Về vấn đề mưu cầu hạnh phúc cá nhân và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta hiện nay

03:05 CH @ Thứ Bảy - 03 Tháng Năm, 2014

Hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc cá nhân là vấn đề luôn được quan tâm trong lịch sử triết học. Bài viết điểm qua các quan niệm trong lịch sử triết học - cả phương Đông và phương Tây - về vấn đề quan trọng này. Từ đó, bài viết nêu lên quan điểm của chủ nghĩa Mác: phản đối những quan điểm hạnh phúc mang tính ảo tưởng, cực đoan, hạnh phúc cá nhân không thể tách rời hạnh phúc cộng đồng, quan niệm về hạnh phúc phải được xem xét từ phương diện toàn diện và lịch sử cụ thể, vấn đề hạnh phúc liên quan chặt chẽ đến sự xác định và thực hiện lý tưởng sông của mỗi cá nhân… Thông qua cách nhìn mácxít về hạnh phúc, bài viết xác định một vài vấn đề đang đặt ra trong xã hội ta hiện nay.

Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng hướng tới mục đích mưu cầu hạnh phúc. "Quyền được mưu cầu hạnh phúc" là một trong những quyền con người đã được nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Độc lập của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1945. Đây không chỉ là vấn đề chính trị và đạo đức, mà còn là một vấn đề triết học, nó đã được đặt ra từ thời cổ đại và được tranh luận trong suốt lịch sử phát triển của triết học. Tìm hiểu cuộc tranh luận đó là việc làm cần thiết để có được những quan niệm đúng đắn về vấn đề này, bởi lẽ đây là vấn đề có ý nghĩa lớn trong việc xác định lẽ sống cho mỗi người, nhất là đối với việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ở Ấn Độ cổ đại, chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáođòi hỏi cá nhân người tu hành phải hy sinh những ham muốn, dục vọng đời thường, dấn thân vào việc tu luyện khắc khổ để mong được giải thoát khỏi kiếp đời đau khổ nơi trần gian. Nó xuất phát từ triết lý trong Kinh Vêđa rằng, mọi đau khổ của con người đều xuất phát từ những ham muốn dục vọng cá nhân, chúng làm cho linh hồn cá thể (atman) mãi mãi gắn bó với thể xác trong một vòng luân hồi bất tận, là cái nghiệp gây ra hậu quả đau khổ ở kiếp sau. Nó có nhiều biểu hiện đa dạng, từ việc hạn chế ăn uống cho đến việc từ bỏ quan hệ tính dục. Ngoài ra, chủ nghĩa này còn có những biểu hiện cực đoan khác như suốt đời chỉ sử dụng một tay hoặc một chân, không dùng vải che thân… Tất cả những việc làm đó đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là mưu cầu sự bất tử và hạnh phúc vĩnh cửu cho linh hồn cá nhân người tu hành. Mục đích này có lẽ là điều hấp dẫn nhất của tất cả mọi tôn giáo trong lịch sử. Tuy nhiên, suy cho cùng, đây chỉ là điều mong ước chủ quan của con người, trái với quy luật khách quan và tính khả thi của nó không có gì chứng thực được. Nhà thiên văn học Mỹ nổi tiếng Carl Sagan đã có câu nói chí lý: "Thà rằng sự thật nghiệt ngã còn hơn điều tưởng tượng để an ủi".

Đối lập với chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo, phái Charvaka (còn gọi là Lokayata) - một trào lưu triết học duy vật vô thần ở Ấn Độ cổ đại - lại bác bỏ ảo tưởng ở kiếp sau, phản đối phương pháp tu luyện khổ hạnh. Họ khẳng định: quan niệm cho rằng những khoái lạc gắn với những sự vật cảm tính là không tránh khỏi đi liền với những đau khổ là những lý lẽ ngu ngốc. Nó cũng giống như bảo rằng chúng ta hãy ném bỏ những hạt thóc đi vì chúng gắn liền với cái vỏ trấu và bụi đất, không có thiên đường, không có sự giải thoát, không có linh hồn ở thế giới khác, không có nghiệp báo, không ai có thể thoát khỏi cái chết. Khi đã có cuộc sống thì bạn hãy sống một cách vui vẻ.

Quan điểm này, về cơ bản là đúng, nhưng còn mang tính chất thô thiển nên bị các khuynh hướng tôn giáo chống đối mãnh liệt và bị coi là một thứ chủ nghĩa khoái lạc.

.

Ở Trung Hoa, Việt Nam và một số nước khác, trong suốt thời kỳ phong kiến, tuy không biết đến biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa khổ hạnh hay chủ nghĩa khoái lạc, nhưng lối sống của xã hội cũng chịu ảnh hưởng của hai khuynh hướng đối lập nhau. Trước hết là khuynh hướng nhập thế của Nho gia, chủ trương người trí thức phải học hành đến nơi đến chốn và đem tài năng của mình ra giúp đời, giúp nước. Hạnh phúc lớn nhất của người quân tử là được công hiến cho xã hội, lập được công danh. Khổng Tử đã từng phân biệt quan niệm về hạnh phúc của người quân tử với quan niệm của kẻ tiểu nhân. ông nói: "Quân tử nghĩ đến đức, tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở, quân tử quan tâm đến phép tắc, tiểu nhân quan tâm đến ân huệ".

Ngược lại, những người theo phái Đạo gia (do Lão Tử sáng lập, Trang Tử phát triển) đã coi hạnh phúc cá nhân là ở cuộc sống vô vi, nhàn hạ, hòa hợp với tự nhiên. Sống hạnh phúc là sống thanh đạm, biết đủ, biết dừng, không tham lam, không bon chen, không cạnh tranh. Lối sống này cũng trở thành lối sống của nhiều người trí thức khi chưa gặp thời hoặc khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với xã hội.

Hai quan niệm về hạnh phúc của Nho gia và Đạo gia, tuy đối lập nhau về cơ bản, nhưng cũng có những khía cạnh tương đồng, như coi khinh và phản đối lối sống chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, ích kỷ của cá nhân, gắn hạnh phúc với đạo đức, phản đối việc mưu cầu hạnh phúc bằng con đường bất chính... nên cả hai quan niệm đều được những người trí thức phương Đông, trong đó có những người trí thức Việt Nam, vận dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Trong triết học phương Tây, từ thời cổ Hy Lạp, cũng đã có cuộc đấu tranh gay gắt giữa chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng dưới những hình thức khác. Chủ nghĩa khổ hạnh Hy Lạp tuy không mang màu sắc tôn giáo, nhưng lại gắn liền với triết lý phủ nhận mọi giá trị của văn hóa, văn minh, coi văn hóa, văn minh là nguồn gốc của đau khổ, kêu gọi con người quay trở về với cuộc sống mông muội. Đó là lối sống của phái Xinich (Cynics) do Antixten (Antisthenes, khoảng 445 - 365 TCN), một môn đồ của Xôcrát, sáng lập và được Điôgien ở Xinôp (Diogenes of Sinope, khoảng 404 - 323 TCN.) phát triển. Phái này chủ trương thực hiện lối sống đạo đức bằng việc coi khinh và từ bỏ tất cả những thành quả của văn minh, văn hóa, sống một cuộc sống lang thang, rách rưới, bẩn thỉu như súc vật.

Bên cạnh phái Xinich còn có phái Xtôít (Stoicism), hay còn gọi là phái Khắc kỷ, do Dênôn ở Xiti (Zeno of Citium, khoảng 334 - 262 TCN), sáng lập, được nhà triết học Hy Lạp Epictetuyt (Epictetus, khoảng 55 - 135) và Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius ( 120 -180) phát triển. Phái Xtôít cho rằng, vũ trụ được điều khiển bằng lý trí (logos), bằng luật lệ tuyệt đối Người có lý trí là người hành động theo quy luật tự nhiên. "Hãy sống phù hợp với tự nhiên" là câu châm ngôn của phái Xtôít. Để đạt được hạnh phúc, phái Xtôít chủ trương sống có đạo đức có lý trí, dửng dưng trước tất cả mọi ham muốn vật chất. Bằng cách chế ngư được ham muốn và xúc cảm, những người Xtôít tin rằng có thể loại trừ được những tác động từ thế giới bên ngoài và tìm thấy sự yên bình bên trong tâm hồn.

Đối lập với các khuynh hướng khắc kỷ nêu trên, chủ nghĩa khoái lạc cũng phát triển mạnh trong suốt lịch sử triết học phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại.

Phái Xirenait (Cyrenaics) do Arixtíp (Aristippus, khoảng 430 - 350 TCN.), một môn đồ của Xôcrát, sáng lập, là một thứ chủ nghĩa khoái lạc tầm thường, vị kỷ, đưa ra một học thuyết mà theo đó, sự thỏa mãn những dục vọng trực tiếp của cá nhân, không cần quan tâm đến người khác, được coi là mục đích tối cao. Những khoái cảm xác thịt, theo phái này, còn đáng giá hơn những niềm vui trí tuệ hư ảo và phức tạp. Thực tế lịch sử đã cho thấy sai lầm cơ bản trong quan điểm của phái này, vì khi cá nhân con người chạy theo những khoái cảm xác thịt tầm thường thì không thể có được hạnh phúc toàn diện, lâu dài được.

Trái với chủ nghĩa khoái lạc vị kỷ, chủ nghĩa khoái lạc Êpiquya, gắn với trường phái triết học do Êpiquya (Epicurus, 341 - 271 TCN) sáng lập, là một thứ chủ nghĩa khoái lạc lý tính. Phái Êpiquya cho rằng, khoái lạc chân chính chỉ có thể đạt được bằng lý trí. Họ đề cao những phẩm hạnh như tính tự chủ và sự cẩn trọng. Khoái lạc lớn nhất là ở cuộc sống bình dị và điều độ, tiêu dao với bè bạn và cùng đàm luận triết học với họ. Họ lập luận rằng, sẽ là không tốt nếu làm điều gì đó để có được khoái cảm nhất thời nhưng lại gây ra hậu quả xấu cho tương lai, chẳng hạn, sự hoang dâm quá độ sẽ có hậu quả bất hạnh về sau.

Ở thế kỷ XVIII và XIX, những nhà triết học Anh, như Jeremy Bentham (1748 - 1832), và John Stuart Mill (1806 - 1873) đã đề xuất học thuyết khoái lạc phổ quát, được gọi là chủ nghĩa vị lợi. Theo Bentam, tiêu chuẩn cuối cùng của hành vi đạo đức của cá nhân là làm điều lợi cho xã hội theo nguyên tắc "hạnh phúc lớn nhất cho số đông người nhất". Mill đã phát triển và hoàn thiện tư tưởng của Bentham. Song, khác với Bentam, Mill đã phân biệt sự khác nhau về chất giữa các loại khoái cảm. Ông cho rằng, những khoái cảm tinh thần và đạo đức cao hơn những khoái cảm vật chất. Cũng có sự khác nhau giữa hạnh phúc và sự mãn nguyện "thà làm một Xôcrát không thỏa mãn còn hơn một tên ngu đần mãn nguyện". Mill cũng phân biệt những trình độ cao thấp của hạnh phúc, chẳng hạn, thưởng thức nhạc kịch (opera) là hạnh phúc ở trình độ cao hơn so với việc chơi những trò chơi trẻ con đơn giản, mặc dù chúng có thể làm cho nhiều người vui thích hơn là đi xem biểu diễn nhạc kịch. Cũng theo Mill, những người ít học thức thường chạy theo những khoái cảm đơn giản, tầm thường, chỉ có những trí thức mới hiểu biết được giá trị của những khoái cảm tinh thần ở trình độ cao.

Thuyết vị lợi của Mill đã được nhiều nhà triết học chấp nhận và tán dương, vì nó khắc phục được những hạn chế của chủ nghĩa khoái lạc vị kỷ, tầm thường, nâng chủ nghĩa khoái lạc lên một trình độ khác khi đề cao giá trị tinh thần, chủ nghĩa vị tha, gắn khoái cảm của cá nhân với việc đem lại hạnh phúc cho xã hội: cá nhân càng làm điều lợi cho xã hội thì càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.


Butan quốhc gia duy nhất trên thế giới có Bộ Hạnh Phúc

Kế thừa những yếu tố hợp lý trong lịch sử triết học, triết học Mác - Lênin đã đưa ra một cách tiếp cận duy vật và biện chứng về vấn đề hạnh phúc.

Trước hết, triết học Mác phản đối những quan điểm hạnh phúc mang tính chất ảo tưởng, cực đoan. Trong Lời nói đầu góp phần phê phán triết học pháp quyền của vĩ Hêgen, C.Mác coi mục đích của sự phê phán tôn giáo là "xóa bỏ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân", là "vứt bỏ khỏi những xiềng xích các bông hoa giả... và giơ tay hái lấy bông hoa thật".

Theo quan điểm duy vật lịch sử, "tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống". Như vậy, hạnh phúc của con người trước hết phải là hạnh phúc của những cá nhân con người đang sống. Mọi quan niệm, tiêu chuẩn về hạnh phúc do xã hội đặt ra, nếu không phù hợp với nhu cầu hạnh phúc của cá nhân, thì mãi mãi chỉ là những lý tưởng thuần túy.

Hạnh phúc cá nhân không thể tách rời hạnh phúc của cộng đồng, bởi "chỉ có trong đời sống cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng mới có thể có tự do cá nhân". Chính vì vậy, chủ nghĩa cộng sản đặt ra cho mình mục đích là phát triển tự do, toàn diện và hạnh phúc trọn vẹn của cá nhân, nhưng không phải là của một số cá nhân giàu có, mà của tất cả mọi cá nhân, nghĩa là của toàn. thể cộng đồng. Biện chứng giữa cá nhân và xã hội còn cho ta thấy cái cá nhân và cái xã hội quy định, chế ước lẫn nhau. Cá nhân chỉ thật sự có hạnh phúc khi được sống trong một cộng đồng mà mọi người đều có hạnh phúc, khi được mọi người thương yêu, tôn trọng và chính mình cũng góp phần đem lại hạnh phúc cho những người khác.

Chính C.Mác, trong lúc còn rất trẻ, đã tiếp cận được chân lý đó khi nói rằng, nếu ta chọn một nghề mà phục vụ được nhiều cho xã hội thì nỗi khó nhọc, vất vả trong công việc sẽ vì thế mà vơi đi. Anbe Anhxtanh (Albert Einstein), nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ XX, cũng khẳng định mục đích cuộc sống của mỗi chúng ta là vì người khác, "trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông". Điều này giải thích tại sao những nhà họat động chính trị lấy việc phấn đấu cho lợi ích của dân tộc, nhân loại làm niềm hạnh phúc của mình, những nhà khoa học hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp khoa học phục vụ nhân loại, những người dân bình thường khác trong xã hội không ngần ngại trích một phần thu nhập của mình để làm công việc từ thiện.

Thứ hai, con người là một chủ thể họat động. Do đó, sự nhàn hạ, vô vi, yên tĩnh... không thể đem lại hạnh phúc cho con người. Chúng chỉ có ý nghĩa là những khoái cảm mà con người tìm thấy sau một thời gian lao động mệt nhọc, phấn đấu căng thẳng mà thôi. Anhxtanh đã tìm thấy hạnh phúc của mình ở "thiên đường khoa học". Ông phê phán lối sống nhàn hạ, vô vi. Ông nói: "Tôi không bao giờ tìm kiếm sự nhàn hạ và sự sung sướng như là mục đích tự thân" và "Không có tình cảm đồng loại, không có công việc bận rộn với thế giới khách quan với những nỗ lực không bao giờ đạt được hoàn toàn trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học thì cuộc sống đối với tôi sẽ hình như vô nghĩa".

Theo quan điểm mácxít, vấn đề hạnh phúc phải được xem xét từ phương diện toàn diện và lịch sử cụ thể. Một người tuy giàu có về vật chất, đầy đủ, nhàn hạ, thoải mái trong cuộc sống cá nhân, nhưng nghèo nàn trong đời sống tinh thần, hạn hẹp trong quan hệ và họat động xã hội thì không thể cảm thấy hạnh phúc hơn những người tuy vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống vật chất nhưng có cuộc sống tinh thần và xã hội phong phú hơn. Trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, yêu cầu hạnh phúc của con người cũng khác nhau.

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng “hạnh phúc là đấu tranh" theo nghĩa là đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc, chống chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa đế quốc. Hoàn cảnh này đòi hỏi cá nhân phải đặt lợi ích xã hội lên trên hết. Khi đất nước ta bị Pháp, Mỹ đô hộ, tuy lối sống cá nhân, thực dụng phương Tây đã có ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta, nhưng điều đó không ngăn cản tuyệt đại đa số người Việt Nam yêu nước phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và tiếp thu những tư tưởng tiên tiến của chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi đặt hạnh phúc cá nhân trong hạnh phúc của xã hội, họ đã nhận thức rõ rằng, trong điều kiện nước mất, nhà tan thì cá nhân phải hy sinh hạnh phúc của mình vì sự sống còn và tương lai của dân tộc. Hồ Chí Minh và biết bao chiến sĩ cách mạng khác đã thực hành lối sống đó và đã để lại những tấm gương chói lọi cho muôn đời sau. Hồ Chí Minh luôn coi độc lập của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân là "mục đích duy nhất", là "ham muốn tột bậc" của mình. Nguyễn Văn Trỗi tuyên bố trước kẻ thù: còn giặc Mỹ thì không ai có thể có hạnh phúc.

Trong giai đoạn hiện nay, hạnh phúc cá nhân và xã hội phải gắn liền với nhau, kết hợp hài hòa với nhau. "Đấu tranh" ở đây phải được hiểu là đấu tranh cải tạo tự nhiên, chống đói nghèo, làm cho xã hội ngày càng văn minh. Mọi họat động chân chính của cá nhân, như sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, họat động nghệ thuật, họat động chính trị - xã hội… vừa đem lại cuộc sống và hạnh phúc cho cá nhân nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho cá nhân đóng góp xây dựng đất nước, đem lại hạnh phúc cho xã hội. Còn những người chỉ biết đến lợi ích của riêng mình, móc túi người khác để bỏ cho đầy túi mình luôn bị xã hội coi khinh, pháp luật trừng trị, như vậy, trước sau cũng không thể nào sống yên bình, hạnh phúc được.

Thứ ba, hạnh phúc cá nhân không chỉ thể hiện ở việc thỏa mãn nhu cầu, đạt được mục đích, mà là quá trình con người không ngừng phấn đấu, từ chỗ đặt ra mục đích, vạch kế họach, tìm kiếm phương tiện, đến việc phấn đấu thực hiện và đạt được những mục đích đó. Khi con người thỏa mãn được một nhu cầu, đạt được một mục đích nào đó thì cảm thấy hạnh phúc, tuy nhiên, nếu dừng lại ở đó, khoái cảm hạnh phúc cũng sẽ dần mất đi. Hơn nữa, con người cảm thấy hạnh phúc ngay trong quá trình thực hiện chứ không phải đợi đến khi đã đạt được mục đích đó. Điều bất hạnh lớn nhất đối với con người là thiếu mục đích, thiếu lý tưởng, không có gì để phấn đấu trong cuộc sống. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế thị trường với những cám dỗ vật chất của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thanh niên và một số tầng lớp khác trong xã hội ta. Người ta đã đồng nhất hạnh phúc với việc có nhiều tiền, thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu vật chất từ ăn, mặc, ở, đi lại đến nhu cầu tính dục. Đáng buồn hơn cả là có một bố phận không nhỏ học sinh, sinh viên, thanh niên của chúng ta chạy theo lối sống gấp, cốt thỏa mãn những khoái cảm trước mắt. Các em bỏ bê việc học tập để suốt ngày rong chơi, một số thì đắm mình trong các trò chơi điện tử hoặc thậm chí la cà ở các vũ trường, một số khác thì tham gia vào các nhóm trộm cướp, trấn lột và làm những việc phạm pháp khác. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngày giảm sút chất lượng học tập ở các trường phổ thông, đại học trong cả nước. Nguyên nhân, một mặt, là tâm lý chán nản của một số học sinh, sinh viên trước những khó khăn, vất vả của công việc học hành và, mặt khác, là sự thiếu bản lĩnh kìm chế, làm chủ bản thân trước những cám dỗ vật chất tầm thường. Những điều này lại có nguyên nhân sâu xa hơn, là sự suy giảm ý thức về lý tưởng, về mục đích sống, khiến các em không có được những định hướng đúng đắn cho chính cuộc đời mình.

Do đó, những vấn đề, như thế nào là hạnh phúc? Tại sao phải sống có đạo đức?cần được trả lời một cách thuyết phục. Tất nhiên, theo quan điểm duy vật, hạnh phúc của cá nhân không thể đứng ngoài những khoái cảm do việc thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống hàng ngày đem lại. Vấn đề là cần phải phân biệt những khoái cảm trước mắt với hạnh phúc lâu dài, những khoái cảm có tính chất ảo tưởng, ảo giác với hạnh phúc chân chính của con người. Những khoái cảm từ men rượu, thuốc lắc, ma túy, sex… chỉ đem lại sự chán chường, tuyệt vọng, đau khổ về sau. Việc làm giàu bằng con đường bất chính cũng không đem lại hạnh phúc thật sự. Khổng Tử đã từng nói: "Giàu và sang là điều ai cũng muốn. Nhưng để được giàu sang mà chẳng phải đạo, thì người quân tử không chọn lấy". Anhxtanh cũng khinh ghét lối sống chạy theo đồng tiền và nhu cầu vật chất tầm thường. Ông nói: "Tiền bạc chỉ kích thích sự ích kỷ và không tránh khỏi dẫn đến sự bất lương". "Ba điều trong số những cố gắng của con người: của cải, sự thành đạt bề ngoài, sự xa hoa đối với tôi luôn luôn là đáng khinh bỉ".

Đối với thế hệ trẻ, trách nhiệm của gia đình, trường học là phải coi trọng việc giáo dục đạo đức, lẽ sống cho họ. Việc làm này cần phải được thực hiện ngay từ cấp tiểu học cho đến bậc đại học. Cha mẹ, thầy cô giáo cần phải cho các em hiểu thế nào là cuộc sống hạnh phúc, dạy cho các em biết hy sinh những khoái cảm trước mắt để phấn đấu cho tương lai lâu dài của cá nhân, của đất nước, biết kết hợp hài hòa giữa cuộc sống cá nhân với cuộc sống tập thể và xã hội. Cần phải giáo dục cho các em hiểu rằng lý tưởng sống của tuổi trẻ là học tập rèn luyện để sau này lập thân, lập nghiệp, để đạt đến trình độ làm chủ và sáng tạo khoa học, công nghệ, vừa có được cuộc sống cá nhân hạnh phúc, vừa góp phần đưa Việt Nam thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hạnh phúc

    26/07/2019Cao Huy ThuầnThứ nhất, hạnh phúc là sống trong hạnh phúc của người khác. Thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác. Thứ ba, hạnh phúc là dâng hiến...
  • Hạnh phúc

    21/03/2017Nguyễn Trần BạtCon người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, công cụ mà loài người đã sử dụng để tìm kiếm hạnh phúc là các quyền chính trị...
  • Các nhà tâm lý học có thể giúp đỡ mọi người tìm thấy điều làm cho họ hạnh phúc

    21/03/2017TS. Đào Thị OanhSự giàu có về vật chất không làm cho cuộc sống của con người hạnh phúc. Và, các nhà tâm lý học cần phải làm rõ xem điều gì làm cho con người hạnh phúc...
  • Nguồn gốc của hạnh phúc và bất hạnh

    20/03/2016Trong cuộc sống, mọi người đều có thể cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cặp nam nữ nào cũng có thể chung sống đến đầu bạc răng long. Hôn nhân trong cuộc sống hiện đại là một thử thách lớn cho hai người trưởng thành...
  • Nguyên lý hữu dụng và hạnh phúc

    06/03/2016Luận MinhCuối thế kỷ 18, triết gia người Anh Jeremy Bentham trong tác phẩm “Giới thiệu các nguyên lý đạo đức và luật pháp” (1789) đã đề ra nguyên lý hữu dụng, nội dung của nó là tán thành hay phủ nhận hành động của cá nhân hoặc chính quyền, dựa trên nỗ lực làm gia tăng hay giảm bớt hạnh phúc cho người khác. Theo J. Bentham, chính quyền được xây dựng trên căn bản tam phân: lập pháp, hành pháp và tư pháp, hình thức tổ chức chính quyền chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích
  • Nghịch lý CIO: Làm sao để vừa thành công vừa Hạnh phúc?

    25/10/2014Minh Anh dịch, Megan SantosusKhi nói về nghề giám đốc công nghệ thông tin (CIO), người ta nghĩ đến dạng người gần như độc tưởng - luôn đi sớm về khuya, cống hiến bản thân cho công việc, không có thời gian để tạo sự thăng bằng trong cuộc sống...
  • Hạnh phúc: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống

    24/09/2014Huỳnh Trúc“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống? Nếu người ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một kẻ nào đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cam chịu cô đơn, chắc chắn đó sẽ là sự gần gũi với người khác”.
  • Khi nào tiền bạc làm nên hạnh phúc?

    01/07/2014Đức LêĐúng là tiền bạc có thể làm người ta hạnh phúc. Nhưng với điều kiện ta phải có nhiều tiền hơn là những người xung quanh ta. Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu mới đây nhất về hạnh phúc của nhà khoa học.
  • Càng giàu, càng thích hưởng thụ! Nhưng hạnh phúc thì...?

    20/08/2013Minh ThiKhi xã hội phát triển, ngày càng nhiều người áp dụng lối sống hưởng thụ cho chính mình. Thực ra, hưởng thụ là một điều tốt, nó là thước đo đời sống của con người và xã hội hiện đại. Vấn đề đặt ra chỉ là cách hưởng thụ như thế nào mà thôi, bởi đôi khi cách thức hưởng thụ lại có thể khiến con người bất mãn thêm và thế giới trở nên kiệt quệ...
  • Để gia đình mãi mãi là nguồn hạnh phúc

    28/11/2007Văn TúCho dù công việc của bạn có bận đến đâu cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình của bạn. Hãy thể hiện tình cảm của bạn đối với mọi người trong gia đình bằng những lời nói, cử chỉ cụ thể...
  • Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (HPI) của Việt Nam

    21/11/2007Hồ Sĩ Quý (PGS. TS. Viện trưởng Viện thông tin KHXH)Khi tiến hành đo đạc, tính toán về hạnh phúc, đóng góp của các nhà nghiên cứu định lượng được ghi nhận nhiều ở việc họ đã chỉ ra vai trò của từng nhân tố cụ thể trong cấu trúc của hạnh phúc con người. Các nhân tố thường được quan tâm và đã được xem xét là năng lực thông minh và trí tuệ, yếu tố di truyền và bẩm sinh, vai trò của giáo dục và truyền thống, ảnh hưởng của thu nhập và tiền bạc, các quan hệ gia đình và hôn nhân…
  • Công việc là niềm hạnh phúc

    24/10/2007Giáng NgọcTrong căn phòng làm việc được bài trí một cách giản dị, ông đang cặm cụi nghiện cứu bên một kho sách vở tài liệu ngổn ngang. Ngay lần gặp đầu tiên, ông đã gieo vào lòng người đối thoại ấn tượng khó quên bằng một câu nói chân thành"Hạnh phúc là được vùi mình vào công việc"...
  • “Hạnh phúc”, cũng cần học!

    13/05/2007Hạnh Nguyên (London)Một đề tài tờ Daily Telegraph đưa ra đang gây tranh cãi trong những người làm giáo dục ở Anh. Đó là việc cố vấn cao cấp về giáo dục cho Chính phủ Anh, Richard Layard, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế London, đề xuất đưa một môn học mới vào giảng dạy. Môn học có tên là “Bài học hạnh phúc”...
  • Giàu có, phải cần Hạnh phúc

    27/02/2007Nguyễn Lan AnhVới tâm trạng lạc quan hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất. Liệu chúng ta có giữ mãi được cảm giác ấy không? Gần đây, Chính phủ Anh đã đặt ra một mục tiêu mới không phải là phát triển kinh tế, mà là hạnh phúc của công chúng. Hóa ra, những quốc gia giàu nhất châu Âu (Anh, Pháp, Đức) lại là những quốc gia kém hạnh phúc nhất.
  • Hạnh phúc

    21/02/2007Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupNếu con người không có năng lực để đánh giá sự đúng đắn hay xác lập sự đúng đắn trong khi tiến hành các hành vi của mình thì con người không thể có hạnh phúc bền vững. Nhận thức được các tất yếu sẽ làm cho con người trở nên đúng đắn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một lát cắt trong những luận bàn sâu sắc của TGĐ- Chủ tịch Investconsult Group - Nguyễn Trần Bạt về hạnh phúc. Con đường để có được hạnh phúc, một hạnh phúc bền vững là hành trình tìm ra khuynh hướng đúng đến tận cùng giới hạn và vượt qua...
  • Hạnh phúc rất đơn sơ…

    01/01/1900BS. Đỗ Hồng NgọcBuổi sáng, mở tờ báo, mọi người chưng hửng, rồi tủm tỉm cười: Việt Nam mình hạnh phúc nhất Châu Á, xếp thứ 12 trên thế giới. Trong khi đó, Singapore - một "thần tượng” của mình lâu nay lại đứng hạng bét Châu Á và hạng thứ 131 của thế giới! Mỹ còn tệ hơn, hạng 150, rồi Anh 109, Pháp 129, Nhật 95 và Đức 85...Ai đó lên tiếng bên tách cà phê sáng vỉa hè Sài Gòn, giữa những ngày bão rớt, với dồn dập những tin động đất, lũ lụt, sóng thần, núi lửa, dịch bệnh, chiến tranh...
  • Nền tảng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc

    01/10/2006Bạn và chồng/vợ đã quyết định chung sống lâu dài, do đó hãy hoạch định những gì bạn cần thực hiện để cuộc sống hôn nhân được viên mãn...
  • Hạnh phúc khi lấy được vợ béo

    26/09/2006Tôi cực lực phản đối các tiêu chí và nghi ngờ khả năng thẩm mỹ của các vị giám khảo trong tất cả các kỳ thi hoa hậu, người đẹp của ta gần đây. Tại sao các vị lại thiếu thẩm mỹ đến thế khi trao vương miện cho những người con gái gầy khẳng khiu, cao lêu đêu như một cây sào? Những cô gái mà nếu ở làng tôi thì xin lỗi, ế chồng là cái chắc...
  • Hạnh phúc rất đơn sơ

    18/08/2006Đỗ Hồng NgọcHình như chưa bao giờ người ta nói nhiều về hạnh phúc như bây giờ! Sáng nay, mở tờ báo, mọi người chưng hứng rồi tủm tỉm cười: Việt Nam mình hạnh phúc nhất Châu Á, đứng hàng thứ 12 trên thế giới, trong khi đó, Singapore - "thần tượng" - lại đứng hạng bét Châu Á, vào hàng thứ 131 của thế giới ! Mỹ còn tệ hơn, hạng l50, rồi Anh 109, Pháp 129, Nhật 95 và Đức 85...
  • Tài sản và việc mưu cầu hạnh phúc

    02/05/2006Từ “tài sản” do Locke sử dụng có hai nghĩa. Thứ nhất, ông ta muốn nói tới tất cả mọi thứ mà con người có được nhờ quyền tự nhiên của họ, đặc biệt là cuộc sống, tự do và điền sản. Với Locke, việc “bảo vệ tài sản,” trong nghĩa tổng quát này, miêu tả một mục tiêu bao trùm của chính quyền dân sự...
  • Xây dựng hạnh phúc gia đình qua những bữa cơm hàng ngày

    05/04/2006Lê Thi (GS, Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ)Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi...
  • Tiền bạc có mua được hạnh phúc

    16/01/2006Trần Cao Dũng trích dịch từ bài của tác giả Mark SkousenĐồng tiền có thể cung cấp cho mọi người rất nhiều lợi ích: điều kiện sống tốt hơn, địa vị xã hội, du lịch, hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe, giải trí vv..vv.. Cảm giác được sống trong sung túc, có một tài chính cá nhân vững chắc luôn mang lại sự toại nguyện vô bờ...
  • Những đức tính cần cho hạnh phúc hôn nhân

    30/12/2005Hoàng NamYêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất của con người. Song, vấn đề xây dựng và duy trì một tình yêu bền vững mới thật sự là quan trọng. Và điều này không thể thiếu trong một mái ấm hạnh phúc, gắn liền với đức tính của bạn.
  • Tiền tài & Hạnh phúc

    22/11/2005TS. Nguyễn Chí ThuậtTrung tâm Thăm dò Giá trị Thế giới đã tiến hành trong năm 2002 cuộc điều tra dư luận với hai câu hỏi được đưa ra: Bạn có phải là người hạnh phúc? và Bạn có hài lòng về cuộc sống của mình?
  • 10 bí quyết cho Hạnh phúc

    25/10/2005Minh Thu1/2 mức độ hạnh phúc của bạn có thể được định hình ngay từ lúc bạn vừa mới chào đời, và thêm 10% nữa là do các hoàn cảnh khách quan quyết định. Có nghĩa là chúng ta còn tớ những 40% cơ hội để tự xoay sở hạnh phúc cho mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu năm bắt khả năng ngay từ bây giờ ? Và đây là 10 điều kiện mà mỗi chúng ta đều cần có được nhằm mưu cầu một hạnh phúc thực sự cho mình...
  • Hạnh phúc vẫn hơn là “cái đúng”

    20/10/2005Huy MinhTrong gia đình, làm cho mình và các thành viên khác hạnh phúc hơn mới là đúng nhất! Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên tránh né mọi cuộc tranh luận, hay ngoan ngoãn đi theo sự dẫn dắt của người bạn đời, hày chiều chuộng mọi sở thích của con cái
  • Bí quyết của hạnh phúc

    17/10/2005Nguyễn Thị Thùy MaiNhiều khi bạn nghĩ rằng phải dư dả mới có hạnh phúc thực sự. Ngược lại, cũng có người nghĩ rằng hạnh phúc chỉ tồn tại với các cặp vợ chồng thuở hàn vi… Tuy nhiên, hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào cách sống hằng ngày, vào cảm giác, vào quan niệm của bạn về cách hưởng thụ cuộc sống...
  • Khi nào bạn hạnh phúc?

    06/08/2005Giàu có không làm bạn tăng thêm hạnh phúc, nếu bạn không có nhiều tiền bằng người khác, hoặc ít có thời giờ dành cho giải trí hơn. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới về hạnh phúc của các chuyên gia phương Tây...
  • Bí mật của hạnh phúc (Hạt giống tâm hồn)

    02/08/2005Khi còn ở tuổi niên thiếu, dường như mọi người chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản - đó là đạt được những điều mình muốn. Khi bước vào cuộc sống, chúng ta thực sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, trải nghiệm, khám phá và đi tìm hạnh phúc cuộc sống.
  • 8 bí quyết hạnh phúc trong hôn nhân

    16/07/2005Lê Ngân
  • Hạnh phúc = Giàu có?

    07/07/2005Phương ĐôngTheo nghiên cứu của các nhà kinh tế và các chuyên gia về gia đình thì tiền bạc, tài sản và những yếu tố tài chính khác chỉ đem lại cho con người khoảng 15% hạnh phúc, phần còn lại bắt nguồn từ những nhân tố khác như thái độ sống, khả năng làm chủ cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh...
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • Hàng cũ mang lại hạnh phúc!

    19/02/2004Với ông Lim, rác không hoàn toàn là phế thải vô dụng, chúng có thể mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhiều người, trong đó có ông
  • xem toàn bộ