Giáo dục: cần nhìn rõ thêm mặt tối

03:51 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Hai, 2003

Hoàng Tuỵ (Tạp chí Tia sáng, Xuân Quý Mùi 2003)

Tụt hậu tuy đáng lo thật, nhưng đáng lo hơn nữa là tụt hậu mà không ý thức được đầy đủ sự nghiêm trọng của tình hình để ra sức sửa chữa và vươn lên. Đi giữa thế giới toàn cầu hoá, ai cũng chạy mà ta chỉ biết đếm từng bước đi thong thả của mình để tự ru ngủ, không chịu khó nhìn xem thiên hạ tiến đến đâu rồi, thì chẳng mấy chốc sẽ đến lúc nhìn lại xung quanh chỉ thấy độc mình ta còn rớt lại, còn tất cả họ đã đi xa mất hút...

Con em chúng ta bây giờ học hành đầy đủ hơn các các thế hệ cha anh. Trường lớp khang trang hơn, sách vở, giấy bút, đầy đủ và đẹp hơn. Trước đây mấy chục năm có nằm mơ cũng không thể thấy hàng triệu cô tú cậu tú xin thi vào đại học. Nhưng thử nghĩ lại xem mặt sáng ấy của ta sáng hơn thiên hạ chừng nào, còn mặt tối có ít tối hơn không? Sao ta ưa nhìn kỹ mặt sáng của mình mà không chịu khó dù chỉ một đôi lần, nhìn rõ thêm mặt sáng của thiên hạ và mặt tối của ta để tìm ra những giải pháp cần thiết?

Với cách nhìn mới sẽ thấy rằng hai sự cố nghiêm trọng trong giáo dục năm qua: kỳ thi tuyển sinh đại học và sách giáo khoa cải cách giáo dục là những bài học đích đáng, thật đích đáng, dù có tốn kém và đau xót nhưng nếu biết rút kinh nghiệm thì đây chính là bước ngoặt chuyển mình cho cả nền giáo dục. Còn nếu cứ khư khư bảo vệ những quan niệm và cách làm cũ, thì mười năm sau nhìn lại sẽ phải hối tiếc đã bỏ lỡ một cơ hội quý báu để thực hiện cuộc cách mạng giáo dục trợ giúp cho cuộc hội nhập quốc tế.

Tôi sực nhớ cách đây vài năm, ở một nước lớn thuộc khối G7 mà nền giáo dục đâu phải kém, có một vị bộ trưởng giáo dục, cũng là một nhà khoa học có tên tuổi, chỉ trót lỡ miệng tuyên bố bây giờ đã có máy tính thì ở trường phổ thông không cần học toán nhiều nữa, thế mà đã bị dư luận chỉ trích gay gắt đến phải mất chức. Liên hệ việc đó với những sự cố năm qua ở nước ta mới thấy người dân ta dễ tính, kiên nhẫn và độ lượng dường nào.

Một năm nữa đã đi qua. Mới hôm nào chúng ta còn đánh vật với tai nạn Y2K giả tạo, mà nay đã là năm thứ ba của thiên niên kỷ. Sắp sửa AFTA rồi WTO, đất nước chúng ta đã bắt đầu một hành trình hội nhập hứa hẹn nhiều cơ hội tốt đẹp để đi lên thịnh vượng nhưng cũng đầy thách thức gian lao, kể cả rủi ro bất trắc  mà chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng năng lực đối phó để không bị thua thiệt. Trong niềm vui đón gió lộng của biển cả khi con thuyền sắp ra khơi không nên quên rằng ngoài khơi có thể gặp sóng to, gió lớn và bão táp cũng khó lường. Rất rõ ràng, khi cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng trở nên quyết liệt, thậm chí có mặt khốc liệt, thì   đối với mỗi dân tộc, khả năng vươn lên phía trước nhờ phát huy được tiềm năng trí tuệ là rất hiện thực, nhưng nguy cơ bị nhận chìm vì kém cỏi cũng không phải là nhỏ.

Trong bối cảnh đó, cải cách hiện đại hoá giáo dục trở nên cấp bách đối với  mọi nước, không chỉ riêng đối với các nước nghèo. Không phải không có lý do mà một số nước hiện đang giàu có lo ngại sau vài thập kỷ họ có thể bị rớt xuống hàng những nước hiện được coi là kém phát triển, nếu không đầu tư thích đáng để cải cách giáo dục. Cho nên, sự lo lắng của xã hội trước mấy sự cố giáo dục là sự lo lắng rất tích cực, biểu hiện ý thức trách nhiệm và trình độ của người dân. Cái chân lý lớn thời nay, đối với mỗi nước cũng như từng công ty, từng cá nhân, là muốn đi lên thịnh vượng lâu bền không phải chỉ cần tập trung lo phát triển sản xuất, kinh doanh, mà cơ  bản là phải chăm lo cái gốc trí tuệ, tinh thần của con người.  Chưa bao giờ nâng cáo dân trí và đào tạo nhân tài là chuyện cốt tử như hiện nay.

Trở lại tình hình cụ thể của ta, một trong những vấn đề cấp bách nhất của giáo dục là đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy và cách thức thi cử, nhằm chống lại lối học từ chương, khoa cử, học vẹt, chỉ đòi hỏi nhớ nhiều và bắt chước khuôn mẫu sẵn có, mà coi nhẹ phát triển tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo và những đức tính trí tuệ cần thiết khác cho hoạt động sáng tạo. Rất mừng là ngày nay hầy như mọi người đều đã nhất trí như vậy. Không còn ai nói liều rằng thi cử như hiện nay của chúng ta là tối ưu rồi, không thể cải tiến hơn. Tuy nhiên đó mới chỉ là trên lý thuyết, còn trên thực tế, nhìn chung từ các cơ quan quản lý giáo dục cho đến thầy giáo, xem ra còn rất lúng túng, chưa có nhận thức rõ ràng và thống nhất về những gì cần làm.

Chúng ta bàn rất nhiều về cách thi, nào là hai, ba chung, nào là trắc nghiệm hay tự luận... nhưng ít ai tự hỏi: tại sao nhất thiết phải có bấy nhiêu cuộc thi, cuộc nào là thực sự cần thiết, có cách nào tuyển sinh đại học tốt, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn là tổ chức thi như vừa qua? Thật kỳ lạ. thi theo kiểu học  trò đã trở thành một hội chứng trên đất nước, cái gì cũng thi, thi viết, thi làm bài để kiểm tra trí nhớ chứ không phải kiểm tra hiểu biết và năng lực thực tế.  Nhìn bề ngoài có vẻ rất chặt chẽ, chính quy, mà thực tế không như vậy. Cho nên cần thay đổi cả một nếp nghĩ ăn sâu vào rất nhiều người trong hệ thống quan liêu, thì mới có thể quyết tâm cải cách thi cử theo hướng đúng đắn.

Còn về cải tiến phương pháp giảng dạy thì dường như chúng ta chỉ nghĩ đến khâu giảng bài ở lớp, chủ yếu là chống kiểu “thầy giảng trò ghi”, vì thế không thấy lối ra, và nhiều thầy giáo không biết cải tiến như thế nào đây. Thật ra, đâu phải lỗi chỉ ở phương pháp độc thoại một chiều, và đâu phải trong từng bài giảng phải luôn luôn theo phương pháp gợi mở, trao đổi hai chiều với học sinh, dẫn dắt họ từng bước, để cho họ tham gia phát hiện, tìm ra kiến thức.  Nếu từng bài đều làm như vậy thì lấy đâu thì giờ để hoàn thành được chương trình và hơn nữa đâu phải bài nào cũng giảng như vậy được. Đó là chưa nói cách dạy như thế sa vào khuyết điểm khác là không tập cho học sinh biết đọc hoặc nghe giảng có hệ thống, theo lối thuyết trình thông thường ở đại học. Thât ra cái chính là dạy như thế nào để khêu gợi hứng thú, tò mò, ham muốn đào sâu, suy nghĩ độc lập, phát triển đầu óc phê phán, còn độc thoại hay gợi mở, quy nạp  hay suy diễn, thì tuỳ vấn đề và đối tượng. Một cuốn sách hay (như cuốn sách nổi tiếng “Lược sử thời gian” của S. Hawking) cũng là một cách giảng độc thoại đó chứ, nhưng vẫn làm người đọc thu nhận kiến thức một cách hào hứng. Suốt đời, tiếc thay phần lớn thông tin ta phải thu nhận qua sách vở và những bài thuyết trình không có đối thoại, bản thân người đọc hay nghe phải biết phê phán và chắt lọc để tiếp thu. Cho nên để việc học không thụ động không phải chỉ cần thay đổi phương pháp giảng bài trên lớp mà còn phải thay đổi toàn bộ phương thức giảng dạy, bao gồm cả chương trình, các bài giảng ở lớp và các khâu hướng dẫn tự học, tự đọc, đào sâu suy nghĩ một vấn đề trọn vẹn, tham khảo tài liệu sách vở, viết tiểu luận, đề án, thuyết trình trước cử toạ... Như vậy trong kế hoạch học tập phải có quy định những giờ tự học có sự giám sát và giúp đỡ (đối với trường hợp cần thiết) của thầy giáo, có những bài tập và thực tập lớn nhỏ đòi hỏi phải tham khảo, đọc tài liệu, tập viết tiểu luận (ở cuối phổ thông, và ngay một hai năm đầu đại học), và một số hoạt động mang tính chất xêmina hay tiền xêmina...
Hiện nay trong kế hoạch học tập ở phổ thông hầu như chỉ có quy định giờ giảng trên lớp mà không có hoặc rất ít những hình thức họp tập khác.

Sau cùng một vấn đề quan trọng khác mà việc tuyển sinh đại học nêu lên là nhận định như thế nào xu hướng của số đông thanh niên học sinh muốn vào đại học. Rõ ràng xu hướng đó có mặt tiêu cực do tâm lý chuộng bằng cấp, muốn làm thầy hơn làm thợ, mà nhiều người đã phê phán. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng trong thế giới toàn cầu hoá khó mà ngăn áp lực của xu thế chung trên toàn cầu đến cách nghĩ trong từng nước. Nếu ở nước ngoài điện thoại di động trở thành phổ biến thì trong nước, dù có nhu cầu thực tế hay không cũng sẽ nảy sinh xu hướng muốn sử dụng tiện nghi này. Cũng với trào lưu kinh tế tri thức, xu thế chung trên thế giới vài thập kỷ lại đây là mở rộng cửa đại học cho số đông thanh niên và chỉ tuyển chọn gắt gao đối với một số trường dành riêng đào tạo những tài năng đặc biệt. Cho nên gần như tất yếu, số đông thanh niên ngay cả ở những nước nghèo đều có tâm lý hướng theo xu thế đó. Không lạ gì thanh niên ta chen chân vào đại học bằng mọi cách, nhất là khi những tiêu cực và bất cập khác về quản lý khiến nhiều người nghĩ rằng vận may hoặc tiền bạc thay cho khả năng có thể giúp họ vượt qua thi tuyển dù một chọi mười hay hai mươi.

Còn một lý do chính đáng hơn là cùng với vai trò không ngừng tăng của tri thức, thông tin, trong mọi ngành kinh tế, ngày càng có nhiều việc làm đòi hỏi phải có trình độ đại học mới đảm bảo được năng suất. Do đó, nhiều người lo rằng trong tương lai dù muốn hay không muốn cần có trình độ đại học mới có việc làm tốt, thế thì chi bằng còn trẻ hay cố vào đại học.

Tôi nghĩ đó là thực tế mà các nhà hoạch định chiến lược phải tính đến, chứ không nên nhận định quá dễ dàng là thừa thầy thiếu thợ. Chỉ có điều là cần làm cho mọi người hiểu rằng trong xã hội mới, sự phân biệt giữa thầy và thợ đang mất dần, và học đại học ra đi làm thợ là chuyện bình thường.

Một đặc điểm của thời đại chúng ta là nhiều hiện tượng phát triển có tính chất bùng nổ, mau lẹ hơn mọi dự báo. Không nhìn thấy trước sự phát triển đó dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Trong quản lý xã hội của ta đã có quá nhiều ví dụ: chính vì không nhìn thấy trước sự phát triển bùng nổ của nhu cầu đi lại ở các thành phố nên không chú ý giao thông công cộng mà cứ để cho phương tiện cá nhân mặc sức phát triển, gây nên ùn tắc giao thông, và biết bao tai nạn nghiêm trọng không kiểm soát nổi. Rồi đây có thể chờ đợi nhiều vấn đề nan giải khác về môi trường (chẳng hạn rác nilông), cũng chỉ vì tầm nhìn thiển cận chỉ thấy lợi ích cục bộ và trước mắt. Vì vậy, hãy suy nghĩ rộng thoáng hơn, nhìn xa hơn trong khi còn thời gian để xử lý đúng đắn hơn vấn đề quy mô phát triển đại học. Đương nhiên trong khuôn khổ quản lý hiện nay, khó khăn là giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng. Dù thế nào, sự phức tạp của vấn đề có nhiều phần giả tạo, do cách quản lý bất cập gây ra, chứ tiềm năng giải quyết vấn đề chất lượng không đến nỗi thiếu. Chỉ xin nhắc lại một kinh nghiệm thời bao cấp: khi còn tem phiếu ai cũng tưởng rất khó bỏ những thứ đó, nhưng khi bỏ rồi mới thấy tại sao giải pháp đơn giản thế mà trong bao nhiêu năm không nghĩ ra.

Giáo dục cũng vậy, phải đổi mới cách nhìn mới thấy sáng ra những giải pháp cần thiết.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: