Chọn logo, sao mà khó vậy!

03:51 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Giêng, 2004

Tới ngày, đoàn công tác 10 người gồm giám đốc hoặc cán bộ thương mại chủ lực của các DN thành viên trong Hiệp hội ngành hàng nọ cũng đã lên đường.

Cuộc thực hiện xúc tiến thương mại ra một số thị trường tiêu thụ chủ lực được chuẩn bị khá đầy đủ: Chính phủ thông qua Bộ Thương mại và Bộ chủ quản hỗ trợ một phần kinh phí, DN tham gia đóng góp đủ chi phí dự trù (chưa kể khoản tiêu vặt mà HĐQT quyết định cho người công cán dằn túi), lịch bay, nơi dừng chân, các cuộc tiếp xúc đã rà soát sẽ đúng hẹn.

Trước đó vài tuần, một vài thành viên có máu mặt còn tình nguyện đưa đến một số khách hàng lớn, vùng lãnh thổ thân thiết để để chia sẻ hạn ngạch, mở thị trường mới. Dù gì thì gì, loài cây công nghiệp mới phát triển mạnh này đã mau chóng đưa nước nhà lên vị trí XK hàng đầu, sản phẩm có thể tác động đến thị trường ngành hàng thế giới.

Tập kỷ yếu mà Hiệp hội mới in xong vài ngày đã được phát để các thành viên đoàn bỏ vào cặp táp Samsonite cho... thêm sức nặng. Sách in khá đẹp, có 2 thứ tiếng, đầy đủ địa chỉ giao dịch của hội viên. Các DN lớn còn được trang trọng chiếm nguyên một trang với những hình ảnh in 4 màu. Thế nhưng ra tới phòng chờ lên máy bay, vài người lại khều nhau, nói nho nhỏ: "Tiếc quá! Phải chi...".

Việc gì vậy? Phải chi Hiệp hội mình có được cái "logo" (thương hiệu) để kỳ này quảng bá nơi nước ngoài luôn? Ngành hàng cả nước mà chưa có cái logo chung thì trong giao dịch, bán buôn với nước ngoài coi như vẫn "mạnh ai nấy làm", dễ dẫn đến cạnh tranh nhau hạ giá để "quân ta làm hại quân mình".

Thực ra, từ lúc được quyết định thành lập (hơn một năm rưỡi nay), Hiệp hội đã có đưa vào "chương trình công tác" là xây dựng một thương hiệu chung. Nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng ý chấp nhận của đa số.

Lần giở sách vở chuyên ngành thương mại, các ý kiến lớn đều cho rằng: thương hiệu là uy tín của DN trong quan hệ đối với khách hàng và người tiêu dùng. Xây dựng một thương hiệu, do vậy không chỉ là chọn cho nó một cái tên, một dấu hiệu ấn tượng mà còn phải bảo đảm DN của mình đã và có đầy đủ các điều kiện kinh doanh. Đó là: chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải ổn định, đồng nhất ở mọi lúc, mọi nơi; sản lượng phải đủ cung ứng theo nhu cầu thị trường; có chiến lược phát triển kinh doanh, mở rộng và cải tiến theo xu hướng thị trường.

Các yêu cầu này, tổ chức Hiệp hội ngành hàng gần như đều có đủ, nhưng chọn cho được logo thích hợp thì chưa thể, do nhiều lý do. Có người cho rằng lỗi tại...nhà thiết kế tạo mẫu. Không ít nhà quản lý cho rằng: quan hệ buôn bán rộng ra năm châu thì logo phải có hình... bản đồ thế giới; ở giữa, vị trí nước Việt Nam thì tô đỏ cho nổi bật. Phần dưới, hoa văn ôm quả địa cầu thì một bên là hình tượng lá cây và chùm quả, biểu tượng của sản phẩm ngành hàng; một bên là những bánh xe cơ khí biểu tượng cho chế biến. Màu sắc cũng là "vấn đề" nên chuỗi hạt phải màu chín đỏ chứ không thể xanh dễ gây hiểu lầm "chưa đạt cất lượng cao".

Quan trọng nhất là tên giao dịch. Bản thiết kế ban đầu cho tên đầy đủ của Hiệp hội thành một dòng chữ tròn ôm quả địa cầu, nhưng rồi có ý kiến cho rằng tên giao dịch phải dễ nhớ, nên chỉ cần viết tắt theo tiếng Anh và cho nó nằm ở giữa.

Nhân hội nghị toàn thể một tháng trước ngày Đoàn xúc tiến thương mại lên đường, mấy bảng vẽ thử của thương hiệu được phóng lớn, đưa ra lấy ý kiến toàn thể hội viên. Một cuộc tranh luận và bình luận khá sôi nổi đã diễn ra. Ai cũng công nhận rằng, trên logo phác thảo cho thương hiệu này, bao hàm đủ ý nghĩa, cái gì cũng có: chính trị, quan hệ quốc tế, trồng trọt (nông nghiệp), chế biến (công nghiệp), tên giao dịch thương mại...

Chỉ có những điều đơn giản mà thiết kế chưa có. Đó là: dễ nhớ và tránh trùng lập với nhiều thương hiệu khác để dễ bảo hộ về mặt pháp luật khi đăng ký ra các thị trường quốc tế.

Cuối cùng, đoàn DN ngành hàng đành lên đường mà vẫn chưa có được biểu tượng chung.

Hỡi ơi, chọn logo quả là khó thật!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: