Đâu là "hồn" của doanh nghiệp?
Đi tìm một định nghĩa
Xác định văn hóa doanh nghiệp là gì quả thật không dễ dàng. Tùy theo góc nhìn mà mỗi người có những cách hiểu, cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Tuy nhiên, qua ý kiến phát biểu tại chỗ và các bài tham luận gửi tới tọa đàm, có thể thấy rằng hầu hết đều gặp nhau ở một số điểm căn bản, đó là: văn hóa doanh nghiệp (VHDN) nằm trong văn hóa kinh doanh của một quốc gia, một nền kinh tế, hay nói cách khác, VHDN là sự thể hiện văn hóa kinh doanh ở cấp độ công ty. Một điểm chung nữa là VHDN được xem như hệ thống giá trị tinh thần và các chuẩn mực do doanh nghiệp tạo nên và nó chi phối mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cách ứng xử của các thành viên trong doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến khía cạnh giá trị của VHDN, chuyên viên xã hội học Nguyễn Quang Vinh cho rằng VHDN chính là cái làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là linh hồn của các doanh nghiệp, gắn kết mọi người lại với nhau trong những mục tiêu chung và cung cách hành động chung. Cũng có thể gọi đó là "báu vật tinh thần" mà doanh nghiệp tạo ra - như từ dùng của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Xuân Lan.
Tiến sĩ Bùi Thị Minh Hằng, giảng viên Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM nhấn mạnh đến cái mà bà gọi là "cột trụ tinh thần" trong sự hình thành và phát triển VHDN. Theo bà Hằng, VHDN là cái cách mà người chủ hoặc người sáng lập doanh nghiệp suy nghĩ về công ty mình, làm thành "cột trụ tinh thần" đầu tiên; từ đó người chủ DN "thổi" suy nghĩ của mình vào các thành viên, làm cho nó trở thành một phong cách chung cho mọi thành viên.
Cũng xác định VHDN là cái riêng của doanh nghiệp, ông Võ Tá Hân, chuyên viên kinh tế, đang làm việc tại Singapore, trong một bài viết gửi đến tham gia tọa đàm, dùng cụm từ "cá tính riêng biệt". Ông Hân phân tích: "Khi tập hợp một nhóm người cùng đến với nhau để theo đuổi một mục đích chung (kinh doanh), và sau khi sinh hoạt với nhau trong một thời gian thì toàn nhóm nói chung sẽ thể hiện một cá tính riêng biệt mà ta hay gọi là văn hóa công ty (corporate culture)". Trong tham luận của mình, ông Lê Hữu Huy, Thạc sĩ quản trị kinh doanh, lại nhấn mạnh cả hai yếu tố phong cách và bản sắc. Theo ông Huy, VHDN - nói một cách ngắn gọn - là thể hiện phong cách và bản sắc doanh nghiệp.
Khác với nhiều người, ông Trần Sĩ Chương, Giám đốc Công ty Tư vấn kinh tế và quản trị USA, không đưa ra một định nghĩa tổng quát cho khái niệm VHDN mà chỉ xác định một đặc điểm cốt lõi mà ông cho là bản chất của văn hóa kinh doanh - cũng chính của VHDN; đó là tính khả tín (có tin cậy được). Cụ thể, đó là làm thế nào để khi đối tác làm việc với mình họ biết rằng họ đang làm việc với ai, có thể yên tâm, tin tưởng được hay không? Theo ông Chương, bất cứ nền kinh tế nào cũng phải mang mẫu số chung này.
Cũng đi thẳng vào bản chất của khái niệm, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Công ty Artglass, cho rằng "VHDN là sự tạo ra các lợi ích hài hòa giữa chủ doanh nghiệp với nhân viên, với khách hàng, với môi trường, xã hội, với cơ quan nhà nước".
Văn hoá doanh nghiệp - từ bề mặt đến tầng sâu
VHDN là hệ thống giá trị tinh thần, là cái hồn của doanh nghiệp, vậy phải chăng nó là vô hình, chỉ có thể cảm nhận chứ không có biểu hiện cụ thể?.
Theo ông Lê Hữu Huy, VHDN vừa hữu hình vừa vô hình. Nó có thể được thể hiện qua một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nhưng cũng có thể chỉ là cảm nhận rất chủ quan của một khách hàng hay cộng đồng kinh doanh đối với doanh nghiệp. Với ông Vũ Quốc Tuấn thì VHDN không phải là cái gì vô hình, ngược lại, thể hiện rõ trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: trong mọi hành vi kinh doanh, giao tiếp của công nhân, cán bộ trong doanh nghiệp (kể cả trong nội bộ doanh nghiệp và với đối tác bên ngoài doanh nghiệp) và trong các hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp (từ mẫu mã, kiểu đáng đến nội dung và chất lượng).
Đi sâu phân tích các biểu hiện VHDN, ông Nguyễn Quang Vinh nêu lên sáu biểu hiện nằm trong một cấu trúc ba tầng, đi từ bề mặt cho đến chiều sâu. Cụ thể:
- Tầng bề mặt : đó là những sự việc và hiện tượng văn hóa có thể quan sát dễ dàng như: 1. Cách trang trí doanh nghiệp, đồng phục, các khẩu hiệu, bài ca của doanh nghiệp... 2. Các nếp ứng xử, các hành vi giao tiếp được chờ đợi.
- Tầng trung gian: đó là 3. Các biểu tượng của doanh nghiệp; 4. Các truyền thuyết, giai thoại về các năm tháng gian khổ và vinh quang của doanh nghiệp, về nhân vật anh hùng của doanh nghiệp (nhất là hình tượng người thủ lĩnh khởi nghiệp); 5. Các tập quán, nghi thức, các tín ngưỡng được thành viên tin theo và tôn thờ (điều này thường thấy ở các doanh nghiệp người Hoa)...
- Tầng sâu nhất: là 6. Các giá trị cơ bản và các triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Những giá trị này gắn liền theo những mức độ khác nhau với hệ giá trị của văn hóa dân tộc.
Cũng phân làm ba tầng (lớp) như vậy, nhưng cách phân tích của bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty L&A có khác. Theo đó lớp (1) được gọi là các giá trị hữu hình (các biểu hiện như trên), lớp (2) gọi là các giá trị được chấp nhận bao gồm những chiến lược, mục tiêu và các triết lý của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các vấn đề để thích ứng với bên ngoài và hội nhập vào bên trong tổ chức, lớp (3) là các giá trị nền tảng định hướng cho suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của các thành viên trong doanh nghiệp.
Bà Lệ cũng lưu ý là có nhiều người nhầm lẫn khi đánh giá hoặc xây dựng VHDN mà chỉ dựa đơn thuần trên các giá trị hữu hình.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có lợi ích gì?
Nói chung, xây dựng VHDN đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Theo ý kiến của những người tham gia diễn đàn, lợi ích trước nhất là ở chỗ VHDN tạo ra sự cố kết, tính thống nhất cao, hướng tới những mục tiêu mà doanh nghiệp đã vạch ra bằng những hành động tự nguyện, phối hợp nhịp nhàng.
VHDN còn tạo ra môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, trong đó năng lực và sự sáng tạo của cá nhân được phát huy. Các thành viên sẽ tự hào và gắn bó sâu sắc với doanh nghiệp. Tình trạng biến động nhân sự hoặc chảy máu chất xám sẽ ít xảy ra.
VHDN đem lại lợi ích như vậy, nhưng làm thế nào để xây dựng VHDN?
Như trên đã nói, chính người chủ hay người sáng lập doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng VHDN. Bên cạnh đó, sự chia sẻ, đồng thuận và cùng nhau thực hiện của mọi thành viên trong doanh nghiệp cũng là nhân tố không thể thiếu. Tuy vậy, yếu tố môi trường bên ngoài cũng rất quan trọng. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, VHDN chỉ có thể hình thành và phát triển khi mà các thể chế chính trị, kinh tế khơi dậy tinh thần kinh doanh trong nhân dân, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế cùng hăng hái làm giàu cho mình và cho đất nước, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các biện pháp hợp pháp trong việc mưu cầu lợi nhuận cao; ngăn chặn những hành vi phạm pháp, những kiểu làm ăn phi văn hóa, chạy chọt cửa sau, lợi dụng các quan hệ không lành mạnh để kiếm lời.
Như vậy ở đây, nhà nước có vai trò tạo ra môi trường thuận lợi cho VHDN phát triển. Thiếu một sân chơi bình đẳng, công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp thì khó lòng nói đến VHDN. Mặt khác, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng phải đặt trên nền tảng văn hóa, như ý kiến của ông Lê Đăng Doanh :"Để cho kinh doanh có văn hóa, doanh nghiệp có văn hoá thì công sở, cơ quan nhà nước các cấp cũng phải có văn hóa, viên chức phải hành xử đúng pháp luật, có trách nhiệm và có văn hóa. Không thể đòi hỏi doanh nghiệp trong sạch nếu bộ máy tham nhũng, (cũng như không thể đòi hỏi) doanh nghiệp phải có văn hóa trong khi viên chức nhà nước ứng xử tư lợi và thiếu văn hoá". (Còn tiếp)
(theo TBKTSG)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi