Một người thầy giáo trong ký ức của tôi
Khi đó tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi, đang ở nơi sơ tán cùng với mẹ là Quân y sĩ trưởng của một Quân y viện chuyển về đây tá túc từ ngày đầu Mĩ leo thang bắn phá Miền Bắc… Tiếng là được đi cùng mẹ không phải đến nơi trại mẫu giáo tập trung, nhưng mẹ gần như không có thời giờ để quan tâm đến tôi. Bà nổi tiếng là một người tận tụy quên mình cho công tác. Tôi thường lêu têu một mình, xa lạ với những đứa trẻ con nhà quê nơi sơ tán.Mỗi khi trời chuẩn bị sập tối, tôi mới vội về những lán trại quân y để sà vào ăn mấy bát cơm mà các cô cấp dưỡng xúc cho, trước khi chạy nhanh về căn lều nhỏ giữa vườn chuối rất rộng mà người dân nhường cho hai mẹ con tôi ở tạm hàng ngày, thật nhanh leo lên và không khó khăn gì giấc ngủ ập đến giúp tôi thoát khỏi nỗi sợ bóng tối…
Một buổi chiều như muôn buổi chiều khác, sau khi thấm mệt vì chân đất, cởi trần tha thẩn vẩn vơ khắp xóm làng với những bụi tre, bờ ao rặng ruối đìu hiu, theo thường lệ, tôi lân la đến dãy mấy cái lán lá gồi của viện quân y được dựng ngay ngắn sạch sẽ bên cái hồ sen rộng, để mong có chú thương binh nào gọi vào ôm ấp và cho ăn 1 miếng bánh lương khô, 1 viên kẹo tăng lực thời đó mà họ hay dành dụm được chút ít hoặc để mang ra dỗ trẻ con như chúng tôi. Một chiếc xe hồng thập tự cũ kĩ ọp ẹp vừa chạy xong xóc về đỗ đó. Tôi tò mò trẻ thơ, nhìn đăm đắm mấy người y tá cáng một người đàn ông trẻ nằm bất động trên đó xuống đưa vào lán cấp cứu. Nhiều tiếng xôn xao của các thương binh khác: người đó là anh hùng được chuyển từ mặt trận về thì phải
Một thời gian ngắn sau, người đàn ông đó - chú thương binh đã khỏe hơn trước nhiều, đã chống nạng đi lại được, chú rất trẻ, hay vui vẻ đi các lán trò chuyện, chiều đến mang chiếc kèn Hacmonica ra thổi. Chú đi đến đâu những tiếng cười ròn rã và những điệu nhạc du dương cùng chú lẫn vào những tán lá rủ ven hồ. Có những buổi tối đẹp trời, chú cất tiếng hát như lôi cuốn tất cả , xung quanh là những người thương binh, có nhiều cô từ trong làng ra ngồi xa xa nghiêng ngả ngóng về nơi chú hát…Rồi từ đó, ở cái bệnh viện quân y nhỏ giữa làng đó, lớp dạy học bổ túc cho những thương binh khác bắt đầu được tổ chức. Lớp là cái lán thường ngày vẫn dùng làm nhà ăn tập thể với những cái bàn tấm gỗ thô nháp và ghế ghép bằng những ống tre và có cả nhiều người dân tự đến học, đa phần là những người nông dân trung niên lam lũ xắn quần móng lợn, đôi khi có cả một nhóm chị thanh nữ quần đen áo chẽn đến lớp. Thường ngày các chị ấy bẽn lẽn lắm, nhưng lúc nào như cũng lóng lánh, đi đến đâu là những câu vui cười của thương binh rộn ràng đuổi theo đến đấy… Tôi bé xíu, nhưng thấy háo hức mơ hồ, cũng lẳng lặng ngồi thu lu vào 1 góc dưới cùng ngước lên nhìn phía trên. Ô kìa, chú thương binh tập tễnh nhưng rất khỏe khoắn nhanh nhẹn đi lại trên chiếc nạng chống một bên, tay kia cầm phấn, say sưa ghi vẽ trên bảng rồi quay xuống liên tục nhìn mọi người bằng đôi mắt như biết cười biết nói, giảng giải cho những người đang chăm chú ngơ ngẩn lắng nghe. Còn in đậm trong kí ức tôi là sự trật tự đến mức chỉ có giọng nói ấm áp của chú với những tiếng chinh chích từ vài con chim sâu hay chào mào đít đỏ nhảy nhót ngoài những tán cây Lựu mọc trước cửa lán… Rồi chú cũng nhận ra tôi hay ngồi thu lu cuối lớp. Nên khi dạy xong, chú bước đến cúi xuống dắt tay tôi cùng chú tập tễnh trên chiếc nạng bước ra ngoài….Chú nói nhiều chuyện lắm….tôi chỉ há miệng nghe không biết chán, thỉnh thoảng chú làm bằng đủ cách cho tôi cười khanh khách.... Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình có một người bạn, và hình như đến khi đó tôi nhận ra rằng tôi biết cười ! Nhờ chú mãi trong tôi luôn liên tưởng tiếng cười bao giờ cũng đi liên với những gì hôn nhiên, trong sáng và vui vẻ… Nơi sơ tán vốn buồn vắng lắm, nên mấy lán trại quân y nghiêm ngắn, qui củ, tinh tươm nhưng cô lẻ, dường như đến lúc đó không còn thuần túy là nơi chữa trị cho thương binh nữa mà đã trở nên gắn bó, thân thiết với người dân muốn được nhìn thấy hàng ngày để mà yên tâm rằng nó đang ở đó để mong đợi hôm sau được tiếp tục nghe chú giảng giải hay ho về bao điều
Hồ Sen nơi sơ tán rộng và nước xanh lắm, chú cháu tôi đều rất thích hoa Sen, thường hay men theo mép nước hái những bông hoa thơm ngát ấy. Chú mang về cắm lọ đầu giường, còn tôi bẻ những đài Sen nhí nhách ăn những hạt bên trong thơm ngầy ngậy. Lần ấy chú vừa dạy chữ xong cho tôi, thư thả ngồi trên ghế đá ven hồ, đọc sách. Tôi đi xa ra bờ hồ bên kia, để nguyên quân đùi lội xuống bẻ Sen. Ra xa dần, không may bị sụt xuống hố nước sâu ngập đầu, tôi cố hướng về phía chú đang ngồi chới với la hét . Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chú vứt nạng, lao đến hố nước đội tôi lên bờ. Tôi bị ngợp nước, còn sợ đờ đẫn, nhìn chú ngồi thở dốc ôm lấy bên chân bị thương , những ngày sau đó tôi thấy chú đi tập tễnh và khó khăn hơn trước rất nhiều. Có lẽ chẳng ai, ngoài chú biết tại sao như vậy.
Thật vui, sau đó tôi lại được một cô thôn nữ, người vẫn đi học đều lơp bổ túc chú dạy, tự nhiên yêu chiều quí hóa tôi hết mực. Chỉ có việc nhỏ là chiều mỗi ngày cô bảo tôi mang mấy cành Sen đến cho chú. Sau đó cô thường ôm tôi vào lòng mà bảo tường thuật về chú ấy khi gặp đưa những cành Sen. Lúc ấy tôi muốn được chạm vào khuôn mặt trẻ đẹp của cô để được trìu mến nựng nịu hơn là biết kể lại những gì, nhưng tôi nhận thấy cô ấy cũng thích lắm nhất là khi tôi cầm về cho cô một tờ giấy kẻ viết trên đó rất nhiều chữ đẹp đều tăm tắp…. Một chiều, đã se sẫm trời, chú dắt tôi vào sâu trong làng, đến nhà cô ấy. Tôi được ăn khoai luộc trên nhà, còn hai người ngồi dưới bếp chuyện trò gì lâu lắm…mãi tối, tôi bắt đầu gà gật, chú cõng tôi về trên vai mà không nói một cầu gì như chú từng thế. Ít hôm sau, chú khoác ba lô, tay cầm cây gậy tre nhỏ cứng cáp thay cho chiếc nạng. Mọi người đứng đông lắm trước lán, họ tiễn chân chú trở lại đơn vị cũ…Tôi bịn rịn theo chân chú mãi ra cánh đồng tít ngoài làng. Cô ấy kia rồi, mặc quần đen, áo bà ba trắng, tay cầm chiếc nón nhỏ, đứng dưới gốc cây đa cổ thụ bơ vơ giữa không gian còn đầy nắng vàng nhè nhẹ. Chú cúi xuống ôm lấy má tôi rất âu yếm nói tôi hãy quay về. Tôi đi ngược đoạn đường vừa rồi, như rất dài, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại…. Rồi dừng khuất trong rặng dâm bụt, lau giọt nước mắt lăn xuống, tôi nhìn hút về phía xa ấy …ÔI, cô chú như ôm lấy nhau….Tôi chạy về căn nhà như túp lều nằm giữa vườn chuối, nhưng tàu lá đu đưa nhẹ…Một nỗi buồn trẻ thơ, nhưng khôn tả….
Tôi lại là đứa trẻ cô đơn hơn trước đó, đặc biệt ít lâu sau tôi không bao giờ gặp được cô nữa. Nhiều tháng trôi qua, hết phải sơ tán tôi trở về Thành phố…đi học và lớn khôn từng năm. Bao nhiều điều mới lạ, bao nhiêu sự kiện cuộc đời lần lượt đưa tôi đi đến sự trưởng thành. Nhiêu khi chiều đến, thương nhớ mãi mà tôi hỏi mẹ, được mẹ kể về chú ấy vốn là một thày giáo, trước khi vào viện điều trị chú đã là một anh hùng. Cô ấy đã gặp chú, bao điều tốt đẹp như được thức dậy bởi nghe những điều chú giảng dậy trong lớp học bổ túc. Tình yêu của họ bừng nở, như hành trang riêng tư duy nhất để mỗi người có thể đi trên đường đời…Nhưng chú linh cảm về sự hi sinh của những người anh hùng…với những trận chiến khốc liệt không dứt, khó nói trước được gì, chú không muốn làm cô phải đau khổ…. Chú đã hi sinh tại mặt trận Quảng Trị. Còn cô, đã tình nguyện tòng quân sau khi chú rời bệnh viện trở lại đơn vị….Hết chiến tranh, phiêu bạt sang Trung Âu, rất nỗ lực, trở thành doanh nhân thành đạt lắm…rồi gần đây đã hiến tặng gần tất cả gia sản tích lũy được cho các quĩ từ thiện xã hội. Cô tâm sự: ý nguyện đó dường như là âm vang của những gì tốt đẹp nhất mà chú hằng muốn, từng nói và từng sống như thế, vì nó, mà cô thấy hạnh phúc được làm thay chú – Tình yêu của cô !
Còn tôi, đến giờ tôi không nhớ một điều nào chú ấy nói cả, thực ra không biết là chú đã dạy gì, chỉ biết chú là người đầu tiên cho tôi biết đọc, biết bơi, biết thích nghe những chuyện cổ tích, biết vui buồn và biết hình dung cụ thể đến những hình ảnh về con người anh hùng .
Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
"Muốn qua sông phải lụy đò"
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ...
Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn