Sự chậm trễ của cải cách chính trị ở thế giới thứ ba

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:15 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Như phần trước đã nói, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ và trì hoãn cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba nằm ngay trong hệ thống chính trị của nó; thể chế chính trị ngày càng lạc hậu của thế giới thứ ba đang trở thành lực lượng kìm hãm sự phát triển ở khu vực này.

Như trên đã phân tích, căn bệnh này liên quan đến hiện tượng gọi là tính trễ của cải cách chính trị - một hiện tượng tất yếu của đời sống xã hội. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các nước thế giới thứ ba do chưa nhận thức đúng đắn về tình trạng này và lo sợ về những nguy cơ và rủi ro nếu tiến hành cải cách chính trị nên cho đến nay vẫn khất lần nhiệm vụ quan trọng này.

Nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu trì hoãn cải cách chính trị ở thế giới thứ ba bắt nguồn từ lý do chính trị. Quá khứ hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập làm hệ thống chính trị của các nước thế giới thứ ba tự thỏa mãn. Điều này thể hiện qua cách thức các nước này tham gia vào công cuộc hội nhập. Nhiều nhà lãnh đạo các nước thế giới thứ ba tự giam hãm mình bởi những lý luận không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Họ không nhận thức được rằng để hội nhập thành công, thế giới thứ ba phải thay đổi hệ tiêu chuẩn những giá trị của mình. Chính việc không đổi mới hệ tiêu chuẩn các giá trị là nguyên nhân làm cho tính trễ của cải cách chính trị trở nên đặc biệt trầm trọng.

Cải cách chính trị phụ thuộc nhiều vào ý chí của bộ máy cầm quyền cũng như nhận thức của họ về quyền lợi và rủi ro. Cải cách chính trị thường gắn liền với sự mất mát quyền lực, điều mà bộ máy cầm quyền không dễ gì chấp nhận. Duy trì các đặc tính cũ với mục tiêu tạo sự ổn định bề ngoài đã trở thành triết lý của nhiều nhà cầm quyền và nhiều hệ thống chính trị. Bị ám ảnh bởi sự mất mát những gì đang có, các nhà cầm quyền luôn sợ hãi và khất lần những cuộc cải cách. Nhiều đặc tính của hệ thống chính trị đã trở nên lạc hậu nhưng vẫn được duy trì quá lâu và trên phạm vi rộng lớn như một hoạt động có ý thức kìm hãm tiến bộ chính trị. Thay vì ý thức về việc phải tự đổi mới, tư duy của các nhà cầm quyền trượt theo xu hướng đối phó với cách mạng chính trị và đẩy xã hội vào tình thế khủng hoảng kinh tế - xã hội như đã xảy ra tại khá nhiều quốc gia đang phát triển.

Nguyên nhân thứ hai là những lý do về kinh tế - xã hội. Hầu hết các nước thế giới thứ ba cho đến nay chưa tạo được tiền đề kinh tế - xã hội thuận lợi cho cải cách chính trị. Thế giới thứ ba thoát khỏi chủ nghĩa thực dân nhưng vẫn trong tình trạng kinh tế trì trệ, xã hội kém phát triển. Do đó, một số lực lượng trong xã hội cố tình lảng tránh, hoặc làm cho cải cách kinh tế diễn ra chậm chạp, có nghĩa là việc trì hoãn cải cách kinh tế góp phần làm chậm trễ quá trình tiến tới cải cách chính trị.

Nguyên nhân thứ ba bắt nguồn từ các yếu tố tiêu cực trong văn hoá. Sự chậm trễ cải cách phụ thuộc vào nhận thức của xã hội và trình độ dân trí. Văn hóa bao giờ cũng có tính lạc hậu tương đối. Đừng vì giữ gìn bản sắc văn hóa để trên cơ sở đó duy trì một hệ thống chính trị đã trở nên lạc hậu. Ngoài ra phải kể đến ảnh hưởng của các tôn giáo. Tại các nước đang phát triển nơi tôn giáo có ảnh hưởng nặng nề, việc xã hội chấp nhận và tạo ra được hệ thống chính trị tiên tiến là một việc rất khó khăn. Chính vì chậm trễ, thậm chí chủ động trì hoãn cải cách chính trị nên hầu hết các nước thế giới thứ ba đều gặp khó khăn trong việc tăng tốc quá trình phát triển kinh tế và đổi mới xã hội. Rõ ràng, một thể chế lạc hậu không thể hỗ trợ sự phát triển vì nó tiềm ẩn rất nhiều căn bệnh mà nếu không có biện pháp chữa trị tận gốc thì đất nước sẽ ngày càng tụt hậu và rất có thể phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ như trường hợp của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết trước đây. Ở đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích hai căn bệnh cơ bản của tất cả các thể chế lạc hậu. Đó là căn bệnh thành tích và căn bệnh tham nhũng.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: