Khác với chính thống không nhất thiết là xấu

02:41 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Năm, 2009

Người ta biết đến ông là một trong những người vận động đưa internet vào VN thời còn đương chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ & môi trường. Khi ở vào độ tuổi mà các bạn ông đều lui về dưỡng già, ông lại đang là đầu tàu ở NXB Tri thức – nơi hàng năm xuất bản hàng trăm đầu sách công cụ ( hàn lâm, dùng để nhận thức)

LÀM SÁCH THÍCH NHẤT

Thưa, là người đã trải qua nhiều công việc, chức vụ - nhưng quãng thời gian nào ông thấy thích thú nhất?

- TS Chu Hảo: Nói cho công bằng, tất cả những việc tôi đã làm từ trước đến nay may mắn đều đúng nguyện vọng của mình. Tất nhiên, không phải công việc nào cũng trôi chảy, ví dụ như thời tôi làm Trưởng ban quản lí Khu công nghiệp cao Hòa Lạc, công việc rất ách tắc. Đến nay sau 5 năm rời chức vụ, Khu công nghệ cao vẫn chưa hình thành.

Công việc nào khiến tôi thích nhất? Có lẽ là công việc hiện nay. Tôi đề xuất thành lập NXB Tri thức theo những tiêu chí mà tôi mong muốn. Rất may là được các cơ quan chức năng ủng hộ. Làm sách công cụ cho tôi sự hứng khởi như khi góp phần đưa công nghệ thông tin vào VN, vì nó giúp ích cho nhận thức của xã hội. Một số bạn bè nói đùa: “Ông làm sách còn có giá trị nhiều hơn làm Thứ trưởng”.

Trước buổi gặp, tôi thử làm một thao tác search trên google, thì từ khóa “TS Chu Hảo giám đốc” cho kết quả nhiều hơn “TS Chu Hảo thứ trưởng”! Làm sách vừa có lợi cho xã hội, nhưng đồng thời ông cũng nổi tiếng hơn?

- Quả là dạo này tôi vẫn xuất hiện nhiều trên báo chí nhưng “nổi tiếng” thì hết muốn rồi! (cười). Việc làm sách là công việc tâm huyết của tôi. Dù vất vả nhưng lí thú vì thấy rõ sự hưởng ứng của cộng đồng và sự cổ vũ của bạn bè.

Bước vào tuổi xưa nay hiếm, ông bắt tay vào việc chưa có tiền lệ là lập một NXB chuyên sách công cụ. Gia đình ông có lo lắng không ạ?

- Băn khoăn nhiều chứ! Tuổi lớn mà công việc khó khăn. Đã thế những việc tôi đang làm, người không hiểu đánh giá từa tựa câu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng may mắn là tôi có gia đình êm ấm, thông cảm với công việc của tôi đang làm. Tôi cũng sắp xếp được cuộc sống gia đình thỏa đáng để toàn tâm tập trung cho công việc.

Những người đến 60 tuổi về hưu, mỗi người mỗi cảnh. Tôi nghiệm ra những ai có thói quen lao động trí óc, ham học hỏi, chăm đọc sách, thường không bị hẫng hụt khi về hưu. Về hưu mà không có hoạt động tinh thần tích cực, khó mà duy trì sức khỏe được. Sức khỏe tinh thần đôi khi quan trọng hơn sức khỏe thể chất. Nhiều người về hưu không có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe tinh thần nên cuộc sống trở nên nhàm chán, đơn điệu…

CHỜ NHÀ NƯỚC

Thưa TS, nếu tự thân vận động NXB Tri thức có tồn tại được với dòng sách công cụ?

- Khi mới xây dựng, tôi đặt niềm hi vọng vào Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh (nay đã đổi tên thành Quỹ văn hóa) thu hút các nhà tài trợ. Vẫn biết nước ta không có văn hóa “Mạnh Thường Quân” đối với các hoạt động không mấy “đình đám” như việc làm sách, là rất hạn chế, nhưng không ngờ việc đó lại khó khăn đến thế. 35 tỉ đồng trong 10 năm cho Dự án của chúng tôi là quá khiêm tốn, vậy mà hết sức khó khăn.

Hiện nay, tài chính chúng tôi dựa vào tiền vận động từ xã hội. Nhưng chúng tôi hiểu, không thể trông chờ mãi vào tài trợ được. Nên cứ làm dù khó khăn, đợi vài năm nữa khi hiệu quả của dòng sách công cụ đã rõ ràng, sẽ đặt vấn đề xin ngân sách Nhà nước.

Nhưng đến lúc bị phụ thuộc tài chính, liệu những tiêu chí ban đầu của Tri thức có thay đổi?

- Chắc chắn hướng đi của Tri thức sẽ không thay đổi, trước sau chúng tôi vẫn chủ trương xuất bản những sách nghiêm túc. Sự hỗ trợ của Nhà nước là điều tất yếu ở hai lí do. Thứ nhất, là tài chính như đã nói ở trên. Thứ hai, là vấn đề đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp. Về lâu dài, muốn có đội ngũ dịch giả giỏi cần phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào Tạo để đào tạo lớp dịch giả chuyên nghiệp, không chỉ giỏi ngoại ngữ, mà cần có nền tảng văn hóa vững chắc.

NHÀ XUẤT BẢN TƯ NHÂN ?

Nhiều sách ra đời do NXB Tri thức liên kết với các nhà sách hay công ty sách như Nhã Nam, Phương Nam, Song Thủy, Thái Hà… có phải NXB Tri thức chỉ cấp giấy phép, mà không cần biết đến chất lượng các cuốn sách do mình cấp phép?

Một số đầu sách của tủ sách Tinh hoa

- Đúng là hiện nay có một thực tế, có những NXB cấp giấy phép xuất bản cho các nhà sách mà không chú ý đến chất lượng sách. Nguyên tắc của NXB Tri thức là thẩm định bản thảo lần cuối cùng, nếu không có vấn đề gì sẽ tổ chức biên tập trước khi cấp giấy phép xuất bản. Chúng tôi chỉ thu phí quản lí để trả lương cho biên tập viên. Không có chuyện thu tiền cấp giấy phép mà không thẩm định nội dung và biên tập. Các nhà sách đều thừa nhận việc biên tập của chúng tôi đã giúp bản thảo tốt lên. Mặt khác không phải sách gì chúng tôi cũng cấp phép, mà chỉ những sách hợp với tiêu chí của NXB.

Ngoài lượng sách liên kết ra, NXB Tri thức luôn duy trì dòng sách do chính NXB tự làm từ A đến Z chia làm 4 tủ sách: Tinh hoa, Dẫn nhập, Tri thức mới và VN đương đại. Chúng tôi có gắng để sách của mình luôn chiếm tỉ lệ cân bằng so với sách liên kết.

Ông đánh giá vai trò của các công ty sách hiện nay?

- Tôi cho rằng họ có đủ năng lực làm các khâu để cho ra đời những cuốn sách có giá trị. Từ khi các công ty sách ra đời, thị trường sách có sự cạnh tranh thực sự giữa các đơn vị sản xuất và chất lượng sách từ khi có công ty tư nhân đã được nâng cao hơn hẳn từ nội dung, chất lượng giấy, trình bày… Cuối cùng, người đọc được hưởng lời nhiều nhất. Tôi hoàn toàn tán thành việc ra đời NXB tư nhân. Chỉ tiếc Nhà nước chưa cho phép.

SÁCH - THAY ĐỔI TƯ DUY

Lợi ích của các loại sách khác là để giải trí thậm chí, để… học làm giàu. Vậy sách công cụ có lợi ích gì?

- Nó đưa đến cho độc giả kiến thức mới, cách nhìn mới (sách dịch) mà ở ta không có. Sách công cụ để tham khảo. Có nhiều sách tham khảo bổ túc cho người làm công tác nghiên cứu, quản lí họ để đưa ra giải pháp thích hợp. Ví dụ như hiện nay chúng ta đang công nghiệp hóa - hiện đại hóa – đô thị hóa mà thiếu sách cung cấp kiến thức về các học thuyết, các phương pháp quy hoạch ở đô thị, thì từ người làm quy hoạch, người duyệt, người chịu tác động của quy hoạch… sẽ khó đánh giá được chất lượng của đồ án quy hoạch. Mặc dù nó ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến cuộc sống từng người dân đô thị. Người thiếu kiến thức nền, khi gặp tình huống thực tế, thì loay hoay như gà mắc tóc.

Nhưng quan trọng nhất là sách công cụ cung cấp quan điểm mới để thay đổi tư duy. Cái gì khác với chính thống, khác với truyền thống không nhất thiết phải là xấu. Nhờ những nguồn tham khảo kiến thức và lắng nghe, mà Đảng đã đi đầu trong việc thay đổi tư duy, quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường, hay cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân…

Ông đã nhận ra lỗ hổng kiến thức nền từ bao giờ?

- Tôi nhận ra từ sớm, từ khi mới bắt đầu ra công tác, đặc biệt là từ khi có tiếp xúc với các bạn đồng nghiệp nước ngoài. Nhận ra lỗ hổng kiến thức nền không chỉ có tôi. Hồi ấy, trong các Viện trong UB Khoa học nhà nước đều dịch các tài liệu nước ngoài để tham khảo. Nhưng dịch nội bộ thì rất tốn kém. Tôi nghĩ đã dịch thì nên in cho mọi người đọc. Đừng nghĩ rằng sách công cụ chỉ dành cho các nhà nghiên cứu đọc. Trừ những sách quá chuyên sâu như triết học Kant, Hegel… với các sách tham khảo những ai có trình độ phổ thông vững chắc, nếu quan tâm đều có thể đọc được. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức dịch các tác phẩm văn học kinh điển như Cháu ông Rameau của Diderot, Candide của Voltaire …

MẤU CHỐT NẰM Ở GIÁO DỤC

Năm 1957, cuốn sách Những huyền thoại (Mythologies) của Roland Barthes mở đầu cho trường phái ký hiệu học Pháp, được người Pháp đem đọc trong kì nghỉ hè. Tại sao người Việt Nam lại không chịu đọc sách lúc rảnh rỗi, trên bến xe chẳng hạn?

- Vấn đề nằm ở thói quen đọc sách. Thế hệ trẻ ngày nay không có thói quen đọc sách. Thế hệ tôi trước năm 75, dù sách vở không nhiều và cuộc sống thiếu thốn, nhưng nhiều sách kinh điển chúng tôi đều tranh thủ đọc khi có điều kiện. Bởi nền giáo dục lúc đó vẫn còn nhiều điểm tích cực hơn bây giờ. Chẳng hạn, chúng tôi không bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức như bây giờ, không bị áp lực thi cử nặng nề như bây giờ, và vì vậy có thì giờ đọc sách.

Vậy giải pháp là phải dạy thói quen đọc sách cho học sinh?

- Nhưng ai dạy cho trẻ con đây? Giáo dục ở nhà trường hiện nay chỉ chăm chăm dạy kiến thức chạy theo thi cử, học để lấy bằng. Ở nước ngoài, ngay từ cấp tiểu học đã dạy trẻ con đọc sách như thế nào, rồi cho chúng cùng bàn luận về cuốn sách được hướng dẫn đọc. Đến cấp phổ thông, học sinh phải tự đọc sách rút ra tóm tắt và viết một bài viết về cuốn sách đó. Tôi lấy ví dụ bộ sách nhập môn về khoa học xã hội do NXB Trẻ đã in, dù trình bày sáng sủa dễ hiểu dưới hình thức truyện tranh, nhưng lại rất khó bán. Có người ở phổ thông là học sinh giỏi thi đỗ đại học, mà vẫn chưa hề nghe đến các sách nhập môn của chính ngành mình sẽ học ở đại học. Trong khi đó, học sinh phổ thông nước ngoài đã biết phần nào những kiến thức nhập môn để lên đại học sẽ nghiên cứu sâu.

Đã thế, hiện nay ở nước ta khái niệm nghiên cứu khoa học hình như đã bị hiểu sai. Thầy giáo không nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, không đọc nhiều tài liệu để tham khảo, mà lại đòi hỏi (nghiêm khắc) học trò phải tự học, nên đọc sách tham khảo… quả là điều xa xỉ.

Thưa, bên trời Tây (văn hóa đại chúng, thông tin truyền thông là chủ đạo) thì sách công cụ có chỗ đứng nào ngoài thư viện?

- Ngoài số người cần nghiên cứu khoa học ra, sách công cụ cũng được các tầng lớp khác quan tâm. Các cuốn sách kinh điển trên các lĩnh vực năm nào cũng in lại. Như năm nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuốn Tư bản của Karl Marx lại được in nối bản.

Ở nước ngoài sách điện tử đang được độc giả ưu chuộng. Nhưng sách số hóa chủ yếu là tiểu thuyết hoặc những sách thuần giải trí, sách công cụ vẫn được người không làm khoa học tìm mua ở các cửa hàng sách một cách bình thường. Tôi ước Việt Nam ta cũng như vậy!

Nhưng sách công cụ của NXB Tri thức vẫn có khách hàng đấy thôi?

- Đúng, dân trí ngày càng cao thì sách công cụ bán được là lẽ tự nhiên. Sau loại sách tiểu thuyết tình ái, kiếm hiệp… họ sẽ có nhu cầu đọc sách cao cấp hơn về khoa học, tư tưởng. Có cuốn như Bàn về tự do của J. S. Mill bán được tới 4.000 bản. Nhưng nếu học sinh được khuyến khích lòng ham đọc sách từ nhỏ thì số sách công cụ được tiêu thụ lần đầu chắc không chỉ dừng ở con số trên. Trong khi chờ đợi cải cách giáo dục, có lẽ các ông bố bà mẹ trong gia đình nên tìm cách hướng dẫn trẻ đọc sách. Bản thân tôi ngoài việc sống ở thời đại quý sách, còn nhờ truyền thống gia đình hun đúc lòng ham mê đọc. Chuyên môn của tôi là khoa học tự nhiên, nhưng những sách về xã hội - nhân văn và đặc biệt là những vấn đề văn hóa tôi đọc với niềm say mê.

Đang ở thời khủng hoảng, sách công cụ lao đao chứ ạ?

- Vừa rồi ở Cần Thơ, Hội nghị tổng kết công tác một năm ngành XB đã đánh giá ngành XB không bị ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng kinh tế. Sách công cụ lại càng không. Khó khăn nằm ở chi phí sản xuất. Còn về người đọc, những ai có tiền thường mua sách, thì họ không cắt giảm chi tiêu đến mức… không mua sách nữa. Còn những ai vốn không có điều kiện, gặp khủng hoảng, càng không có ý nghĩ mua sách. (cười)

Sắp tới chúng tôi cố gắng đưa sách công cụ vào các hệ thống thư viện. Chỉ cần một thư viện mua hai ba cuốn thôi, cũng lên tới con số nghìn. Việc này lại cần Nhà nước giúp một tay khi quyết định dùng nguồn tiền để nhập sách gì vào thư viện. Mặt khác, nếu cơ quan nghiên cứu hay trường học nào có nhu cầu dịch sách để tham khảo, NXB sẵn sàng làm hợp đồng theo yêu cầu. Nói chung là tìm mọi cách để đưa sách công cụ đến tận tay bạn đọc, giúp họ bớt e dè với kiến thức hàn lâm.

Xin cảm ơn ông

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: