Cải cách giáo dục

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
06:00 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008

Rất nhiều cuộc cải cách đã thất bại vì nó không bắt đầu từ con người. Con người không có nhận thức đúng, con người méo mó về văn hoá, méo mó về xã hội, méo mó về chính trị là nguyên nhân cơ bản nhất khiến một quốc gia không phát triển được. ở đây có một phần trách nhiệm thuộc về đội ngũ trí thức ở các nước thế giới thứ ba. Có thể nói, trí thức các nước thế giới thứ ba đã không hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc hướng dẫn nhân dân và đi cùng nhân dân. Họ không đóng vai trò là bộ phận lãnh đạo xã hội trong vấn đề chuẩn bị lực lượng cho những giai đoạn phát triển tiếp theo của xã hội. Bắt đầu từ con người, bắt đầu từ phát triển con người chính là công việc quan trọng nhất mà một chính phủ sáng suốt phải làm. Phát triển con người đó là chiếc chìa khoá để phát triển xã hội.

Ai cũng biết phát triển con người phải thông qua giáo dục, từ ngàn năm trước người ta cũng đã biết như vậy nhưng vấn đề là giáo dục như thế nào? Nếu một nền giáo dục không vì con người mà vì những lợi ích chính trị nhất thời, thiển cận và vụ lợi thì còn tệ hại hơn, nó sẽ làm chậm sự phát triển. Tất cả các nước chậm phát triển đều bắt đầu bằng việc các nhà chính trị lợi dụng giáo dục như một phương pháp tuyên truyền chính trị. Một ví dụ rõ rệt nhất là Khổng giáo, một học thuyết xã hội vĩ đại đã bị chính trị hoá, bị những nhà chính trị lợi dụng, sử dụng như một công cụ duy trì thiết chế xã hội cũ kỹ và mục ruỗng, và kết quả là Khổng giáo đã kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Đành rằng không phải tất cả các nguyên lý của Khổng giáo đều phản động và chậm phát triển nhưng vì sự "ổn định" của xã hội, Khổng giáo sắp đặt một trật tự quá chặt chẽ, ở đấy không có không gian tự do để vươn lên, để thay đổi và để phát triển. Khổng giáo đã trở thành công cụ trong tay giới thống trị, và do đó, không phải là công cụ cho sự phát triển. Chừng nào giáo dục còn tiếp tục được lợi dụng như một diễn đàn để giáo dục chính trị thì không có phát triển. Con người cần phải tự do về chính trị bởi vì phải xem chính trị là công cụ để nhận thức tính cộng đồng của con người. Chừng nào con người tự do để nhận thức tính cộng đồng và xem cộng đồng như một đòi hỏi chứ không phải là sự ép buộc thì sẽ có sự phát triển.

1. Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

2. Những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba

3. Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục

4. Cải cách giáo dục vì một nền giáo dục hiện đại

5. Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: