Cải cách giáo dục

02:13 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Chín, 2005

Phát triển con người là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước trên thế giới đều giương cao khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều tâm sức đề xây dựng và thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các chương trình cải cách giáo dục đó, tuỳ theo mức độ, đều có những hạn chế và sai lầm nhất định.

Trước khi đi sâu vào nghiên cứu, cần phải khẳng định rằng sứ mệnh của cải cách giáo dục không chỉ đơn thuần là đưa nền giáo dục ra khỏi quá khứ mà quan trọng hơn là làm cho nó đáp ứng được những đòi hỏi của tương lai. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ sự phát triển như hiện nay, tham vọng xây dựng một hệ tiêu chuẩn tĩnh cho bất kỳ lĩnh vực gì, kể cả giáo dục và đào tạo, là hoàn toàn bất khả thi. Chính vì vậy, đổi mới và cải cách giáo dục thường xuyên theo tư duy mở là phương thức duy nhất để thích ứng với sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ của cuộc sống, nhằm mục tiêu cuối cùng là tránh nguy cơ bị gạt ra bên lề sự phát triển chung của nhân loại.

I. Những hạn chế của nền giáo dục Việt Nam

Những hạn chế của nền giáo dục Việt Nam bắt nguồn từ những nhược điểm có tính truyền thống của văn hóa Việt Nam và những hạn chế của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều cuộc cải cách giáo dục đã được tiến hành nhưng hầu hết đều thất bại do chỉ cải cách trên phương diện lý thuyết. Nói cách khác, chúng ta chỉ mải miết theo đuổi các chương trình lý thuyết và kém thực dụng. Hậu quả là, hệ thống giáo dục ngày càng không tương thích, thậm chí ngày càng tách khỏi cuộc sống.

Khác với kinh tế bao cấp, kinh tế thị trường đòi hỏi người lao động phải có những năng lực mới. Bị chi phối nặng nề bởi những nguyên lý giáo dục cũ, hệ thống giáo dục hiện nay dường như không thể đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của nền kinh tế chuyển đổi. Người lao động được đào tạo không tương thích với yêu cầu sử dụng. Phương châm đào tạo "vừa hồng vừa chuyên" vẫn chi phối hệ thống đào tạo khiến cho lực lượng lao động được giáo dục quá nhiều về nhận thức chính trị, thay vì được giáo dục năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng.

Do ngành giáo dục không đào tạo được một lực lượng lao động thỏa mãn yêu cầu của thị trường nên hiện nay, nhiều công ty đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, buộc phải tự đào tạo lấy người lao động của mình. Lý do đơn giản là chất lượng đội ngũ lao động Việt Nam, bao gồm cả đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật, chưa đáp ứng được những đòi hỏi về tiêu chuẩn văn hóa, chuyên môn - nghiệp vụ của thị trường. Chúng ta trang bị cho người lao động những kiến thức mà hệ thống chính trị cần nhưng tiếc thay, những kiến thức này không phù hợp, hay nói đúng hơn, lạc hậu so với thời đại. Điều này giải thích tại sao người lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp hơn, và do đó, bị trả lương thấp hơn trên thị trường lao động so với lao động nước ngoài có cùng trình độ chuyên môn và cùng thời gian đào tạo.

Để đưa ra những giải pháp khoa học và toàn diện cho cải cách giáo dục, chúng ta cần phân tích những nhược điểm chủ yếu của nó: Thứ nhất, xét về phương diện triết học và chính trị học, chương trình giáo dục không có tính đa dạng cần thiết của khoa học nhận thức. Các nguyên lý nhận thức luôn máy móc và giáo điều. Bên cạnh đó, những nhà giáo dục học của chúng ta lại không nhận thức được tính lạc hậu hàng ngày của các chương trình giáo dục và chương trình kiến thức. Chính bởi vậy, họ thường trang bị cho học viên quá nhiều kiến thức không cần thiết? thậm chí cả những kiến thức chỉ có giá trị thực tiễn vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Thứ hai, ngành giáo dục đào tạo không xem người lao động như một thực thể con người với các quyền độc lập của nó. Chúng ta đào tạo kỹ năng như việc nhét chúng vào một cái hộp mà quên mất rằng con người không phải là một cái hộp kiến thức mà là một cửa hàng bán kiến thức, và họ cần phải biết cách bán kiến thức để đổi lấy thu nhập. Kết quả là, chúng ta có một lực lượng lao động hoặc thiếu hoặc không có năng lực ứng xử và không độc lập để bán các giá trị của mình trên thị trường lao động.

Thứ ba, hệ thống giáo dục nặng về thi cử với những kỳ thi kéo dài triền miên gây áp lực cho cả thí sinh lẫn phụ huynh. Một cách rất chủ quan, các nhà giáo dục học của Việt Nam luôn cho rằng thi cử là cách tốt nhất để lựa chọn đầu vào mà quên mất rằng, mặt trái của thi cử là tâm lý đối phó thường trực nơi học viên và những cuộc chạy đua hành lang nơi phụ huynh nhằm kiếm tìm cho con em mình những bảng điểm "lấp lánh thành tích” ở những ngôi trường tốt. Không nhận thức được vấn đề này, các nhà giáo dục học của chúng ta bất lực trong việc trả lời câu hỏi tại sao ngày nay học sinh, sinh viên trải qua nhiều cuộc thi như vậy mà chất lượng giáo dục vẫn không được cải thiện.

Thứ tư, một trong những sai lầm cơ bản nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam là coi vai trò của giáo dục đại học cao hơn giáo dục phổ thông. Tư tưởng này trái ngược với hầu hết các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Bởi lẽ, giáo dục phổ thông là nơi cung cấp những phương pháp tư duy ban đầu và nền tảng kiến thức cho việc truy đuổi học thuật trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục phổ thông còn là giai đoạn giáo dục văn hóa, đạo đức, phong cách cho học sinh và trong giai đoạn này nhân cách của học sinh được định hình. Do không được giáo dục tốt trong giai đoạn phổ thông, lực lượng lao động của chúng ta có thể được đánh giá cao về năng lực chuyên môn nhưng lại bị đánh giá thấp về nhân cách, và hơn thế còn bị định kiến trên thị trường lao động thế giới.

Tóm lại, những sai lầm kể trên đã khiến chúng ta rất chậm trong việc nhận thức về thời đại và các đặc điểm của nó. Hậu quả là, chúng ta không chỉ đứng trước nguy cơ mà thậm chí đã thực sự rơi vào tình trạng lạc hậu trước ngưỡng cửa của thời đại mới.

II. Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục

Truy nguyên những căn bệnh của hệ thống giáo dục đào tạo không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một số nguyên nhân chủ yếu khiến cho hệ thống giáo dục Việt Nam chậm phát triển hơn so với phương Tây, thậm chí so với nhiều nước ở châu Á.

Áp đặt chính trị

Đây chính là nguyên nhân căn bản làm trì trệ nền giáo dục Việt Nam. Bởi nếu chính trị hóa hệ thống giáo dục đào tạo, Nhà nước sẽ rất khó tạo ra các yếu tố tích cực cho nền giáo dục. Nếu như có yếu tố tích cực nào đó xuất hiện thì có lẽ đó chỉ là công cụ tích cực của đời sống chính trị, chứ không phải công cụ tích cực của đời sống giáo dục. Một đảng chính trị tích cực, hay ở trong giai đoạn tích cực của nó, cũng sẽ có những đóng góp nhất định. Nhưng đời sống giáo dục không phải là một giai đoạn mà là một quá trình liên tục, và chắc chắn nó không thể "ngủ đông" chờ qua giai đoạn tiêu cực của hệ thống chính trị.

Tính chính trị hóa làm con người có định kiến chính trị khi bán các giá trị lao động của mình. Bị ảnh hưởng bởi tâm lý sỹ diện chính trị đang được bồi dưỡng cộng thêm với tâm lý sỹ diện sẵn có trong truyền thống văn hóa, người lao động Việt Nam rất khó bán sức lao động của mình. Hậu quả là, người Việt Nam ít có cơ hội đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Nếu hệ thống giáo dục của chúng ta tiên tiến trong giáo dục chính trị, nếu logic tư duy của người lao động Việt Nam là logic mở, xét cả về phương diện nhận thức chính trị và nhận thức kỹ thuật, chắc chắn người lao động sẽ có khả năng tự nhận thức để mềm dẻo hóa, linh hoạt hóa các đường biên tiếp xúc giữa một bên là cá thể với một bên là thị trường lao động.

Bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị, giáo dục và đào tạo đã phần nào trở thành công cụ tuyên truyền về mặt nhận thức và tư tưởng và điều đó khiến cho xã hội hóa giáo dục, cho tới nay, vẫn là bài toán chưa có lời giải. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa thực sự thành công trong việc kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục.

Một yếu tố khác cần xem xét là vấn đề tự trị cho giáo dục. Trên thế giới, từ lâu người ta đã bàn đến vấn đề này. Tính tự trị của hệ thống giáo dục không phải là một đòi hỏi chính trị, mà là đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội. Mục đích của chính sách tự trị giáo dục là làm cho chính trị không gây ảnh hưởng đến mức bóp méo tính tự nhiên xã hội của đời sống giáo dục. Nói cách khác, nó làm cho con người có thể tiếp cận được nhiều lượng thông tin, nhiều nguyên thông tin và khuynh hướng, làm phong phú vườn ươm các giá trị xã hội trong trường học, góp phần duy trì tính tự do phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai.

Ảnh hưởng của Khổng giáo, tư tưởng phi thực dụng và những tín điều xã hội chủ nghĩa

Nền giáo dục Việt Nam chưa bao giờ độc lập và thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo Trung Quốc, tư tưởng phi thực dụng của Pháp và tư tưởng giáo điều của chủ nghĩa xã hội vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX hay sớm hơn nữa, nhìn nhận một cách công bằng, song song với việc áp đặt những kiến thức mang tính chất thực dân, người Pháp, cụ thể hơn là bộ phận tiến bộ trong lực lượng trí thức Pháp đã có công đem đến các nước thuộc địa của mình những thành tựu của hệ tư tưởng Pháp. Nhờ đó, người Việt Nam biết rất sớm, thậm chí sớm hơn nhiều so với một số dân tộc khác những tư tưởng nhân đạo xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XIX ở Pháp hay những thành tựu có tính chất tư tưởng như của Voltạire, Diderot hay Montesquieu. Nhưng về cơ bản, hệ thống giáo dục Trung Quốc và hệ thống giáo dục Pháp giống nhau ở chỗ nặng về tu từ học và "tầm chương trích cú”', vốn là các đặc điểm mà những nền văn hóa Anglo-saxon không có bởi tính thực dụng của chúng. Do đó, trong hàng trăm năm đô hộ ở các nước thuộc địa nói chung và ở Việt Nam nói riêng, người Pháp đã không thành công trong việc xây dựng hệ giá trị thực sự và cơ cấu kinh tế cho các quốc gia thuộc địa, mà chỉ xây dựng được cơ cấu hành chính để cai trị và cơ cấu văn hóa để nô dịch người dân của những nước này.

Từ năm 1954 trở lại đây, chúng ta ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Marxist và chủ nghĩa cộng sản kiểu Stalin tới mức mọi khía cạnh chính trị của nền giáo dục Việt Nam đều xoay quanh hệ tư tưởng đó. Những nhà tuyên giáo về hệ tư tưởng này đã cố gắng làm cho 'hệ tư tưởng này thấm sâu vào từng mạch máu của đời sống xã hội và không có bất kỳ hệ tư tưởng hay trường phái triết học nào có thể thay thế được.

Tâm lý ngại thay đổi của người Việt

Trong thời đại ngày nay, đời sống xã hội phát triển nhanh đến mức các khái niệm lạc hậu dần, thậm chí lạc hậu từng ngày, từng giờ so với đời sống. Tuy nhiên, do tâm lý ngại thay đổi, chúng ta luôn mong muốn sự ổn định, dẫu rằng nhiều khi chỉ là sự ổn định giả tạo, dẫn đến việc ngủ quên trên các khái niệm cũ và lần lữa trong việc đổi mới để thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống. Đó là một sai lầm lớn bởi sẽ không bao giờ có sự đồng thuận giữa quá khứ và tương lai. Tất cả các khái niệm hiện tại đều lạc hậu so với sự phát triển của thời đại, vì vậy, nhiệm vụ của giáo dục là phải đổi mới chúng và chuẩn bị lực lượng cho tương lai.

Tóm lại, thay vì lạc lối trong các thuật ngữ và tôn thờ các lý thuyết cổ xưa, chúng ta phải tôn thờ cuộc sống, mà mục đích của cuộc sống, bản thể của cuộc sống là con người. Chỉ khi nào chúng ta nhận thấy được sự yếu kém của mình so với thế hệ trẻ thì đất nước chắc chắn sẽ phát triển. Hệ thống chính trị chỉ tiến bộ khi nó nhận thức được tính lạc hậu hiện tại của chính nó và có đối sách sao cho sự xuất hiện các yếu tố tương lai trở thành tầm nhìn chính trị. Chính tương lai sẽ buộc chúng ta phải thay đổi và đổi mới; và cải cách chính là cách thức duy nhất để không bị tụt hậu trong thế giới hiện đại.

Thương mại hóa giáo dục

Trong nền kinh tế thị trường hiện dại, thương mại hóa giáo dục là hiện tượng quan ngại nhất. Thương mại hóa giáo dục, hay được những cái tên khác như tư nhân hóa, thị trường hóa giáo dục là điều tuyệt đối không nên làm. Bởi thương mại hóa giáo dục chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho những người hoạt động trong ngành giáo dục tiếp cận với mặt trái của kinh tế thị trường.

Trong khi những nước tiên tiến sử dụng các công cụ thương mại chuyên nghiệp để hỗ trợ giáo dục, chúng ta lại thương mại hóa giáo dục ở nhiều mức độ và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một số người do thiển cận đã đề xuất sáng kiến nên coi trường tư thục là cơ sở kinh doanh và điều chỉnh hoạt động của nó theo Luật Doanh nghiệp. Đó là việc làm nguy hiểm bởi trường học là cơ sở xã hội, Chính phủ phải ban hành các chính sách để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nó và thực hiện các biện pháp cứu trợ kịp thời trong trường hợp xảy ra rủi ro. Mọi xáo động bất thường, chẳng hạn việc trường học tuyên bố phá sản hay bị đình chỉ hoạt động, đều gây ra thiệt hại khó lường cho xã hội.

Mặt khác, trường học là môi trường hoàn thiện nhân cách cho thế hệ tương lai. Nếu thương mại hóa giáo dục, chúng ta sẽ sớm hình thành các tính cách tiêu cực trong lớp trẻ, khiến lớp trẻ mất niềm tin vào cuộc sống và sự trong sạch của ngành giáo dục, và điều đó chắc chắn sẽ tiêu diệt từ trong từng nước những hạt nhân tiên tiến cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

III. Tiến tới một nền giáo dục hiện đại

Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục phong phú, gần cuộc sống và luôn thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống. Môi trường giáo dục tốt phải là vườn ươm các nguyên chính trị và các nguyên nhận thức, nói cách khác, nó phải là vườn ươm các module phát triển của toàn xã hội, là nơi sản sinh đồng thời lưu giữ tính phong phú của nhận thức xã hội.

Hoạch định một chương trình cải cách giáo dục chi tiết là công việc của những nhà chính trị và những nhà giáo dục học chuyên nghiệp. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, bài viết này chỉ mang tính chất gợi ý với mong muốn có một chương trình cải cách giáo dục thấu đáo và toàn diện hơn.

Tự do, tự lập, tự trọng - Nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được cái đích cần vươn tới. Mục tiêu của giáo dục là trang bị cho nguồn nhân lực những kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại là tự do, tự lập và tự trọng. Đối với cuộc đời một con người, tự do là điểm khởi đầu, tự lập là điểm tiếp theo, và tự trọng là điểm cuối cùng. Nếu không tự do, chúng ta sẽ không thể tự lập, và nếu không tự lập, chúng ta sẽ không thể tự trọng. Linh hồn chính trị của đời sống giáo dục cũng là tự do. Tự do chính trị có nghĩa là không bị áp dặt và định kiến chính trị để có khả năng tiếp cận và xử lý uyển chuyển trước những khác biệt của đời sống. Tự do để tạo không gian sáng tạo cho tất cả những hạt nhân phát triển của cộng đồng. Nếu không, dẫu đọc nhiều, học nhiều, chúng ta vẫn mãi là những con mọt sách và không thể sáng tạo các giải pháp tiếp cận và phát triển xã hội.

Trong đời sống hiện đại, nhiệm vụ của giáo dục là rèn luyện tính sáng tạo, tính thực dụng và tính cạnh tranh cho cả cộng đồng. Nếu không tự do, giáo dục sẽ trở thành vỏ bọc của chủ nghĩa tuyên truyền trong khi giáo dục không phải là tuyên truyền, mà nhằm giúp con người tìm thấy vùng tự do của mình trong hoạt động nhận thức, hướng dẫn công nghệ ban đầu của nhận thức, hay truyền dạy phương pháp luận nhận thức trên tất cả các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội.

Tư duy mở - Phương pháp luận giáo dục hiện đại

Bước đi quan trọng tiếp theo là chúng ta phải đổi mới và cải cách phương pháp luận giáo dục. Có thể nói, nền giáo dục của chúng ta vừa lạc hậu vừa xa rời cuộc sống và điều đó khiến người lao động Việt Nam vụng về trong ứng xử, thiếu hiểu biết về kỹ năng và ngạo mạn về các giá trị văn hóa và tư tưởng. Do đó, chúng ta phải định hướng nội dung giáo dục đào tạo theo tư duy mở, nghĩa là hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới từ chỗ chỉ giáo dục cái mà Nhà nước muốn, tới việc giáo dục cái mà xã hội và thị trường cần.

Nhìn lại lịch sử, hầu hết các cuộc trường kỳ kháng chiến do nông dân lãnh đạo ở Việt Nam đều đã thiết lập được triều đại riêng nhưng thường không mấy thành công trong việc xây dựng đội ngũ trí thức thực sự của mình. Nhiều nhà trí thức Việt Nam tự cho mình khôn ngoan, nhưng rốt cục cũng chỉ nhặt nhạnh kiến thức theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa chứ ít người thực sự nghiên cứu. Chính bởi vậy, trí thức Việt Nam hầu như không có chính kiến trước các vấn đề của thời đại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại vấn đề phát triển con người, phải hiện đại hóa người Việt và trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa của riêng mình, làm nòng cốt cho quá trình phát triển đất nước.

Thứ nhất, giáo dục nhân cách - Bài học vỡ lòng của giáo dục

Chúng ta phải gắn các giai đoạn của quá trình giáo dục với những đòi hỏi đích thực của xã hội. Chúng ta cần phải xem giáo dục như một quá trình liên tục và dài hạn, và giáo dục phổ thông là điểm khởi đầu cho quá trình đó.

Chúng ta cần phải xem giáo dục phổ thông quan trọng hơn giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học. Bởi giáo dục phổ thông cung cấp những module kiến thức cơ bản cho mỗi con người và tạo cơ sở cho các giai đoạn giáo dục sau đó. Môi trường phổ thông giáo dục những bài học vỡ lòng đầu tiên và định hình nhân cách cho môi hạt nhân tương lai của đất nước. Do đó, thay vì chỉ tập trung đầu tư cho giáo dục đại học, Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư hơn lý và hiệu quả cho giáo dục phổ thông. Mặt khác, chúng ta phải từ bỏ tâm lý xem giảng viên đại học như tầng lớp thượng lưu của xã hội, đồng thời chấm dứt tình trạng chỉ phong hàm giáo sư, cấp bằng tiến sỹ ở khu vực đại học. Ngành giáo dục đào tạo của chúng ta cần phải phong tặng, thậm chí tăng cường phong tặng danh hiệu giáo sư, tiến sỹ ở ngay giai đoạn phổ thông.

Về tổ chức quản lý, chúng ta cần phải tách giáo dục phổ thông khỏi giáo dục đại học và giáo đục chuyên nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Bộ Giáo dục Phổ thông và Bộ Đại học.

Tóm lại, giáo dục phổ thông là giai đoạn rất quan trọng, là nền tảng cho các giai đoạn giáo dục về sau. Chúng ta cần phải có phương pháp khoa học để những kiến thức cơ bản của học sinh, nhân cách của học sinh trong giai đoạn phổ thông được hình thành một cách lành mạnh và đầy đủ. Nên nhớ rằng, nhiệm vụ của giáo dục phổ thông không phải là chuẩn bị tâm lý cạnh tranh mà là xúc tiến và hoàn thiện nhân cách của người lao động. Nói cách khác, giáo dục phổ thông là giai đoạn hình thành con người chứ không phải hình thành con người cạnh tranh.

Thứ hai, giáo dục kỹ năng - Tiền đề để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động

Chúng ta phải đào tạo những kỹ năng có thể bán được. Giáo dục phải là phương tiện cơ bản và ban đầu nhằm trang bị cho con người những kiến thức đủ để tham gia, và quan trọng hơn là để thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của cuộc sống. Trong thời đại phát triển vũ bão như hiện nay, các kỹ năng bị lạc hậu rất nhanh, do đó, việc trang bị những kỹ năng hoàn chỉnh ngay tại nhà trường là việc làm vô ích và lãng phí. Chính vì vậy, giáo dục đào tạo chỉ cần trang bị tư duy nhận thức và phương pháp luận cho người lạc động để họ có thể tự hoàn thiện và phát triển các kỹ năng trong quá trình thực hành. Diều đó đòi hỏi sự đồng bộ về trình độ công nghệ và mối liên hệ chặt chế giữa xã hội và nhà trường.

Tóm lại, chúng ta phải thường xuyên quy hoạch tính mới, tính cải cách của chương trình đào tạo để nó không xa rời mà luôn tương thích với sự phát triển, tương thích với cuộc sống để sinh viên khi ra trường có thể trở thành thành phần tiên tiến, dẫn dắt các trạng thái phát triển nghề nghiệp của xã hội. Thêm vào đó, chúng ta phải liên tục hiện đại hóa và thực dụng hóa các chương trình dào tạo nghề nghiệp để năng lực lao động của người Việt Nam có thể thỏa mãn các yêu cầu của thị trương lao động.

Thứ ba, giáo dục ứng xử nhằm xúc tiến việc bán những kỹ năng lao động

Do ít được giáo dục, thậm chí không được giáo dục về văn hóa ứng xử, người Việt Nam dễ gây phản cảm trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Chúng ta có khuynh hướng nói quá nhiều về mình, tuyệt đối hóa các giá trị của mình mà không biết rằng giá trị của mỗi con người là một đại lượng được người khác xác nhận. Dân tộc ta có rất nhiều điều vĩ đại và đáng tự hào nhưng không có nghĩa là những điều đó cũng vĩ đại và đáng tự hào với tất cả các dân tộc, cộng đồng khác trên thế giới. Do đó, giáo dục ứng xử là một việc làm rất cần thiết.

Giáo dục ứng xử giúp người lao động thích ứng với nhiều nền văn hóa và điều kiện sống khác nhau. Trên thị trường, người lao động luôn phải cạnh tranh với nhau nên phần thắng sẽ thuộc về những người biết ứng xử khôn khéo hơn trong việc quảng bá các giá trị của mình. Mặt khác, giáo dục ứng xử nhằm giáo dục nội dung văn hóa của quá trình ứng xử, mà nguyên khí của quá trình ứng xử là tự do. Giáo dục tự do là giáo dục thái độ ứng xử cho phù hợp với môi trường sống. Nếu được giáo dục tự do, người lao động sẽ tự tin và hấp dẫn hơn trên thị trường lao động cả trong nước và thế giới.

Thứ tư, giáo dục tư tưởng - Hạt nhân của quá trình giáo dục

Mỗi cộng đồng nhân loại có những kinh nghiệm sống khác nhau, và do vậy, hình thành các.hệ tư tưởng khác nhau. Hệ tư tưởng là kết quả của việc hệ thống hóa các kinh nghiệm sống, vì thế nếu chúng ta đem đối lập các hệ tư tưởng với nhau thì năng lực hợp tác giữa các cộng đồng sẽ giảm đi. Hiện nay, nhiều người trong chúng ta lo sợ lập trường tư tưởng của người Việt sẽ bị lung lay, thậm chí biến mất nếu tham gia vào thị trường lao động thế giới mà quên mất rằng việc giữ gìn bản lĩnh tư tưởng của mình không đồng nghĩa với việc không chấp nhận những tư tưởng khác biệt khác. Hậu quả là, người Việt Nam khi ra khỏi biên giới lập tức trở thành những kẻ kềnh càng, dị biệt bởi chúng ta luôn tuyệt đối hóa cái đúng của mình đến mức không chấp nhận cái đúng của người khác, tuyệt đối hóa vẻ đẹp của mình mà quên mất vẻ đẹp của người khác, và điều này làm cho tâm hồn người Việt không được phong phú khi tiếp cận với thế giới.

Bên cạnh đó, hệ thống văn hóa tư tưởng tuyên huấn của chúng ta thường có khuynh hướng vận hành vì những mục tiêu cụ thể, rất hẹp và ngắn hạn. Ngụy biện cho hiện tượng này, đôi khi chúng ta gọi là sự linh hoạt chính trị. Không thể phủ nhận rằng, trong quá khứ, ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, sự linh hoạt chính trị là thực sự cần thiết và rất khôn ngoan, nhưng không có nghĩa nó có thể là giải pháp cho mọi tình thế. Sự linh hoạt về chính trị trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử không phải là những giá trị văn hóa vĩnh cửu, càng không phải là những tiêu chuẩn văn hóa ứng xử bất biến. Do đó, những kinh nghiệm ấy chỉ mang giá trị lịch sử và chúng ta không nên máy móc áp dụng trong thời đại hiện nay.

Xã hội hóa giáo dục - lời giải cho bài toán đánh thức và huy động mọi tiềm năng trong xã hội

Ngoài những nội dung kể trên, một nhiệm vụ bức thiết đặt ra trước chúng ta là xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, cần phải hiểu xã hội hóa giáo dục theo đúng bản chất của nó để tránh nhầm lẫn với hiện tượng tư nhân hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là làm cho sự nghiệp giáo dục trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Do đó, thay vì chỉ duy trì hệ thống các trường công, Nhà nước phải tạo không gian xã hội, luật pháp và chính trị cho việc hình thành một khu vực giáo dục mà ở đấy ai cũng có quyền đóng góp vì sự nghiệp giáo dục và Nhà nước là thành phần quan trọng nhất. Điều đó có nghĩa là Nhà nước phải tạo điều kiện cho các trường tư thục hình thành và phát triển. Tuy nhiên, về cơ cấu sở hữu và quản lý, ban giám hiệu phải tách bạch với bộ máy sở hữu và quyền sở hữu không thuộc về một người mà thuộc về nhiều người.

Về mô hình hoạt động, trường tư thục được tổ chức giống công ty cổ phần mở, huy động được sự tham gia đóng góp của mọi người dân thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, chẳng hạn như cổ phiếu. Tài sản của trường tư thục được chia thành nhiều cổ phần và càng chia nhỏ bao nhiêu thì rủi ro càng ít bấy nhiêu. Đó là con đường đúng đắn nhất để xã hội hóa giáo dục, tức là xã hội hóa giáo dục bằng những công cụ tài chính hiệu quả.

Đây không còn là vấn đề lý luận chính trị, mà là vấn đề lý luận chuyên nghiệp, lý luận tài chính cho khu vực giáo dục. Nhà nước phải xây dựng lý luận tài chính cho khu vực giáo dục tư và phải có các công cụ tài chính chuyên nghiệp để chống rủi ro cho sự tồn tại và phát triển của các trường học.

Bên cạnh đó, khi cho phép lập các trường tư, Nhà nước cần phải bảo hộ tính ổn định của nó, trước hết là phải ổn định trường sở. Bởi nếu không tạo điều kiện về không gian địa lý cho các trường tư, Nhà nước đã vô tình tối thiểu hóa cơ sở vật chất của các môi trường đào tạo. Học sinh sẽ không thể được giáo dục toàn diện trong một trường học không có sân bóng, bể bơi và các câu lạc bộ. Mặt khác, nếu trường học chỉ giáo dục lý luận thì không cần nhiều cơ sở vật chất, nhưng vì trường học là nơi đào tạo những kỹ năng cần thiết, do đó, nó đòi hỏi cơ sở vật chất ở quy mô lớn hơn nhiều (xây dựng các phòng thí nghiệm là một ví dụ điển hình). Do đó, Chính phủ có thể hỗ trợ cho các trường tư, đồng thời kinh doanh chúng bằng cách cho thuê đất nhưng giá thuê đất và thời hạn thuê đất cho giáo dục phải khác với việc thuê đất cho các mục tiêu khác.

Tóm lại, xã hội hóa giáo dục là một việc nên làm và phải làm bởi nó sẽ huy động và đánh thức tiềm năng của mọi thành phần kinh tế. Xã hội hóa giáo dục là giải pháp quan trọng để hệ thống giáo dục nước ta tiến kịp các nước khu vực và thế giới.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đam mê quan sát cuộc sống

    12/11/2014Minh ChâuKhi người ta còn bận rộn với những điều gì đó, thì tôi làm giàu. Còn khi tất cả đổ xô tìm kiếm giàu sang, thì tôi đã làm những việc khác. Ông thừa nhận mình không phải là một nhà hàn lâm và cũng không có ý định trở thành như vậy. "Nhưng tôi là một người đam mê quan sát cuộc sống. Chính đam mê này và sự hấp dẫn của cuộc sống đã thúc ép tôi phải có những lý giải về nó"...
  • Suy Tưởng

    01/09/2007Bùi Quang MinhHết sức tình cờ, tôi đã được tác giả tiếp chuyện và được tặng tác phẩm Suy Tưởng. Có thể nói chưa bao giờ tôi có được cảm xúc như vừa ăn một bữa "đại tiệc của tinh thần" đến vậy. Tác giả bằng quan điểm uyên bác và cái nhìn sâu sắc, mạch văn hấp dẫn cô đọng, sắc sảo... đã xới lên và gợi mở các giải pháp một cách thuyết phục cho những chủ đề nóng hổi, thiết thực và sống còn của dân tộc. Hy vọng các bạn cũng được đọc và suy tưởng tiếp những vấn đề đã nêu trong cuốn sách...

Nội dung khác