Hai điều mong ước: Một cơ chế thông minh và một nền giáo dục tiên tiến

03:51 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Hai, 2003

Chúng ta bước vào một thời đại trong đó ai cũng biết trí tuệ trở thành sức mạnh chủ yếu chi phối toàn bộ sinh hoạt của xã hội loài người. Trong công cuộc chống ngoại xâm suốt mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ lòng dũng cảm và tri thông minh xuất sắc. Lẽ nào lòng dũng cảm và trí thông minh ấy không thể phát huy được để giành chiến thắng quyết định trên mặt trận kinh tế, văn hoá, khoa học vài thập kỷ tới? Tôi nghĩ then chốt vấn đề là cơ chế, là hệ thống các chính sách và phương thức điều hành.

Trước đây hai mươi năm, kế hoạch 21 triệu tấn lương thực bị coi là không hiện thực, thế mà nhờ có cơ chế thay đổi, chẳng mấy chốc ngày nay ta đã vượt 32 triệu tấn. Cho nên dù có quyết tâm cao) kế hoạch tốt, phương tiện dồi dào, nhưng nếu cơ chế chưa thuận và điều hành chưa thông suốt thì cũng giống như một dàn nhạc trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tài năng của nhạc công bị vô hiệu hoá, thậm chí cản trở nhau.

Mong sao bước vào thiên niên kỷ mới, cơ chế và bộ máy điều hành của ta sẽ được hoàn thiên một bước cơ bản để mở đường phát huy nội lực, giải phóng những tiềm năng trí tuệ và tinh thần to lớn trong dân, đưa đất nước mau tiến lên cùng nhịp với bạn bè năm châu.

Hơn mọi thời kỳ trước, trong thế giới ngày nay cạnh tranh và đào thải là quy luật khắc nghiệt. Muốn tồn tại trong thế giới đó phải không ngừng nâng cao tiêm lực trí tuệ bằng một nền giáo dục tiên tiến.
Ta thường nói mục tiêu giáo dục là nâng cao dân trí đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Dân trí cao không chỉ có nghĩa là có nhiều người dân được hoc đến cấp này cấp nọ, nhiều ông cử ông nghè, mà quan trọng hơn là sự hoc đó đưa lại nhận thức và tự giác của ngươi dân tuân thủ những yêu cầu của cuộc sống xã hội hiện đại, có thái độ và hành xử văn minh trong lao động, trong sinh hoạt cá nhân và cộng đồng, trong gia đình, trên đường phố, ở nơi công cộng, đối với xã hội và đối với thiên nhiên.

Nhân lực có chất lương là lực lượng lao động không chỉ biết lý thuyết chung chung, mà chủ yếu biết thực hành giỏi, có tay nghề cao, có lương tâm, có ý thức trách nhiệm, có kỷ luật và chí tiến thủ không ngừng, để có thể cạnh tranh ngang sức với lao động các nước khác.

Sau cùng và trên hết, ông cha ta từng nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Thời xưa đã đúng thời nay càng đúng. Lịch sử nhiều nước trên thế giới ba mươi năm qua cũng cho thấy sự phát triển nhanh hay chậm của mỗi quốc gia tuỳ thuộc chính sách bồi dưỡng quy tụ và sử dụng nhân tài. Trong lúc các nước giàu tìm moi cách thu hút nhân tài để càng giàu thêm thì các nước nghèo có xu hướng đẩy nhân tài ra đi, để cho cái nghèo trí tuệ ngày càng làm trầm trọng thêm cái nghèo vật chất.

Vì vây đứng trước thềm thiên niên kỷ mới, chúng ta không có nhiệm vụ nào bức thiết hơn là chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng một tâm lý xã hội thật sự có dân trí, nhân lực, nhân tài là những nhân tố phát triển hàng đầu.

Cầu mong năm mới sẽ đưa lại cho thế hệ chúng ta nhận thức mới đầy đủ hơn, thực tế hơn về giá trị của trí tuệ, tri thức, tài năng để ra sức trấn hưng giáo dục - một lĩnh vực có quan hệ sống còn đối với đất nước.

GS. Hoàng Tuỵ (Báo GD&TĐ)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: