Tự do - Sản phẩm của cải cách hay cách mạng?
Tự do luôn luôn là khởi nguồn của mọi sự phát triển, cải cách cũng hướng tới sự phát triển hay mục tiêu của cải cách là phát triển. Do đó, tự do là hạt nhân, là linh hồn của các cuộc cải cách.
Trước hết, tự do không chỉ là điểm xuất phát mà còn là điểm mấu chốt của cải cách. Nếu không đi theo khuynh hướng trao trả lại tự do để con người trở thành chính nó thì mọi cuộc cải cách đều không có giá trị. Không có một cuộc cải cách nào đem lại một miếng bánh cụ thể hay chỉ rõ chủ sở hữu của bất kỳ miếng bánh cụ thể nào. Cải cách tạo ra năng lực đi tìm bánh của con người chứ không phải cách thức tìm ra miếng bánh. Nói cách khác, đối tượng của các cuộc cải cách chính là năng lực tổ chức cuộc sống của con người.
Suy luận này dẫn đến khẳng định rằng tự do là hạt nhân của chương trình cải cách của bất kỳ thể chế chính trị nào. Trong một thể chế đa nguyên, mỗi một đảng chính trị cần xây dựng các chương trình cải cách theo quan điểm chính trị của mình. Nếu không có sự đa dạng của các nguyên thì xã hội không có điều kiện để chuẩn bị cho các sự thay thế. Vậy cấu trúc thể chế của một xã hội cần phải như thế nào để xã hội luôn luôn có những điều kiện công khai, hợp pháp trong việc chuẩn bị các lực lượng thay thế. Đó là quyền và trí tuệ cơ bản của một thể chế chính trị. Một thể chế chính trị hợp lý là một thể chế có khả năng được điều hành bởi những đảng chính trị khác nhau. Đó chính là tự do.
Hơn nữa, tính đa dạng về tinh thần hay đa dạng về nhận thức là điều kiện tiên quyết để xã hội có thể kêu lên những đòi hỏi của mình. Đó chính là tiền đề thông tin của việc hình thành các chương trình cải cách xã hội. Nếu các chương trình hành động xã hội, các chương trình cải cách xã hội không được hoạch định trên một tinh thần cơ bản là tự do thì sẽ không có ý nghĩa. Tự do cũng là một nội dung quan trọng của cuộc cải cách trung tâm - cải cách chính trị. Không thể cải cách được nếu trong nội dung của chương trình cải cách không có cải cách chính trị. Bản chất của cải cách chính trị chính là tạo dựng tự do, là trao, là phân phối tự do tới từng con người. Nếu không có tự do thì không có con người.
Không ít quan điểm vẫn cho rằng phải có một cuộc cách mạng chính trị mới tạo ra tự do cho con người. Tôi cho rằng, mọi cuộc cách mạng đều không đem lại tự do, các cuộc chỉnh lý sau cách mạng đem lại tự do chứ không phải cách mạng. Mọi người tưởng rằng cách mạng Pháp tạo ra tự do, nhưng trên thực tế đã tạo ra Napoleon. Toàn bộ tự do được tạo ra bởi các cuộc chỉnh lý hậu cách mạng, tức là cải cách đem lại tự do. Cải cách đem lại tự do bằng gì? Bằng cách nhận thức rằng nếu không có tự do thì không có phát triển. Chỉ nơi nào có hòa bình, con người sống hòa bình thì con người mới có đòi hỏi phát triển. Không có hòa bình thì con người chạy trốn để tìm cách tồn tại. Tồn tại là mục tiêu của những hoạt động phi hòa bình, của những xã hội phi hòa bình. Phát triển mới là đòi hỏi của một xã hội hòa bình. Khi đòi hỏi chủ yếu ở thời bình là phát triển, con người mới nhận ra giá trị mang tính bản chất của tự do. Tự do tạo ra sự phát triển và là động lực cơ hám của mọi sự phát triển.
Như vậy, tự do là cái gì đó người ta phải nuôi trồng, phải trải qua một quá trình thì con người mới có được. Tự do không phải là giải phóng nô lệ vì giải phóng nô lệ là giải phóng con người ra khỏi trạng thái bị giam hãm chứ không đem lại tự do thực sự cho con người. Đem lại tự do cho con người là cách để dạy con người sống với nhau một cách hòa bình, để con người không quay trở lại nhà tù, con người không yêu mến nhà tù. Các nhà cách mạng tạo ra một trạng thái bịa đặt, một trạng thái được gọi là tự do sau khi ra khỏi tù. Nhưng sau khi ra khỏi tù, con người sẽ thay thế nỗi sợ bị giam cầm bằng sự căm thù kẻ đã giam cầm mình. Chừng nào con người vẫn còn căm thù thì con người vẫn là kẻ tù tội. Tự do đem lại một cảm giác khác hoàn toàn. Tự do là không gian tinh thần mà con người có thể thưởng thức mọi thứ mà cuộc sống đem lại. Tự do là kết quả của đời sống hòa bình, là đời sống không có những vật cản đối với tiến trình con người nghĩ và hành động. Sau các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thế giới thứ ba vẫn không có tự do, mặc dù họ có độc lập dân tộc. Tôi cho rằng, tự do có trước khái niệm con người. Ngay cả những nhà hiền triết của chúng ta cũng gắn khái niệm tự do với sự không bị giam hãm nhưng sự không bị giam hãm chưa phải là tự do. Tự do chính là động lực thúc đẩy con người vươn tới những giới hạn, đi tìm kiếm những giới hạn thách thức cuộc sống phát triển của mình. Tự do chính là động lực để thổi vào tâm hồn con người, đẩy con người vươn tới giới hạn của nhận thức, giới hạn của hành động để kiến tạo những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống. Chính vì thế, tự do hoàn toàn không phải là sản phẩm của các cuộc cách mạng. Tự do là sản phẩm được hình thành bởi các hoạt động điều chỉnh hậu cách mạng và đó chính là kết quả của các cuộc cải cách chính trị.
Xem tiếp:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá