Kỹ năng viết: Kết cấu tin

10:04 SA @ Thứ Bảy - 23 Tháng Bảy, 2005

Đa phần các tin viết ra, có được cái lead tử tế là may, phần còn lại thì cứ gọi là lung tung xòe, và chúng ta cứ tự nhủ với nhau rằng mình đang “chơi” tam giác ngược. Chúng ta đang làm tin rất chuyên nghiệp. Chúng ta đã học hỏi bài bản ra phết. Chúng ta đã nhầm!

Ai cũng biết cấu trúc tam giác (hoặc kim tự tháp) ngược song cũng chỉ biết là mức quan trọng giảm dần, chứ bảo phân tích ý nghĩa từng đoạn thì... “con lạy bố.” Thày giáo tớ cũng ứ biết, xếp tớ cũng đại khái, nên tớ mù tịt thì chẳng có gì là lạ.

Mục đích của kết cấu tam giác ngược là giúp độc giả nhanh chóng nắm bắt được tin và có thể chuyển sang tin khác bất cứ khi nào họ muốn. Đối với người biên tập thì cấu trúc này giúp chúng ta có thể cắt các đoạn cuối bài trong trường hợp thiếu chỗ trên trang báo.

Tuy nhiên viết như thế nào thì lại không có ai bảo ban chúng ta kỹ lưỡng. Và chúng ta cứ vô tư viết theo bản năng cũng như cảm nhận riêng về cái gọi là tam giác ngược. Dưới đây là một số gạch đầu dòng mà tớ cóp nhặt được qua khóa học gần đây, đọc lên nghe có vẻ tiêu chuẩn và dễ học theo hơn

- Trong kết cấu kim tự tháp ngược, ý đầu tiên bao giờ cũng quan trọng nhất và tầm quan trọng của thông tin giảm dần.

Một lead hay sẽ tóm tắt toàn bộ tin

Đoạn văn thứ 2 nên bổ trợ cho lead, cung cấp thêm chi tiết. HOẶC, một lời trích dẫn ý nghĩa hỗ trợ cho lead sẽ có tác dụng rất nhiều. (Các phát biểu quan trọng cần phải đưa lên trên. Nhiều phóng viên không để ý lắm nên có khi có được mỗi một câu phát biểu hay thì nhét vào giữa hoặc thậm chí cuối bài. Và chớ có mở-đóng ngoặc kép cho cả câu nói dài.)

Đoạn văn thứ 3 nên hỗ trợ cho 2 đoạn đầu, bổ sung thêm thông tin, và cứ như vậy đến cuối câu chuyện.

- Đảm bảo dẫn nguồn tin ngay trong lead hoặc đoạn văn thứ 2.
- Cú pháp câu đơn giản: chủ ngữ-động từ-tân ngữ.
- Dùng các câu ngắn.
- Mỗi đoạn văn chỉ mang một ý, và mỗi đoạn văn chỉ gồm 1 đến 2 câu.
- Cố gắng dùng nhiều câu chủ động.
- Sử dụng thời quá khứ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: