Số thật, số ảo và thiết chế minh bạch

10:02 SA @ Thứ Tư - 30 Tháng Ba, 2016

Vài ngày trước phiên điều trần trước Quốc hội ngày 30 tháng 5 năm 2009, bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc yêu cầu các chuyên gia tính toán chính của bộ lên phòng làm việc của mình. Ông muốn nghe họ khẳng định lại hai con số tối quan trọng của nền kinh tế là tổng phương tiện thanh toán và tổng tăng trưởng tín dụng trong năm 2007...

Trước đó, ông Phúc đã được thủ tướng yêu cầu kiểm tra kỹ lại hai con số này, được hình thành trên cơ sở báo cáo của các cơ quan trong nước, cũng như các tổ chức quốc tế như WB, ADB và IMF.

Hai con số làm thủ tướng “giật mình”

Hai con số sơ bộ đó đã làm thủ tướng “giật mình”, như ông Phúc đã kể, vì tăng tương ứng tới 46,7% và 57%, cao chót vót so với chuẩn quốc tế là khoảng 20% và 25%. Trong cuộc họp hôm đó, các chuyên gia khẳng định với ông Phúc là tổng phương tiện thanh toán tăng đến 43,7%, và dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 53,8%. Đây là hai con số cuối cùng mà bộ trưởng đã điều trần trước Quốc hội vài ngày sau với câu chuyện “làm thủ tướng giật mình” đã trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, việc có được cái con số này là điều rất đáng bàn. Một quan chức của vụ Tài chính tiền tệ của bộ, người đã tham dự buổi họp hôm đó kể lại rằng, họ căn cứ vào một bản báo cáo của ngân hàng Nhà nước. Bản báo cáo đó, đóng dấu mật và chỉ được chuyển đến rất ít quan chức liên quan, nhận định rằng, hai con số đó chỉ vào khoảng 30%, nghĩa là tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. Tuy vậy, các chuyên gia của bộ Kế hoạch và đầu tư đã không sử dụng hai con số đó của ngân hàng nhà nước, mà tính toán lại trên cơ sở các số liệu của chính bản báo cáo đó. “Chúng tôi thu được kết quả khác, như bộ trưởng đã công bố”, quan chức này kể lại với SGTT. “Bản thân bộ trưởng đã phải tranh cãi gay gắt với bên ngân hàng, và cuối cùng họ phải công nhận con số của chúng tôi”, ông tiết lộ. Về phần mình, ngân hàng Nhà nước dường như đã không có phản ứng công khai về những con số bị điều chỉnh này.

Tổng cục Thống kê cũng khó tiếp cận số liệu

Cho đến tận hôm nay, câu chuyện bộ trưởng Phúc làm thủ tướng “giật mình” vẫn đáng để nói lại, bởi hai con số đó vẫn còn gây tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Nhưng, điều quan trọng hơn nằm ở bản chất của câu chuyện: nó cho thấy công tác dự báo của Việt Nam đang ngày càng trở nên tụt hậu so với yêu cầu của nền kinh tế đã trở nên lớn hơn và phức tạp hơn. Nhiều quan chức có nguồn số liệu lại không có đủ năng lực để phân tích, trong khi nguồn số liệu đó lại không được chia sẻ tới các chuyên gia khác, cũng như các cơ quan khác trong cùng hệ thống nhà nước.

Trước đây, nhiều dự báo kinh tế, cũng như phản biện chính sách đã được đóng góp đáng kể bởi ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ban này bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế nổi bật từng giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống nhà nước. Họ có năng lực phân tích, và khả năng tiếp cận đến nhiều nguồn số liệu vì có uy tín và quan hệ xã hội rộng rãi. Ban này nay đã giải tán. Tuy vậy, cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng đây là một quyết định đúng. “Thủ tướng nói rằng, chúng ta không thiếu gì các viện nghiên cứu, vì vậy công tác dự báo phải để cho các viện này làm chứ. Đây là một ý đúng”, ông Tuyển nói với SGTT.

Tiếng nói của các viện nghiên cứu, như ông Tuyển nhận xét, đang ngày càng được tôn trọng hơn. Một ví dụ, các kịch bản tăng trưởng giảm xuống mà Chính phủ trình trước Quốc hội vừa qua là dựa trên phân tích của một số viện nghiên cứu như viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, tổng cục Thống kê, và một số vụ trong bộ Kế hoạch và đầu tư. Những báo cáo dự báo như vậy là rất quan trọng, nhưng thật đáng ngạc nhiên với những khó khăn mà nhiều tác giả của chúng phải đối mặt. Vụ trưởng vụ Hệ thống tài khoản quốc gia của tổng cục Thống kê Bùi Bá Cường thừa nhận với SGTT: “Nói thật nhé, với nhiều số liệu, anh cũng như em (phóng viên) thôi. Không tiếp cận được”. Tiến sĩ Lê Đình Ân, giám đốc trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư xác nhận điều này. “Đến tổng cục Thống kê cũng khó tiếp cận đến nhiều số liệu, nhất là của ngân hàng”, ông Ân nói.

Bản thân ông Ân, người từng là thư ký của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, và là chánh văn phòng bộ mười năm, nghĩa là có mối quan hệ xã hội rộng lớn, cũng rất khó khăn tiếp cận các nguồn số liệu. Nhiều báo cáo về kinh tế của trung tâm này được gửi đến nhiều thành viên chính phủ, sau khi đã được góp ý của nhiều chuyên gia từng là thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng. Tuy vậy, ông Ân tiết lộ, nhiều cảnh báo trong đó được rút ra từ mô hình chạy bằng những con số “ước lượng”.

Cho đến nay, chưa có cơ quan nào “điều chỉnh lại” hai con số tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng của năm 2008 (ở mức trên 16%, và 21%), như họ đã phải làm tới bốn lần trong năm tháng đầu năm ngoái. Bộ trưởng Phúc, có thể, sẽ không phải nói lại về chúng trong kỳ họp Quốc hội tới. Những con số đó, thực ra, chỉ là biểu hiện của vấn đề thiếu minh bạch thông tin, mà giải quyết nó cần một thiết chế pháp lý. Thiết chế đó phải được tôn trọng, và thực thi vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Minh bạch - một tiêu chí văn hóa

    25/04/2019Nguyễn Trần BạtMinh bạch là một trong những nguyên lý quan trọng nhất để khẳng định sự lành mạnh của cả thể chế lẫn xã hội, vì chúng ta đang sống trong thời đại mà khái niệm dân chủ được xem như một đặc tính chính trị. Nếu nhân dân không làm chủ được, thì mọi việc đều không minh bạch. Nhân dân làm chủ, không có nghĩa là nhân dân cần cái quyền đối chất với Nhà nước...
  • Tính minh bạch

    01/07/2016Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupMinh bạch là một trong những nguyên lý quan trọng nhất để khẳng định sự lành mạnh của cả thể chế lẫn xã hội...
  • Minh bạch

    16/03/2009Lan AnhMột trong những việc đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama làm khi công bố gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 787 tỉ USD, là thành lập ngay một hội đồng Minh bạch và giải trình đạo luật Phục hồi kinh tế. Ông Earl Devaney, một cựu mật vụ Mỹ và từng giữ chức tổng thanh tra nội vụ, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng này
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Minh bạch, bình đẳng, năng lực Những yêu cầu không thể thiếu trong cải cách tư pháp

    13/11/2006Hoàng Ngọc GiaoCải cách tư pháp đang đặt ra những yêu cầu cải cách, đổi mới trong các hoạt động tư pháp. Bài viết này tiếp cận cải cách tư pháp với những tiêu chí: Minh bạch, Bình đẳng, Năng lực...
  • Tham nhũng: Cái giá của sự thiếu công khai và minh bạch

    29/07/2006Hữu VinhCuộc chiến chống tham nhũng đã khởi động được một thời gian không còn ngắn. Nhưng dường như, càng phát động "chống” nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn và những vụ tham nhũng càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã phải nhìn nhận: "Tham nhũng diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng lớn, phạm vi xảy ra với diện rộng và mang tính tổ chức giữa nhiều cá nhân và đơn vị"...
  • Phòng chống tham nhũng

    14/04/2006Nguyễn Đức LamLuật và cơ quan chuyên trách đứng riêng một mình khó mà thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng này. Có nhiều luật chưa đủ, mà còn cần những điều kiện khác để luật trở thành công cụ hữu hiệu...
  • Minh bạch và công khai

    14/01/2006Đậu Anh Tuấn - Ban Pháp chế, VCCIMinh bạch là một khái niệm khá trừu tượng. Để đo lường tính minh bạch là một công việc hết sức khó khăn. Nhiều người vẫn thường hiểu minh bạch đồng nghĩa với công khai. Thực ra, khái niệm minh bạch là khái niệm rộng hơn, nó bao gồm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy, nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin...
  • Công cụ chống tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế

    18/07/2005Danh ĐứcCảnh sát điều tra sẽ có kết luận về những vụ việc đang làm công chúng buồn lòng, thậm chí nghĩ rằng mình đang bị lừa đảo, móc túi.
  • xem toàn bộ