Vấn đề giáo dục không nên nhìn một chiều

03:51 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Mười, 2003

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển

- Tối 29.10, tại buổi gặp mặt các ĐBQH công tác trong ngành GDĐT, Bộ trưởng có đề cập tới việc sẽ mời các nhà khoa học, tổ chức cả trong và ngoài nước nhằm đánh giá một cách chính xác, toàn diện thực trạng giáo dục nước ta hiện nay. Việc này sẽ được triển khai như thế nào?

- Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT sẽ chủ trương xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về thực trạng giáo dục VN hiện nay, trong đó có vấn đề chất lượng. Vì muốn khách quan nên chúng tôi sẽ lấy nhiều ý kiến của các tổ chức, các nhà khoa học cả trong và ngoài nước chứ không gói gọn trong ngành. Và Bộ cũng sẽ đánh giá không chỉ dừng lại ở mặt định tính mà cả định lượng cụ thể. Dự kiến sẽ triển khai việc này trong vòng 1 năm và hiện chúng tôi đang làm dự án.

- Căn bệnh thành tích đang trở nên phổ biến trong ngành GDĐT, mà một trong những biểu hiện là dạy tăng ca, tăng tiết, nhồi nhét học sinh những kiến thức một cách quá tải để lấy thành tích. Bộ đã làm gì để ngăn chặn thực trạng này?

- Có thể khẳng định một điều là chúng tôi không bao giờ khuyến khích chạy theo thành tích, thậm chí sẽ xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong việc này. 

- Nhưng cụ thể sẽ xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong chương trình đánh giá lại thực trạng giáo dục VN cũng sẽ đề cập đến cả vấn đề này. Song đây là câu chuyện dài vì phải phân tích tìm nguyên nhân xem tại sao lại xảy ra căn bệnh trên để tìm hướng khắc phục. Tóm lại, để dư luận hiểu một cách thấu đáo tôi sẽ có giải trình trước QH.

- Thưa Bộ trưởng, từ năm 2004, ngành có biện pháp đột phá nào nhằm chấn chỉnh vấn nạn "học thêm, dạy thêm" tràn lan như hiện nay?

- Quan trọng là phải thực hiện thật nghiêm các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của bộ, của ngành. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm những sai phạm đã phát hiện ra. Và chúng tôi đã giao hẳn cho Thanh tra Giáo dục xử lý việc này. Mặt khác, các địa phương cũng phải vào cuộc. Kinh nghiệm của Đà Nẵng làm rất tốt việc này cũng đáng để học tập.

- Việc thay đổi nội dung sách giáo khoa vừa qua gây ra rất nhiều ý kiến trái ngược. Bộ đã có hướng giải quyết ra sao?

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cuối năm 2004 tất cả các bộ sách giáo khoa phải hoàn thành. Chúng tôi đang cho xem xét các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhân dân cả trong và ngoài ngành. Tôi đảm bảo rằng, các góp ý về những sai sót trước đây sẽ được khắc phục một cách cơ bản.

- Hiện có nhiều ý kiến đưa ra các phương thức viết sách giáo khoa khác nhau, Bộ trưởng có nhận xét gì về các phương thức này?

- Thực ra về phương thức biên soạn sách giáo khoa có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm và nên có các sáng kiến mới. Nhưng cũng phải rất thận trọng, làm từng bước bởi sách giáo khoa nó không giống các sản phẩm khác. Cũng phải lưu ý rằng, viết sách giáo khoa không phải chỉ một bộ duy nhất mà phải có 2- 3 bộ để lựa chọn.

- Nhưng người ta nói Bộ GDĐT hay làm "thí điểm" nhất?

- Cái đó thì hơi oan vì triển khai một công việc liên quan đến hàng triệu học sinh cả nước phải hết sức thận trọng chứ không thể làm đồng loạt ngay mà phải có làm thử, rút kinh nghiệm, rồi áp dụng đại trà. Nguyên tắc là như vậy. Còn thiếu sót là ở chỗ khâu chuẩn bị ta làm chưa chu đáo.

- Mới đây, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng lãnh đạo Bộ GDĐT thực hiện chưa nghiêm túc lịch tiếp dân như đã hứa. Bộ trưởng đã tái lập  lịch tiếp dân này chưa?

- Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến các nhà báo và làm lại việc đó bắt đầu từ tuần vừa rồi.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:

Không thể sốt ruột
Có một số đồng chí rất sốt ruột về sự phát triển của giáo dục, trong đó có cả đồng chí lãnh đạo ngành vừa mới rời chức vụ quản lý cũng phê bình ngành giáo dục. Tôi cho rằng  phê bình là đúng nhưng không thể sốt ruột được. Yếu kém của ngành giáo dục  hiện nay là hậu quả của cả một quá trình rất lâu rồi. Chúng ta nói nhiều đến chữ viết của thế hệ trẻ hỏng, cuộc cải cách chữ viết được thực hiện từ năm 1981, chính đồng chí lãnh đạo lên tiếng phê bình lúc đó lại đang giữ cương vị lãnh đạo của Bộ GD-ĐT.

Chưa làm cho xã hội hiểu mình
Trong ngành còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, nhiều cán bộ vì nhiều lý do khác nhau đã công bố những số liệu, những nhận định chưa được kiểm chứng làm cho xã hội càng hiểu lầm thêm.

Ông Thuyết nêu: "Dân không hiểu cuộc cải cách giáo dục nhiều lần như thế, thay đổi sách giáo khoa nhiều lần như thế, chính ra Bộ GD-ĐT phải làm rõ vấn đề này cho xã hội rõ. Nếu tính 55 năm ngày thành lập nước chia cho bốn cuộc cải cách giáo dục, trung bình 14 năm một cuộc, như thế là nhiều. Nhưng do hoàn cảnh bắt buộc phải làm thế".

Chẳng hạn như khi công bố kết quả tuyển sinh, trung tâm của bộ công bố nhưng công bố không chọn lọc và không có phân tích thì xã hội không hiểu. Hay con số hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi  ĐH được cho là một yếu kém. Học sinh có yếu kém thật, nhưng sao không phân tích "đuổi thi, đình chỉ thi".

Ông Thuyết đưa ra một thực tế. Ông là chủ tịch hội đồng thi rất nhiều năm, trung bình mỗi kỳ thi trường ông đình chỉ gần 1.000 thí sinh vi phạm quy chế, năm nào cũng vậy. Vậy cả nước có bao nhiêu đình chỉ thị cũng cần phải phân tích.

Với giải trình của ĐB Nguyễn Minh Thuyết, dư luận hiểu được phần nào vấn đề bấy lâu nay được coi là "thâm cung" của ngành giáo dục. Giá như đó là lời "điều trình" từ chính vị bộ trưởng sẽ  thuyết phục hơn.

Đình Chúc - Lê Huân thực hiện

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: