Album Coda
19/11/82 - Swan Song Records
Cái chết đột ngột của tay trống John Boham năm 1980 đã kết thúc luôn cuộc đời của nhóm hard rock lừng danh nhất thế giới Led Zeppelin. Thật vậy, nó là một mất mát không thể nào bù đắp nổi về mặt tinh thần đối với các thành viên còn lại. Nếu như nhóm The Who, sau cái chết của tay trống Keith Moon đã tìm được nguời thay thế thì Led đã chọn cách giải tán vì theo cách nói của Jimmy Page "Boham là một nửa của Led".
Tháng 11 năm 82, nghĩa là hơn hai năm sau ngày Boham mất, các thành viên còn lại của Led đã cho ra đời album "Coda" như là món quà tưởng niệm dành để tri ân người bạn quá cố. Coda không thực sự là một album studio như những album trước của Led vì nó đơn thuần là một tổng hợp những ca khúc thu âm nhưng chưa bao giờ được phát hành từ năm 69 đến 78 của ban nhạc. Đây là một album được làm để dành tôn vinh tài năng của Boham nên các ca khúc trong album đều có phần trống chơi thật xuất sắc. Nếu ai mê phong cách của Led trong những album Led II, Led III và Led IV thì album Coda này sẽ thoả mãn được cơn ghiền vì nó thể hiện được chất lửa hoang sơ và mạnh mẽ tưởng chừng đã mất trong các album sau này.
Ca khúc đầu tiên "We're Gonna Groove" là bản cover rock hoá từ bản blues kinh điển của Ben.E.King và James Bethea. Bài này được thu âm năm 69, nhưng bị loại khi chọn để đưa vào album Led II. Tất cả đều hoàn hảo đúng với phong cách nguyên thuỷ của Led: giọng ca đầy uy lực của Plant, những câu guitar hiếu chiến của Page, cái nền bass thật vững chắc của Paul Jones và trên cả là nhịp trống tuyệt vời của Bonzo. Thật là lãng phí khi loại ca khúc này ra khỏi album Led II vì nó khá xứng đáng được biết đến. Cũng may là Led đã "lượm lại" món đồ cổ có giá trị này để đưa vào Coda.
"Poor Tom", thu âm năm 70 lại là một bản folk với phong cách khá lạ, tiếng trống và tiếng bass được mix khá dày và ồn trong khi Jimmy Page chỉ chơi guitar thùng xen kẽ. Điều lạ lùng là tiếng guitar của Page không vì thế mà bị lấp bởi tiếng trống và bass. Nói cho dễ hình dung, cách phối của bài này giống như sấm chóp đùng đùng nhưng mưa chỉ lất phất. Robert Plant cũng đóng góp tiếng harmonica để tôn thêm vẻ đẹp cho bài hát.
Nếu ai thích "Since I've Been Loving You" thì bản cover "I can't quit you baby" của Willie Dixon sẽ làm nguời đó hài lòng. Tuy không thật sự xuất sắc bằng "Since I've Been Loving You", bài này cũng là một bài khá hay, tôn vinh những câu guitar kiểu nhạc blues lắt léo của Jimmy.
Với "Walter's Walk" và "Ozone Baby", Led Zeppelin trở về với phong cách hardrock quen thuộc của mình. Tất cả đều hoàn hảo như không thể hoàn hảo hơn. Ca khúc thứ sáu của album "Darlene" lại là một bản rock and roll mãnh liệt với tiếng guitar của Jimmy Page rất sáng tạo. Từ trước đến giờ mặc dù đã nghe khá nhiều nhóm nhạc rock khác nhau, nhưng tớ chỉ thực sự phục tài nghê guitar của ba tay guitarist: Jimmy Page, Ritchie Blackmore và Yngwie Malmsteen. Những tay guitar của dòng heavy metal tuy có nhiều câu lead nghe bốc lửa và hào nhoáng nhưng thật sự không sáng tạo nhiều, chỉ chủ yếu là tốc độ nên nguời nghe không có cảm giác bất ngờ khi nghe, còn đối với Jimmy Page mặc dù khá quen thuộc với phong cách của anh, nhưng đôi lúc tớ vẫn cảm thấy khá bất ngờ thú vị vì cách xử lí câu cú quá tuyệt vời.
Bài thứ bảy của album "Bonzo's Montreux", đúng với tên gọi của nó là bài solo trống của Boham. Tất cả các tuyệt chiêu đều được xuất trong bản thu âm này. Các thành viên khác của Led hầu như không nhúng tay vào trừ Jimmy Page đã mix thêm một chút synthesizer vào để làm nổi bật tiếng trống. Lần này tiếng synthesizer được sử dụng khá hợp lí, không lấn sân như trong album "In Through The Out Door", chỉ vừa đủ để tôn tạo sự dũng mãnh của tiếng trống mà thôi.
Album kết thúc bằng ca khúc "Wearing and Tearing" được thu tại Thuỵ Điển năm 78 trong phòng thu của ABBA. Một lần nữa tài năng của Bonzo được bộc lộ toàn vẹn, có lẽ đó là lần cuối cùng John Boham được trổ tài cho thiên hạ thấy được bản lĩnh của mình.
Nhìn chung, "Coda" là một album đáng nghe vì tính trọn vẹn của nó. Album thể hiện đầy đủ đặc tính và phong cách của Led Zeppelin, mạnh mẽ và sáng tạo. Đối với những tay trống hoặc những fan của John Boham, album này lại càng đáng nghe vi nó tập hợp tất cả tinh tuý của John. Cùng "chiến đấu" với nhau trong suốt 10 năm trời nên các chiến hữu của Bonzo khá chuẩn xác khi chọn những ca khúc thể hiện hết tài năng của bạn mình. Đó cũng là một cách tri ân dành cho nguời đã mất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi