Cửa phòng Bộ trưởng Giáo dục bao giờ "mở"?

03:51 CH @ Thứ Tư - 22 Tháng Mười, 2003

Không có công dân đến hỏi nên không tiếp!

Theo quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân mà Bộ GD - ĐT đã ban hành, vào ngày 25 hàng tháng, Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được uỷ quyền) sẽ dành một ngày để tiếp công dân. 21/1, ngày đầu tiên thực hiện quy định, Thứ trưởng phụ trách khối tiểu học đã có cuộc gặp gỡ với một số phụ huynh có  thắc mắc về chương trình và sách giáo khoa mới mà con em mình theo học. Buổi gặp mặt này đã được truyền hình đưa tin vào chương trình thời sự sau đó. Tháng tiếp theo, đến phiên Thứ trưởng Trần Văn Nhung tiếp công dân. Thế nhưng khi một số phóng viên theo dõi giáo dục đến dự buổi tiếp vào lúc 8h ngày 25/2 thì vị lãnh đạo này đã dự một cuộc họp khác và lý do được đưa ra là: không có công dân nào đến hỏi nên không tổ chức tiếp được(!). Tháng thứ ba, lịch làm việc lúc 8h ngày 25/3 của Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai: cùng lãnh đạo các vụ Tiểu học, Vụ Đại học, Vụ Kế hoạch - Tài chính tiếp dân. 8h30 vẫn không thấy Thứ trưởng đâu. Đến 9h30 thư ký cho biết Thứ trưởng bận họp đột xuất nên công việc tiếp dân chưa tiến hành được.

Tình trạng tương tự tiếp diễn từ tháng này qua tháng khác. Mới đây nhất, ngày 25/9 vừa qua, phần việc "tiếp dân" đã "biến mất" khỏi lịch làm việc của Bộ trưởng và cả ba thứ trưởng.

"Mở" diễn đàn trên giấy!

Từ cuối năm ngoái, cụm từ "lắng nghe dư luận xã hội, thiết lập diễn đàn tập hợp ý kiến" thường thấy xuất hiện trong các diễn văn của lãnh đạo ngành giáo dục tại diễn đàn Quốc hội và trong các diễn văn hội nghị tuyển sinh ĐH, hội nghị triển khai công tác đầu năm học.

Tại cuộc bàn việc tuyển sinh ĐH 2003 tổ chức tại Vinh cuối tháng 12/2002, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nói: Bộ phải lắng nghe ý kiến dư luận xã hội và "xây dựng nhiều kịch bản để giải quyết” cho câu chuyện nóng này. Tháng 4 năm nay, văn bản chấn chỉnh thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ do Thứ trưởng Trần Văn Nhung ký với tinh thần toát lên, rằng: chuyện thi cử chỉ là chuyện nội bộ của ngành, trường, giáo viên, học sinh mà thôi (!)

Trong báo cáo trình Quốc hội khóa XI về tình hình thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 1, lớp 6 và chuẩn bị triển khai ở lớp 2, lớp 7 của Bộ hồi tháng 5 mới đây, có ghi: "Bộ sẽ thiết lập các diễn đàn tập hợp tiếng nói của những chuyên gia có uy tín và đại diện tiêu biểu của đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy để làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Riêng về các bộ sách đang được viết, sẽ tiến hành thu thập, xử lý và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huuynh học sinh với việc đa dạng hóa các hình thức xin ý kiến.

Tháng 8, tại hội nghị công tác đầu năm học 2003 - 2004, việc mở rộng đối tượng, đa dạng hóa các loại hình thức lấy ý kiến, tổ chức tốt việc tiếp thu, xử lý ý kiến với tinh thần cầu thị, không bỏ sót ý kiến về chương trình mới lại được đề cập một lần nữa.

Tuy nhiên, đến thời điểm này diễn đàn tập hợp ý kiến do chính Bộ GD - ĐT khởi xướng vẫn chưa thấy đâu.

Báo cáo hai năm, làm một năm!

Quốc hội khoá IX họp vào tháng 11/2000 có một nội dung quan trọng là bàn thảo việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà thực chất là cuộc "cải cách giáo dục" không được gọi đúng tên. Tại đây, Bộ GD - ĐT đã trình: Các chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được tiến hành triển khai thí điểm hai vòng trước khi triển khai đại trà trong toàn quốc.

Sau đó, Quốc hội đã thông qua với Nghị quyết 40, trong đó có ghi rõ lộ trình: đến năm 2004 - 2005 sẽ triển khai đại trà chương trình lớp 10, các năm tiếp theo triển khai dần chương trình đại trà ở các lớp 11, 12 để tiến tới năm học 2006-2007, tất cả 12 lớp của hệ thống đào tạo giáo dục phổ thông sẽ học theo chương trình và sách giáo khoa mới.

Trong thực tế, năm học 2003 - 2004 này, chương trình THPT mới (chương trình phân ban)  bắt đầu thí điểm ở lớp 10 tại 44 trường học của 11 tỉnh, thành. Sang năm 2004 - 2005, triển khai đại trà chương trình lớp 10. Như vậy, các chương trình này chỉ được làm thí điểm một năm trước khi "ra" đại trà.

Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Châu, cho rằng: cần phải xem xét lại thời gian thí điểm phân ban này.

Với nhiều việc khác, hoàn thành sớm hơn dự định được xem như là một thành tích. Việc "rút gọn" kế hoạch thí điểm từ hai năm xuống một năm liệu có phải là một "thành tích" mới của ngành giáo dục khi mà các chương trình mới ở cấp 1 và 2 được thí điểm tới 4, 5 năm mà đến lúc "ra" đại trà vẫn còn nhiều điều còn phải xem xét tới?

Hạ Anh

LinkedInPinterestCập nhật lúc: