Không nên sợ chuyển động đi tới của cuộc sống
Từng là nhà văn quân đội với hàm đại tá, về làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, sau đó mở trường đại học, và giờ lại làm báo mạng. Đó là hành trang của một người già 76 tuổi có bút danh Nguyên Ngọc.
* Được biết ông đang cho chạy thử một trang web mới: sachhay.com, xin cho biết điều gì khiến ông nảy sinh cảm hứng làm báo mạng? - Thực ra tôi vẫn tiếp tục viết báo lâu nay, thậm chí viết nhiều hơn thời kỳ làm Tổng biên tập Báo Văn Nghệ. Lần này cùng làm trang web mới với một số anh chị, nói cho đúng là bắt đầu từ một thôi thúc hơn là một cảm hứng, hoặc cả hai. Chúng tôi mong muốn tạo lại một phần quan trọng của đời sống văn hóa xã hội bị đánh mất trong một thời gian khá dài. Bắt đầu là từ một lo lắng, đến khi thật sự bắt tay vào việc thì dần dần trở thành một niềm vui thực sự. Cứ nghĩ xem: đến một lúc nào đó ra đường, trên tàu, trên xe buýt, máy bay, ở công viên..., đâu đâu cũng thấy người cầm sách trên tay và tranh thủ đọc say mê, như ta vẫn bắt gặp ở các nước văn minh... sẽ vui và hạnh phúc biết bao! Chúng tôi cố gắng góp phần để một ngày như vậy sẽ trở thành hiện thực trong xã hội ta. Tôi có một niềm tin có thể khá ngây thơ và ảo tưởng chăng: một xã hội có thật nhiều người say mê đọc sách thì sẽ bớt đi được rất nhiều những điều vẫn được gọi chung là tiêu cực: tội ác, sự giả dối, gian lận... Tôi luôn tin rằng sách có tác dụng làm thanh sạch tâm hồn. * Ông hình dung thế nào về trang web này, ở cả hai phía người làm và người đọc? - Những năm gần đây, sách được in ra ngày càng nhiều, trong đó sách hay khá nhiều. Chúng tôi muốn, trước hết hãy khuyến khích người ta cầm sách lên mà đọc; và giúp người đọc tìm được những cuốn sách hay, nên đọc trong rừng sách hiện nay. Trang web đang tiếp tục được hoàn chỉnh, đang “chạy rô-đa”. Ngay lúc này nếu gõ sachhay.com, bạn sẽ vào được ngay. Bạn có thể gặp ở đấy một số người bạn có thể tin cậy, và họ sẽ đề nghị bạn nên chú ý đến những cuốn sách nào; giới thiệu, gợi ý cho bạn cách tiếp cận những cuốn sách đó, chia sẻ cùng bạn một số suy nghĩ khi đọc chúng. Bạn cũng có thể biết những cuốn sách nào đang được nhiều người quan tâm, tìm đọc nhiều... Lúc đầu sẽ có chừng năm, mười người giới thiệu sách; sau đó số người muốn giới thiệu, chia sẻ thông tin với người khác sẽ tăng lên. Chính bạn cũng có thể trở thành người giới thiệu cho những độc giả mà bạn mong sẽ là những người đồng điệu với mình. Dần dần, chúng ta sẽ có một cộng đồng những người yêu sách, mê sách, sẽ có một không gian ảo-mà-thật ngày càng đông đúc. Cũng sẽ có cả một thư viện mở, ở đấy bạn có thể tìm được một số tác phẩm cần đọc nhưng khó tìm. Rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tính xem đến một lúc nào đó, sẽ đi đến chỗ mỗi năm có được một ngày gọi là Ngày toàn dân đọc sách chẳng hạn... Trang web sẽ dần là công trình chung của tất cả mọi người, do mọi người làm nên, vì tất cả, và liên tục được làm phong phú thêm nhờ sáng kiến mới của từng thành viên. * Theo ông, mặt tích cực nhất và tiêu cực nhất của thông tin mạng là gì? Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc
- Cũng như mọi sự ở đời và mọi chuyển động về khoa học kỹ thuật, thông tin mạng tất có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó. Có thể nói ngắn gọn: cái tốt được truyền đi nhanh hơn, dễ hơn, rộng hơn, và cái xấu cũng vậy. Như vậy cũng có thể nói ngược lại: cái xấu có nhiều cơ hội và thuận lợi để lan truyền rộng và mạnh hơn, nhưng cái tốt cũng như thế, cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh bất tận chống lại cái xấu, cái ác. Thật tình tôi không hề thấy lo. Thậm chí rất có thể cuộc cách mạng thông tin mà chúng ta đang sống sẽ làm nảy sinh những hình thái sống, cả vật chất lẫn tinh thần, mà hôm nay chúng ta còn chưa thể nào hình dung được. Chẳng hạn đã xuất hiện lối viết và xuất bản tiểu thuyết qua điện thoại di động, một loại hình văn học mới. Trưa nay có anh bạn đã cho tôi nhiều thông tin về việc kiểu tiểu thuyết này hiện đang rất thịnh hành ở Nhật Bản, và một số tác phẩm từ điện thoại di động đã được in thành sách, trở thành những cuốn sách best - seller. Tôi nghĩ không nên sợ chuyển động đi tới của cuộc sống. Mà dù có sợ cũng chẳng ngăn được. Nó là tất yếu. Cho nên, tốt hơn là chủ động sống với nó và tìm cách làm chủ nó.
* Còn ngôi trường đại học mà ông đã tốn cả chục năm vận động, tổ chức, hiện nay mọi việc đến đâu rồi?
- Trường Đại học Phan Châu Trinh của chúng tôi mở ở Hội An đã chiêu sinh khóa đầu, sinh viên đã đến trường, bắt đầu những môn học đầu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, và sẽ chính thức khai giảng sau Tết âm lịch. Chúng tôi theo phương châm đi dần từng bước nhỏ, cố gắng bước thật chắc, để dần dần sẽ phát triển.
* Là người của thế hệ “bô lão”, nhưng cái gì khiến ông có thể liên tục “update” chính mình không thua kém một 8X: xài laptop, iPhone và sục sạo trên mạng một cách rất “pro”?
- Có lẽ do thế này: tôi có cái tật không thể nào đứng ngoài bàng quan nhìn người khác làm việc, vật lộn với cuộc sống để tồn tại và phát triển, còn mình thì vì là nhà văn nên chỉ đi thực tế, đến lấy tài liệu, ghi chép, rồi về nhà viết. Tôi đến và lao vào làm, bao giờ cũng là người trong cuộc, thậm chí có khi bị người ta đuổi cũng không chịu ra. Tôi luôn sống thực sự và chịu trách nhiệm ở bất cứ đâu. Tức là sống “update”, như bạn nói.
* Là người đã trải qua mấy cuộc chiến tranh, biết rõ nhiều sự thật lịch sử, ông có một kế hoạch viết nào nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu chính xác hơn về lịch sử đất nước?
- Quả thật, thế hệ chúng tôi đã được sống và biết quá nhiều những chìm nổi của cuộc đời. Riêng tôi, tôi tiếc là tài năng của mình quá xoàng để có thể để lại những gì thực sự xứng đáng với những trải nghiệm mà cuộc sống đã cho mình. Có lẽ thế hệ chúng tôi đã làm được ít hơn những gì lẽ ra cần phải làm. Thời gian của tôi thì còn ít quá. Biết làm sao. Tôi xin lỗi.
* Đã 33 năm sau hòa bình, theo ông, vấn đề thực sự cốt lõi của dân tộc Việt Nam hiện nay là gì?
- Tôi vẫn thường ngẫm nghĩ và đến nay vẫn giữ ý kiến này, dẫu tôi biết có không ít người không hài lòng với suy nghĩ đó của tôi. Tôi cho rằng ngày nay chúng ta đang phải tiến hành những công việc cơ bản cho sự phát triển dân tộc mà lẽ ra chúng ta phải làm và có thể đã làm nếu không bị buộc phải trải qua mấy cuộc chiến tranh vừa qua. Nói cách khác, chiến tranh giành độc lập đã xong rồi, giờ phải nghiêm chỉnh đặt lại một cách cơ bản, toàn diện vấn đề phục hưng dân tộc. Hình như chúng ta có làm vô số những việc cụ thể nhưng lại chưa thật sự đặt tất cả trong một tổng thể cơ bản như vậy. Phải xem lại móng và xây lại từ móng.
* Làm thế nào để làm giảm những tiêu cực hiện nay của xã hội? Và làm thế nào để những yếu tố tích cực có cơ hội nảy sinh và phát triển?
- Mỗi người cố gắng tối đa làm thay đổi tình hình bằng những công việc nhỏ và thiết thực nhất mình có thể làm.
* Ông có phải là người lạc quan không?
- Tôi đã có lần nói: bất chấp tất cả, “cuộc sống vẫn lừng lững đi tới”. Về lâu dài, tôi là người lạc quan bẩm sinh. Có một cô bạn đã nhận xét rằng tôi “lạc quan một cách kinh khủng!”. Tôi tin ở tuổi trẻ. Một số động thái của lớp trẻ trong vài sự kiện chính trị - xã hội vừa qua hình như xác nhận niềm tin đó của tôi. Họ đang biết tận dụng rất giỏi những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cho vai trò lịch sử mới của họ. Website sachhay.com cũng chủ yếu mong hướng đến họ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng