Doanh nghiệp nhỏ làm gì khi thành công đến nhanh?

07:50 CH @ Chủ Nhật - 25 Tháng Chín, 2005

Một doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, nhân lực mỏng cùng cơ sở vật chất nghèo nàn sẽ dễ dàng lâm vào cảnh “loay hoay như gà mắc tóc” khi phải đáp ứng những đơn hàng lớn đổ về vì một dòng sản phẩm của họ bỗng nhiên được đặc biệt ưa chuộng. Làm thế nào để vượt qua tình cảnh này đây?

1. Chớ vội vui mừng quá

Đừng vội khui sâm banh, mua sắm thả giàn hay làm những điều điên rồ. Hãy nhớ rằng những cuộc ăn mừng hay một họp báo lớn không đồng nghĩa với việc tài khoản của bạn trong ngân hàng sẽ phình ra. Doanh thu tăng cũng có nghĩa là bạn phải nới rộng thêm hầu bao để chi trả cho lao động và nguyên vật liệu phụ trội, thậm chí phải vay nóng ở ngân hàng.

2. Vạch chiến lược

Cần cấp tốc lập ra một danh sách những vấn đề cần giải quyết, lên nhiệm vụ cụ thể, sắp xếp nhân lực và sản xuất. “Tập trận trên giấy” bao giờ cũng dễ dàng hơn là đợi đến khi nước đến chân mới nhảy. Dù cho áp lực giao hàng cho khách như thế nào chăng nữa, bạn cũng phải dành thời gian ngồi lại với các cộng sự để vạch kế hoạch thực hiện. Nếu là doanh nghiệp sản xuất hoặc là nhà phân phối, bạn hãy ước lượng khách hàng sẽ mua bao nhiêu đơn vị hàng hóa và tính toán xem chi phí sản xuất hoặc nhập hàng là bao nhiêu. Những doanh nghiệp làm nghề dịch vụ, chẳng hạn như thiết kế trang web sẽ phải ước tính số lượng nhân lực hoặc số lượng các hợp đồng cần thiết.

3. Chủ động vốn lưu động

Trước khi đặt hàng, bạn phải dự trù sẵn nguồn tiền chi trả đúng theo hợp đồng thỏa thuận, bởi vì người ta sẽ đòi tiền ráo riết chứ không chờ đến khi bạn bán hết hàng và thu hết tiền đâu.

Nếu có thể, ban hãy thỏa thuận với ngân hàng hạn mức tín dụng cho phép bạn rút tiền ngay khi cần và chi trả phần lãi suất cho những khoản tiền vay thêm.

4. Cầu viện

Hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp và các doanh nghiệp bạn bè. Dù doanh nghiệp của bạn có làm việc cật lực đến đâu thì nhiều khi khối lượng công việc quá lớn sẽ làm bạn vô cùng mệt mỏi và không quản lý nổi đâu.

Bạn cũng có thể đăng quảng cáo để tìm kiếm những người cộng tác chuyên nghiệp. Nhưng nhớ rằng một đơn hàng thành công không phải là mãi mãi nên đừng ký hợp đồng lâu dài với nhân viên mới vì bạn sẽ phải lo tạo công ăn việc làm hoặc "nuôi" họ dài dài.

5. Cho phép nhái hàng của chính mình

Một doanh nghiệp nhỏ chuyên về hàng thủ công sẽ chịu áp lực rất lớn khi có một đơn hàng với hàng triệu sản phẩm. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp phải phối hợp linh hoạt với những nhà sản xuất địa phương có thể nhái mẫu của mình ở quy mô lớn. Dù các nhà cung cấp không ít, nhưng không phải ai cũng có thể cung cấp những sản phẩm có chất lượng tương đương. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên liên lạc trực tiếp và kiểm tra độ tin cậy của "vệ tinh" để có được thông tin chính xác nhất trước khi quyết định hợp tác.

6. Xây dựng kênh phân phối

Khi nhu cầu từ thị trường tăng mạnh, bạn cần có một mạng lưới để phân phối sản phẩm. Thay vì thuê mướn một giám đốc phụ trách bán hàng toàn quốc và đặt hàng loạt văn phòng đại diện ở các thành phố lớn, bạn nên áp dụng hình thức ký gửi hàng hóa. Sự lựa chọn này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí và thời gian vì bạn sẽ chỉ phải trả tiền cho những người bán hàng dưới hình thức hoa hồng.

7. Giữ liên lạc với khách hàng

Thường xuyên liên lạc với khách hàng ngày nay được xem như một việc làm quan trọng thường xuyên của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp bỗng tăng đột biến. Sai lầm lớn nhất của nhiều doanh nhân trong vấn đề này là không báo trước cho khách hàng biết hàng hóa có thể bị vận chuyển đến muộn, đặc biệt là đối với sản phẩm liên quan đến yếu tố mùa vụ.

8. Thừa thắng xông lên

Thành công đã khó, duy trì sự thành công còn khó hơn. Cách phổ biến nhất hiện nay là nối dài vòng đời của sản phẩm. Ví dụ sự thành công của bộ phim Nhiệm vụ bất khả thi đã khiến các nhà sản xuất làm thêm các phần tiếp theo. Ngoài ra, tìm kiếm những thị trường mới tất nhiên cũng là một biện pháp tốt.

9. Đầu tư cho tương lai

Dù có thể thu được lãi nhiều thì việc tái đầu tư là điều các doanh nhân thông minh không bao giờ quên. Hãy lo tính toán tái đầu tư bằng phần lớn lợi nhuận để củng cố cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.

10. Rút kinh nghiệm từ thất bại

Nếu tốc độ bán hàng đang ở mức cao đột nhiên chững lại, bạn phải lập tức ngồi lại cùng các đồng sự để tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Kinh nghiệm gặt hái được sẽ rất hữu ích đối với chiến lược cho dòng sản phẩm tiếp theo.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: