Bản luận tội Vi Tiểu Bảo

Trích sách "Kim Dung giữa đời tôi"
09:52 CH @ Thứ Bảy - 17 Tháng Mười Một, 2018

Một nhân vật như Vi Tiểu Bảo rất nguy hiểm cho xã hội, cần phải bị loại trừ vĩnh viễn ra khỏi cuộc sống bằng bản án nghiêm khắc nhất, nhưng Thanh triều đã lơ là mất cảnh giác...

Trong cuốn Kim Dung giữa đời tôi(NXB Trẻ), nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển dành một phần viết về các tác phẩm võ hiệp dưới góc độ pháp luật. Được sự đồng ý của tác giả, Zing.vn trích đăng phần bài viết về Vi Tiểu Bảo trong cuốn sách.

Vi Tiểu Bảo sinh khoảng năm Thuận Trị thứ 13 (tức năm 1656) tại động điếm Lệ Xuân Viện, thành Dương Châu. Mẹ của đương sự là Vi Xuân Hoa, gái làng chơi chuyên nghiệp; cha không rõ, không xác định được thuộc dân tộc Hán, Mãn, Mông, Tạng hay Hồi.

Năm 13 tuổi (1669), Bảo lên Bắc Kinh, lọt vào hoàng cung, giết tiểu thái giám Tiểu Quế Tử rồi mạo xưng mình là Tiểu Quế Tử, kết bạn với ông vua con nít Khang Hy.

Nhờ có tài ton hót nịnh nọt và bản thân cũng lập được một số công trạng, Vi Tiểu Bảo lần lượt giữ các chức vụ Tổng quản thái giám Ngự trù phòng, Chánh Hoàng kỳ Đô thống tước phong Ba Đồ Lỗ, Tứ hôn sứ Vân Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền xây dựng Trung Liệt từ Dương Châu, Phó trụ trì chùa Thiếu Lâm pháp danh “Hối Minh thiền sư”, Chánh trụ trì chùa Ngũ Đài Sơn, Tư lệnh mặt trận đánh Thần Long đảo ở Liêu Đông, Bá tước kiêm Tư lệnh mặt trận đánh quân La Sát ở miền Đông Bắc, Công tước xứ Lộc Đỉnh (Lộc Đỉnh công).

Trong quá trình công tác, Bảo đã hoạt động gián điệp tới “ba mang”. Y vừa là đại thần của nhà Thanh, song lại giữ một số chức vụ quan trọng trong hai lực lượng tạo phản: Hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên Địa hội (phản Thanh phục Minh) đặc trách khu vực Bắc Kinh; kiêm Bạch Long sứ của Thần Long giáo - một giáo phái phản động ở Liêu Đông.

Vợ: gồm 7 người, kể theo thứ tự tuổi tác là Tô Thuyên, Trần A Kha, Phương Di, Kiến Ninh, Mộc Kiếm Bình, Tăng Nhu và Song Nhi.

Con: Vi Hổ Đầu (trai, với A Kha), Vi Đồng Trùy (trai, với Tô Thuyên), Vi Song Song (gái, với Kiến Ninh).

Trình độ văn hóa: Không biết chữ; chỉ đọc được 4 chữ Nhất, Nhị, Tam và Tiểu (trong cái tên Vi Tiểu Bảo).

Trong 7 năm làm quan, từ năm Khang Hy thứ 7 (1669) đến năm Khang Hy thứ 14 (1676), Vi Tiểu Bảo đã liên tiếp phạm các tội sau:

Dâm ô với trẻ em, cưỡng dâm và giao cấu với trẻ em

1. Lúc 14 tuổi, khi mới làm bạn với vua Khang Hy, Bảo quen biết với Kiến Ninh công chúa, 13 tuổi. Lợi dụng khung cảnh cung Khôn Ninh vắng vẻ, Bảo đã cởi áo của công chúa ra, trói cô lại, miệng nói lời tục tĩu và tay thì làm những trò bỉ ổi.

Cũng với thủ đoạn này, khi bắt Mộc Kiếm Bình, quận chúa Mộc vương phủ (nhà Minh) Vân Nam, Bảo đã sàm sỡ trên thân thể và vẽ hình con rùa lên má nạn nhân.

Nếu xét theo Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam, hành vi này của Bảo đã đủ yếu tố cấu thành tội danh dâm ô với trẻ em (quy định tại Điều 116). Tuy nhiên, vì Bảo thực hiện các hành vi trên khi chưa thành niên, chúng tôi đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.


Vi Tiểu Bảo vào triều với vị trí thái giám. Hình ảnh trong phim Tân Lộc đỉnh ký 2014.

.

2. Khi được Khang Hy cử về Dương Châu xây dựng tòa Trung liệt từ, Bảo là thủ trưởng của bốn cô gái Tăng Nhu, Phương Di, Mộc Kiếm Bình và Song Nhi. Bảo đã đổ thuốc mê vào rượu cho A Kha và cả Tô Thuyên, vợ của Hồng An Thông - giáo chủ Thần Long giáo, cùng bốn cô thuộc hạ uống.

Lợi dụng lúc những người này nửa mê nửa tỉnh, Bảo đã chất họ lên một cái giường lớn, miệng hát bài Thập bát mô và cưỡng dâm cả sáu người phụ nữ này. Theo Bộ luật Hình sự của nước ta, hành vi này của Bảo đã phạm vào điểm c Khoản 2 Điều 113, xứng đáng phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Tuy nhiên, lúc phạm tội Bảo chưa đủ 16 tuổi. Chúng tôi đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với y.

3. Khi được vua Khang Hy cử đi làm Tứ hôn sứ Vân Nam, đem công chúa Kiến Ninh mới 15 tuổi gả cho Ngô Ứng Hùng - con của Ngô Tam Quế, Vi Tiểu Bảo đã lợi dụng đường xa, dựng lên những hành cung để Kiến Ninh nghỉ ngơi.

Bảo đã đuổi hết bọn thị vệ để vào phòng riêng của Kiến Ninh giao cấu nhiều lần với công chúa. Hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Nạn nhân đã có thai trước khi về làm vợ Ngô Ứng Hùng. Hành vi này của Bảo đã vi phạm Khoản 1 Điều 115 tội giao cấu với trẻ em, có mức án từ 3 đến 10 năm tù.

Với 3 tội danh dâm ô với trẻ em, cưỡng dâm và giao cấu với trẻ em, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan thành phố Dương Châu có biện pháp đưa Vi Tiểu Bảo đi trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, thời đó chưa có trường giáo dưỡng nên Vi Tiểu Bảo vẫn không được giáo dục để sửa chữa sai lầm. Do vậy, y vẫn ở yên trong chức vụ và liên tục phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.

Giả mạo, hối lộ, giết người

4. Xuất thân tại Lệ Xuân viện, từ nhỏ Vi Tiểu Bảo đã là một chuyên gia trong trò cờ gian bạc lận. Lên Bắc Kinh làm quan, Bảo vẫn chứng nào tật nấy, tổ chức đánh bạc và gá bạc.

Chỉ với ba con súc sắc có đổ thuỷ ngân, Bảo đã làm cái nhiều sòng bài trong hoàng cung cho bọn thái giám, thị vệ chơi và lột sạch tiền bạc của Ôn Hữu Phương, Ôn Hữu Đạo, Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền và nhiều nạn nhân khác với số tài sản trên cả trăm vạn lạng bạc.

Với hành vi trên, Bảo đã có dấu hiện phạm tội đánh bạc theo Khoản 2 Điều 248 có mức án từ 2 đến 7 năm tù; tội tổ chức đánh bạc, gá bạc có mức án từ 3 đến 10 năm tù.

5. Khi trở thành bá tước, làm tư lệnh mặt trận vùng Đông Bắc đánh quân La Sát (Nga), Vi Tiểu Bảo chỉ học được ấm ớ mấy tiếng Nga; cỡ như "Hà thư ni khắc" là món thịt nướng, "Hu la" là hoan hô, "Phục đặc gia tửu" là rượu Vodka. Ấy thế mà Bảo vẫn muốn tỏ ra mình là người nghe và nói lưu loát tiếng Nga.

Đại sứ của Sa hoàng Nga La Tư trình quốc thư lên vua Khang Hy, đại để quốc thư nói hai nước Trung Quốc và Nga La Tư đời đời giữ tình hòa hiếu thì Vi Tiểu Bảo lại dịch đại ra là: “Bệ hạ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, thọ ngang trời đất”.

Vua Khang Hy và bọn bầy tôi cứ tấm tắc khen ngợi Vi bá tước giỏi tiếng Nga nhưng ta biết đây là trò bịp mới của Bảo. Bản thân Bảo đã học thuộc lòng bài ca ngợi Hồng giáo chủ của đảo Thần Long và lời y dịch ra chì là bài học mà y đã thuộc lòng, không dính dáng gì đến nội dung quốc thư của Sa hoàng cả.

Với hành vi trên, Vi Tiều Bảo đã phạm vào Khoản 1 Điều 284 tội giả mạo trong công tác, mức án được quy định từ 1 đến 5 năm tù.

Hình ảnh Vi Tiểu Bảo bài bạc, dối lừa, hối lộ do Huỳnh Hiểu Minh đóng trong phim Lộc Đỉnh ký 2008.

6. Lớn lên từ Lệ Xuân viện, Vi Tiểu Bảo đã tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu và những trò dâm ô trong kỹ viện. Bài hát mà Bảo chuyên hát là bài Thập bát mô, lời lẽ tục tĩu về thân thể phụ nữ. Vi Tiểu Bảo còn lưu giữ bên mình bức Xuân cung đồ, gồm 4 tấm, vẽ hình phụ nữ khỏa thân và hình nam nữ “quan hệ”, để giải trí.

Chính Bảo đã dùng bức tranh này cho Tổng quản thị vệ Đa Long coi và tặng cho Đa Long, khiến hắn mất cảnh giác, để bộ thuộc của Bảo để đánh tráo tử tù Mao Thập Bát trốn đi. Hành vi trên của Bảo đã đủ yếu tố cấu thành tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy theo Khoản 1 Điều 253.

7. Trong thời gian làm tư lệnh quân Thanh đánh thành Ni Bố Sở của quân Nga, Vi Tiểu Bảo đã đi tiểu vào nước và thúc hối bọn quan quân bắn nước tiểu của mình sang trại quân Nga.

Nước tiểu đóng thành tuyết, dù không nhiều nhưng đã để lại mùi xú uế trong không khí vùng Lộc Đỉnh Sơn vốn rất trong lành. Hành vi này đã phạm vào Khoản 1 Điều 182 tội gây ô nhiễm không khí, mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù.

8. Trong thời gian làm quan dưới triều Khang Hy, Vi Tiểu Bảo đã tham gia Thiên Địa hội với chức danh hương chủ Thanh Mộc đường, phụ trách địa bàn Bắc Kinh. Thiên Địa hội là một tổ chức chính trị - quân sự chống triều Thanh, mưu đồ khôi phục lại nhà Minh.

Khi đi công tác về Liêu Đông, Vi Tiểu Bảo lại được kết nạp vào Thần Long giáo, một tà giáo chống phá triều Thanh, giữ chức vụ chưởng kỳ sứ. Chẳng những tham gia hai tổ chức chống đối triều đình, Vi Tiểu Bảo còn tổ chức mạng lưới gián điệp cho Thanh Mộc đường hoạt động ngay tại Bắc Kinh trong phủ bá tước của mình, tổ chức đưa một số nhân vật quan trọng của Thần Long giáo vào làm thuộc hạ dưới trướng mình.

Nếu xét theo quan điểm của Thanh triều và vận dụng Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay, hành vi hoạt động tình báo, gây cơ sở hoạt động tình báo, cung cấp bí mật cho kẻ thù của Vi Tiểu Bảo đã vi phạm Điều 80 quy định tội gián điệp. Vi Tiểu Bảo phải chịu mức án cao nhất: tử hình.

9. Cũng trong thời gian làm quan, Vi Tiểu Bảo đã giết thái giám Tiểu Quế Tử, Thụy Đống, Liễu Yến, Phùng Tích Phạm và một số nhân vật khác. Trường hợp của Đa Long sống lại được sau này nhờ trái tim nằm lệch sang bên phải là ngoài ý thức chủ quan của Vi Tiểu Bảo.

Giết người xong, Vi Tiểu Bảo thường dùng một loại chất độc gọi là Hóa thi phấn rắc vào thi thể nạn nhân để thi thể tự tan ra thành nước. Vi Tiểu Bảo đã giết nhiều người, giết người trong lúc người ấy đang thi hành công vụ.

Bảo thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ, tái phạm nguy hiểm với nhiều động cơ đê hèn khác nhau. Các hành vi ấy là cực kỳ nghiêm trọng, vi phạm Khoản 1 Điều 93 tội giết người, phải chịu mức án cao nhất: tử hình.

10. Trong suốt quá trình làm quan, Vi Tiểu Bảo đã đòi hối lộ một cách sống sượng. Bảo đã nhận của Bình Tây vương Ngô Tam Quế 500 vạn lạng bạc, một cặp súng lục; nhận của Ngô Ứng Hùng 300 vạn lạng bạc.

Hắn nhận của Thi Lang một cái tô bằng vàng 24 nặng trên dưới 1 kg; nhận của Trịnh Khắc Sảng trên 200 vạn lạng bạc dưới hình thức “trả nợ” dù Trình Khắc Sảng không mượn Bảo đồng nào; nhận của các quan ở Dương Châu nhiều món quà có giá trị cao...

Bảo đã dùng số tiền bất chính ấy để đưa hối lộ lại cho bọn tham quan, trong đó có Minh Châu, Sát Nhĩ Châu, Sách Ngạch Đồ, Đổng Quốc Cương, Kiệt Thư, Khang thân vương, Đa Long; bọn chỉ huy thị vệ Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền…

Mỗi người trên đây đã nhận hối lộ của Bảo nhiều lần, mỗi lần như vậy không dưới một vạn lạng bạc. Hành vi ấy của Vi Tiều Bảo đã phạm vào Khoản 4 Điều 279 tội nhận hối lộ và Khoản 4 Điều 289 tội đưa hối lộ. Mức án cao nhất: tử hình


Triều đình mất cảnh giác, lơ là nên Vi Tiểu Bảo có cơ hội dẫn 7 bà vợ và đàn con đi trốn.

.

Tóm lại, bị can Vi Tiểu Bảo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội dâm ô với trẻ em theo Điều 116; cưỡng dâm theo Điều 113. Tuy nhiên, phải nghiêm khắc trừng phạt bị can về các tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115; đánh bạc theo Điều 248; tội tổ chức gá bạc, đánh bạc theo Điều 249; tội giả mạo trong công tác theo Điều 284; tội gián điệp theo Điều 80; tội giết người theo Điều 93; tội gây ô nhiễm không khí theo Điều 182; tội truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ theo Điều 253; tội nhận hối lộ theo Điều 297; và tội đưa hối lộ theo Điều 289.

Một nhân vật như Vi Tiểu Bảo rất nguy hiểm cho xã hội; cần phải loại trừ vĩnh viễn y ra khỏi cuộc sống bằng bản án nghiêm khắc nhất để tạo tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Chúng tôi đề nghị tổng hợp hình phạt: tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản sung công quỹ.

Tuy nhiên, vua Khang Hy đã mất cảnh giác, để cho Vi Tiểu Bảo có cơ hội dẫn cả vợ lớn vợ bé và đàn con, chở hết của cải cùng đi trốn. Trách nhiệm ấy thuộc về Khang Hy, và trách nhiệm cao nhất là của… tác giả Kim Dung, chứ không thuộc về… chúng tôi.

Nguồn:Zing News
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc chưởng Tàu nghĩ về bệnh dịch nguỵ quân tử ở ta

    01/11/2018Anh NguyênTriết học và văn hóa truyền thống phương Đông tách bạch rất rạch ròi hai khái niệm Chính-Tà, đặc biệt thể hiện trong Nho giáo với sự phân biệt hai loại người: Tiểu nhân và quân tử. Nhưng đối với Kim Dung, sự rạch ròi đó không còn nữa. Trong mỗi con người, cái “chính”, cái “tà” luôn luôn hiện hữu, đan xen, giằng xé, mâu thuẫn, và không ngừng biến đổi cả trong nội tâm lẫn hành động...
  • “Vạn Xuân”, một cách nhìn về Nguyễn Thị Lộ trong vụ án oan Lệ Chi Viên

    08/08/2018Mai HiềnVụ án Lệ Chi Viên gắn với số phận ba con người: Vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xảy ra cách đây đã trên năm thế kỷ (1442), nhưng cho đến nay trong lòng người Việt và những người nước ngoài yêu văn hóa Việt vẫn không nguôi trăn trở, xót xa...
  • Cuốn sách lật lại 'vụ án Thái sư hóa hổ' nổi tiếng lịch sử

    20/08/2017Thanh NhànTác phẩm diễn tả trọn vẹn chân dung Thái sư Lê Văn Thịnh từ thuở thiếu thời cho đến khi qua đời cùng những suy nghĩ trăn trở của tác giả về con người tài hoa bạc mệnh...
  • Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931

    24/06/2011Bùi Quang Minh (tổng hợp)Câu chuyện lịch sử năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông, định dẫn độ cho nhà cầm quyền Pháp để lấy tiền, nhưng sau đó đã bị thất bại thảm hại trước sự giúp đỡ vô tư đầy lòng nhân ái của bạn bè quốc tế. Xin đăng tải một số thông tin về việc bắt giữ, việc xét xử và bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc để thấy được công lao của gia đình vị ân nhân - luật sư Loseby, cộng sự của ông đối với một người nước ngoài không quen biết, không tiền để trả thù lao và việc xét xử tại tòa của thực dân Anh 80 năm trước...