Những yêu cầu đặt ra đối với thế giới thứ ba
Tuy nhiên, trên thực tế sự yếu kém của các yếu tố này tại các nước thế giới thứ ba đã và đang cản trở, hạn chế các tổ chức và cá nhân tương tác có hiệu quả với nhau và với các đối tác nước ngoài theo tinh thần của tự do thương mại. Thế giới thứ ba buộc phải đổi mới và cải cách xã hội, nếu không mọi ưu thế vẫn mãi chỉ là tiềm năng và thế giới thứ ba vẫn là những người thua thiệt trong cuộc cạnh tranh không cân sức.
Trong những năm gần đây, nhiều nước thế giới thứ ba đã thực hiện một số chương trình đổi mới và cải cách và đã đạt được một số thành công, nhưng rõ ràng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Theo tôi, nguyên nhân căn bản và mang tính quyết định là hầu hết các nước này vẫn chưa có một nhận thức đúng, một thái độ quyết liệt đủ để tạo ra những cuộc cải cách hiệu quả. Những thành công mới chỉ dừng lại ở những đợt tăng trưởng ngắn hạn, trong khi gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết. Đã đến lúc các nước này cần phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát và kiên định hơn đối với vấn đề cải cách chứ không chỉ duy trì trạng thái cải cách chung chung hay nửa vời như hiện nay. Các nước này phải hoạch định chương trình cải cách toàn diện trên tất cả các phương diện theo những khuynh hướng sau:
Trước hết là cải cách kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường tự do hay mục tiêu của cải cách kinh tế là tự do hóa kinh tế. Càng tự do bao nhiêu thì sự cân bằng của các nền kinh tế càng tốt bấy nhiêu và do đó càng ít rủi ro. Xã hội cần phải sàng lọc một cách quyết liệt để tạo ra các cá thể mạnh mẽ để phát triển một nền kinh tế. Kinh tế phát triển theo khuynh hướng thị trường tức là để các quy luật kinh tế khách quan chứ không phải ý chí của con người chi phối sự phát triển.
Như đã nói, cải cách kinh tế của thế giới thứ ba về bản chất rất khác với cải cách kinh tế ở các nước phát triển. Cải cách kinh tế ở các nước đang phát triển hiện nay là tạo quyền tự do kinh tế và quyền tự chủ kinh tế cho các cá nhân và tổ chức. Điều này cũng có nghĩa là phải xoá bỏ dần các độc quyền và đặc quyền, các nhân tố phi kinh tế thị trường, bóp méo kết quả sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng tai hại đến năng lực cạnh tranh và hợp tác của các thực thể kinh doanh và cả nền kinh tế.
Nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh cho phép các nước thế giới thứ ba hợp tác, khai thác nguồn lực từ các nước phát triển và các công ty đa quốc gia phục vụ cho lợi ích của mình. Vì nhiều lý do như thiếu nhân lực và tài nguyên... các nước phát triển cần mở rộng sản xuất công nghiệp ra ngoài phạm vi quốc gia, tạo ra các ngành công nghiệp ngoại vi thông qua đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia với sức mạnh và tham vọng ngày càng lớn cũng cần được coi là đối tác rất quan trọng của các nước nghèo. Nhằm thu hút các nguồn lực này, các nước thế giới thứ ba có thể lấy cái bí của người ta để giải quyết cái khó của mình, khai thác cái mạnh của người thành thế mạnh của mình. Để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thế giới thứ ba còn phải thay đổi, hoàn thiện nhiều tiêu chuẩn văn hoá, chính trị, xã hội.
Cải cách chính trị là xây dựng xã hội theo khuynh hướng dân chủ. Cải cách chính trị của các nước thế giới thứ ba ngày nay là sự phát triển tự do dân chủ với sự thừa nhận tính đa dạng về mặt nhận thức hay sự đa dạng về tinh thần. Sự đa dạng về tinh thần trở thành nguyên lý triết học phổ biến nhất trong thời đại của chúng ta. Thừa nhận tính đa dạng của đời sống tinh thần tạo ra cơ sở xã hội cho nền dân chủ hiện đại.
Cải cách chính trị đồng nghĩa với việc giải phóng nguồn động lực làm tăng năng lực cạnh tranh của toàn xã hội. Hầu hết các nước thế giới thứ ba thường có một hệ thống chính trị bảo thủ và hệ thống pháp luật lạc hậu. Tự do thương mại buộc các chính phủ phải hoàn thiện các biện pháp quản lý, điều hành xã hội theo hướng văn minh hơn, hiệu quả hơn. Trên cơ sở các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội tích cực và dân chủ của chính phủ, các nguồn lực xã hội sẽ được giải phóng làm tăng sức mạnh cạnh tranh của toàn xã hội.
Cải cách chính trị để tăng sức hấp dẫn với các đối tác, tạo cơ sở để hợp tác hiệu quả hơn. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm đến thị trường đã có và thị trường sẽ có. Một quốc gia có thể chế tham nhũng như một cái túi thủng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nền chính trị lạc hậu, xã hội trì trệ, thị trường nội địa sẽ kém hấp dẫn các nhà kinh doanh nước ngoài. Cải cách chính trị là để tạo ra một xã hội được điều hành tốt. Các đối tác nước ngoài có thể vững tâm khi đầu tư và tiến hành kinh doanh trong một xã hội được vận hành theo các tiêu chuẩn và giá trị quốc tế.
Cải cách văn hóa - giáo dục, nâng cao tính mở của nền văn hoá. Văn hóa không tiên tiến, chính trị sẽ lạc hậu bởi chính trị khởi nguồn từ văn hóa. Đã đến lúc thế giới thứ ba phải cải cách cả văn hóa chứ không chỉ cải cách chính trị, vì giống như chế độ chính trị là người bảo trợ cho phát triển kinh tế, văn hóa chính là thể chế tinh thần bảo hộ cho đời sống chính trị và đời sống kinh tế. Văn hóa - giáo dục đang trở thành nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình tự do thương mại, giúp cải thiện vị thế cạnh tranh và nâng cao năng lực hợp tác của mọi tổ chức cũng như cá nhân của thế giới thứ ba, chủ thể của quá trình này.
Đổi mới giáo dục - đào tạo theo định hướng phát triển lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập và toàn cầu hoá, không chỉ là nâng cao kỹ năng của người lao động, đáp ứng nền sản xuất ngày càng hiện đại mà còn phải đặc biệt chú trọng giáo dục nhận thức về tự do và dân chủ, nền tảng của văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Đó là những gì cần thiết để người lao động có thể cạnh tranh trên thị trường lao động.
Điều quan trọng là các nước thế giới thứ ba phải cải cách thật sự và ngay cả thuật ngữ cải cách cũng phải biến thành chương trình hành động thường xuyên chứ không phải chỉ là những chiến dịch thay đổi. Không thể tiếp tục cải cách bề ngoài mà không để ý đến vai trò của cộng đồng con người trong xã hội, ít ra họ cũng phải nhận thức được và phải hưởng ứng các chương trình cải cách. Đối với cải cách kinh tế, họ phải nhận thức được quyền của mình là quyền phát triển. Đối với cải cách chính trị thì quyền của con người là có được cảm hứng chính trị và xây dựng được không gian phát triển của mỗi người. Đối với cải cách văn hóa thì đó là tiệm cận với nền văn hóa mở và tiên tiến để có đời sống tinh thần đa dạng, phong phú. Và cuối cùng, đối với cải cách giáo dục mỗi người phải nhận thức ra được vai trò và tính liên đới trách nhiệm đối với tương lai của xã hội. Tựu trung lại, con người phải trở thành trung tâm của mọi chương trình cải cách và mỗi cá nhân phải nhận thức được nghĩa vụ đóng góp của mình vào đời sống phát triển.
Cải cách là một thỏa thuận xã hội và nhà cầm quyền phải thăm dò, phải xây dựng, phải phổ biến và chỉ rõ mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu chính trị.Mục tiêu chính trị nếu không rõ ràng thì không có cải cách, đặc biệt là cải cách chính trị. Cải cách kinh tế hay cải cách văn hóa - giáo dục cũng vậy. Bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng không có quyền dẫn con người đến một chỗ mà nó không hiểu và không biết là đi đến đâu. Các nước thế giới thứ ba phải xây dựng lộ trình minh bạch cho các cuộc cải cách, nhưng quan trọng hơn cả là cải cách chính trị với vai trò là cuộc cải cách trung tâm của toàn bộ chương trình cải cách. Phải hiểu điểm đến là điểm đến của từng giai đoạn cải cách chứ không phải là điểm đến trọn vẹn của một cuộc cải cách vì tất cả mọi tác động chủ quan lên cuộc sống, đặc biệt là cải cách, đều cần phải thăm dò. Thăm dò các điểm đến hay lộ trình khác nhau của một cuộc cải cách, cách tiếp cận khác nhau của một mục tiêu cải cách chính là thái độ trân trọng con người và đó chính là tính nhân văn của các cuộc cải cách. Các nhà chính trị phải luôn luôn phải làm rõ lộ trình của các điểm đến. Các điểm đến chính là các chặng khác nhau của tiến trình cải cách vì cải cách là một tiến trình và chúng ta có quyền thăm dò, có quyền phân đoạn nhưng lộ trình ấy phải rất minh bạch để con người biết rõ rằng họ sẽ đi đến đâu. Con người là một tập hợp những cá thể không đồng đều về khả năng. Trong mỗi cuộc cải cách có những chặng khác nhau nên con người có thể đến cùng một mục tiêu nhưng với những tốc độ khác nhau. Chính vì thế, cải cách phải tạo ra một lộ trình hợp lý cho mọi người phát huy năng lực hay tạo ra sự tự do dịch chuyển với những mức độ khác nhau của các cá thể trong quá trình dịch chuyển đến sự tiến bộ. Nói cách khác, cải cách chính là đưa ra một lộ trình hoàn toàn tự do để mỗi một cá thể có thể đến giới hạn mà họ có thể đến.
Tôi cho rằng, lý tưởng chính trị, mục tiêu chính trị phải là một điểm đến minh bạch của các cuộc cải cách chính trị. Một số chính phủ chủ trương đổi mới hoạt động chính trị và cho rằng đổi mới là đủ. Nhưng vấn đề là anh đổi mới điểm đến hay thay điểm đến. Nếu đổi mới một điểm đến cố định thì đó không phải là cải cách mà là cải lương, còn thay điểm đến cho phù hợp với sự phát triển của xã hội thì đó là cải cách. Cải cách chỉ khác cách mạng ở chỗ là nó không thay đổi thể chế mà thay đổi tính chất của thể chế, thay đổi sự tiến bộ bên trong của thể chế, thậm chí thay đổi cơ cấu của thể chế chứ không thay đổi thể chế. Cải cách chính trị là cải cách mục tiêu phát triển của hệ thống chính trị và mục tiêu đó chính là dân chủ. Thế giới thứ ba cần phải khẳng định điểm đến trước vì nếu không, con người sẽ không có lý tưởng, mỗi một cá thể không xây dựng lộ trình phát triển cá nhân được. Giống như cải cách kinh tế, cải cách chính trị không chỉ là cải cách thể chế chính trị thuần tuý, mà quan trọng hơn là phải phát triển lực lượng chính trị. Lực lượng chính trị của bất kỳ một thể chế chính trị nào cũng là nhân dân. Muốn phát triển chất lượng chính trị của người dân thì nhà cầm quyền phải nói rõ cho họ biết cải cách sẽ đến đâu. Nếu xây dựng một xã hội dân chủ thì người dân phải học luật, phải biết tôn trọng luật pháp, phải hiểu tự do, phải tôn trọng tự do, phải hiểu đạo đức và phải tôn trọng các nguyên lý đạo đức. Nói cách khác, người dân phải là một tập hợp các cá thể tự rèn luyện trong quá trình cải cách, phải xây dựng được lộ trình tự cải tạo để phù hợp với những đòi hỏi mà các chương trình cải cách phản ánh một cách chủ quan nhưng phù hợp với lộ trình phát triển tự nhiên của cuộc sống. Sẽ không còn ý nghĩa nếu cải cách không phải là đòi hỏi khách quan của đời sống, không được phổ biến ra đời sống và không đủ tự do để con người xây dựng chương trình hành động theo những lý tưởng phát triển của cuộc sống.
Trong bài toán cải cách này, một vấn đề đặt ra đối với thế giới thứ ba là năng lực nhận thức và năng lực phát triển của xã hội, đặc biệt là của nhà cầm quyền. Đây là những nhân tố đảm bảo cho sự thành công của cải cách. Và tôi cho rằng, các xã hội ở các nước thế giới thứ ba hoàn toàn phụ thuộc vào thiên tài của nhà chính trị. Tại sao như vậy? Đó là vì, cho đến nay, nguồn gốc của tất cả các sai lầm của thế giới thứ ba là không ý thức được tính phi dân chủ trong việc điều hành xã hội. ở những nơi này không có thể chế dân chủ, do đó không có sự sáng suốt của thể chế. Chính vì vậy, các nước này phải thay thế sự sáng suốt của thể chế bằng thiên tài của nhà chính trị. Nhưng để có được thiên tài chính trị thì hoàn toàn không dễ, ngay cả ở những xã hội dân chủ cũng rất hiếm thiên tài chính trị. Thiên tài nào cũng chân thành mà những kẻ chân thành thì không thể xuất hiện, không thể tồn tại và phát triển trong những thể chế phi dân chủ được.
Hơn nữa, thiên tài chính trị thường xuất hiện trong các phong trào chính trị, đúng hơn là ở điểm khởi đầu của một quá trình cách mạng. Không thể đánh giá chất lượng con người, chứ chưa nói đến chất lượng của thiên tài chính trị trong những ước vọng của con người ở những vũng đất như thế giới thứ ba. Đó là nơi mà tự do vẫn còn rất xa vời hay chưa có tự do theo đúng nghĩa của nó. Tôi không cho rằng con người sinh ra là đã có tự do mà chính tự do sinh ra con người. Thế giới thứ ba không có tự do nên không thể đánh giá được sự có lý hoặc vô lý của những ý nghĩ, những lý luận xuất hiện trong một vùng đất mà ở đó con người không sống đúng nghĩa như một con người.
Việt Nam từng có thiên tài chính trị, đó là Hồ Chí Minh. Chúng tôi cho rằng, trong lịch sử hiện đại Việt Nam, chỉ có duy nhất Hồ Chí Minh tạo ra được các giá trị chính trị. Mao Trạch Đông cũng là một thiên tài chính trị. Thế giới không có nhiều người như thế. Thậm chí người ta tổng kết 5.000 năm của Trung Hoa chỉ có hai nhà cách mạng lớn là Tần Thuỷ Hoàng và Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, trong những xã hội lạc hậu, cát cứ, tự mãn về mặt văn hoá, có những biểu hiện khác nhau của sự phi tự do về mặt văn hóa thì ngay cả thiên tài cũng chỉ làm được những việc rất giới hạn mà thôi, tức là thiên tài chính trị cũng có giới hạn. Lenin cũng là một thiên tài chính trị nhưng nước Nga cũng chỉ có thể đi đến chủ nghĩa cộng sản mà thôi, và sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991 thì mãi cho đến bây giờ nước Nga vẫn chưa thực sự hồi phục. Sự nghèo khổ làm cho tầng lớp nông dân, tầng lớp cần lao trở thành lực lượng duy nhất có thể tạo ra những biến đổi xã hội. Người ta nhầm lẫn giữa sự phá hoại với sự biến đổi. Muốn làm cách mạng thì phải làm biến đổi xã hội, nhưng do không có đủ năng lực để làm biến đổi xã hội về mặt chất lượng thì con người phải phá hoại cái cũ. Phá hoại cái cũ là một cách tạo ra sự biến đổi của những người ở tầng lớp thấp của xã hội.
Như vậy, sự phi tự do về mặt văn hóa cản trở và làm hạn chế cả những thiên tài chính trị. Nước Nga là một nước phi tự do về mặt văn hóa trước khi xảy ra cách mạng tháng Mười. ở một quốc gia phi tự do về mặt văn hoá, thiên tài Lenin cũng chỉ tạo ra được một nước Nga Xô Viết. Nước Nga phi tự do về mặt văn hóa thuộc chủng loại lạc hậu thiếu thông tin hay là thuộc chủng loại lạc hậu chính về mặt kinh tế. Một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc cũng là một quốc gia phi tự do về mặt văn hóa nhưng thuộc chủng loại tự mãn. Việt Nam là một quốc gia phi tự do về mặt văn hóa nhưng thuộc chủng loại lạc hậu về mặt tư tưởng. Việt Nam lại ở cạnh Trung Hoa, có những nét giống người Trung Hoa trong mình, nên Việt Nam còn có thêm một căn bệnh nữa là thuộc chủng loại tự mãn. Như vậy ngay trong nhóm các quốc gia phi tự do về mặt văn hóa đã có những chủng loại rất khác nhau; do đó tạo nên tính khác biệt phong phú của đời sống văn hóa ở các nước thế giới thứ ba. Phi tự do về mặt văn hóa thì không thể tạo ra sự tiến bộ bằng một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng nào cũng lắc lư về trạng thái lạc hậu. Vì thế, tôi cho rằng, không có đơn thuốc cụ thể cho các nước ở thế giới thứ ba mà mỗi đơn thuốc phải được xây dựng trên việc phân loại về chủng loại quốc gia phi tự do về mặt văn hoá.
Về điểm này, tôi cho rằng, các nhà chính trị cần phải nhận thức chính xác về đất nước và nhân dân mình để mà uốn nắn, sửa chữa và thay thế từng bộ phận khác nhau của cấu trúc các khuyết điểm của xã hội. Thực ra, khuyết điểm cũng là một cấu trúc mặc dù từ trước tới giờ, người ta vẫn chỉ coi nó là một phân tố. Khi nghiên cứu các vấn đề để chữa bệnh cho một dân tộc, chúng ta buộc phải xem tất cả các nhược điểm của nó là một cấu trúc có nhiều phân tố thì mới tìm ra được cách thay thế từng phân tố được. Để thay đổi chất lượng cấu trúc của các khuyết điểm của đời sống xã hội, tức là để cải cách, con người phải biết thay thế bằng cái gì thì mới có hiệu quả được. Chúng ta đã định nghĩa rằng cải cách có hai nhiệm vụ căn bản là sửa chữa khuyết điểm của quá khứ và bổ sung những yếu tố mới của đòi hỏi phát triển. ở những xã hội như vậy, đội ngũ trí thức và cả đội ngũ cầm quyền, lãnh đạo đất nước vừa phải đủ năng lực nhận thức các khuyết điểm có tính chất truyền thống vừa phải đủ nhạy bén để phát hiện được những đòi hỏi mới của cuộc sống. Phải khẳng định lại rằng, tất cả các khuyết điểm của các dân tộc là một cấu trúc chứ không phải là các phân tố. Hiểu được như thế thì khi nghiên cứu cấu trúc của các vấn đề chúng ta mới đưa vào lý thuyết cải cách việc thay thế từng phân tố trong cơ cấu khuyết điểm của các dân tộc được. Ví dụ như khi nghiên cứu các khuyết điểm về mặt kinh tế thì ta nghiên cứu cấu trúc của nó, cấu trúc đó có thể là vấn đề tài chính, năng lực sản xuất, năng lực điều hành hay chất lượng nguyên liệu v.v...
Khuyết điểm về mặt văn hoá, chính trị cũng có tính cấu trúc của nó. Vì thế, sau khi phát hiện những khuyết điểm của một xã hội, cần phải nghiên cứu cấu trúc của nó và chỉ có thể trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống và chuyên nghiệp cấu trúc của các khuyết điểm xã hội thì chúng ta mới có được chương trình cải cách có hiệu quả. Như vậy, một lần nữa chúng ta lại thấy rõ sự khác nhau căn bản và cũng là tính ưu việt của cải cách so với cách mạng là cách mạng làm thay đổi các cấu trúc còn theo cải cách là phát hiện ra các khuyết điểm trong cấu trúc để sửa chữa.
Vậy có bao giờ một cấu trúc sai hoàn toàn không? Tôi nghĩ là không. Mỗi một cấu trúc là một chuỗi ADN về mặt xã hội và chính trị. Không thể có một cấu trúc sai hoàn toàn được. Nó chỉ có thể bị sắp xếp sai do cả những lý do chủ quan và những lý do khách quan, và nếu như vậy thì sẽ tạo ra bệnh tật. Chúng ta đều biết rằng, các cấu trúc nói chung được hình thành bởi lịch sử một cách tự nhiên. Một cấu trúc hợp lý và ổn định phải được xây dựng bằng lịch sử chứ không phải bằng ý đồ chính trị chủ quan của một vài cá nhân, một vài lý thuyết. Marx từng nói rằng "Con người là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội". Sự tổng hòa chính là có sự có mặt của lịch sử, tức là lịch sử tạo ra con người. Thế nhưng những người áp dụng học thuyết của Marx thì lại phạm phải những sai lầm chống Marx, tức là chủ trương phá vỡ các cấu trúc cũ để xây dựng các cấu trúc mới. Người ta xây dựng con người Xô Viết, xã hội Xô Viết và tưởng rằng như vậy là đã xây dựng được cấu trúc mới, nhưng kết quả là xã hội Xô Viết là một xã hội phi cấu trúc, phi lịch sử. Cải cách chính là để khôi phục lại chức năng tự nhiên của những khía cạnh khác nhau của những yếu tố khác nhau của một cấu trúc nếu cấu trúc đó bị hỏng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước thế giới thứ ba phải nhận thức ra rằng, toàn cầu hóa chính là cơ hội phát triển của mình. Tuy nhiên, những bộ phận tiên tiến của xã hội được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa nhưng khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn ở các nước thế giới thứ ba do năng lực hưởng lợi của các lực lượng xã hội là hoàn toàn khác nhau. Vậy tại sao toàn cầu hóa vẫn tiếp tục là cơ hội của những nước này? Đó là bởi vì thế giới thứ ba được hưởng lợi chủ yếu là về chính trị chứ không phải là về kinh tế. Đó là con đường duy nhất để có thể dân chủ hóa một cách hòa bình các nước thế giới thứ ba. Sức ép của các lực lượng quốc tế, sức ép về thương mại làm cho các chính phủ phi dân chủ, các nhà cầm quyền nhận ra những nhược điểm của mình trên phạm vi toàn thế giới. Toàn cầu hóa là một trong những cách thức thực tế nhất chỉ ra cho thế giới thứ ba, cho các nhà độc tài, các chính thể độc tài sự phi lý của hoạt động lãnh đạo phi dân chủ.
Quay trở lại vấn đề tìm kiếm thiên tài chính trị cho bài toán phát triển, có thể thấy là việc xây dựng thể chế để làm xuất hiện thiên tài chính trị là giải pháp lý tưởng chứ hoàn toàn không dễ dàng đối với thế giới thứ ba. Không phải tất cả các dân tộc đều may mắn có thiên tài chính trị. Chính vì thế, nhiệm vụ của các nước thế giới thứ ba không phải là đi tìm một nhà chính trị tài ba. Những tập đoàn cầm quyền hiện nay cũng không có đủ năng lực và phẩm chất phù hợp với những đòi hỏi có chất lượng thời đại. Tôi cho rằng, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất và duy nhất của những nhà cầm quyền ở thế giới thứ ba là xây dựng thể chế chính trị chân chính, tức là thể chế dân chủ để thay vì chờ đợi sự xuất hiện của thiên tài chính trị những dân tộc này có được sự sáng suốt của một thể chế. Nếu các chính phủ, các nhà cầm quyền ở những quốc gia này không ý thức được những nhược điểm cố hữu của mình, không chủ động xây dựng một lộ trình mà trong đó họ có trách nhiệm tổ chức và rèn luyện nền dân chủ thì họ sẽ phải đối mặt với các mạng. Những nhà chính trị này nếu muốn có mặt trong cuộc sống tương lai thì buộc phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Đó chính là lối thoát duy nhất của họ.
Các nước đang phát triển phải dũng cảm nhận thức ra rằng, mọi quyền lợi khu trú đều dẫn đến sự tàn sát lẫn nhau. Con người phải biết tìm ra lợi ích của chính mình trong giao lưu một cách rộng rãi. Bởi sự giao lưu và hội nhập toàn cầu sẽ tạo ra khả năng chống rủi ro toàn cầu. Vấn đề không phải là chênh lệch giàu nghèo mà là nâng mức sống của con người lên để làm cho con người được giải phóng ra khỏi những ràng buộc vật chất tối thiểu để họ có những năng lực sáng tạo tự do hơn, đảm bảo đời sống tinh thần phong phú và phát triển thực sự. Nhận thức được như vậy sẽ giúp các nước hiểu sự cần thiết phải tiến hành đổi mới và cải cách toàn diện xã hội trên cơ sở hướng tới những giá trị tiên tiến của thời đại và hợp tác với tất cả các lực lượng tiến bộ của thế giới bên ngoài để phát triển và thịnh vượng. Đó là con đường chung của thế giới thứ ba.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá