hùng râu làm cho anh Nhuận. Lúc đó FPT còn có một xí nghiệp Cơ-Điện-Lạnh do anh Nguyễn Đức Nhuận làm giám đốc chuyên nhận các công trình thiết kế hệ điều hòa. Thấy các kỹ sư cặm cụi tính toán các dự toán rất phức tạp, nhất là mỗi khi phải thay đổi kinh phí hay Nhà nước thay đổi các thông tư nghị định cho xây dựng cơ bản, Hùng Râu nảy ra ý định tự động hóa. Khi nghe hắn trình bày xong, anh Bảo cười khẩy, rồi cặm cụi lập trình luôn. Tôi khi đó đang học nghề cũng mon men xin một chân viết chương trình đọc các file tham số để truyền cho chương trình tính và in của anh Bảo.

Khi in ra được một tập giấy dày, anh Nhuận phấn khởi lắm. Hùng Râu khẳng định là anh có trả cho 3 chúng tôi 1.000.000 đồng (một số tiền khá lớn vào năm 1989 khi lương của chúng tôi chỉ là 30.000/tháng) và hắn đã chia đều cho 3 người. Tuy nhiên tôi chẳng nhớ là mình đã nhận được đồng nào cả. Có lẽ vợ đã thu hết từ lúc nào mà không biết. Không biết chương trình của chúng tôi có giúp được gì không, nhưng anh Nhuận đã thắng thầu đề án lắp đặt hệ thống thông gió cho Đài truyền hình Việt nam trị giá hơn 1 tỷ đồng. Một cuộc đấu thầu có tính chất lịch sử đầu tiên của FPT, mở màn cho seri thắng lợi của anh Ngọc và anh Bảo sau này. Tôi vẫn còn nhớ là được dự liên hoan ở Nhà hàng Quốc Tử Giám cực kỳ sang trọng. Về sau này cũng có nhiều công ty chuyên về làm và bán các phần mềm dự toán này. FPT không hiểu sao không quan tâm nữa.

Sau vụ này anh Nhuận trở thành nhân viên tiếp thị máy tính đắc lực. Câu nói cửa miệng của anh là "Máy tính hay lắm, ấn một cái là nó in ra lung tung cả", rất có ấn tượng với khách hàng. Sau một thời gian, anh Nhuận tách ra khỏi FPT lập thành Emeco, nghe nói làm ăn cũng phát đạt. Rất lâu sau đó, chiếc máy tính Foremost lịch sử đầu tiên của FPT vẫn còn chạy ở văn phòng xí nghiệp. Đã có lúc nghe nói FPT sẽ mua lại để làm kỷ niệm nhưng chẳng thấy ai thực hiện cả.

Typo4

Không hiểu những người khác thế nào, đối với tôi, đề án có tính chất quyết định trong việc trưởng thành như một người lập trình và quản trị dự án là đề án với mật danh là Typo4. Chắc là tôi phải dành nhiều trang hơn cho đề án này.

Số là trong thời gian du học tại Grenoble, Pháp, anh Ngọc có quen được với một anh Việt kiều tên là anh Long, cũng là một fanatic trong lập trình. Chắc chắn là đã nghe không ít hơn một lần bài giảng của anh Ngọc về sự thông minh của các lập trình viên Việt nam, anh Long ôm mộng về nước tổ chức lập trình làm ăn lớn. Và anh làm thật.

Lần đầu tiên tôi gặp anh là khoảng giữa năm 1989, trong buổi họp đầu tiên với các lập trình viên "tài năng và giàu kinh nghiệm" của Việt nam. Tôi còn nhớ là rất ngạc nhiên, quái lạ ông Việt kiều này còn gầy hơn cả mình. Vâng một người nhỏ thó, nhưng kế hoạch của anh thì không hề nhỏ. Thửơ đó Windows còn là một thuật ngữ hết sức xa lạ. Bản thân tôi mới nhìn thấy một lần bản Windows 1.0 tại Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục, và thấy nó hết sức không thân thiện. Tuy nhiên, anh Long đã nhìn thấy trước tương lai tươi sáng (?) của Windows, anh quyết định bỏ tiền túi, về Việt nam chiêu mộ quân sĩ. Typo4 là code name của chương trình lên trang chuyên nghiệp chạy trên Windows mà anh Long định thực hiện. Nói chuyên nghiệp là để phân biệt với chương trình Ventura lúc đó đang rất thông dụng. Theo anh Long, Typo4 không nhằm mục tiêu đại trà mà chỉ để dành cho các nhà in chuyên nghiệp. Tôi còn nhớ sở dĩ gọi là Typo4 là để nhấn mạnh khả năng tách làm 4 màu của mỗi bản in chứ không phải là version xiếc gì !

Qua anh Ngọc, anh Long liên kết với khoa Tin học BK để thuê địa điểm và tuyển mộ quân sỹ. Do có chân trong FPT, vả lại hồi đó chúng tôi cũng chưa có việc làm, anh Ngọc kết nạp tôi với anh Bảo vào đội. Anh Bảo thì rõ vì lúc đó anh đã tham gia vào rất nhiều đề án lập trình và đã là một người nổi tiếng. Còn đối với tôi đó là một sự may mắn. Trong mấy tháng đầu tôi toàn lo bị đuổi. Có đến hơn 10 người tham gia vào đề án. Sau đó rơi rụng bớt chỉ còn có a. Ngọc, tôi, a. Bảo, Mr. Vũ Đức Vượng, Mr. Nguyễn Văn Lợi, Mr. Tô Thành. Sau này có thêm Trần Ngọc Trí viết về truyền tin và Mr. X chuyên dịch các lệnh in của Windows sang dạng Postscript.

Cũng muốn nói thêm một chút về những đồng nghiệp này. Thực ra thì tôi cũng nhận bừa là đồng nghiệp vì lúc đó chưa thể dám coi mình là lập trình viên.

GS Đại học Bách khoa Tô Thành hồi đó có một chương trình rất ấn tượng mà chúng tôi hay gọi là Hoa thơm Bướm lượn (tôi có nhắc tới lúc đầu). Chương trình này có thể coi như là chương trình Multimedia đầu tiên giới thiệu những khúc thơ tình trong cảnh một đàn bướm và chuồn chuồn dập dờn dưới tiếng nhạc réo rắt. Bây giờ tôi thấy vẫn còn có chỗ dùng chạy demo. Hay nhất là cách anh vẽ những bông hoa bằng các đường Sin ngẫu nhiên, rất đẹp.

Vũ Đức Vượng, học ở Bungari về, về sau còn có một thời gian dài hợp tác với FPT để làm các chương trình lễ tân khách sạn và kế toán. Có thể nói không ngoa là anh có mặt trong buổi ban đầu của Balance. Hiện nhà tôi còn có cái tủ do anh môi giới một người đóng hộ.

Nguyễn Văn Lợi là một trong số ít những người Việt nam được học ở Bỉ. Đó là lứa năm trước chúng tôi, cả một khóa được phân đi Rumani, vì lý do gì đó bọn Ru từ chối, thế là lại được sang tư bổn. Đúng là Tái ông mất ngựa. Anh Lợi làm ở Viện Điện tử, cũng là một địa chỉ Tin học nổi tiếng thời bấy giờ.

Lại nói về Typo4. Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là lăn ra học Windows và MS C. So với Turbo C đang rất phổ biến hồi đó, lập trình MS C là cả một cực hình: vừa chậm, vừa không có WorkBench, không có debug. Tuy nhiên đổi lại MS C có khả năng Link thành file to để load từng đoạn và hơn nữa tương thích với Win. Để nghiên cứu, anh Long mua hẳn bộ SDK của Win 2.1 rất tân tiến. Và chúng tôi bắt đầu làm quen với WinMain, GetMessage, GetDC, BitBlt,... Tất nhiên so với các bạn làm Visual Basic bây giờ, chúng tôi trông giống những ông thợ xây chứ không phải nhà kiến trúc. Còn nhớ, điều làm tôi rất bất mãn lúc bấy giờ là Win không có hàm OpenFile() standard. Mỗi đứa viết một kiểu.

Như một người thiết kế tổng thể, anh Long đã bỏ ra rất nhiều thời gian để quy định các phương thức để mọi người có thể làm việc với nhau. Một trong những cách đó là hàm của ai viết phải có tên của người đó ở đầu, chẳng hạn Vdv_MenuX() hiểu ngay là hàm của Vũ Đức Vượng. Chúng tôi còn học cách chia sẻ và chuyển các cấu trúc dữ liệu. Rất bổ ích. Chỉ riêng có một điều anh Long không thành công, đó là bắt chúng tôi làm tài liệu một cách có bài bản. Không hiểu là tự chúng tôi dốt hay thực sự việc đó cũng không cần thiết.

Làm được một thời gian, anh Bảo được hội làm nhận dạng mời đi Pháp dài hạn. Chúng tôi chính thức còn 5 người. Anh Ngọc chuyên lo vẽ và lập trình các loại DialogBox, trong Win 2.x còn khá phức tạp. Anh Lợi chuyên trách về Editor. Vượng về menu và các hàm khung. Tôi và Tô Thành làm việc khá chặt chẽ với nhau. Theo thiết kế, trang in sẽ là một tổ hợp các hình hình học có chứa text hoặc image ở bên trong. Kiểu như Frame trong Word. Tô Thành chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các objects đó bao gồm các hình chữ nhật, elip và zigzag. Nhiệm vụ của anh là thông báo cho tôi trên một line, chỗ nào là chỗ trống cho text. Nhiệm vụ của tôi là đọc text từ buffer của Editor và fill vào những chỗ trống đó theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của typography. Thiết kế đòi hỏi rất cao, các hình là tùy ý và có thể quay, chồng chéo lên nhau, có thể transparent hoặc solid. Về mis en page (lên trang) cũng rất khắt khe. Tôi còn nhớ chúng tôi phải phân biệt đến 8 loại space (ký tự trắng) thể hiện như nhau trong điều kiện bình thường nhưng khác nhau cơ bản khi co giãn để lên trang. Một ví dụ để nói lên sự đòi hỏi đó: thủa đó, Win chưa có font true type. Để thể hiện đúng kích thước của từng chữ, tôi phải dùng các font scalable như Roman. Tuy nhiên chúng có nhược điểm là display rất chậm. Một hôm tôi mới láu cá, tính sẵn từng dòng và play cả dòng kiểu máy in dòng. Tốc độ được cải thiện đáng kể. Phấn khởi, hôm sau gọi anh Long đến demo, không dè anh chửi cho té tát. "Tôi không cần các anh làm nhanh, mà cần các anh làm đúng. Anh phun ra từng dòng, thì ai đảm bảo khoảng cách giữa các chữ là đúng" Vậy đó, chúng tôi phải tính chi li khoảng cách giữa các chữ cái trong bảng font để đảm bảo phân bố text một cách tối ưu nhất theo yêu cầu của người dùng.

Tất nhiên không phải chỉ có được. Chúng tôi cũng đã bao nhiêu lần kéo nhau ra quán, đòi đập chén bỏ việc vì chẳng hiểu vì sao làm mãi vẫn thối. Chẳng hiểu vì sao ông Long vẫn không hài lòng. Lòng tự trọng nhiều lúc cao ngùn ngụt. Mâu thuẫn chủ yếu là cách đánh giá công việc giữa cá nhân từng người và anh Long. Sau này khi có dịp phụ trách thiết kế tôi mới hoàn toàn thông cảm với những lo toan của anh Long.

Cũng may là hồi đó tôi chưa biết gì, nên toàn ngồi im, vả lại anh Ngọc luôn luôn là người đứng ra hòa giải. Vì thế anh em tôi vẫn đi được đến cùng mà không sứt mẻ.

Sau chín tháng 10 ngày, sản phẩm cũng được ra đời. Vì in là in ra file Postscript nên phải mang sang tận Bộ Nội vụ có một máy LaserWriter mới in được. Khi anh Long mang bản in thử về, anh em chúng tôi ai cũng thấy sướng. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết một chương trình khác có thể lên được những trang đẹp như vậy. Không hiểu anh Ngọc còn giữ mẫu nào không.

Tuy như anh Long nói, định 10 mới chỉ làm được 3, Typo4 thực sự đã là trường học lớn đầu tiên cho tôi. Lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn tôi đã gặp may khi được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại nhất, được làm việc dưới sự chỉ huy của một người giàu tham vọng và biết cách thực hiện nó, được làm việc đòi hỏi tính đồng đội cao trong một môi trường gần gũi và thoải mái. Cám ơn anh Long và Typo4 rất nhiều.

Bài học Typo4 cũng chỉ ra rất rõ những điểm mạnh và yếu của những người lập trình trong nước. Rõ ràng chúng ta có những lập trình viên giỏi, sáng tạo, có khả năng thực hiện được những công việc đồ sộ, phức tạp. Nhưng chúng ta thiếu những người có tầm nhìn xa hơn, đoán được trước xu hướng phát triển, đi vào lĩnh vực mới. Trong số ít ỏi những người có khả năng đấy, than ôi, hầu như không ai có đủ sự dũng cảm và tự tin để chọn đó làm sự nghiệp của đời mình. Các đề án xuất sắc của 3C, AIC, Viện Tin học mãi mãi chỉ là những kỷ niệm đẹp vì không có người dám đặt cược sự thành đạt của mình vào những sản phẩm đó.

Năm tháng trôi đi, càng ngày chúng ta càng nhận thức được rằng tiềm năng duy nhất của Công ty và Đất nước chỉ là con người. Và công nghệ phần mềm dường như đã thuyết phục được các chính khách như là con bài chủ đạo trên con đường Việt nam tiến lên xã hội mới. Ngày nay chúng ta ngậm ngùi nhớ lại những cơ hội đã bị bỏ qua để bắt tay vào làm lại từ đầu ?!

Phòng vé Việt nam Airlines

Hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên của FPT là Hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Phòng vé Hàng không Việt nam Hà nội, cuối năm 1990. Trước đó một chút, nhờ nỗ lực của anh Phan Quốc Việt (Việt tròn - nguyên chánh văn phòng PetroViệt nam), Trần Ngọc Trí cũng đã triển khai một cái gì giông giống như chương trình truyền tin cho Ngân hàng Công thương Hải Hưng. Tuy nhiên cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn demo.

Quá trình dẫn dắt đến hợp đồng, tôi không được rõ lắm, chi tiết xin hỏi anh Bùi Quang Ngọc (nay là NgocBQ@fpt).

Phòng vé máy bay lúc đó có thể coi là một tụ điểm, bởi vì vé máy bay cực hiếm, nhất là những chuyến đi Nga. Phòng vé lúc nào cũng đông như hội. Trưởng phòng vé Hà nội lúc đó là chị Phan Hạnh Thỏa, thiếu tá quân đội. Cũng nhờ có công giúp đỡ lớn của chị Thỏa và chị Hòa phó phòng mà chúng tôi mới hoàn thành được chương trình. Nhóm đề án do anh Ngọc chủ trì có tôi, Đinh Thế Phong, Trần Ngọc Trí, Phan Minh Tâm và Cường. Tôi nhớ là làm việc rất bài bản, buổi họp đầu tiên là anh Ngọc trình bày về các tình huống xảy ra deadlock trong quản trị dữ liệu. Với công cụ FoxBase, Trần Ngọc Trí đã tạo ra cả một thư viện những hàm giúp cho chúng tôi có thể trình bày màn hình đẹp chẳng kém gì FoxPro bây giờ. Cũng cụp xòe, có Shadow, Windows, chữ trôi,...

Chương trình đượcxây dựng trên mạng 10Net. Cũng phải nhắc đến lịch sử mạng này một chút vì dù sao nó cũng là cơ sở cho chương trình thương mại đầu tiên của FPT. Ngay từ khi mới thành lập ISC, anh Công đã khẳng định LAN là tất yếu và do đó chúng ta phải tìm cách xây dựng 1 mạng LAN, ít nhất là tại FPT. Thời gian đã chứng minh là anh rất có lý. Cho đến bây giờ, FPT vẫn chưa có gì cao hơn ngoài việc lắp các mạng LAN. Tôi luôn luôn kính trọng anh Công không phải vì kiến thức mà vì anh là người dám đưa ra các dự báo. Cũng ít người hiểu được vì sao anh lại rời FPT. Còn nhớ khi phân đất tại khu Thủ lệ, anh nói rất tự hào: "Bây giờ có cơ hội để cho con tao được ở gần bọn mày cho có trí thức". Chả là nhà anh ở làng Kim Liên, anh cho là rất nhà quê.

Theo đề nghị của anh, giữa năm 1989, FPT đã đặt mua 5 card mạng Ethernet của hãng 10Net, được kèm luôn cả hệ điều hành mạng kiểu peer-to-peer, tốc độ 10M. Sau một hồi mày mò, cuối cùng Võ Mai cũng dựng lên được và đó là niềm tự hào về công nghệ đầu tiên của FPT. Đứng về khía cạnh người dùng, mạng này có một số tính năng lý thú như khả năng chating, mail, BBS included. Về khía cạnh quản lý, nó cho phép supervisor kiểm tra toàn bộ access vào mạng thậm chí cả các actions cụ thể như người dùng sử dụng interrupt nào,... rất tiện lợi cho việc bẫy lỗi chương trình. Bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên là tại sao Novell Netware lại không có những utilitties như vậy.

Lại quay về Phòng vé. Đúng ngày 1/1/1991, sau 3 tháng lập trình, Phòng vé chính thức khai trương sử dụng chương trình mới với một mạng 1 máy chủ Olivetti M300 và 6 máy con Olivetti PCS286 và PCS86. Lần đầu tiên, khách hàng được nhận những tờ hóa đơn và PNR do máy tính in ra. Anh Bình lúc đó sướng lắm đọc diễn văn khen ngợi luôn luôn.

Như trên có nói, cùng tham gia vào đề án có Mr. Cường. Đó là một thanh niên khá bảnh trai nhanh nhẹn và thông minh. Tốt nghiệp Toán, Đại học Tổng hợp. Anh được nhận vào FPT rất đơn giản: anh đích thân gặp anh Bình và tuyên bố "Em là nhân tài, anh nên nhận em". Anh Bình đã choáng váng và không thể từ chối lời đề nghị đấy. Tiếc thay giờ đây ít người dám học Cường ở điểm này. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, Cường đã có những quan hệ rất tốt với HKVN, khi đó mới bắt đầu xây dựng lại bộ máy tin học của mình. Tôi rất tiếc vì không giữ được anh ở lại FPT.

Chúng tôi kịp đưa thêm nhiều dịch vụ mới. Đầu tiên là thay máy Telex bằng chương trình của Phan Minh Tâm, cho phép gửi/nhận các yêu cầu giữ chỗ qua SITA từ bất kỳ máy tính nào. Chương trình này của Tâm sau đó được giải nhất cuộc thi các công trình sinh viên ở Đại học Bách khoa Hà nội, Tâm đã tốt nghiệp với loại xuất sắc. Đó cũng là một kiểu như chương trình mail bây giờ, chạy 24/24, ban ngày thì nối vào mạng, tối lại tách ra chạy độc lập. Đối với Đức béo, mỗi khi phải bảo hành máy tính Telex là hắn lại kêu trời vì bàn phím toàn nước chè với vỏ hạt hướng dương. Chương trình này là tiền thân choTelex Server của Nguyễn Khánh Văn sau này, hiện vẫn đang chạy ở hàng chục chi nhánh ngân hàng Việt nam và nước ngoài. Phan Minh Tâm, nhờ có những tài năng đột xuất trong việc bắt Virus cho UNDP đã được cất nhắc lên phụ trách kinh doanh của ISC. Cuối năm 1994, anh đột ngột rời FPT sang TOGI để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bọn Tiến béo, Hải kều.

Sau đó, theo yêu cầu của chị Hòa phó phòng, chúng tôi thiết kế một chương trình kiểu như Queue Management cho phép theo dõi tình trạng làm việc của từng máy để bảo đảm phân khách tối ưu. Hồi đó tôi có viếtmột chương trình thường trú nhỏ để capture màn hình một cách thường xuyên và gửi về máy theo dõi. Mr. Phong phục lắm, nói hồi xưa dùng các hệ thống kiểm tra chỉ biết được thông số chứ chưa bao giờ nhìn được màn hình cả. Lại nói về Mr. Phong, anh là phó tiến sĩ (chẳng biết môn gì) từ Tiệp về, lúc đó đang dạy ở Bách khoa. Đối với tôi, anh là thần tựơng vì đã phá lên cười ha hả khi có một cậu Tây xì xồ cái gì đó. (Tiếng Anh của tôi lúc đó không hơn gì trẻ con 1 tuổi). Phong cũng là một tay STico có hạng. Hồi đó anh có một bất mãn là khi lập trình thường bị anh Ngọc đứng đằng sau nhìn nên hay rủ tôi đi uống cafe cạnh bờ Hồ để chia sẻ. Sau này còn gặp anh làm cửa hàng trưởng cho anh Trần Xuân Thuận.

Tuy nhiên cuộc đời không chỉ toàn hoa thơm. Chạy được quãng 1 tháng, chương trình giở chứng thỉnh thoảng lại treo cứng toàn mạng. Chỉ có cách boot tất cả lại mới thôi. Đó là một điều cực kỳ bất tiện cho các chị bán vé vốn đều tuổi cao lười học cả. Chúng tôi rình mò để bẫy được thời điểm treo. Như trên đã nói, chúng tôi còn có khả năng in toàn bộ tình trạng data và các thanh ghi tại thời điểm đó. Vậy mà vẫn không phát hiện được tại sao. Đành đưa ra phương pháp cổ điển, cử Trần Ngọc Trí ngồi làm việc ngay tại 1A Quang Trung, có sự cố thì xử lý luôn. Nhưng tôi vẫn ức lắm, không chịu thua. Hôm 2 Tết Âm lịch năm 1991, phòng vé đóng cửa chưa tiếp khách, tôi buồn tình xông ra đó ngồi, bật mạng lên hy vọng kiếm được cái gì đó không bình thường. Đúng là gái có công, chồng chẳng phụ, tất cả các dòng config.sys đều specify IRQ=2 là default lúc cài đặt. Như trên đã nói 10Net đã có từ lâu và đặt default cho máy XT, mà các máy chúng tôi cài ở phòng vé lại là AT286. Tôi mừng quýnh, đặt lại IRQ=3 và gọi điện báo cho mọi người đều biết. Quả nhiên sau đó lỗi treo vô duyên đó biến mất.

Hệ thống đặt chỗ cho hàng khônglà khá phức tạp theo số lượng, tần suất giao dịch cũng như sự đòi hỏi về tính ổn định tức là những vấn đề về khai thác sử dụng. Có lẽ đó là điểm mà chúng tôi đã bỏ qua trong giai đoạn thiết kế vì quá tập trung vào những vấn đề có tính kỹ thuật. Khi khối lượng giao dịch lớn đến một mức nào đấy, các vấn đề về tổ chức sử dụng và quản trị giao dịch trở nên quan trọng hơn nhiều bản thân các thuật toán xử lý giao dịch đó. Cùng thời gian chúng tôi thực hiện chương trình ở phía Bắc, các đồng nghiệp ở AppInfo cũng thực hiện chương trình tương tự ở Phòng vé Phía Nam. Đội AppInfo lúc đó có anh Khúc Trung Kiên (hiện ở FSS, tức kien@fpt), anh Trường, anh Tâm. So với phòng vé Hà nội, thì chương trình phía Nam có tính thực dụng hơn hẳn. Điều đó có được do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính theo tôi là nhờ sự khảo sát chi tiếtcác phòng vé của các Hãng nước ngoài tại HCM, điều mà chúng tôi đã hoàn toàn bỏ qua. Có vô khối những vấn đề tưởng như là vụn vặt nhưng với một quy mô giao dịch lớn lại trở nên vô cùng quan trọng, chẳng hạn việc sử dụng menu hay dòng lệnh, việc chặt các chặng bay riêng rẽ hay lưu trữ thống nhất.

Thực chất chúng tôi đã tự động hóa đúng quy trình bằng tay hiện có của các nhân viên bán vé cũmà không phải đưa ra quy trình mới trên máy tính. Kinh nghiệm các đề án về sau cho thấy, phương pháp đó chỉ áp dụng được cho những bài toán có tính ngắn hạn mà thôi.

Với tất cả những thành công và thiếu sót trên, trong suốt hơn 1 năm hoạt động, Phòng vé 1A Quang Trung đã là trường học lớn của chúng tôi về việc ứng dụng tin học vào cuộc sống. Nếu sự phát triển của phần mềm FPT có thể coi là thành công thì không thể không kể đến đề án này. Tôi muốn cám ơn tất cả các đồng nghiệp đã tham gia thực hiện đề án, các Mrs Thỏa, Hòa, Khanh, Trang, Mr. Hậu, Cường ở Hàng không Việt nam về sự kiện đó. Sau này HKVN đã thay chương trình bằng hệ giữ chỗ toàn cầu Gabriel-2.

Nhờ kinh nghiệm thu được ở đây, năm 1992, chúng tôi đã giúp FPT-HCM thực hiện chương trình cho Pacific Airlines, một hãng hàng không cổ phần mới ra đời. Cùng làm với tôi có Nguyễn Tuấn Hùng (FPT.HCM hiện nay, tức [email protected]) và Mr. Sơn béo (tức net.lab@fpt), hiện là trưởng phòng mật mã của Ban IT-2000. Chương trình đó còn chạy cho đến thời gian gần đây mới bị thay bằng Gabriel sau những cố gắng thuyết phục nâng cấp không thành công của Tuấn Hùng. Nhắc đến Pacific Airlines không thể nhắc đến em Thiên Nga, trợ lý đắc lực của chúng tôi lúc đó. Không biết bây giờ em làm gì, ở đâu?

MSB

Có lẽ đề án Tin học hóa Ngân hàng Hàng hải là đề án lớn nhất về quy mô, nhanh nhất về thời gian triển khai và hiệu quả nhất cả về kinh tế, hiệu dụng cho Ngân hàng và đào tạo cán bộ của FPT.

Lúc đó là vào khoảng đầu năm 1991. Không hiểu do xui khiến thế nào, anh Trương Gia Bình gặp được anh Chu Quang Thứ lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hàng hải. Cả hai đều là những người quyết đoán và mộng mơ nên đã nhanh chóng thỏa thuận được về việc FPT sẽ giúp MSB (lúc đó mới chỉ tồn tại trên giấy tờ) tin học hóa toàn bộ các nghiệp vụ của mình. Đổi lại FPT sẽ có 5% cổ phần và được góp 5% cổ phần nữa trong tổng số x tỉ đồng vốn đăng ký của MSB. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là hợp đồng có một không hai của FPT. Quán cafe Emotion nếu thành công, cũng chỉ là một cái bóng mờ của thỏa thuận này. Tuy nhiên, về các khía cạnh kinh tế, xin nhường lời cho các anh Bình, Tiến, Hà. Chúng ta lại quay về kỹ thuật.

Tháng 3/1991. Lúc đó chương trình ở Phòng vé Quốc tế mới tạm yên, anh em đang trong giai đoạn thư giãn. Anh Ngọc (Bùi Quang), gọi tôi ra ngoài hành lang trao đổi: "FPT đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Hàng hải. Về mặt kỹ thuật nhóm Lộc-Đồng-Châu trong HCM sẽ đảm đương. Tuy nhiên với FPT, Ngân hàng là một hướng đi chiến lược, Công ty muốn em xông vào." Tất nhiên là chẳng có lý do gì để từ chối, tôi về nhà tắm rửa sạch sẽ, chay tịnh để vào trận chiến mới. Phải nói là cũng hồi hộp vì trước đó tôi hoàn toàn không có khái niệm i-tờ gì về ngân hàng cả. Đề án ở HKVN cho thấy việc thiếu hiểu biết cặn kẽ về nghiệp vụ có thể dẫn đến những hậu quả như thế nào. Đấy là đứng từ quan điểm bây giờ mà nói, chứ hồi đó chúng tôi cũng vẫn đang còn hào hứng lắm.

Trước mắt là chuyến đi thụ giáo vào HCM để gặp nhóm các đàn anh Lộc-Đồng-Châu, chuyến công tác xa đầu tiên của tôi. Nếu không kể những chuyến xuống Hải phòng để áp tải sắt thép do đổi máy tính Olivetti mà có. Đó cũng là những kinh nghiệm hết sức thú vị, tiếc rằng các bạn lập trình trẻ bây giờ khó có hy vọng mà được trải qua cảm giác lo sợ, hoảng hốt khi đống thép trên xe vì quá nặng rơi béng hết xuống đường trong đêm tối.

Lại nói về bộ ba: Lê Tấn Lộc (hiện là giám đốc FiBI), Hoàng Minh Châu (giám đốc FPT-HCM) và Ngô Vi Đồng (Giám đốc HiPT-HCM). Các anh chơi với nhau đã lâu. Lúc đó anh Lộc là trưởng phòng kỹ thuật của Trung tâm máy tính Ngân hàng Công thương HCM (ICB-HCM). Anh chính là người khởi xướng và điều hành việc vi tính hóa các hoạt động của ICB-HCM từ năm 1988. Thời gian đầu, anh đã mô phỏng các hoạt động của mạng bằng cách copy đĩa mềm chạy từ máy nhân viên sang máy giám đốc. Anh và anh Đồng cũng là những người đầu tiên đưa mạng LAN chạy trên Netware 2.11 vào hoạt động năm 1989. Anh Châu lúc đó cũng đã nổi tiếng là một tay bán font chữ Việt và thầy dạy máy tính cho các học viên mà bây giờ đều đang ở chức vụ cao cả...

Bộ Tam này có một tài uống bia hết sức đáng nể. Lần đầu tiên đi theo các anh từ 7h tối đến 11h00, thấy lục tục đứng lên tôi mừng quýnh. Ai ngờ các anh chuyển sang quán khác để thay đổi khung cảnh. Vì là đi thụ giáo, nên tôi cũng sẵn lòng đi theo. Buồn cười nhất là tự nhiên tôi trở thành ma bia rượu dưới con mắt của Mr.Lộc. Chẳng là anh không thể hiểu được có thằng không uống mà lại mất công đi khuya như vậy. Do đó anh kết luận là chắc tôi cũng uống như điên, có điều anh hơi xỉn nên không nhận thấy. Thậm chí anh còn thông báo với 1 số bạn bè: "Thằng Nam uống được lắm" làm tôi cũng có lúc lấy làm hãnh diện lắm.

Để bắt đầu việc học tập, tôi được anh Lộc đưa cho một cuốn sách: "Kế toán Ngân hàng" cũ kỹ không thể tưởng tượng, xuất bản từ năm 1966 gì đó. Cuốn sách in Roneo trên giấy đen sì đó đã cho tôi những khái niệm cơ bản nhất về các hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại. Sau khi liếc qua chương trình thấy cũng chỉ gồm có một ít các menu, tôi yên tâm bay ra, thông báo với các sếp là có thể bắt đầu dự án.

Nói đến Ngân hàng Hàng hải, không thể không nhắc đến anh Chu Quang Thứ, một người cuồng tín về máy tính. Lần đầu tiên được gặp anh, chúng tôi thấy anh đang chăm chú debug một chương trình. Tôi và anh Ngọc không tin vào mắt mình. Cũng nhờ có chỉ thị của anh "Tôi muốn tất cả những báo cáo của Ngân hàng đều được in ra bằng máy tính, ngay từ ngày đầu" mà cái thằng tôi, đang võ vẽ về Ngân hàng với Mr. Nguyễn Hữu Đức, thậm chí còn ậm ờ cả về máy tính giữ được cho toàn bộ hệ thống hoạt động. Khi đó văn phòng của anh cách Ngân hàng khoảng 500 mét. Anh chỉ thị phải thường xuyên có số liệu trên máy. Nhờ sự nỗ lực của Hùng xoăn, máy của anh được cài đặt remote workstation và hàng ngày download dữ liệu về. Anh thường xuyên ra quyết định dựa trên các thông tin có trong máy của mình. Vì thế, có lần chương trình lỗi cập nhật số dư không chính xác, bị chuyển tiền sai, khách hàng kiện, chúng tôi lo lắm. Gặp anh, anh chỉ cười: "Cái gì mới mà chẳng sai, các em cứ thế mà làm". Nhờ có lãnh đạo như vậy, hệ thống tin học của Ngân hàng Hàng hải đã phát triển khá nhanh trong một thời gian ngắn. Những bài toán mà các Ngân hàng khác hiện vẫn đang đau đầu như thanh toán tập trung, quản lý và điều hòa vốn, báo cáo toàn ngân hàng, đã được giải quyết tại NHHH từ lâu. Có người nói là tại Ngân hàng có quy mô nhỏ. Tôi thì tin chắc rằng vì họ có một người lãnh đạo như anh Thứ: quyết đoán, có yêu cầu rõ ràng và tôn trọng chất xám.

Mr. Nguyễn Hữu Đức cũng là một tay gàn, Mặc dù tốt nghiệp về kinh tế, chẳng biết gì về máy tính, vậy mà anh cũng dám nhận chức trưởng phòng máy tính đảm đương việc triển khai chương trình trong toàn hệ thống. Tôi có với anh một kỷ niệm rất đáng yêu. Hồi đó tôi được coi là thượng khách của Ngân hàng, được bố trí ở Nhà khách Hàng hải, ăn theo chế độ cộng sản, hôm nào cũng cua, tôm, đặc sản. Một hôm anh Đức bất chợt đến thăm tôi, chắc là cũng hy vọng ăn ghé. Rủi thay, đúng hôm đó tôi đã quá chán đặc sản, nên đã gọi cô bé phục vụ lại để đổi lấy cặp lồng cơm với tép rang và rau muống luộc của cô bé đó. Vì lịch sự nên anh Đức không dám nói. Tôi thì vốn cũng hay vô tâm nên cũng chẳng để ý. Sau này mỗi khi gặp lại chúng tôi cũng thường nhắc đến việc này luôn.

Một nhân vật nổi tiếng nữa của FPT là anh Khắc Thành cũng được rèn luyện trong lò Hàng hải. Khi đó mới chân ướt chân ráo về nước, máy tính còn đang ú ớ, anh đã được giới thiệu là chuyên gia hàng đầu và biệt phái về Ngân hàng 6 tháng làm việc cùng anh Đức. Sau đó quả nhiên anh thành chuyên gia hàng đầu thật. Có lẽ vì quá say mê với công việc hoặc vì Ngân hàng có quá nhiều em xinh đẹp mà cả anh Thành lẫn anh Hữu Đức đến bây giờ vẫn: "Phòng không, giường trống tàn hoang". Chắc chắn anh Thành có nhiều kỷ niệm với chị em ở đó, không biết bao giờ anh mới kể ra thôi. Lại nói về Khắc Thành, nhân tiện đi Hải phòng, hắn liền bị phân công thực hiện hợp đồng cho Liên hiệp Hàng hải Việt nam. Một hợp đồng có thể coi là ăn theo hợp đồng Ngân hàng. Bên đội bạn lúc đó có anh Bình là một người rất ưa kỹ thuật. Thấy một thằng trông mặt mũi lơ ngơ đến, anh rất coi thường. FoxProLan lúc đó đang là môn mới. Anh Bình demo luôn một chương trình với các loại menu phức tạp kín màn hình. Khắc Thành bèn rủ Lâm Phương luyện chưởng lập ra một chương trình kiểu như Xtree trên Fox, gọi là báo cáo nhanh. Anh Bình có vẻ nể, từ đó hợp tác với ta. Với võ công luyện được, Khắc Thành còn viết vô khối chương trình trên Fox, trong đó có hẳn một trò chơi gọi là Dragon, xứng đáng được nhận danh hiệu chuyên gia lập trình Fox.

Chương Hàng hải cũng là một chương quan trọng trong lịch sử phần mềm của FPT. Chúng tôi gồm có Nam, Thành, Phương, Tấn Vinh thường xuyên phải xuống. Riêng Thành ở lâu nhất, tổng cộng có đến 6 tháng. Hàng ngày ở Nhà khách Thương nghiệp 15000đ/phòng, ăn cơm quán em Thắm, theo lời kể khi cảm động thường bế bổng anh Thành lên lòng. Tôi rất khoái món bánh đa cua Hải phòng, 700đồng/bát.

Trong lúc anh Thành chỉ biệt phái thì có một người FPT hiện vẫn đang làm cho MSB. Đó là chị Quyên. Chị là học sinh tốt nghiệp ĐHBK xuất sắc nhất năm 1989 và được anh Ngọc giữ làm nghiên cứu sinh. Chính chị là người lúc đó đã cùng xuống Hải phòng với tôi tháng 6/91 để trợ giảng cho khóa đào tạo về chương trình Ngân hàng mà cả thầy lẫn trò đều còn đang mù mờ. Kinh nghiệm chị Quyên và Tú Huyền cho thấy, một khi phụ nữ đã lập trình, họ có thể lì không kém gì anh em quanh chiếu bạc.

Balance

Nói đến Software ở FPT không thể không nhắc đến Balance. Một trong những cố gắng lớn nhất của FPT để xây dựng phần mềm đóng gói. Mọi sự bắt đầu từ xa xưa, cuối năm 1991 khi anh Ngọc ký hợp đồng Tin học hóa khách sạn Thắng lợi. Bao gồm có 2 chương trình chính: phần lễ tân và phần kế toán. Phần lễ tân được giao cho Nguyễn Tấn Vinh chủ trì. Anh làm cũng khá công phu. Chương trình này sau cũng còn được triển khai ở khá nhiều khách sạn nữa, nhưng chủ yếu là do đội bạn tự copy, ta chẳng thu được gì. ở đây chỉ muốn nhắc đến phần kế toán. Để làm việc này, anh Ngọc mời anh Vũ Đức Vượng, cán bộ của Trung tâm máy tính Đại học Bách khoa làm cộng tác viên của FPT. Một phần vì anh Vượng đã giới thiệu hợp đồng, phần nữa là do anh Vượng cũng đã có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Toàn bộ hợp đồng được nghiệm thu suôn sẻ. Thừa thắng, ta ký tiếp hợp đồng với Ngoại giao Đoàn và triển khai chương trình giống hệt. Tuy nhiên vẫn có cảm giác cái đó không phải là của mình. Vượng có vẻ không mặn mà với việc đi lâu dài với FPT.

Thời điểm có ý nghĩa quyết định là sau khi Phan Quốc Khánh hủy hợp đồng với Generalexim, đơn giản vì lý do ta chưa nắm đầy đủ về nghiệp vụ kế toán. Khánh đề xuất lập nhóm Kế toán và đầu tư chiều sâu. Chúng tôi viết đơn đề nghị và được anh Phan Ngô Tống Hưng ký duyệt 1.000.000 đồng. Lúc đó là khoảng tháng 5/1992. Thực ra cũng chưa biết dùng tiền đó vào việc gì. Tôi quên mất nhờ đâu, chúng tôi may mắn gặp được một chị làm kế toán ở Nhà máy sợi Hà nội nhưng lại rất yêu thích máy tính, đã từng viết nhiều module tự động hóa tính toán. Đó là chị Hiền. Chị đã giúp chúng tôi rất nhiều lúc ban đầu, nhất là những khó khăn mà chị gặp phải chưa giải quyết được. Chẳng hiểu sao chị cũng có cảm tình với chúng tôi. Sau này khi đã chuyển sang VinaTex, chị vẫn thường xuyên giúp đỡ chúng tôi kiếm khách hàng. Hồi đó, nhờ chị Hiền giới thiệu, tôi và Khánh còn mò đến tận nhà chị kế toán trưởng 3C là chị Hoa vừa để học thêm nghiệp vụ vừa hy vọng kiếm được hợp đồng. Đứng trong danh sách những người đã bắt đầu sự sống cho Balance, không thể không kể đến anh Lợi Petrolimex. Nhờ nghiên cứu bản phân tích nghiệp vụ dày cộp của anh mà Khánh hói đã học thêm được bao nhiêu võ lạ. Anh cũng đã ký hợp đồng đầu tiên với nhóm kế toán FPT. Kinh nghiệm ở ta cho thấy, một chương trình ứng dụng mà không được phát triển dựa trên môi trường thực, có rất ít giá trị. Chỉ sau khi thực hiện hợp đồng với Petrolimex, chúng ta mới dám nói mình có chương trình kế toán. Cũng phải nói lời cảm ơn với phòng kế toán FPT, nơi đã cung cấp một môi trường kiểm nghiệm chương trình không thể chê được.

Giữa năm 1993, Phan Quốc Khánh bắt đầu tìm kiếm một cái tên thích hợp cho chương trình để dễ bề quảng cáo. Tôi không nhớ chính xác, nhưng khi đó có một tờ tạp chí có đăng ở bìa 4 quảng cáo của một hãng tên là Data Control, với 1 cái cân và tiền rơi vung vãi. Hình vẽ đấy đã gợi cảm hứng cho Khánh đặt tên Balance và chọn luôn cái cân làm biểu tượng của chương trình. Có thể nói Balance là một tên rất thành công về mặt ngữ nghĩa.

Sau khi có tên, bắt đầu có hợp đồng. Nhờ sự môi giới của TT&C, chúng tôi đặt chân được vào các nhà máy sản xuất. Đầu tiên là Super Lâm Thao, sau đó là Apatit Laocai, rồi Than Quảng ninh, Phân lân Ninh bình, rồi Kim khí Đông Anh, Kim khí Hà nội, Kim khí Hải phòng,... Khách hàng hơi nhiều, các bạn cứ chịu khó ngó vào tờ quảng cáo sẽ thấy. Về phát triển Balance, tôi nhớ 1 chuyện vui vui. Đó là vào năm 1994. Sau khi quyết định sát nhập QLVT vào Balance, Khánh tổ chức một cuộc họp dã ngoại để bàn về thiết kế chương trình. Chúng tôi mò lên khu Hồ tây để thuê phòng, nhưng rủi thay không chỗ nào họ muốn cho thuê cả. Hỏi ra mới biết họ thấy một hội bặm trợn kéo theo một cô gái (Vũ Mai Hương), nên họ nghi ngờ lý do thuê phòng. Đành phải quay về nhà tôi họp suông rồi đi ăn cơm bình dân.

Quá trình hình thành và phát triển của Balance đã phơi bày tất cả những điểm mạnh và yếu của phần mềm FPT. Với một sự bắt đầu khôn ngoan, biết lợi dụng thiên thời và có những bước đi hợp lý, chúng ta vẫn không dựng lên được một sản phẩm xứng đáng với tầm vóc công ty. Doanh số Balance năm 1996 bắt đầu chựng lại, là hệ quả tất yếu của việc đầu tư không kiên quyết kiểu đánh trống bỏ dùi, cũng như việc không chú trọng xây dựng một đội ngũ đủ để nhân rộng chương trình khi cần thiết. Một bệnh kinh niên nữa của ta là không duy trì được sự nhạy bén kinh doanh một cách lâu dài, nhiều lúc bị lý trí chi phối làm phức tạp hóa vấn đề. Sự ra đi của Khánh khỏi FPT năm 1996, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sản phẩm này ở FPT. Tuy nhiên Balance đã giúp chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, nếu chúng ta đi đúng hướng, chúng ta chắc chắn tồn tại được một cách đàng hoàng trong cuộc sống đầy biến động này. Sau này khi có dịp tiếp xúc với những người tâm huyết trong lĩnh vực tin học hóa kế toán như anh Nguyễn Văn Trứ, tác giả KTSys, anh Phan Đức Trung, tác giả Keyman, chúng tôi mới nhận thức đựơc sự khó khăn to lớn đang chặn đứng con đường phát triển của những chương trình đó. Đã đi hết đà của mình, các chương trình đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản về chất. Ai thay đổi được người đó sẽ thắng.

TTVN - Trí tuệ Việt nam

Không ai ở FPT không biết đến TTVN. Năm 1996 là năm đăng quang của TTVN. Nhưng nguồn gốc của nó đã bắt đầu từ rất xa xưa. Ngay từ hồi đầu mới thành lập, truyền thông đã là một lĩnh vực mà FPT thường xuyên quan tâm.

Từ năm 1989-1990, dưới sự chỉ đạo của anh Công, Võ Mai đã bắt tay vào viết chương trình truyền tin trên UNIX. Sau khi anh Trần Xuân Thuận đi khỏi FPT, không ai quan tâm đến việc đó dưới khía cạnh thương mại cũng như kỹ thuật. Cho đến năm 1992. Khi FiBI triển khai chương trình liên hàng cho Ngân hàng Công thương Việt nam, tôi với Lợi con có bàn với anh Lộc về việc làm một chương trình truyền tin để gắn với các chương trình ứng dụng. Nhưng việc chưa thành vì thời gian thực hiện quá gấp. Tuy nhiên mong muốn vẫn còn quanh quẩn đâu đó trong lòng.

Ngày 16/12/1993. Chúng tôi gồm anh Lộc, anh Sơn (ICB) và tôi phải quyết định một việc khẩn cấp. Ngân hàng công thương dự định triển khai chương trình tiết kiệm gửi rút nhiều nơi. Một công ty phọt phẹt của Việt kiều ở Australia tên là VANACO đã trực tiếp tiếp xúc và ký được biên bản ghi nhớ với Ngân hàng về việc công ty này sẽ cho ngân hàng vay để cung cấp thiết bị và phần mềm cho dự án, tổng cộng đến 2 triệu USD. Chúng tôi phải chặn bằng được. Và ngày hôm đó, FiBI đã ký với Ngân hàng Công thương hợp đồng trị giá 16000 USD (giá chuẩn hồi đó) để viết chương trình cho phép quản lý tài khoản tiết kiệm của khách hàng tập trung và triển khai tại 20 chi nhánh của Hà nội và HCM trong tháng 1/1994! Một hợp đồng kỷ lục ngắn về thời hạn thực hiện. Tôi và anh Lộc chỉ có vẻn vẹn 3 ngày để thiết kế. Client bằng VB, Host trên Fox. Tâm đắc nhất là hai anh em thống nhất được cách chuyển/nhận số liệu từ/đến các chi nhánh lên cuối ngày bằng xe máy hon-da và đĩa mềm. Vừa an toàn vừa tạo công ăn việc làm thêm cho nhân viên. Việc đồng bộ hóa số liệu giữa Hà nội và HCM thống nhất sẽ dùng SmartCom III. Bí nhất vẫn chưa nghĩ được cách để tra cứu số dư tức thời. Tạm thời chúng tôi thiết kế có mã tra cứu để trong trường hợp bí, giao dịch viên có thể gọi lên nhờ Trung tâm duyệt hộ và ghi lại mã, giao dịch vẫn được coi là hợp lệ. Lúc đó đang có phong trào lập trình bằng Visual Basic sau chương trình cho Hội sở Ngân hàng đầu tư. Sau khi liếc thấy một Control có chữ Modem và biểu tượng điện thoại, tôi bàn với Đình Anh: thế, thế,.... có làm được trước ngày 1/1 không. Chơi luôn! Thế là hắn xông vào cật lực. Cù Tuấn thì vẽ màn hình giao dịch, Lâm Phương viết báo cáo. FiBI viết chương trình Host bằng Fox. Cả bọn làm việc như điên. Nhờ vậy mà tôi cũng học được VB trong nửa ngày. Ngày 25/12 Cù Tuấn bay vào HCM để ghép chương trình. Ngày 28, đội HCM lại bay ra thử tiếp. Đúng ngày 2/1 khai trương dịch vụ mới, tôi ngồi tại Hội sở 10 Lê Lai, bọn Đình Anh, Cù Tuấn mỗi đứa 1 chi nhánh. Thật là kỳ diệu khách hàng có thể gửi được tiền thật. Đó là chương trình truyền tin đầu tiên áp dụng vào thương mại của FPT. Đáng nhớ nhất trong vụ này là Cù Tuấn vì chạy đôn đáo lo chương trình đánh mất mất xe đạp. Sau được anh Sơn tài trợ một xe mới.

Cuối năm 1994, chúng tôi quyết định phát triển theo hai hướng. Một thiên về thư tín điện tử do Khánh Văn chủ trì với server trên Windows. Một là giải pháp tích hợp vào các chương trình ứng dụng trên Fox/Netware do Đình Anh chủ trì.

Chương trình E-mail đầu tiên của Văn được triển khai nối các trụ sở của FPT ở Yết kiêu, Ngọc Khánh và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hoạt động khá ổn định, đặc biệt giúp đỡ em Hồng (tức hongtt@fpt) trong việc lấy các file làm slides. Mối tình modem giữa Phương Ngọc Khánh (fuong@fpt) và Thủy Yết kiêu (water@fpt) cũng là nguồn động viên lớn cho anh em lập trình, mặc dù các thư của chúng đều bị mã hóa không ai đọc được kể cả chị Hòa, người được mệnh danh là chuyên gia Tin học trong giới hành chính. Phấn khởi, Khánh Văn cùng với Triều (trieu@fpt) và Hùng Sơn (sonlh@fpt) lúc đó hãy còn là hai sinh viên thực tập bắt tay vào việc nâng cấp chương trình. Thực chất là viết lại toàn bộ cả client và server, trong đó nổi bật nhất là khả năng cung cấp các dịch vụ độc lập với single log-on, liên kết các servers. Được sự cố vấn của Phương và Đình Anh, bọn chúng quyết định viết trên PB là môi trường có khả năng phân tán và quản lý các dịch vụ tích hợp. Sau hơn 4 tháng miệt mài, tháng 4/1995 sản phẩm với mật danh là Thủ lệ được công bố chính thức với tên gọi là NICS (Network of Integrated Computer Services) và biểu tượng chữ S do Trần Ngọc Trí (tức Net.TriTN@fpt) sáng tạo. Đây là lần đầu tiên FSS tổ chức giới thiệu sản phẩm. Buổi lễ được tổ chức tại 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, có cả anh Bình và anh Ngọc tham dự. Khách mời đến đông không ngờ và đặt ra rất nhiều câu hỏi thiết thực, chứng tỏ sự quan tâm cao đến loại sản phẩm tương tự. Ngay lập tức NICS nhận được 2 đơn đặt hàng. Một của anh Ngọc để triển khai tại FPT, 1 của Viglacera triển khai tại các xí nghiệp thành viên. Nhờ đặt vấn đề đơn giản, đề án Viglacera đã nhanh chóng được nghiệm thu. Còn việc triển khai tại FPT đã thất bại một cách cay đắng sau hơn 1 tháng nỗ lực của anh Ngọc cùng nhóm Văn. Cũng đã có không ít những cuộc cãi vã gay gắt. Tuy nhiên người ta thường học được nhiều hơn khi thất bại chứ không phải lúc thành công vỗ đùi xoa râu. Theo ý tôi:

- Về mặt tổ chức giới thiệu, NICS chưa được kiểm nghiệm và chuẩn bị triển khai trước khi công bố, do đó khi bất ngờ gặp một loạt các yêu cầu của khách hàng sau buổi lễ, không có đủ khả năng để tiếp xúc và giữ quan hệ.

- Về mặt công nghệ, sự lựa chọn Windows tỏ ra không thích hợp với vai trò server có workload lớn Có chăng chỉ trong lúc thử nghiệm. PB cũng là một sai lầm, do việc hãng Olivetti đã ngừng hỗ trợ sản phẩm, không thể kiếm được driver cho Novell nên dẫn đến phải cài cấu hình rất nặng nề trên từng máy con của khách hàng.

- Về mặt giao diện, tuy chương trình mail khá tuân theo chuẩn quốc tế, vẫn tỏ ra quá phức tạp với người dùng Việt nam tại thời điểm đó. Mọi người vẫn chưa hiểu tại sao đã nhấn send mà thư vẫn chưa được gửi đi.

Tuy nhiên, Văn, Triều, Hùng Sơn đã làm được việc không nhỏ. Đề án tốt nghiệp của Triều và Sơn trên cơ sở NICS đã được bảo vệ xuất sắc. NICS cũng chứa khá nhiều ý tưởng độc đáo như: cung cấp các chức năng bảo trì và quản trị server từ xa, giám đốc có thể cho phép thư ký quyền đọc một phần thư của mình, người gửi có thể kiểm tra xem người nhận đã đọc thư hay chưa,... Tôi cho rằng Khánh Văn còn nung nấu vô số ý tưởng mới. Đáng tiếc là anh không thể bỏ lỡ cơ hội đi học tại Australia 2 năm.

Song song, hướng phát triển trên môi trường Fox/Netware của Đình Anh cũng có những kết quả đáng kể. Chúng tôi đặt tên là BCS (Business Communication Services). Khách hàng đầu tiên bị thuyết phục bởi khả năng truyền tin và hỏi đáp dữ liệu từ FoxPro là anh Phương Minh Nam ở A18. Chương trình cho phép các nhân viên biên phòng ở cửa khẩu tra cứu vào dữ liệu xuất nhập cảnh tại Hà nội. Tuy nhiên do không hiểu nhau, chúng tôi không hợp tác được gì với anh Nam tiếp.

Cuối năm 1994, anh Đặng Đức Mai (tức kb.mai@fpt) bên Kho bạc chấp nhận triển khai BCS trong chương trình quản lý Trái phiếu. Anh Đào Minh Tuấn VietComBank (tuan@fpt) sử dụng BCS trong chương trình thanh toán quốc tế tập trung, một trong những chương trình có hiệu quả nhất của VCB. Đầu năm 1995, Ngân hàng Đầu tư chấp nhận sử dụng BCS để thay thế cho SmartcomIII trong chương trình liên hàng của mình. Sau một chút, MooSun ([email protected]) bên VID-Public triển khai hệ thống chuyển tiền và kiểm tra số dư. Nhờ có sự triển khai rộng rãi trong toàn quốc và nhiều môi trường khác nhau, chương trình, nhất là phần truyền tin được kiểm tra khá kỹ lưỡng. Để demo các tính năng của BCS, Đình Anh phải viết một chương trình kiểu e-mail đơn giản. Và đó là chính là phiên bản đầu tiên của TTVN.

Cuối năm 1995, do FSS bị bắt buộc phải phân thành 2 địa điểm là Yết kiêu và Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi đã đề nghị Đình Anh triển khai chương trình khi đó còn gọi là FPT-Mail. Và có lẽ nó cũng chỉ hạn chế như thế nếu không có một ngày đẹp trời khi anh Bình gọi tôi vào thắc mắc tại sao mình lại không có chương trình nào như FreeCode chạy đâu cũng thấy GenPacific. Cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã quyết định con đường nhanh nhất để có thể có một uy tín về công nghệ trong công chúng là thiết lập một mạng diện rộng chạy chương trình của FPT. Không ngờ ý tưởng được anh em FPT và sau đó là giới trẻ và nhân dân ủng hộ quá nhiệt thành. Một đóng góp không nhỏ thuộc về Quang Anh (tức nhi đồng anhnq@fpt) khi đã đề ra khẩu hiệu "Mang đến cho bạn Trí tuệ Việt nam" trong cuộc thi tìm khẩu hiệu dán Bờ Hồ của Hoàng Nam Tiến (tức tienhn@fpt). Mặc dù không được treo tại Bờ Hồ, chữ "Trí tuệ Việt nam" đã thực sự trở thành biểu tượng không chỉ của riêng FPT.

Còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại của TTVN. Bước khởi đầu rất đáng khích lệ nhưng chặng đường còn vô cùng gian nan. Hy vọng là có dịp khác được chia sẻ với các bạn những nghĩ về riêng TTVN.

Những thành công đầu tiên về thương mại tuy nhỏ nhoi nhưng có tác động cổ vũ ghê gớm. Đối với người lập trình không có phần thưởng nào cao quý bằng việc nhìn thấy chương trình của mình được ứng dụng và mang lại lợi ích cho xã hội. Việc đóng kín cửa nghiên cứu tại Việt nam đã đẩy bao nhiêu chuyên gia có kinh nghiệm vào chỗ bế tắc, nhiều người đã chuyển nghề, nhiều người mất hẳn tự tin và nhuệ khí những điều tối cần thiết để bước vào một lĩnh vực năng động như công nghệ thông tin.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan