Nhà giáo Phạm Toàn: Sống là tư duy độc lập

07:29 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Sáu, 2019

Nhà giáo Phạm Toàn không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Không tiếp thu hết ở trên lớp học chính khóa thì phải đến lớp học thêm để tiếp thu. Cách làm giáo dục như thế, ông bảo, "sẽ đào tạo ra hàng loạt công dân không có tư duy độc lập, và không có tư duy độc lập sẽ rất dễ trở thành nô lệ".

Gần 80 tuổi, tiếng nói vẫn sang sảng, mỗi ngày chỉ ngủ chừng bốn, năm tiếng, thời gian còn lại viết, hiệu đính, dịch sách... và làm thơ - đó là chân dung nhà giáo Phạm Toàn, nhà văn Châu Diên. Thời gian gần đây ông bận bịu hơn rất nhiều do triển khai hoạt động nhóm "Cánh Buồm" với ước muốn làm thay đổi cơ bản phương pháp dạy và học để làm sao nền giáo dục ở ta phải đào tạo ra được những con người có tư duy độc lập, sống độc lập. "Cánh Buồm" gồm một nhóm gần 10 người, đã được ý tưởng của nhà giáo Phạm Toàn "lôi kéo" và làm mê đắm đến mức ngoài thời gian làm công việc chính của mình để đảm bảo cuộc sống riêng với những cơm áo, gạo tiền... đã cùng ông viết sách cho học sinh, tập huấn, thực hành phương pháp giảng dạy. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kéo dài suốt hơn ba giờ đồng hồ, xoay quanh những trăn trở của ông về nền giáo dục hiện hành, quan niệm của ông về người trí thức và trách nhiệm xã hội...

Cũng giống như người đồng nghiệp, đồng nhiệm của mình một thời là nhà giáo Hồ Ngọc Đại, hễ cứ nói đến giáo dục là Phạm Toàn say sưa đến độ người đối thoại khó mà "chen lời". Ông không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Không tiếp thu hết ở trên lớp học chính khóa thì phải đến lớp học thêm để tiếp thu. Cách làm giáo dục như thế, ông bảo, "sẽ đào tạo ra hàng loạt công dân không có tư duy độc lập, và không có tư duy độc lập sẽ rất dễ trở thành nô lệ".

- Vậy, hẳn là đề án giáo dục mà Cánh Buồm đang thực hiện có quan điểm về phương pháp dạy học "đối chọi" với phương pháp hiện hành?

Đương nhiên, chúng tôi chủ trương cho trẻ có ý thức tự trọng ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường bằng cách thầy cô chỉ là người hướng dẫn cho trẻ tự tư duy. Chúng tôi gọi đó là hạnh phúc của trẻ, hạnh phúc được là chính mình. Nền giáo dục hiện hành không định nô lệ hóa dân, đầu óc họ trong sáng, nhưng đúng như định nghĩa của tôi: Có thể do cơ chế, có thể do quá ít người tài nên họ không thể tìm được cách làm cho trẻ thực sự nên người. Cách làm giáo dục hiện nay khiến cho trẻ không có tư duy độc lập, cái gì cũng thầy giảng, trò tiếp thu một cách thụ động, sau đó thì về học thêm... Học trò cũng không bao giờ biết cách tự học. Sống là tư duy độc lập. Có ai ăn hộ anh đâu, có ai làm mãi hộ anh, yêu hộ anh đâu...

- Thưa, ông có thể nói cụ thể hơn?

Con người có 7, 8 loại trí khôn khác nhau: Trí khôn ngôn ngữ, trí khôn logic toán, trí khôn âm nhạc, trí khôn cá nhân hướng nội, trí khôn cá nhân hướng ngoại... Do vậy, mỗi người phát huy tốt thành phần trí khôn của mình thì cuộc sống sẽ giản dị hơn, đỡ rắc rối hơn. Ví dụ, người làm xiếc cần gì phải biết tính đạo hàm. Nếu cứ bắt người ta học đủ các cấp học, các môn học thì sẽ rất lãng phí thời gian. Nếu xét về khả năng toán học thì tôi là người vứt đi. Phương pháp của chúng tôi là đổi mới cả cách học lẫn cách dạy, thông qua bộ sách do chính nhóm Cánh Buồm viết.

- Đổi mới thế nào, thưa ông?

Chúng ta vẫn nói đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở Việt Nam đấy thôi. Một xã hội thật bất bình thường nếu như ai cũng chăm chăm làm thầy. Thế cho nên dự án của chúng tôi mới hoạch định thế này: Chỉ cần 8-10 năm học các kiến thức cơ bản, tạm gọi đó là cấp phổ thông cơ sở để đặt nền móng cho những tri thức tối thiểu. Sau đó, sẽ có hai nhánh rẽ hoặc là đi hướng nghiệp, hoặc là học tiếp. Như vậy, mọi người đều có cơ hội phát huy đúng khả năng của mình, hay nói cách khác, được là chính mình trên cơ sở trí khôn mà mình sở hữu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ chỉ ra được mục tiêu của từng bậc giáo dục.

Ví dụ: Bậc tiểu học là gì, bậc trung học là gì, cách dạy từng bậc ra làm sao. Với dự án Cánh Buồm, chúng tôi chủ trương bậc tiểu học là bậc học cách học, học thể hiện tình cảm, cảm xúc; bậc trung học là bậc tập nghiên cứu, tình cảm và cảm xúc phải lùi sau lý trí; bậc đại học là phải tập độc lập nghiên cứu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ định nghĩa được điều đó cả. Không định nghĩa được thì làm sao tổ chức được. Bây giờ ở ta đang có dự án 14 triệu USD cho trường chuẩn quốc tế. Nhưng thử hỏi "chuẩn quốc tế" là gì? Hay chỉ là cách nói cho thuận miệng, cho theo kịp thời đại? Trong khi đó, có những môn học như lịch sử, ngoại ngữ chẳng hạn... thì lại bảo giáo viên của ta chưa đủ chuẩn! Người giáo viên có phải là sản phẩm của nền giáo dục nước nhà không? Vậy tại sao không đủ chuẩn? Đó là cách nói xóa sạch trách nhiệm mà không nhìn rõ nguyên nhân là do chính anh không biết làm.


- Nhưng nhiều người học lên cấp học cao sẽ góp phần nâng cao dân trí, đó dường như là nguyên lý phát triển, thưa ông?

Một nền giáo dục bắt tất cả mọi người vào đại học chứng tỏ những người làm đề án giáo dục đó thiếu thực tế. Bây giờ lại còn có ý kiến: Lấy sách, giáo trình, bài tập của nước ngoài dịch cho học sinh trong nước làm sách học. Đến thế là cùng! Một dân tộc có tự trọng, cái gì cũng có thể giống Tây, cái gì cũng có thể mua được, trừ hai thứ: Đó là văn hóa và giáo dục. Làm thế nào để có nền văn hóa, giáo dục ngang bằng với các nước tiên tiến nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của dân tộc mình, đó mới là bài toán phát triển. Còn nếu phát triển văn hóa theo kiểu bắt chước một cách vô thức hoặc học xong mà không có tư duy độc lập thì chỉ suốt đời đi làm thuê. Hãy nhìn vào thực tế hiện nay đi. Biết bao nhiêu chất xám làm việc ở doanh nghiệp nhà nước? Bao nhiêu làm ở các công ty liên doanh, và trong đó, có bao nhiêu người làm chủ? Đó có phải là cách nâng cao dân trí hay không? Hơn nữa, theo tôi, lối sống mới là mấu chốt để phát triển.

- Đó là lý do ông viết "Sách học lối sống" cho học sinh ngay từ khi bước chân đến trường - lớp 1? Sách dạy lối sống này có khác gì với môn kỹ năng sống vẫn dạy trong nhà trường hiện nay, thưa ông?

Hiện nay có rất nhiều đứa trẻ biết chơi trò chơi công nghệ cao (trên máy tính) trước khi đến tuổi đi học, nhưng có khi học hết tiểu học rồi vẫn không biết nhặt rau giúp mẹ hay chuẩn bị một bữa ăn đơn giản cho mình, giặt quần áo cho bản thân... Đó là kỹ năng sống kém. Kỹ năng cần nhưng phải hòa hợp được với cộng đồng - đó chính là lối sống. Nếu không có lối sống tốt thì mỗi con người, dù có kỹ năng cũng chỉ như một cỗ máy mà thôi.


Tôi lấy ví dụ thế này: Còn nhớ, năm 2006, một phụ huynh đã viết thư kêu cứu ngành giáo dục là làm sao dẹp được nạn dạy thêm, học thêm. Quan chức cao cấp của ngành giáo dục đã trả lời, đại ý: Nạn dạy thêm, học thêm hiện nay nan giải như nạn buôn lậu vậy. Có người dùng hàng lậu thì sẽ có người đi buôn lậu. Có người có nhu cầu học thêm sẽ có người dạy thêm! Phát biểu như vậy có phải là sự phản ánh của một lối sống vô trách nhiệm? Thậm chí là tha hóa. Bằng mọi cách nâng cao con số bằng cấp của công dân, bất chấp thực chất của tấm bằng ấy ra sao cũng là tha hóa trong giáo dục.

Nhìn xa hơn thì chúng ta phải nghiên cứu hệ thống dạy trẻ con một lối sống mới, lối sống ấy phải có một nguyên lý mà từ ông Thủ tướng đến thằng bé con phải tuân theo. Đó là cái gì? Đó là đi tìm sự đồng thuận bằng cách đi tìm sự xung đột, xử lý xung đột ở ngay xung quanh: Trong gia đình, trong lớp học... Đến khi lên làm thủ tướng thì đã sẵn phản ứng nhạy bén với những "mùi xung đột" để mà xử lý, xây dựng một xã hội hiện đại, ổn định. Con người thời hiện đại phải có cung cách sống đồng thuận. Cách làm giáo dục của chúng tôi là làm thế nào để cho cả ba đối tượng: Con trẻ, cha mẹ và nhà trường đồng thuận được với nhau về những công việc mình phải làm.

- Vậy, con người của sự đồng thuận ấy có mâu thuẫn với con người trí thức mà theo định nghĩa của ông phải là con người tự do hoàn toàn?

Tự do mà tôi nói đến là tự do nội sinh chứ không phải là sự tự do chung chung nào đó mà người khác mang lại. Anh phải cảm thấy anh được tự do, có năng lực và được phát huy năng lực đó. Nói chung, xã hội phải để cho con người tự do. Điều gì sẽ điều chỉnh sự tự do đó để cho nó không loạn? Đó là pháp luật. Pháp luật lại cần sự giám sát của báo chí để đảm bảo việc thực thi được tốt. Nhưng báo chí phải làm tốt chức năng của mình chứ không phải như bây giờ. Ở ta hiện nay báo chí mới chỉ phản ứng với tư cách cá nhân tầm thường. Phải nói đúng sự thật. Một xã hội tử tế là một xã hội biết cùng tổ chức với nhau trong chức năng của mình để phát triển. Đánh giá một người trí thức đúng nghĩa thì đừng nhìn vào những tuyên bố của họ mà phải nhìn vào công việc cụ thể và động cơ người đó làm. Một cái cây trên rừng không bao giờ nghĩ nó là cái rừng, nhưng trong vô thức, nhiều cái cây tập trung một chỗ thì hóa thành rừng.

- Trở lại với bộ sách lớp 1 do nhóm Cánh Buồm vừa hoàn thành, các ông có gặp khó khăn gì không?

Bộ sách gồm các cuốn: "Sách học tiếng Việt", "Sách học tiếng Anh", "Sách học Văn", "Sách học tin học" và "Sách học lối sống" - hai cuốn "Sách học Toán", "Sách học Khoa học Công nghệ" sẽ ra đời muộn hơn vì chúng tôi muốn kéo dài thêm thời gian thực nghiệm. Mấy cuốn sách tuy bé bỏng nhưng ra đời cũng chật vật, song may mắn chúng tôi có sự giúp đỡ của giáo sư Chu Hảo và NXB Tri Thức, sự nâng đỡ về vật chất và tinh thần của ông Nguyễn Trần Bạt (Tổng giám đốc Vietnam Invest Consult Group) và sự giúp đỡ ban đầu của Chương trình Việt Nam thuộc khoa Luật Đại học Oslo (Nauy).

- Phản ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sao, thưa ông?

Tôi không để ý. Nhưng có dư luận cho rằng: giá sách đắt (điều này thì chúng tôi chịu vì tình trạng in ấn ở ta nó thế, chúng tôi có làm để kiếm lãi đâu. Mỗi thành viên trong nhóm - những người trí thức trẻ - có thể nói đều có sự quả cảm hy sinh, bởi bên cạnh việc viết sách, họ đều cần những công việc riêng để nuôi sống bản thân và gia đình, làm sách do tâm huyết với con trẻ mà thôi); Lại có ý kiến: Chúng tôi chưa đồng tình với cách dạy này. (Chưa đồng tình thì làm cách khác đi, tôi có chiếm lĩnh vị trí của anh đâu?); Và gần đây có người viết báo đặt vấn đề: Đây là sách "ngoài luồng" và sau cú chỉ điểm đó liền có ngay đoàn thanh tra xuống trường Nguyễn Văn Huyên ở Hà Nội (đơn vị áp dụng bộ sách này), nhưng cũng chẳng có kết luận gì.

Tôi nói thêm chuyện bên lề thế này. Năm 2000, để bắt tay vào dự án cải cách giáo dục với dự án trị giá 1-1,5 tỉ USD, họ đã "đảo chính" phương pháp dạy cùng bộ sách giáo khoa thực nghiệm của anh Hồ Ngọc Đại (đã được nghiệm thu năm 1990 và áp dụng ở nhiều trường phổ thông ở 43 tỉnh, thành). Bộ sách cải cách ra đời, sau gần 10 năm (năm 2008), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải huy động 20 triệu học sinh chữa 90 triệu quyển sách nằm trong dự án 1 tỉ USD đó. Tôi không tin là Bộ Giáo dục và Đào tạo không có người giỏi, nhưng hầu hết dường như thiếu một tấm lòng, một tấm lòng tử tế với sự nghiệp trồng người... Vì nếu không, tại sao trong suốt bao nhiêu năm "vật vã" cải cách như thế, với khối lượng tiền như thế, tại sao họ không dám đối thoại với những tư tưởng đương đại để tìm một cách làm chuẩn xác, như ý kiến của GS Hoàng Tụy chẳng hạn. Phải lắng nghe, chỗ nào thấy chưa đồng thuận thì phải phản biện, làm thử và tiếp thu...

- Thưa ông, nghe nói, có phản ứng về việc bộ sách vẫn còn một vài thiếu sót ở phần nội dung?

Đúng, có sai sót nhưng không phải ở phần cơ bản nội dung, mà chỉ là ở một vài chỗ trong sách học tiếng Anh đã ghi nhầm từ thuộc số nhiều hay số ít. Chúng tôi sẽ chỉnh sửa trong lần xuất bản sắp tới. Như trên đã nói, sách cải cách của Bộ tiêu hàng tỉ đồng như thế mà con sai sót, huống hồ... Nhân đây, tôi cũng cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều, anh đã phản ứng với những ý kiến thiếu thiện chí về bộ sách bằng một nhận xét hết sức thấu hiểu việc làm của chúng tôi: "Trường hợp của nhóm Cánh Buồm là ví dụ cảm động của trí thức đương thời. Tinh thần của họ quý hơn hàng nghìn bộ sách...". Tôi luôn nói với các em ở nhóm Cánh Buồm rằng khó khăn mấy chúng ta cũng phải bắt tay vào làm, nhưng đừng bao giờ nghĩ đến thắng lợi. Trong cuộc sống hữu hạn của mỗi con người, dường như chúng ta thường chứng kiến cái ác nhiều hơn cái thiện. Anh nào làm việc mà chỉ nghĩ đến thắng lợi, huy chương, bằng cấp, tiền bạc, giải thưởng... thì thế nào cũng sinh bất mãn.

- Nhưng hiện giờ, mới chỉ có sách cho lớp 1, lên lớp 2 và cao hơn nữa thì lại quay về với chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sao?

Nhóm Cánh Buồm đang gấp rút viết tiếp sách lớp 2 đến lớp 5, sau đó là lên đến lớp 8. Như đã nói ở trên, chúng tôi chủ trương cấp học phổ thông cơ sở chỉ là tám năm, sau đó các em sẽ đi học nghề hoặc học tiếp. Nếu học tiếp thì sẽ có khóa dự bị (khoảng hai năm), phần này do các trường đào tạo chuyên sâu những kiến thức cơ bản mà sau này học sinh sẽ theo đuổi (ví dụ Tự nhiên, Khoa học xã hội...) nghiên cứu, viết giáo trình.

- Thưa ông, chế độ thi cử có lẽ cũng là một vấn đề nóng, vậy trong đề án giáo dục của mình ông có đề xuất gì để thay đổi về cơ bản hình thức đánh giá học sinh luôn gây mệt mỏi, tốn kém, thậm chí tranh cãi về tính minh bạch?

Theo tôi, cần bỏ hết chế độ thi cử. Hết cấp học tám (hoặc 10 năm) thì học sinh, nhà trường và cha mẹ cùng ngồi bàn chọn hướng đi cho phù hợp với thiên hướng của người trò đó: Hoặc là tiếp tục học, hoặc là hướng nghiệp. Còn việc vào đại học nào thì do các trường đại học ấy tự chọn. Tôi còn đề nghị chế độ tuyển vào trung học. Từng giáo viên phỏng vấn người xin học và phải chịu trách nhiệm về những người mình đã chọn. Giả thử, vài ba năm liền, người giáo viên ấy toàn ăn hối lộ để nhận những người dốt vào thì rõ ràng, chăíng trường nào còn dung nạp anh nữa.

- Như thế có cực đoan quá không, thưa ông?

Chỉ có công khai thì đất nước mới tiến lên được. Công khai đánh giá học sinh là việc cực đoan sao? Ngay cả khuyến khích học sinh tự đánh giá bản thân nữa. Tại sao cha mẹ cứ gây sức ép cho con em họ phải vào đại học. Nếu không vào được đại học thì bị đánh giá là người ngu dốt cả hay sao?

- Thưa ông, bộ sách mới của nhóm Cánh Buồm được những trường nào áp dụng giảng dạy? Tham vọng của ông trong thời gian tới là gì?

Ở Hà Nội có trường Nguyễn Văn Huyên nhưng chỉ học "thêm" vào buổi chiều. Tham vọng của tôi, hay nói đúng ra là ước muốn của tôi là làm sao mở lại được trường thực nghiệm để đưa ra được một khuôn mẫu dạy và học phù hợp với đương thời, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Giá như có nhiều "đại gia" tâm huyết với sự nghiệp giáo dục như anh Nguyễn Trần Bạt... Nếu bây giờ chúng ta có một hệ thống giáo dục thật sự tử tế, tiến hành một cách thực sự cẩn thận thì phải mất từ 50-70 năm nữa chúng ta mới chữa được nền giáo dục này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học

    12/02/2017Nguyễn Thu Phương thực hiệnRất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúy đã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái...
  • "Tôi sợ nhất tư duy bảo sao làm vậy"

    05/06/2016Ở góc độ người trực tiếp tham gia, điều hành các chính sách Nông Nghiệp-Nông thôn, nguyên Bộ trưởng, Phó thủ tướng phụ trách Nông nghiệp-nông thôn, Nguyễn Công Tạn, thẳng thắn: “Tư duy hồi đó của lãnh đạo ta chỉ có như vậy tôi cũng không hơn…”. Với mười năm ở cương vị cao nhất của ngành nông nghiệp (1987-1997), và là người chứng kiến, khởi động, điều hành nhiều chương trình lớn: 5 triệu hecta rừng, 1 triệu tấn mía đường, cấp 1 hóa giống lúa lai… Những chương trình ấy được gì, mất gì và tại sao thành công vẫn còn khiêm tốn?
  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách

    21/05/2014Nguyễn Trần BạtCuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung...
  • Đồng phục tư duy

    25/11/2013Lê Thanh PhongHọc văn mà làm theo công thức, không khơi dậy cảm xúc, rung động cá nhân, không phát huy sáng tạo trong nhận thức thẩm mỹ và biểu đạt ngôn từ thì đó không còn là văn nữa. Hệ thống sách văn mẫu là những khuôn thước đúc ra một thế hệ học sinh "đồng phục tư duy", không dám suy nghĩ trái chiều, biết chấp nhận, nhưng không biết phản biện...
  • Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại

    07/11/2013Nguyễn Trần BạtMôi trường giáo dục tốt phải là vườn ươm các nguyên chính trị và các nguyên nhận thức, nói cách khác, nó phải là vườn ươm các module phát triển của toàn xã hội và là kho chứa tính phong phú của nhận thức xã hội...
  • Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục

    18/09/2013Nguyễn Trần BạtCải cách giáo dục hướng đến sự phát triển con người, chính vì thế những người đi dạy, đi hướng dẫn con người cho tương lai phải có nhận thức, phải có những nguyên lý mang chất lượng dự báo và định hướng. Phải khẳng định, người đi dạy quan trọng nhất là nhà nước...
  • Cải cách giáo dục nhìn ra thế giới

    07/09/2013Xã hội thay đổi, mục tiêu của giáo dục cũng phải thay đổi theo. Xây dựng chương trình cải cách giáo dục riêng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục đích: Dạy - học như thế nào để có hiệu quả nhất. Xin giới thiệu cách dạy học ở một số quốc gia để các bạn có thể so sánh với nội dung cải cách giáo dục ở nước ta...
  • Minh triết và hạ tầng tư duy

    17/12/2010Giáp Văn DươngMuốn phát triển, phải xây dựng được một hạ tầng tư duy vững chắc, phong phú và thông thoáng, để từ đó, tạo ra những sản phẩm tư duy có giá trị. Minh triết, với vai trò như một phông nền văn hóa, có mặt trong nhiều thành phần trong cấu trúc của hạ tầng tư duy. Vì thế, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa minh triết và hạ tầng tư duy có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng tư duy, tạo điều kiện cho việc giải phóng tư duy, hình thành những tư tưởng mới, sáng tạo và có giá trị cho đất nước.
  • Phương pháp định nghĩa - Phát triển tư duy

    24/12/2009Nguyễn Tất ThịnhTrong trải nghiệm công việc của mình, tôi rút ra ý nghĩa to lớn của việc bắt đầu cũng như duy trì, quán xuyến được các định nghĩa. Hơn nữa nếu theo cách định nghĩa tôi chia sẻ dưới đây thì các định nghĩa rất nhiều khi được hình thành một cách dường như tự nhiên, dễ tham gia của những đối tượng khác cùng thảo luận hay trao đổi trong môi trường học tập, nghị sự, hội thảo…giúp tất cả các bên đi đến tiếp cận đúng và phong phú về một SVHT nào đó được đề cập.
  • Người Việt Nam cần có tư duy sáng tạo

    19/08/2009TS. Hồ Bá ThâmTrong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước thực hiện kinh tế tri thức thì vẫn cần văn hóa thông minh nhưng chủ yếu là cần có văn hóa sáng tạo cả trong quản lý lãnh đạo, trong sản xuất kinh doanh, trong khoa học, công nghệ và trong văn hóa nghệ thuật mà trong đó cốt lõi là phát triển mạnh năng lực tư duy sáng tạo cả về lý luận và thực hành. Không có văn hóa và năng lực sáng tạo như vậy không thể có nhiều nhân tài, không thể có tiến bộ cho dân tộc, không thể tiến lên văn minh và xã hội chủ nghĩa. Coi nhẹ tư duy sáng tạo, coi nhẹ nhân tài thì tất yếu sẽ bị tụt hậu.
  • Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

    27/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện). Ảnh: Quỳnh HoaBên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.
  • Cải cách giáo dục bắt đầu từ dạy làm người

    30/03/2009"Phải làm triệt để. Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội". - GS Trần Văn Thọ
  • Cải thiện chất lượng giáo dục đại học bằng tư duy

    14/03/2009Phạm Trần LêViệc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo đại học được nhắc đến thường xuyên trong công luận như một vấn đề bức thiết nhưng cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp mang tính toàn diện và triệt để, vừa đạt được mục tiêu về cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời giúp cho bài toán quyền lợi của các cá nhân liên quan được giải quyết hợp lý. Một giải pháp như vậy đòi hỏi được xem xét qua tư duy kinh tế với ba câu hỏi căn bản là: xã hội có nhu cầu gì ở giáo dục đại học; hiện trạng đào tạo đại học hiện cung ứng tới đâu; lộ trình nào để từng bước giúp cung và cầu gặp nhau.
  • Cải cách giáo dục Việt Nam

    27/12/2008Nguyễn Trần BạtCó thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác...
  • Cải cách giáo dục

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtAi cũng biết phát triển con người phải thông qua giáo dục, từ ngàn năm trước người ta cũng đã biết như vậy nhưng vấn đề là giáo dục như thế nào? Nếu một nền giáo dục không vì con người mà vì những lợi ích chính trị nhất thời, thiển cận và vụ lợi thì còn tệ hại hơn, nó sẽ làm chậm sự phát triển...
  • Hạn chế của tư duy, nhận thức người Việt

    09/09/2006GS, TS Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Thành CôngXét về mặt bản chất, tư duy, nhận thức của người Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục sau đây: Bệnh "cá nhân chủ nghĩa". Trong một thời gian khá dài, tại các đợt học tập chính trị, chỉnh huấn từ những năm 1952 - 1960 đều lấy việc chống chủ nghĩa cá nhân làm chủ đề chính cho các sinh hoạt và rèn luyện đạo đức, tư tưởng...
  • Trung thực: nền móng của cải cách giáo dục Việt Nam

    30/12/2005Phạm Xuân Anh"Trung thực nền giáo dục" chính là nền móng của CCGD nước ta hiện nay. Theo quan điểm chủ quan của tôi thì CCGD mà chúng ta đang tiến hành tựa như “xây nhà từ nóc” vậy. Chính vì vậy, những giải pháp chấn hưng giáo dục đều thất bại hoặc không mấy thành công. Tôi có cảm giác rằng nhiều ý kiến, biện pháp CCGD của nhiều tập thể, cá nhân đưa ra vừa qua khi họ đang ở trên… mây để quan sát nền giáo dục nước nhà vậy...
  • Cải cách giáo dục

    09/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch - Tổng giám đốc, InvestConsult GroupPhát triển con người là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước trên thế giới đều giương cao khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều tâm sức đề xây dựng và thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các chương trình cải cách giáo dục đó, tuỳ theo mức độ, đều có những hạn chế và sai lầm nhất định.
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới

    22/07/2005Cuốn sách được biên dịch là tài liệu tham khảo có giá trị nhằm phục vụ các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà nghiên cứu cũng như các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu thêm nguồn gốc những phương pháp và chính sách giáo dục đã được áp dụng trên thế giới. Trong quá trình gian nan để tìm ra các giải pháp giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, việc tham khảo các quá trình cải cách giáo dục, nhất là những mô hình cải cách đã thành công và thất bại...
  • Cải cách giáo dục: Phá không phải là…Xây

    09/07/2005Nguyễn Minh Danh... Từ những ý kiến mang tính xây dựng theo kiểu mong muồn phá bỏ ngay những cái đang tồn tại trong bộ máy giáo dục nước nhà không hẳn khi nào cũng có thể mang tới những kết quả cần thiết. Giáo dục là một công việc tinh tế, đòi hỏi một thái độ ứng xử cẩn trọng và thực tế hơn là những khẩu hiệu dân tuý mang tính phủ nhận hiện trạng một cách đầy quyết liệt....
  • Cải cách giáo dục: Trước thách thức của thế kỷ XXI

    19/04/2005Phạm Khiêm Ích(Edgar Morin) Nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hoá về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hoá của thế giới ngày mai...
  • Cải cách giáo dục phải làm lại từ đầu

    10/11/2003Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc cải cách giáo dục (CCGD) của ta đến nay đã qua hơn hai mươi năm. Thế nhưng những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra chưa đâu vào đâu cả. Nhiều chương trình, dự án tốn bạc tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ, tưởng đã xong, nhưng đưa ra thực thi, bị chính các GS, TS các NGND, NGƯT danh tiếng trong ngành và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, quyết liệt, buộc phải huỷ bỏ. Trong khi đó, nhiều vấn nạn giáo dục, nhân cơ hội đó mọc lên như nấm. Cuộc đấu tranh giữa một nền giáo dục dân tộc, văn minh, tiến bộ với nền giáo dục thương mại hoá ngày một gay gắt...
  • Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học

    23/07/2003Trong cải cách giáo dục (CCGD), có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc PT, còn việc CCGD đại học (ĐH) cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng...
  • Chương trình cải cách giáo dục cần những cuộc thi?

    11/02/2003Việt Nam đang ở trong thời kỳ đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều tri thức và trí tuệ, để làm tốt việc này thực là khó khăn.
  • Vai trò của học sinh, sinh viên trong cải cách giáo dục

    11/02/2003Có thể thấy rất rõ điều vô lý là trong khi chúng ta mong muốn đưa người học về vị trí trung tâm trong giáo dục, ý kiến người học sẽ định hướng cho cách học của chính mình và cho cả sự phát triển của nền giáo dục thì chúng ta lại không quan tâm tới ý kiến, suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Điều này cũng có thể hiểu như việc chúng ta muốn học sinh, sinh viên của chúng ta chủ động trong học tập, nghiên cứu và là trung tâm của giáo dục nhưng chúng ta lại cải cách theo phương thức gò bó, ép buộc, áp đặt mà không xem xét công việc đó có phù hợp với ý kiến của họ không.
  • xem toàn bộ