Đáng suy ngẫm

07:38 CH @ Thứ Tư - 15 Tháng Hai, 2012
Hồi nhỏ, sống lam lũ, ăn còn chưa đủ, sách không có để đọc, chỉ lo giúp gia đình làm lụng, chăn trâu, bắt cua, mò cá, giúp làm việc trong nhà ngoài đồng, rồi đi học và cũng vẫn làm những việc lặt vặt ấy…, lấy đâu ra thời gian và trò chơi, đồ chơi để chơi...

Nhưng ngẫm lại thấy không hoàn toàn vậy. Lúc chăn trâu bọn trẻ chúng tôi dàn nhau đánh trận giả, đôi khi đánh nhau thật với đám trẻ làng bên cạnh; chúng tôi chơi kéo co, đánh pháo đất, chọi quay, lấy bùn trát lên bờ đê làm cầu trượt từ đỉnh đê xuống sông có lẽ còn vui hơn trẻ con vào công viên chơi cầu trượt ở các đô thị lớn bây giờ… Chơi bài, đánh đáo, đánh đu, rồi theo người lớn xem họ đào thùng, căng dây để làm “nhạc cụ” hát trống quân, xem chèo, xem “văn công”, rồi đến xem “chiếu bóng” (xem phim).

Nhu cầu chơi, giải trí luôn luôn có đối với mỗi con người, với mỗi cộng đồng. Nhu cầu chơi mỗi thời một khác. Về quê bây giờ hầu như không còn thấy bọn trẻ chơi như thời chúng tôi 50-60 năm trước. Không còn lũ trẻ chăn trâu chăn bò nữa, không còn nhiều cơ hội cho các trò chơi dân gian, tự phát cho cả trẻ con lẫn người lớn. Chỉ thấy TV áp các trò chơi, phim ảnh mà phần lớn đều của nước ngoài xuống cho người dân “hưởng thụ”, hay bọn trẻ có thể chọn từ một số game trên máy tính và trên mạng và đôi khi sinh nghiện. Chúng chưa có đủ khả năng mua các đồ chơi Lego, khối Rubik, hay các đồ chơi khác và có lẽ người lớn cũng ít chú ý đến nhu cầu chơi của chúng.

Còn những người người giàu thì chơi xe, máy bay, du thuyền.

Có nhà xã hội học nào đi nghiên cứu sự tiến hóa của việc chơi hay không? Người ta có tạo môi trường cho việc chơi lành mạnh hay không?

Đáp ứng việc chơi của trẻ con và người lớn xem ra cũng là chuyện trọng đại chứ chẳng phải chuyện không cần để ý tới. Tại sao chúng lại thích đua xe? Cấm đua xe có được không, hay phải tạo sân chơi phù hợp cho chúng, kể cả các trò chơi mạo hiểm như đua xe, leo cây, leo núi, nhảy dù?

Có những trò chơi mà người muốn tham gia phải trả tiền, lại có trò chơi mà người chơi được trả tiền. Có loại trò chơi nào của người Việt được những người nước ngoài cũng say mê mang lại danh tiếng cho tác giả và đất nước?

Mấy chục năm trước, khi còn ở Hungary, tôi đã chứng kiến sự ra đời của trò chơi khối Rubik. Ông Rubik là người phát minh ra trò chơi này năm 1974. Năm 1977 các khối Rubik bắt đầu được sản xuất và dần trở nên thông dụng ở Hungary. Ông đã ký hợp đồng với các hợp tác xã công nghiệp để sản xuất và đã gặp nhiều khó khăn. Ông đã đệ trình một cơ quan của Bộ Giáo dục để dùng khối Rubik như công cụ trợ giúp học tập và đã bị từ chối! Bất chấp khó khăn trò chơi và việc sản xuất ngày càng mở rộng ở Hungary.

Năm 1980 số khối Rubik tiêu thụ trong nước là 1 triệu (bằng một phần mười dân số Hungary!). Số đơn hàng xuất khẩu lên đến 2 triệu (vượt quá khả năng sản xuất của Hungary lúc bấy giờ). Ông đã thử đưa trò chơi này ra thế giới, nhưng kết quả khá khiêm tốn. Chỉ đến khi ông bán quyền kinh doanh khối Rubik cho Ideal Toys (nay thuộc Martell Toys), một công ty trò chơi Mỹ, thì khối Rubik mới thực sự chinh phục thế giới từ các năm 1980 trở đi. Riêng năm 2005 số lượng khối Rubik được bán là hơn 300 triệu.

Khối Rubik đã trở thành một trong những đồ chơi trí tuệ bán chạy nhất thế giới mang lại công ăn việc làm cho nhiều ngàn người, sự giàu có và danh tiếng cho ông Rubik và thú vui cho nhiều trăm triệu trẻ em và người lớn trên khắp thế giới. Người ta còn tổ chức các cuộc thi đấu xoay khối Rubik xem ai giải nhanh nhất. Cuộc thi vô địch thế giới lần đầu được tổ chức ngày 5.6.1982 tại Budapest với 19 vô địch quốc gia của 19 nước tham gia, trong đó có 2 học sinh gốc Việt là Đức Trinh của Canada và Minh Thái của Mỹ. Minh Thái đoạt chức quán quân toàn cầu trong cuộc thi năm 1982 này.

Theo báo Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Trí Uẩn (1916-1995) đã phát minh ra trò chơi “Trí Uẩn” từ năm 1940 ở Hà Nội. Trò chơi xếp hình này gồm 7 miếng rời và có thể xếp thành rất nhiều hình khác nhau. Theo bài báo, con ông Trí Uẩn kể lại rằng cuối năm ấy việc bán các hộp đồ chơi “Trí Uẩn” đã mang lại cho bố ông số tiền 49 đồng (1 tấn gạo lúc đó có giá 39 đồng), ba tháng sau được 500 đồng (bằng 12,8 tấn gạo, cỡ 5 ngàn USD tính theo giá gạo hiện nay).

Đến 1942, theo bài báo, tại một hội chợ ở Sài Gòn, mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 20.000 hộp “Trí Uẩn” và chỉ trong một tháng đã thu được 600.000 đồng (bằng 15.385 tấn gạo). Bài báo cũng cho biết tên trò chơi “Trí Uẩn” do cụ Hồ Chí Minh đặt ra (ông Nguyễn Trí Uẩn gọi trò chơi của mình là “Evereto”) và năm 1959 đã có cuốn “Trí Uẩn” được in hướng dẫn cách chơi. Sau 18 năm ra đời tác giả lại phát triển ra các trò chơi tương tự khác (Rukik cũng nghĩ ra các khối khác không phải lập phương như xếp hình con rắn, các khối đa diện). Thật đáng tiếc, cho đến nay ít ai biết đến trò chơi xếp hình “Trí Uẩn” này.

Nhưng bài báo viết “có người thấy trò chơi này được bán tại Nam Phi, do Trung Quốc sản xuất”. Giá như có môi trường thuận lợi, giá như việc “kinh doanh” được tự do và được tạo điều kiện, giá như đã có sự hợp tác giữa tác giả và những người có đầu óc kinh doanh, giá như người Việt cũng hiểu kỹ về “quyền sở hữu trí tuệ” thì biết đâu trò chơi “Trí Uẩn” lại chẳng nổi tiếng khắp thế giới như khối Rubik làm rạng danh tác giả và dòng họ cũng như cả nước Việt Nam! Không có cái giá như, nhưng người ta phải suy ngẫm.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng hai câu chuyện về các trò chơi Rubik và Trí Uẩn không thể không khiến người ta phải so sánh, liên tưởng và đặt ra nhiều câu hỏi.

Xem ra việc chơi cũng đáng để suy ngẫm.


Nội dung liên quan

  • Bóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ

    22/06/2006Trà ĐoáBóng đá ra đời ở Anh hay ở Trung Quốc, chắc chẳng quan trọng gì. Ngày nay, nó đã trở thành môn thể thao có đông người hâm mộ nhất, và vì thế được các chính phủ “quan tâm” nhiều nhất. Một nơi bóng đá chẳng được bao nhiêu người ưa thích như Mỹ mà trước World Cup 2006, tổng thống G. Bush còn gọi điện động viên tinh thần cho huấn luyện viên Bruce Arena...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: quen lêu lổng, ăn chơi, cờ bạc

    21/07/2015Vương Trí NhànUổng thay! Từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều luống những đêm ngày. Nghe ai cho vay thì mừng hớn hở, hỏi rồi nào lo trông trả? Vì vô nghề nghiệp nên mới sinh tệ trong xứ như thế. Làm người phải biết thương cái thể diện của mình!
  • Nhật ký của một dân chơi

    28/10/2014Lê Thị Liên HoanMình tỉnh lại trong bệnh viện và thấy hai chân đang treo lên trần nhà. Mình nhìn sang bên: Tuyến “bốn răng” không còn răng nào đang nằm, hai tay trắng xóa.
  • Trò chơi cuộc đời

    14/09/2014Hà Dương Tường“Martin đã biến hàng ngàn đứa trẻ thành những nhà toán học và hàng ngàn nhà toán học thành những đứa trẻ”. Ronald Graham, nhà toán học nổi tiếng tại đại học California ở San Diego đã đánh giá như thế về Martin Gardner, người vừa qua đời ngày 22.5.2010, ở tuổi 96.
  • Thú chơi sách nghệ thuật

    22/04/2010Phạm Công LuậnSách nghệ thuật với hình thức in ấn cao cấp, chất liệu giấy từ tốt đến hảo hạng và số lượng in có hạn đã trở thành một thú chơi tao nhã và kén chọn, bởi ngoài túi tiền rộng rãi, người chơi cần một trí tuệ ham hiểu biết, một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp và cả thời gian tìm tòi nữa.
  • Trò chơi người lớn

    29/05/2009Nguyễn Thị Thục AnhNgười lớn, đa phần đều là những trẻ em lâu năm. Bằng chứng, cứ hở ra là họ lại say sưa nhớ về thời cởi truồng tắm sông và những trò chơi con trẻ. Đôi khi, không chỉ nhớ, họ còn tìm cách chơi...
  • Dụng nhân như… chơi hoa

    31/08/2006Lê Phú CườngMột trong những vấn đề quan trọng trong công tác nhân sự là chọn lựa nhân viên có tiềm năng để vun bồi và phát triển. Điều cần thiết đối với các nhà quản lý là nhìn thấy được khả năng của nhân viên trong khi họ còn chưa có cơ hội thể hiện...
  • Họp “chơi”, làm thật và họp “thật” mà không làm

    01/03/2006Đặng ChuẩnMột anh bạn tôi lần đầu đi Mỹ tham dự một cuộc Hội thảo trở về. Gặp tôi, anh than thở, tham quan đất nước Mỹ thì thích, nhưng công việc chính là hội thảo thì hơi buồn. Mình đọc tham luận mà hình như họ chẳng chú ý nghe...
  • Những quái chiêu học và chơi

    25/10/2005Hương LanMột cuộc khảo sát nhỏ của chúng tôi với hơn 100 sinh viên học tại các trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có đến hơn 40% sinh viên trong nhóm này thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi để nghe nhạc, xem phim, tụ tập bạn bè...
  • Phương pháp luận sáng tạo hay trò chơi nguy hiểm?

    10/02/2003Tuấn Thành5 kg là số lượng tài liệu của một môn học được gửi đến các cấp lãnh đạo có liên quan nhằm vận động đưa môn học này vào giảng dạy trong chương trình đại học. Đó là môn học gì mà tài liệu lại đồ sộ đến như vậy?
  • xem toàn bộ