DN tư nhân và những vấn đề thường gặp

03:51 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Giêng, 2004

Ông Ngô Xuân Bình là cán bộ đầu tư cao cấp của Mekong Capital - Công ty quản lý Quỹ DN Mekong với số vốn là 18,5 triệu USD, chuyên đầu tư vào những DN tư nhân ở Việt Nam. Với cương vị này, ông có trách nhiệm đánh giá các cơ hội đầu tư cũng như cung cấp tư vấn hỗ trợ cho những DN mà Quỹ DN Mekong đã đầu tư. Phóng viên TBKTVN đã có cuộc tiếp xúc với ông Bình và ghi lại sau đây nhận xét của ông về một số vấn đề phổ biến trong hoạt động của các DN tư nhân trong nước.

Với quy mô nhỏ và tính chất kinh doanh sản xuất theo vụ việc, các DN tư nhân Việt Nam có một số đặc thù riêng và thường hay gặp phải một số vấn đề sau:

Thứ nhất, khâu xử lý thông tin nội bộ rất kém. Ví dụ, công nhân thường không tuân thủ theo các qui trình sản xuất chuẩn dẫn đến tỉ lệ sản phẩm hư hao rất cao ở nhiều phân xưởng. Điều này làm cho giá thành sản phẩm cao và khiến khách hàng không hài lòng. Nguyên nhân chính ở đây là do hệ thống thông tin về qui trình và đặc tính của sản phẩm không hoàn chỉnh cũng như trách nhiệm công việc không được phân công rõ ràng.

Ngoài ra, phần lớn DN tư nhân không coi trọng việc thu thập thông tin thị trường và dường như không có đủ nguồn lực và kỹ năng để thực hiện việc nghiên cứu thị trường một cách hiệu quả. Nhiều công ty thậm chí không dành ra nguồn lực cần thiết để tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng hoặc theo dõi đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, trong khi các công ty nước ngoài dành rất nhiều thời gian và công sức để phát triển kế hoạch chiến lược nhằm xác định các bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu dài hạn thì các công ty trong nước thường không chú ý hoặc thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển các kế hoạch chiến lược. Vì thiếu kế hoạch chiến lược nên các doanh nhân trong nước hoặc quá lạc quan về kế hoạch phát triển, hoặc đánh giá thấp các rủi ro và trở ngại liên quan.

Thứ ba, DN tư nhân trong nước thông thường chỉ sử dụng hệ thống tài chính kế toán cho mục đích báo cáo thuế. Phần lớn họ vẫn chưa xem hệ thống trên là một công cụ rất hiệu quả, có thể giúp hiểu biết về cấu thành giá, phân tích tài chính hoặc cho việc kiểm soát nội bộ. Hậu quả là họ có thể đầu tư và phân bố nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh không hiệu quả, hoặc họ không nhận ra là đã đưa ra giá bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Thứ tư, Việt Nam đang hòa nhập nền kinh tế chung trong khu vực và thế giới thông qua AFTA và những hiệp định thương mại khác. Điều này có nghĩa là các DN trong nước phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty trên khắp thế giới. Để có thể tồn tại, một công ty đã làm tốt cần phải có khả năng làm tốt hơn các đối thủ. Nhưng trên thực tế thì nhiều DN lại rất coi nhẹ sự cần thiết phải liên tục nỗ lực để trở thành khác biệt so với đối thủ bằng cách cung cấp các dịch vụ nổi trội, tập trung vào một thị trường hẹp, hoặc sản xuất hiệu quả hơn các đối thủ...

Theo ông Bình thì Công ty Mekong Capital có thể hỗ trợ các DN tưnhân trong nước khắc phục được các vấn đề trên. Bằng cách phát triển kỹ năng lãnh đạo và hoàn thiện hệ thống quản lý, Mekong Capital thường xuyên giúp đỡ các công ty phát triển kế hoạch chiến lược và xác định các yếu tố rủi ro mà họ không lường trước.

Ông Bình có lấy một ví dụ cụ thể về việc tư vấn giúp cho các công ty Việt Nam để cạnh tranh được với các DN Trung Quốc trong ngành đồ gỗ. Các DN đồ gỗ Trung Quốc có một lợi thế rất lớn là quy mô sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Rất nhiều nhà máy ở Trung Quốc sản xuất khoảng 600 container sản phẩm/tháng so với các công ty lớn ở Việt Nam chỉ khoảng 30-40 container/tháng. Điều này giúp nhà sản xuất Trung Quốc có thể trải đều chi phí gián tiếp cho một lượng lớn thành phẩm. Hơn nữa, DN Trung Quốc có nhiều người quản lý kinh nghiệm giúp họ có thể quản lý quá trình sản xuất hiệu quả và làm giảm tỉ lệ sản phẩm hư hỏng nhằm hạ thấp giá thành.

Do nắm được những đặc điểm như vậy nên Mekong Capital đã tư vấn cho các DN đồ gỗ Việt Nam cần dựa vào chi phí nhân công thấp và tay nghề cao của công nhân để nhận các đơn đặt hàng làm ra các chi tiết nhỏ và khéo léo. Nhà sản xuất Việt Nam có thể cho ra các sản phẩm có bề mặt hấp dẫn, ép veneer cầu kỳ và sơn tay công phủ có giá trị rất cao.

Điều này có nghĩa là, trong khi nhà sản xuất Trung Quốc có thể nhận những đơn hàng có số lượng lớn với ít yêu cầu kỹ thuật thì nhà sản xuất Việt Nam có thể nhận những đơn hàng nhỏ hơn nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật và tay nghề nhân công cao hơn. Làm được như vậy thì các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam mới có hy vọng cạnh tranh được so với sản phẩm của các đối thủ Trung Quốc.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: