Bằng sức mạnh tư duy
>> Tải file:(Download .PDF file, 3.54 Mbytes)
Lời giới thiệu
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười lăm* của tủ sách SOS2, cuốn Bằng Sức mạnh Tư duy - tiểu sử tự thuật đặc biệt của Kornai János. Đây là cuốn sách thứ tư của Kornai trong tủ sách này và là cuốn thứ năm của Kornai bằng tiếng Việt. Hồi kí của Kornai đặc biệt theo nhiều nghĩa: nó nói về bản thân tác giả, như mọi hồi kí khác, song chỉ nói về các công trình chính của ông; về quá trình chuyển biến tư duy qua từng thời kì, qua từng tác phẩm của ông; về cảm nhận của ông với thời cuộc liên quan đến các vấn đề mà ông nghiên cứu, đến những sự kiện mà ông đã trải qua, đến những nơi mà ông đã đến; về việc nghiên cứu chính nội tâm của ông, đánh giá lại các công trình của ông một cách phê phán.
Những ai đã đọc Kornai, có thể được nhiều thông tin bổ ích khác liên quan đến các công trình của ông, mà khi viết các công trình đó ông không thể trình bày (vì tự kiểm duyệt, vì không hợp với thể loại, và vì các lí do khác). Những người chưa đọc Kornai có thể có được bức tranh khái quát về toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội của ông, về con người ông, và sau đó có thể có hứng thú để tìm đọc các tác phẩm chuyên môn sâu hơn của ông.
Là người suốt đời nghiên cứu hệ thống xã hội chủ nghĩa và kinh tế học so sánh, ông hiểu rất kĩ hệ thống này. Hơn 15 năm qua ông nghiên cứu về chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa. Ông đã từng làm báo của đảng cộng sản 6 năm, sau đó ông chuyển hẳn làm khoa học, làm nhà giáo. Ông là người trong cuộc, chính vì thế các tác phẩm của ông rất gần gũi với những người đã từng sống trong các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, hay đang còn sống trong các nước xã hội chủ nghĩa chuyển đổi. Và như thế đối với cả người Việt Nam chúng ta nữa. Qua hồi kí của ông nhiều trí thức Việt Nam có thể cũng nhìn thấy mặt nào đó của tình cảnh trái ngược của chính mình nữa. Đấy là những cái làm cho cuốn sách hấp dẫn, là cái khiến tôi dịch cuốn hồi kí này để nó có thể đến tay bạn đọc Việt Nam. Nguyên bản tiếng Hungary, mà bản tiếng Việt dựa vào, được xuất bản năm 2005, bản tiếng Anh với nhan đề By Force of Thought. Irregular Memoirs of an Intellectual Journey. Cambridge: The MIT Press, sẽ ra trong năm nay, 2006, bản tiếng Nga cũng đang được hoàn thành. Tác giả đã có bản sửa (8-2006) bằng tiếng Hungary, bản tiếng Việt này cũng đưa ra những sửa chữa tương ứng.
Tôi nghĩ cuốn sách rất bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà kinh tế học, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, các nhà giáo, các nhà báo, các sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến hệ thống xã hội chủ nghĩa và chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa, đến nghiên cứu khoa học, đến giáo dục đào tạo, đến nghề báo, những người đã đọc hay chưa đọc các công trình khác của Kornai.
Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác và dễ đọc, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót.
Mọi chú thích cuối sách của tác giả được đánh bằng số. Các chú thích cuối trang được tác giả đánh dấu *. Vì thế ngược với truyền thống của tủ sách SOS2, người dịch không còn thể dùng dấu * để chỉ các chú thích của mình trong cuốn sách này. Tất cả các chú thích đánh cộng (+) ở cuối trang là của người dịch. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 66 Kim Mã Thượng Hà Nội, hoặc qua điện thư [email protected] hay [email protected]
9-2006
Nguyễn Quang A
Lời nói đầu
Trong khi đã viết hồi kí của mình được khá nhiều, hết lần này đến lần khác tôi tự hỏi: thực ra vì sao tôi lại làm việc này? Cái gì khiến tôi hồi tưởng lại? Cuốn sách này dành cho những ai?
Tôi là người e thẹn và khá lầm lì, đến nay tôi hiếm khi và ít nói về cuộc đời tư của mình. Trong những ngày thay đổi hệ thống hồi hộp nhất, một nhà báo quen đã thúc giục tôi cho một phỏng vấn dài về cuộc đời. Anh ta lập luận rằng, muộn hơn sẽ chẳng ai quan tâm đến.
Tôi đã đợi mười lăm năm, hi vọng tôi không bị trễ.
Từ nhiều năm vợ tôi đã gợi ý, đã bảo tôi viết hồi kí, còn tôi thì trì hoãn hết năm này đến năm khác. Cuối cùng bây giờ tôi đã quyết; đến mức từ khi bắt đầu viết, từ giữa năm 2003, tôi tập trung mọi sức lực và thời gian còn lại cho việc này sau khi thực hiện những công việc khác không thể tránh được.
Việc vợ tôi cứ nhất quyết với ý tưởng này, bản thân nó là một động cơ khá mạnh. Nếu cần phải kể tên một độc giả, mà cuốn sách này được viết cho, và tôi muốn làm cho người ấy vừa lòng, thì đó là Zsuzsa.
Tôi hi vọng nhiều trong số những người tôi có quan hệ với trong đời cũng quan tâm đến hồi kí của tôi: các con tôi, các cháu tôi, các thành viên khác trong gia đình tôi, bạn bè tôi, các cộng sự một thời và hiện nay của tôi, các học trò của tôi, các bạn đọc những cuốn sách và bài báo của tôi. Đấy là một giới không nhỏ.
Tất cả những người có quan hệ với tôi, trực tiếp hay qua các công trình của tôi, đều có cảm tưởng nào đó về tôi. Tôi muốn, nếu có thể để - bên cạnh hình ảnh chủ quan đã hình thành trong họ- một hình ảnh khác (cũng chủ quan) mà tôi hình thành về chính mình. Số bài phê bình các cuốn sách của tôi lên đến hàng trăm. Bây giờ có thể đối sánh chúng với đánh giá của riêng tôi. Tôi kể lại tôi thấy công trình của mình thế nào, ngay sau khi tôi hoàn tất, và bây giờ nhìn lại tôi thấy chúng ra sao khi tôi viết hồi kí của mình. Tôi chưa bao giờ phản ứng công khai đối với các bài phê bình. Nếu tôi vấp phải ý kiến phản đối, tương đối hiếm khi tôi sa vào tranh luận. Tuy nhiên giờ đây, một lần và một cách ngoại lệ, trong khuôn khổ những hồi tưởng, bản thân tôi cũng muốn viết “các bài phê bình” về các công trình của riêng mình.
Về cơ bản hồi kí của tôi theo trình tự thời gian, nhưng không theo thứ tự các sự kiện một cách nghiêm ngặt. Nó không phải là nhật kí. Mỗi chương xoay quanh một chủ đề nào đó, dù là một sự kiện trước kia, một công trình nào đó của tôi hay một địa điểm trong đời tôi. Trong đầu đề các chương tôi cũng chỉ rõ chúng là các thời kì nào. Các giai đoạn này - lật qua các chương- có thể chờm lên nhau, giữa chúng có thể có những chồng chéo, nếu thảo luận các chủ đề đòi hỏi vậy.
Có thể, có những người chưa đọc các tác phẩm trước đây của tôi, cũng chưa từng gặp tôi cũng sẽ cầm cuốn sách này lên và quan tâm hơn đến thời mà tôi đã sống là thời đại thế nào. Tôi không muốn họ bị thất vọng. Những người muốn tìm hiểu thời kì Rákosi, cách mạng Hungary 1956 hay chế độ Kádár phải tìm tòi trong những tài liệu phong phú về các đề tài này. Cuốn sách của tôi không đảm nhiệm công việc của một nhà sử học. Phù hợp với điều đó tôi cũng chẳng biết bảo bạn đọc hãy nghiên cứu các tác phẩm nào. Tôi đã là một nhân vật của các thời kì đó, và tôi không thuộc vào các nhân vật chính. Tuy nhiên, do tính chất của thể loại hồi kí, tôi là nhân vật trung tâm trong hồi kí của mình. Về thời đại tôi chỉ có thể và muốn giới thiệu ở mức độ gắn với đời sống riêng của tôi. Môi trường xã hội-lịch sử, trong đó các sự kiện của riêng đời tôi xảy ra.
Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến Đông Âu, đến hệ thống cộng sản và sự sụp đổ của nó, đến những lầm đường lạc lối và sự tìm đường của trí thức Đông Âu, đến các quá trình nhận thức của nghiên cứu kinh tế và đến nhiều đề tài bao quát khác, thì hồi kí của tôi có thể là một phần bổ sung cho các nguồn khác của tri thức. Những lời chứng khác nhau, mà những người đã sống qua các thời kì đã thổ lộ một cách chân thực về đời họ và những trải nghiệm của họ, sẽ mang lại nguồn quan trọng không thể thay thế được cho các nhà nghiên cứu tương lai. Những người khác cũng đã hoàn thành lời chứng của họ; với hồi kí này của mình tôi cũng trình diện làm nhân chứng. Thực ra các công trình trước của tôi, được viết với đòi hỏi khoa học, cũng được tôi dành làm bằng chứng, làm sự báo tin về các thời đại đang biến mất. Trong các công trình đó tôi đã cố gắng khách quan càng đầy đủ càng tốt. Bây giờ tôi hoàn tất với việc bổ sung chủ quan cho chúng. Cái bị bỏ ra khỏi Sự Thiếu hụt và Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, bởi vì mang tính quá riêng tư, hay cái gì đó đã cản trở tôi phát biểu đầy đủ hơn ý kiến của mình, thì bây giờ tôi cố gắng đưa vào cuốn sách này. Thể loại hồi kí cho phép tôi trình bày niềm tin cá nhân của tôi về nhiều vấn đề- trong đó có các vấn đề đạo đức, chính trị hay khoa học. Những lập trường và tín điều chung này không thể được nhồi vào các công trình khoa học, bị giới hạn về chủ đề.
Tôi đã nghĩ nhiều về đầu đề của cuốn sách. Đầu tiên tôi thiên cho đầu đề: Hiểu biết… Trước hết tôi cố thử hiểu bản thân mình. Tôi muốn giải thích, khi nào tôi nghĩ gì và vì sao, cái gì đã tác động đến tư duy và hành động của tôi, do cái gì mà tôi đã thay đổi. Tôi muốn hiểu cả những người, mà tôi đồng ý với lẫn những người tôi không đồng ý, những người đứng cạnh tôi và những người quay mặt lại với tôi.
Trong tiếng Hung, và cả trong nhiều ngôn ngữ khác, gắn với từ “hiểu” là một loại tán thành hay chí ít sự miễn thứ đạo đức. Hãy thử nói từ này với các luyến âm khác nhau. Mọi người dễ dàng thấy sự nhấn mạnh miễn thứ của từ “tôi hiểu”. Đây không phải là ý định của tôi. Tôi không hề có ý định miễn thứ, và cả sự phán xử tự tin nữa. Trong cuốn sách này tôi không cố làm việc khác với các công trình thông báo các kết quả nghiên cứu khoa học trước đây: tôi muốn hiểu cái mà tôi khảo sát. Đôi khi khá khó để lần ra những động lực thúc đẩy các hành động, các bẫy của tư duy, các lực ẩn sâu thúc đẩy những con người, các nguyên nhân được thú nhận công khai hay được giữ kín. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ khi khảo sát quá khứ của bản thân tôi, và hiển nhiên còn khó hơn khi tôi phân tích quá khứ của những người khác.
Cuối cùng tuy vậy tôi đã chọn đầu đề khác: Bằng sức mạnh tư duy. Tôi cảm thấy rằng, vài từ này đúc kết khéo nhất một trong những thông điệp quan trọng nhất của những hồi ức của tôi. Tôi không nỗ lực đạt quyền lực, cũng chẳng đến sự giàu sang. Nếu đây đó có lẽ tôi đã có thể có ảnh hưởng đến diễn tiến của các sự kiện, điều đó đã xảy ra không phải vì tôi đã có thể ra lệnh cho nhân viên của tôi từ địa vị cao hay vì tôi có thể mua sự hợp tác của họ bằng nhiều tiền. Nói chung nếu tôi có ảnh hưởng đến bất kì ai hay đến bất cứ gì, thì tôi đạt được tác động đó bằng những suy ngẫm được nói ra hay được in ra của tôi.
Một trong những người đọc bản thảo đã bày tỏ những ngờ vực của mình. “Ngây thơ đi tin vào ảnh hưởng của lập luận, niềm tin, tư duy. Động lực thực sự của các sự kiện lịch sử là các lợi ích.” Với tư cách nhà quan sát và nhà phân tích chuyên nghiệp về những thay đổi xã hội, tôi không có các ảo tưởng, và tôi cố gắng lưu ý và xử lí các tác động nhân quả theo trọng lượng của chúng. Tuy vậy, các ông chủ mọi thời của quyền lực và của cải là những người hành động, họ lựa chọn giữa những chọn lựa khả dĩ. Có nhiều loại nhân tố tác động lên họ, và giữa các nhân tố đó các giá trị, các lí tưởng, các suy nghĩ không bị dồn vào vị trí cuối cùng. Ngoài ra tất nhiên cái mà hàng triệu, hàng trăm triệu người ít hùng mạnh hơn, ít giàu có hơn nghĩ và tin vào, cũng có ảnh hưởng lên tiến trình của các sự kiện. Toàn bộ sự nghiệp của đời tôi sẽ mất hết ý nghĩa, nếu giả như tôi không tin rằng, tư duy có sức mạnh của nó.
Tất nhiên, sức mạnh này vấp phải các giới hạn, các trở ngại. Một trong những đề tài chính của những hồi ức chính là: khi nào và vì sao tư duy của riêng tôi lại rối mù lên và được sắp xếp lại ra sao; tư tưởng của những người khác ảnh hưởng đến tôi thế nào; và những suy nghĩ, phân tích và kiến nghị của tôi xung đột với của những người khác thế nào. Tư duy liên tục phải đọ sức. Mỗi chương sẽ tường thuật về các cuộc đọ sức mới và mới hơn, thành công hay thất bại.
Tôi cho cuốn sách đầu đề phụ là tự sự đặc biệt. Nguyên nhân của việc này là, trong hai khía cạnh cuốn sách trệch khỏi tập tục của các hồi kí. Trong quá trình thuật lại các sự kiện của đời mình, đôi khi tôi dừng lại và trình bày những suy nghĩ của mình gắn với mỗi tình tiết. Khi đó trọng tâm không phải là ở tường thuật câu chuyện, mà là ở sự phân tích tình hình và vấn đề. Những giãi bày như vậy, liên quan đến vấn đề nào đó của khoa học xã hội, đạo đức học, quá trình nghiên cứu-sáng tạo hay của đề tài khác, cũng có thể coi là các “tiểu luận”. Tác phẩm của tôi là một hỗn hợp của một hồi kí và một loạt tiểu luận.
Phần lớn các hồi kí nói về cuộc sống riêng của tác giả. Tuy hồi kí của tôi là tường thuật mang giọng cá nhân, có quan điểm chủ quan, xét về cơ bản tôi đã viết một hồi kí tự sự trí tuệ. Tính ngữ trí tuệ này phải được hiểu theo nghĩa rất rộng; nó bao hàm các khía cạnh chính trị, đời sống xã hội và xã hội khác của đời tôi, bao hàm tình bạn và các quan hệ cá nhân khác gắn với hình thái tồn tại của giới trí thức. Ở nhiều chỗ cuốn sách sẽ nói về những người thân thích của tôi hay về các sự kiện gia đình, trong bản viết nó hoàn toàn không chiếm dung lượng, không có trọng lượng tương đối, như nó thực có trong đời tôi. Các bức ảnh được công bố trong cuốn sách có lẽ có thể giới thiệu đôi nét về lĩnh vực cuộc sống của tôi, mà văn bản hồi kí không thể diễn đạt bằng lời. Cuốn sách là hồi kí đặc biệt cũng theo nghĩa rằng, tôi rất ít nói về cái tôi gọi là việc riêng theo nghĩa hẹp. Đến cuối cuốn sách sẽ trở nên sáng tỏ, tôi đã thử vạch đường ranh giới ở đâu.
Tôi cần nói vài lời về thể loại và văn phong của cuốn sách. Suốt năm mươi năm tôi đã viết những phân tích, nỗ lực để trình bày cái tôi hiểu, lập luận nó, theo dòng suy nghĩ có thể theo dõi được và mạch lạc. Tôi không muốn đột nhiên trở thành nhà văn. Đừng ai mong đợi ở tôi những mô tả hay về phong cảnh, các đối thoại sinh động, mô tả sống động dáng vẻ của các bạn tôi hay gợi không khí của thời điểm căng thẳng. Cảm tưởng tồi nhất mà bạn đọc có thể có là giả như một gã nhà văn quèn nói với họ- thế thì tốt hơn tôi cứ dùng thể loại quen thuộc của tôi, cùng với từ vựng và văn phong quen thuộc của tôi. Nhà văn bỏ ngỏ hay chủ đích che mờ các vấn đề một cách chủ ý hay tự phát, để những suy nghĩ “lơ lửng” – và như thế là phải. Nhà nghiên cứu khoa học không thể làm như vậy. Tôi không thể chối từ nhà nghiên cứu trong tôi, ngay cả khi viết hồi kí. Trong văn phong, cấu trúc, và cách thức diễn đạt, tôi cố tránh sự mơ hồ.
Khi viết các tác phẩm trước tôi đã tương đối dễ xác định, tôi nói cho những ai. Điều này ít nhiều xác định, tôi cần giải thích cái gì và cái gì tôi có thể giả sử bạn đọc đã biết. Lần này tình hình là khác. Tôi hi vọng, các nhà kinh tế và các nhà chuyên môn khác, những người già và các bạn trẻ, những người Hung và người nước ngoài, “những người phương đông” và “những người phương tây” sẽ cầm hồi kí của tôi. Tôi cố gắng để tất cả mọi người có thể theo dõi điều tôi muốn nói. Ở nhiều chỗ của cuốn sách đã gây ra thế lưỡng nan khó xử, tốt hơn tôi hãy cố gắng đến cái gì. Đến sự chính xác tối đa, cái sẽ buộc phải có các định nghĩa chi tiết, có trình bày các giả thiết xuất phát, các hạn chế và những sự phân định? E rằng, việc này sẽ gây khó khăn cho bạn đọc không phải là nhà kinh tế. Hay tôi hãy chọn cách diễn đạt đơn giản hơn – và phải chịu rủi ro, là việc này có thể dẫn đến quá-đơn giản hóa? Bởi vì tôi viết không phải một luận văn khoa học, tốt hơn tôi chấp nhận rủi ro sau. Với những người chưa đọc các tác phẩm trước kia của tôi, hồi kí cho họ nếm một chút thông điệp của các cuốn sách và bài báo của tôi; với những người đã đọc, có lẽ nó giúp làm tươi kí ức. Tôi xin lỗi trước và mong sự thông cảm của độc giả cảm thấy rằng, tôi nói cái gì đó với dư chi tiết – có lẽ có một bạn đọc khác lại cần chính đến sự chỉ dẫn này.
Hiển nhiên là, nguồn quan trọng nhất của cuốn sách là kí ức riêng của tôi. Nhưng tôi phải dè chừng để chỉ dựa vào nguồn này. Tôi không coi việc viết cuốn sách là việc sát hạch trí nhớ, mà ở chừng mực có thể, tôi đã cố làm tươi lại các kí ức. Tôi không chỉ hồi tưởng lại các suy nghĩ và cảm giác của mình, mà cả các sự kiện đã xảy ra, các tác phẩm đã công bố. Tôi cảm thấy có nghĩa vụ để kiểm tra các thông báo sự thực một cách thận trọng nhất có thể.
Tôi có nhiều loại nguồn. Như đã nhắc tới, trong cuốn sách tôi quay lại các tác phẩm được cho là quan trọng nhất của mình.* Nếu một tác phẩm của tôi được công bố ở dạng ấn phẩm, thường tôi không xem lại. Nhưng bây giờ tôi lần lượt đọc lại chúng, và cùng với chúng đọc cả các bài phê bình ban đầu và tiếng vang muộn hơn.
Tôi chẳng bao giờ viết nhật kí. Nhưng từ khi tôi trở thành nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tôi cất nhiều sổ ghi chép, mà tôi diễn đạt trong lúc nghiên cứu, tôi lưu trữ nhiều loại tư liệu. Tôi lưu trữ chúng ở dạng dễ theo dõi, trong hàng trăm hồ sơ được đánh số, phân thành hạng mục. Tôi lưu trữ phần lớn thư từ gửi đến cho tôi, cũng như bản sao thư tôi gửi đi. Bây giờ tôi cố đào sâu đống tư liệu phong phú này.
Bổ sung cho sưu tập tư liệu của riêng tôi là việc tìm kiếm ở các kho lưu trữ khác nhau, nơi cùng các cộng sự của mình chúng tôi chợt thấy nhiều thông tin lí thú. Việc nghiên cứu các hồ sơ của các cơ quan mật vụ cũ đặc biệt hồi hộp. Các luật mới của Hungary cho phép công dân tiếp cận đến các tư liệu liên quan đến mình. Đọc các báo cáo của những kẻ chỉ điểm ngầm, các biên bản của công an điều tra chuẩn bị cho các vụ án chính trị, những ghi chép của các sĩ quan an ninh quốc gia và tình báo gây cảm xúc nghẹt thở, đôi khi choáng váng. Cuốn sách giới thiệu nhiều tư liệu liên quan đến tôi của cảnh sát chính trị và cơ quan tình báo.
Tôi thấy quan trọng để làm yên lòng các bạn đọc của tôi ngay lúc mở đầu rằng, cuốn sách không chỉ dựa trên kí ức của tác giả, mà cả trên nghiên cứu các tư liệu nữa. Nhưng tôi không muốn, nếu thay cho việc làm yên lòng tôi lại làm giới độc giả rộng hơn lo sợ. Trọng tâm của cuốn sách sẽ không phải là ở việc giới thiệu khô khan những nghiên cứu lưu trữ, mà là ở sự xử lí cá nhân các kí ức. Kế tiếp là tường thuật về một cuộc chu du trí tuệ dài và li kì, trong đó ánh sáng và bóng tối, những kinh nghiệm sống hào hứng và cay đắng luân phiên nhau. Tôi hi vọng rằng, đến cuối cuốn sách các độc giả của tôi sẽ hiểu kĩ hơn đời tôi, các công trình của tôi và thời đại mà tôi đã sống.
Bõ đưa ra vài chỉ dẫn thực tiễn để giúp việc đọc dễ dàng. Cuối cuốn sách có thể tìm thấy danh mục tài liệu tham khảo. Danh mục này chỉ chứa các công trình đã công bố mà cuốn sách này nhắc đến. Như thế không thể coi là thư mục tham khảo toàn diện của các đề tài được nhắc đến trong cuốn sách. Nếu tác phẩm nào đó được công bố bằng tiếng Hungary, thì dữ liệu của phiên bản tiếng Hung xuất hiện trong Danh mục tài liệu tham khảo. Nếu một công trình được xuất bản nhiều lần, nếu có thể chúng tôi đưa lần xuất bản cuối cùng vào danh mục, nhưng chúng tôi cũng đưa ra năm xuất bản đầu tiên [trong ngoặc vuông].
Hai loại chú thích bổ sung cho văn bản chính của cuốn sách, bên dưới các trang có thể thấy chú thích cuối trang [footnote] và sau văn bản là các chú thích cuối [endnote]. Chú thích cuối trang được đánh dấu sao. Các chú thích cuối được đánh số ả rập.
Lạ là có hai loại chú thích trong một cuốn sách. Tôi chọn giải pháp này là vì, tôi hi vọng việc này làm cho bạn đọc thoải mái nhất. Cuốn sách của tôi không phải là sách văn học, nhưng cũng không là tác phẩm khoa học. Chính “thể loại lửng lơ” này lí giải cho giải pháp khác thường.
Trong các chú thích cuối trang có thể thấy loại nội dung, mà – xét về mặt thể loại và văn phong- thực ra tôi đã có thể đưa vào văn bản chính. Tuy vậy tôi vẫn đưa vào chú thích cuối trang, bởi vì mỗi chú thích là một đoạn rẽ khỏi hướng suy nghĩ của văn bản chính. Trong các chú thích cuối trang có thể thấy các thí dụ hay dữ liệu minh hoạ, các tình tiết, đôi khi các giai thoại hay các chuyện cười. Tôi hi vọng, những người quyết định đọc văn bản chính cũng sẽ đọc các chú thích cuối trang.
Các chú thích cuối [sách] có thể tìm thấy dưới đầu đề Dẫn chiếu, chứa các thông tin mà các nhà nghiên cứu gọi là “công cụ chú thích”. Trong phần trên của Lời nói đầu, tôi đã nhấn mạnh rằng, việc viết hồi kí của tôi dựa vào việc thu thập dữ liệu rộng rãi. Nếu nguồn của một thông tin nào đó là một tư liệu lưu trữ, thì chú thích cuối sẽ cho các thông số của nguồn lưu trữ một cách quen thuộc.
Trong các nguồn có các tác phẩm đã được công bố; số liệu tham khảo của chúng có thể thấy ở Danh mục Tài liệu Tham khảo. Nếu từ văn bản chính, bạn đọc có thể xác định rõ ràng tác phẩm nào được nói đến, và quan tâm đến các số liệu tham khảo, thì đơn giản có thể có thể mở các trang cuối, và tìm thấy thông tin liên quan đến công trình đó. Nhưng nếu mối quan hệ giữa dẫn chiếu tài liệu tham khảo trong văn bản chính và Danh mục Tài liệu Tham khảo không rõ ràng, thì chú thích cuối sẽ giúp định hướng. Từ chú thích cuối có thể biết cả số trang của các lời dẫn nữa.*
Theo giả thiết của tôi, phần lớn bạn đọc không muốn theo dõi từng tiết mục một xem nguồn của mỗi thông tin là gì. Tôi muốn làm cho công việc của họ được dễ bằng để các chú thích cuối công bố các nguồn ra cuối cuốn sách. Nội dung cuốn sách có thể theo dõi được mà chẳng cần để mắt đến các chú thích cuối.
Tuy nhiên, đối với các bạn đọc (trong số họ có các nhà nghiên cứu các đề tài được đề cập trong cuốn sách), những người tự mình muốn theo đuổi một vấn đề nào đấy, họ có thể tìm thấy mọi thông tin cần thiết trong các chú thích cuối.
Tôi biết ơn những người đã giúp tôi viết hồi kí của mình. Szabó Katalin, cộng sự thường xuyên của tôi đã tổ chức công việc và tư liệu liên quan đến cuốn sách một cách vui vẻ và rất chu đáo, đã lo các phiên bản tiếp nhau của bản thảo. Tôi đã may mắn được sự giúp đỡ hiệu quả và nhẫn nại của bốn trợ lí nghiên cứu trẻ của tôi, sử gia Molnár János và kinh tế gia Iván Gábor, Noémi và Tóth László, những người đã hợp tác tận tâm và tháo vát trong sưu tầm dữ liệu và tài liệu, trong làm rõ các nguồn và kiểm tra thông tin, trong biên soạn bản thảo và trong biên soạn mục các từ chuyên môn, trình tự thời gian cũng như chỉ mục tên và chỉ mục nội dung.
Tôi muốn cám ơn sự giúp đỡ của tất cả những người đã đọc các phiên bản ban đầu hay một số phần và đã bình luận, đã giúp sưu tầm các tư liệu lưu trữ, các bài báo, làm rõ một số vấn đề chuyên môn và đã giúp bằng nhiều cách khác nhau trong chuẩn bị cho cuốn sách này. Tôi liệt kê theo thứ tự abc những người mà tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ nhất: Francis Bator, Bauer Tamás, Csankovszki Kata, Karen Eggleston, Erdős Hédi, Eső Péter, Fazekas Ica, Gábor Luca, Jerry Green, Gyurgyák János, Karinthy Márton, Kende Péter, Kenedi János, Környei Anikó, Kovács Mária, Zdenek Kudrna, Laki Mihály, Lénárt-Cheng Helga, Lőcsel Pál, Lukács Ilona, Majtényi László, Brian McLean, Mihályi Péter, Nagy András, Négyesi Judit, Pajkossy Gábor, Parti Julia, Richard Quandt, Rainer M. János, Révész Sándor, Réz Pál, Gérard Roland, Henry Rosovsky, Sarnyai Éva, Schönner Ágnes, Simonovits András, Robert M. Solow, Susan Suleiman, Sz. Kovács Éva, Szegő János, Vahabi Mehrdad, Varga László và Sofia Weibull. Tôi cảm ơn cả những người không được nêu tên ở đây, và những người đã thúc đẩy việc viết cuốn sách bằng trả lời một số câu hỏi và làm rõ một số thông tin.
Chương trình Nghiên cứu Khoa học Cơ bản Toàn quốc [OTKA] (số đề tài: T 046976) đã góp phần chi phí nghiên cứu. Viện Nghiên cứu Kinh tế học của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đã giúp đỡ bằng cách đảm nhận xử lí hành chính sự hỗ trợ của OTKA.
Cũng như với tất cả các công trình trước đây trong một thập kỉ rưỡi vừa qua, công trình này cũng có được môi trường truyền cảm hứng và nhiều hỗ trợ thực tiễn từ nơi làm việc của tôi, Collegium Budapest.
Tôi đã làm việc với nhiều biên tập viên nhà xuất bản, nhưng hiếm khi tôi gặp được người hiểu kĩ, xây dựng và chu đáo đến vậy như Gábor Luca. Környei Anikó đã thiết kế hình dáng cuốn sách rất đẹp mắt. Tôi mang ơn họ và các cộng sự khác của Nhà xuất bản Osiris đã giúp đỡ công việc xuất bản cuốn sách này.
Budapest 10-2-2005
Kornai János
...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh