Thể chế lạc hậu và căn bệnh thành tích
Chúng ta đều biết rằng, theo logic thông thường, một thể chế tốt sẽ tạo ra thành tích và một thể chế bất hợp lý sẽ không tạo ra thành tích. Tuy nhiên, trên thực tế, một số thể chế bất hợp lý vẫn tạo ra thành tích. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Đó là vì thành tích chỉ là hiện tượng, nó là một đối tượng ngẫu nhiên, không có tính sở hữu rõ ràng và vì thế, rất dễ bị "chiếm dụng". Khác với thành tích, thể chế mang tính bản chất và là một đối tượng có tính sở hữu rõ ràng; nó thể hiện một cách sâu sắc khuynh hướng chính trị đã được lựa chọn. Trong trường hợp này chỉ có thể giải thích là, thành tích của thể chế bất hợp lý thuộc về xã hội nhưng nhà cầm quyền thường có khuynh hướng coi những thành tựu đó là thành tích chính trị, hay thành tích của hoạt động cầm quyền của mình và lấy đó làm lý do để trì hoãn việc xây dựng hoặc cải cách thể chế. Điều này làm nên cái gọi là chủ nghĩa thành tích.
Mối quan hệ biện chứng giữa thể chế và thành tích còn thể hiện ở chỗ chủ nghĩa thành tích bảo trợ sự tồn tại của các lực lượng kìm hãm tiến trình cải cách thể chế. Nói cách khác, khi nào thể chế trở nên bế tắc thì người ta sẽ dùng thành tích để che đậy sự bế tắc đó. Ngược lại, chất lượng của thể chế phản ánh trình độ chính trị, bản chất chính trị của quốc gia và đó cũng là cơ sở để xã hội quyết định lựa chọn hoặc không lựa chọn nhà cầm quyền. Xã hội không thể lựa chọn các tập đoàn chính trị bằng thành tích chính trị mà phải bằng bản chất chính trị. Bản chất chính trị của nhà cầm quyền được thể hiện thông qua thể chế mà nhà cầm quyền xây dựng. Đương nhiên, một thể chế tốt chắc chắn sẽ xúc tiến sự phát triển; nó khuyến khích sự sáng suốt chính trị với tư cách là nguồn gốc của mọi thành tựu trong quá trình lãnh đạo. Vì vậy, khi xây dựng thể chế cần chống lại khuynh hướng sử dụng thành tích để hợp pháp hóa những mặt lạc hậu về thể chế, ở một mức độ cao hơn nữa là chống lại việc sử dụng các thành tích như là công cụ duy nhất để hợp pháp hóa sự cầm quyền của các nhà chính trị; nếu không, nhân loại sẽ phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình phát triển của mình.
Ở các nhà nước dân chủ, dân chúng không đánh giá cao thành tích chính trị mà là sự sáng suốt chính trị. Thành tích chính trị là những thành công hay thành tựu trong quá trình nắm giữ cương vị của nhà chính trị. Còn sự sáng suốt chính trị là một phẩm chất cần phải có của bất kỳ nhà chính trị nào để có nhiều cơ hội thành công trong việc điều hành đất nước. Thiếu sự sáng suốt chính trị, nhà chính trị, trên tư cách người vạch ra chiến lược phát triển, sẽ buộc cả đất nước mình phải đối diện với những rủi ro không lường được. Tuy nhiên, thành tích chính trị không phải lúc nào cũng là kết quả của sự sáng suốt chính trị mà đôi khi còn mang tính chất ngẫu nhiên. Các nhà chính trị phải chọn lọc những yếu tố sáng suốt trong các thành tích chính trị của mình, lý giải chúng bằng sự sáng suốt chính trị để thuyết phục nhân dân và làm nổi bật chúng so với đối thủ. Nền dân chủ luôn khích lệ sự sáng suốt chính trị thay vì mặc nhiên hoặc cưỡng ép công chúng công nhận thành tích. Nếu sự sáng suốt chính trị là căn cứ để nhân dân lựa chọn các nhà chính trị thì xã hội sẽ không ngừng phát triển. Và ngược lại, nếu thành tích chính trị là căn cứ để lựa chọn thì xã hội ấy sẽ luôn ở trong trạng thái khủng hoảng bởi các nhà chính trị sẽ tìm kiếm thành tích bằng mọi cách, bất chấp rủi ro và do đó, biến quá trình phát triển trở thành một đối tượng không thể dự báo.
Thực tế cho thấy, chủ nghĩa thành tích tồn tại phổ biến và dai dẳng ở các thể chế phi dân chủ. Nguyên nhân của hiện tượng này, chúng tôi cho rằng, trước hết bởi nó là một tâm lý khách quan, hơn nữa là bởi những nhận thức phiến diện của nhà cầm quyền về vai trò của thể chế đối với tiến trình phát triển và cuối cùng là bởi các nhà nước không có thành tích trong hiện tại và để chứng minh địa vị cầm quyền hợp pháp của mình, người ta buộc phải sử dụng đến những thành tích chính trị với tư cách là sản phẩm của quá khứ. Chính vì lý do đó, một số quốc gia trên thế giới không thể thoát ra khỏi quá khứ của mình.
Mặt khác, nhà chính trị có nhiệm vụ dẫn dắt xã hội tới những chặng tiếp theo. Do đó, nhà chính trị phải chứng minh khả năng đó bằng sự sáng suốt chính trị hay tính khoa học trong các công cụ dẫn của mình. Tuy nhiên, một số nhà cầm quyền hoặc không có sự sáng suốt chính trị hoặc không đủ khả năng để thuyết phục nhân dân bằng sự sáng suốt chính trị của mình nên phải viện đến các thành tích chính trị, tạo ra tâm lý săn lùng các thành tích chính trị. Vì những lý do đó, chủ nghĩa thành tích bị sử dụng như một trong những công cụ chính trị để thay thế tính khoa học của quá trình lãnh đạo xã hội. Điều này rất đáng ngại bởi nếu nhà cầm quyền cố tình sử dụng những thành tích đơn lẻ trong các hiện tượng của đời sống để thay thế việc xây dựng và cải cách thể chế thì xã hội sẽ trở thành đối tượng không thể dự báo và nhà cầm quyền không còn năng lực dẫn dắt xã hội.
Sự khác biệt về văn hóa giữa các nhà nước dân chủ và nhà nước phi dân chủ cũng là một yếu tố dẫn đến sự tồn tại dai dẳng và hợp pháp của chủ nghĩa thành tích. Trong khi các nhà nước dân chủ đuổi theo chính mình thì những nhà nước phi dân chủ lại đuổi theo những người "hàng xóm". Chính điều đó đã góp phần tạo ra khuynh hướng hợp pháp hóa địa vị cầm quyền bằng các thành tích chính trị; đến lượt mình, nó sẽ kéo theo sự chậm phát triển, sự mất cân đối giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất trong quá trình phát triển và bản thân sự mất cân đối này là rủi ro lớn nhất trong tiến trình phát triển. Nhược điểm lớn nhất của các thể chế phi dân chủ là không xây dựng được hệ tiêu chuẩn về hạnh phúc, nghĩa là những vấn đề về con người không được phân tích và lý giải một cách nghiêm túc. Điều này đã tạo điều kiện cho các nhà nước phi dân chủ sử dụng thành tích chính trị để thay thế tính hợp pháp và hợp lý của thể chế, không nhận ra rằng họ đang phải đối diện với rủi ro lớn nhất trong tiến trình phát triển - đó là sự biến mất của các yếu tố con người hay sự "thoái hoá" của đời sống tinh thần. Đó là hậu quả thứ nhất của chủ nghĩa thành tích.
Hậu quả thứ hai của chủ nghĩa thành tích là xúc tiến sự phát triển bằng mọi giá. Hãy lấy Trung Quốc làm ví dụ. Trong khoảng thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển nóng hay sự phát triển không kiểm soát của Trung Quốc. Theo thống kê, Trung Quốc hiện tiêu thụ đến 7% sản lượng dầu mỏ, 31% sản lượng than và 27% sản lượng thép của toàn thế giới. Năm 2003, Trung Quốc đã thiếu khoảng 10 triệu KW điện và dự đoán, năm 2004, con số đó sẽ là 20 triệu. Những con số này khiến người ta hình dung Trung Quốc tựa như một nồi nấu cao khổng lồ, các chủ đầu tư và nhà sản xuất giống như những người đứng trông nồi cao và biến nó trở thành nơi thiêu đốt phần lớn nguồn năng lượng của nhân loại với tốc độ đáng báo động. Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 12%/ năm và bây giờ, họ lại làm mọi cách để hạ nhiệt nền kinh tế với hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ dừng lại ở con số 8%/ năm. Không ít người nhận ra rằng bản thân sự tăng trưởng đã tiềm ẩn trong nó các yếu tố phá hoại. Bằng việc chỉ ra hai hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng nhất của chủ nghĩa thành tích, có thể kết luận rằng, chủ nghĩa thành tích chính là nguồn gốc của mọi rủi ro trong tiến trình phát triển. Vấn đề của chúng ta bây giờ là trả lời câu hỏi thể chế nào có khả năng kiểm soát chủ nghĩa thành tích, nói cách khác là kiểm soát những rủi ro trong tiến trình phát triển?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá