Trần Đức Thảo (1917- 1993)

10:19 SA @ Chủ Nhật - 27 Tháng Chín, 2009


TRẦN ĐỨC THẢO(26/9/1917- 24/ 4/1993)
Việc xuất hiện ông - một tài năng triết học hiện đại ở một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, khoa học chưa phát triển như Việt Nam là một hiện tượng hiếm lạ.

- Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

- Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp để thi vào trường Đại học Sư phạm Paris. Ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (năm 1942).

- Tháng 8/1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng dày 368 trang, luận án tiến sĩ của Trần Đức Thảo, được Nhà xuất bản Minh Tâm in ở Paris. Công trình triết học đầu tiên của Trần Đức Thảo gây tiếng vang lớn trong giới học thuật phương Tây là cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật bịên chứng. Theo Bernard và Dorothée Rousset viết trong cuốn Dictionnaire des phylosophes (Từ điển các nhà triết học) do Nhà xuất bản Đại học ở Paris in năm 1984, thì cuốn sách của nhà triết học Việt Nam là "một tác phẩm gây sửng sốt" mà tính táo bạo trong cách nhìn và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là "kinh điển"... Cuốn sách "đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ"...

- Tháng 8 năm 1945, thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, ông đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập. Lá thư được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Tháng 10/1945, ông và 50 kiều bào ta bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam về cái "tội" gọi là "vi phạm an ninh nhà nước". Báo L'Humanité (Nhân đạo) và báo Les Temps modernes (Thời hiện đại) đăng bài phản đối hành động đàn áp đó.

- Năm 1946, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ông bày tỏ với Chủ tịch nguyện vọng sẽ trở về nước tham gia cách mạng ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ.

- Năm 1952, ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông trở thành một vị giáo sư đại học giữa rừng già chiến khu và, năm 1953, làm việc tại Văn phòng Tổng Bí thư, dịch tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh ra tiếng Pháp.

- Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

- Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi có hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ.

- Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông thôi giảng dạy ở trường Đại học và làm chuyên viên nghiên cứu, dịch thuật của Bộ Giáo dục và NXB Sự thật. Về đời tư, thì có thể nói vắn tắt, ông là người kín đáo, trầm tư, đãng trí, sống giản dị, thanh bạch. Dù có lúc do sự hiểu lầm mà bị đối xử bất công, ông vẫn không hề tỏ ra hằn học, oán thù, luôn lấy lòng đam mê nghiên cứu để khoả lấp nỗi buồn riêng...

- Năm 1992, ông sang Pháp chữa bệnh kết hợp với nghiên cứu và mất tại Paris vào năm sau. Di hài ông được nhà nước đưa về an táng tại Khu A Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

- Năm 2000, ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội với công trình Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức. Dù gặp nhiều trắc trở nhưng, cuối cùng, giá trị khoa học đích thực của công trình nghiên cứu mà ông là tác giả cũng được xã hội ta thừa nhận.


Viết, phỏng vấn tác giả

Ở Việt Nam bản thân mình và các đồng nghiệp khác cũng chỉ là những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, người duy nhất được coi là nhà triết học, chỉ có Trần Đức Thảo mà thôi.(GS. Trần Văn Giàu)

Tiểu sử tóm tắt Giáo sư Trần Đức Thảo

Trần Đức Thảo – trở về từ quên lãng(Hội thảo Pháp - Việt)

Triết gia của niềm tin(Chuyện triết gia Trần Đức Thảo đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng)

GS Trần Đức Thảo - Một tài năng triết học nổi tiếng thế giới (Hàm Châu, Dân trí)
Đến với triết học duy vật biện chứng từ những năm trẻ trung sôi nổi nhất, và rồi, trong những năm đau buồn cay đắng về sau, ông vẫn không vì thế mà quay ra "đốt cháy" những gì mình từng "tôn thờ" thời trẻ. Nhân cách ấy, sự nghiệp ấy rất đáng để cho ta suy ngẫm.

Người lữ hành vất vả (Nguyễn Đình Thi, Viet-studies)
Tôi đã được biết anh Trần Đức Thảo là thạc sĩ triết học trường cao đẳng sư phạm Pari, nhà trường nổi tiếng là một cái nôi đào tạo những nhà tư tưởng và những chính khách cho nước Pháp. Với học vị ấy, con đường danh vọng đã rộng mở cho anh, trong lĩnh vực dạy đại học ở Pháp và các nước Âu, Mỹ. Vậy mà anh đã bỏ tất cả, để về rừng núi Việt Bắc, tham gia kháng chiến.

Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo (Phạm Thành Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Từ khi rời Pháp về nước lên Việt Bắc, ông đã sống và làm việc bằng khối óc và trái tim của một người cộng sản không thẻ đảng. Có điều, ông là người hay đi trước và đi xa trong tư tưởng. Đi gần thì yên hàn, còn một mình đi xa thì dễ lạc. Nhưng, dường như các danh nhân đều mỗi người một phận. Trời sinh ra ông để mà đi xa, để mà làm khách lữ hành, những người mà thiếu họ, tương lai của một cộng đồng thường được dự báo và định liệu rất muộn.

Các tác phẩm đã xuất bản

Phương pháp hiện tượng học của Husserl(1942), tiếng Pháp
Phénoménologie et matérialisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng). Minh Tâm. Paris 1951.
Khuyến khích tinh thần tự do dân chủ(1955)
Nội dung xã hội và những hình thức của tự do (1956).
Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, tiếng Pháp, NXB Xã hội của Pháp, năm 1973.
Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người(1988).
Logic của cái hiện tại sống động(La logique du présent vivant)(chưa hoàn thiện).
Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
Sự hình thành con người, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: