Phương pháp luận sáng tạo hay trò chơi nguy hiểm?

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Là một trong số 6 sinh viên Việt Nam khi du học tại Liên Xô may mắn theo học khóa học về phương pháp luận sáng tạo do GS Altshuler giảng dạy tại ĐH Sáng tạo Sáng chế Bacu, Kỹ sư Dương Xuân Bảo (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng tạo KHCN) cùng với GS Phan Dũng (Giám đốc Trung tâm Sáng tạo KHKT TP Hồ Chí Minh) là hai người hăng hái nhất trong việc truyền bá tư duy sáng tạo.

Ông Dương Xuân Bảo vẫn còn nhớ bằng tốt nghiệp của GS Phan Dũng mang số 32 - khóa 1. Còn bằng của ông mang số 62 - khoá 2. Nói may mắn bởi khóa học phương pháp luận sáng tạo của ĐH Sáng tạo, sáng chế Bacu chỉ mở được hai khóa rồi phải đóng cửa. Kỹ sư Bảo kể: "Khi theo học phương pháp này chúng tôi đã gặp phải không ít áp lực. Thời kỳ đó, Liên Xô rất trọng dụng người có bằng cấp mà thầy Altshuler khi ấy chỉ là kỹ sư. Lớp học của thầy thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị cao. Đặc biệt, năm 1974 một đoàn chuyên gia của Ba Lan sang thẳng Bacu nhờ thầy đào tạo. Đoàn chuyên gia này không đi qua Hội những nhà sáng chế Liên Xô nên thầy bị ghép vào tội bán bí mật quốc gia. Vậy là trường học của thầy chỉ mở vẻn vẹn 2 khóa với 80 sinh viên trong đó có 6 sinh viên Việt Nam."

Từ Liên Xô trở về nước, Dương Xuân Bảo vào làm việc tại Bộ Nội vụ, thời gian mà ông gọi là "thời kỳ khép kín". Tuy nhiên, ông cũng đã kịp ẵm vào tay mình giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo của Bộ. Năm 1987, trong một lần tiến sĩ An Khang, Cục trưởng Cục sáng chế, sang Bộ Nội vụ nói chuyện, Dương Xuân Bảo mạnh dạn lên gặp ông: "Các anh là cục sáng chế nhưng ở chỗ các anh có sáng chế được không?" Ông Khang trả lời: "Chúng tôi chỉ là nơi đăng ký sáng chế chứ không phải là nơi sáng chế." Bảo khoe: "Khi ở Liên Xô tôi còn được học cả cách sáng chế đấy." "Thế thì cậu sang Cục Sáng chế đi?" Vậy là Dương Xuân Bảo nhanh chóng thu xếp để trở thành "quân" của TS An Khang.
Tại Cục Sáng chế, Dương Xuân Bảo bắt đầu tiến hành mở hàng loạt khóa đào tạo về phương pháp luận sáng tạo. Trong một lần chiêu sinh, Xuân Bảo ngạc nhiên khi thấy một học viên không chịu đóng tiền học phí ngay khi ghi tên. Sau giờ giải lao của buổi học đầu tiên, học viên này kéo thầy Bảo ra một góc và rỉ tai: "Quả thực lúc đầu em chưa tin vào chất lượng khóa học lắm. Bây giờ em mới thấy nó thiết thực đối với em và em xin được đóng học phí." Chàng học viên đó chính là ông chủ cơ sở sản xuất ăng ten Hùng Dũng (ăng ten HD hiện đang được tiêu thụ rất mạnh ngoài thị trường) và sau một vài buổi học, anh đã có sáng kiến tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất ăng ten của hãng mình. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao các khóa học chỉ chiêu sinh học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông, kỹ sư Bảo cho biết tính sáng tạo của con người mạnh nhất ở lứa tuổi 14 nhưng sáng tạo là một trò chơi nguy hiểm. Trẻ em ở lứa tuổi nhỏ nếu được học nhiều về sáng tạo sẽ có xu hướng đi một con đường riêng. Trong khi đó, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là mong muốn con em mình tuần tự thi vào đại học, có việc làm, thăng tiến".
Làm việc tại Cục sáng chế được hai năm, Dương Xuân Bảo chuyển sang Viện Khoa học Việt Nam và tiếp đó dừng chân tại Sở KHCN&MT Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu. Trong thời gian công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, Dương Xuân Bảo là một trong những người tham gia chấm giải thưởng "Thanh niên Sáng tạo KHCN" do Viện Khoa học Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức.

Trở về câu chuyện phương pháp luận sáng tạo, kỹ sư Bảo nói: "Sáng chế của con người dường như có vẻ mang tính cá nhân nhưng thực ra đều có quy luật. Ví dụ nói đến chiếc lốp xe đạp trong tương lai. Nếu học phương pháp luận sáng tạo, sẽ biết được quy luật của nó là phải có tính tương hợp. Lốp xe đạp thường có phần cao su và tanh. Hai phần này, theo phương pháp luận sáng tạo, càng tương hợp càng tốt. Học phương pháp này người sản xuất sẽ biết cách sáng tạo để tanh và lốp tương hợp nhau. Trường hợp không thể tương hợp được, chúng phải có tính thay thế. Đây chính là hướng giúp cho người học khi ra làm việc trực tiếp có khả năng sáng tạo và sáng tạo phải tuân theo quy luật".

Kỹ sư Xuân Bảo và GS Phan Dũng tập hợp các tài liệu liên quan, tổng cộng 5kg, lần lượt gõ cửa từng cấp lãnh đạo để giới thiệu. Mặc dù vậy, đến nay mới chỉ có Bộ KHCN&MT chấp nhận đưa môn học đó vào bồi dưỡng thi nâng bậc cho kỹ sư, chuyên viên trong ngành. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT, đơn vị có tính quyết định trong việc đưa phương pháp luận sáng tạo vào trường học như một môn học chính thống, lại tỏ ra thờ ơ. Kỹ sư Bảo nói: "Nếu có phương pháp luận sáng tạo, người học sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức của những môn học khác và biết cách tích cực hóa tư duy sáng tạo."

Phạm Quang Hiển, sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội sau khi theo học môn Phương pháp luận sáng tạo: "Trước đây, khi cái quạt điện ngừng quay hay cái trục xe đạp kêu ầm ĩ, tôi không ngần ngại tháo tung ra. Tôi chẳng hề đặt câu hỏi vì sao, có thể có những tình huống và giải pháp nào để giải quyết. Bởi vậy không ít lần tôi lúng túng trước một tình huống lạ. Giờ đây, những câu hỏi kiểm tra trước và sau công việc khiến tôi chủ động và làm việc hiệu quả hơn nhiều." Trong khi đó, Cao Xuân Hoài Vương, sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế lại bày tỏ: "Tiếc là Phương pháp luận sáng tạo chưa trở thành một ngành học có hệ thống. Chúng ta không chỉ phát triển nền tảng cơ sở vật chất vững chắc mà phải phát triển nền tảng giáo dục"

Tháng 3/2001, Viện Altshuler (Mỹ) tổ chức hội nghị quốc tế về đổi mới và sáng tạo (TRIZCON). GS Phan Dũng, người Việt Nam duy nhất được mời tham dự. Đây quả là điều thú vị vì Việt Nam đang nằm trong danh sách những nước nghèo của thế giới lại được mời tới Mỹ để trình bày về tư duy sáng tạo, nền tảng của kinh tế tri thức. Hiện nay Mỹ và Nhật là hai nước rất coi trọng phương pháp luận sáng tạo, môn học giúp họ họ tiến xa trong nhiều lĩnh vực. Phải chăng đã đến lúc Việt Nam phải đánh giá lại một cách nghiêm túc tầm quan trọng của môn học thú vị này?

LinkedInPinterestCập nhật lúc: