Sắc sảo Hoàng Tuấn Công (*)

10:59 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Tám, 2017

Bản thảo cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu" gần 600 trang, với tôi, là một kho tàng tri thức khổng lồ...

Tôi đã đọc các bài viết của Hoàng Tuấn Công một cách say sưa không dứt ra được; phần vì những bài viết đó có nhiều lý giải rất mới mẻ, trước hết là với hiểu biết của chính tôi; phần vì cách viết của Công rất hấp dẫn, vừa khoa học, công phu, lại vừa đáo để trong lập luận, một thứ văn luận chiến (polémique) sắc sảo. Những bài viết của Công thực sự đã chinh phục tôi, và sự thật nếu không đọc Công, tôi hoàn toàn có thể hiểu sai những từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ mà lâu nay vẫn nghe, vẫn dùng. Không chỉ riêng mình, tôi chắc rất nhiều người đã và sẽ vỡ ra, ngộ ra nhiều điều khi đọc những gì Công viết. Không tin thì bạn cứ hãy liếc qua thử vài ba trang của cuốn sách này - cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu", cuốn sách mà Công đã dày công biên soạn trong vòng 3-4 năm nay và cũng đã công bố ít nhiều trên trang blog của mình, nay hợp làm một quyển.

Lật từng trang bản thảo cuốn sách "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu", tôi cứ nghĩ nếu GS Nguyễn Lân còn sống, ông sẽ phản ứng thế nào khi đọc sách này? Liệu thầy có buồn và nổi nóng với kẻ hậu sinh? Không, tôi chắc thầy chẳng bao giờ xử sự thế, mà trái lại sẽ rất trân trọng những người như Hoàng Tuấn Công, người không chỉ chăm chú đọc kỹ những cuốn từ điển của thầy mà còn tỉ mỉ ghi chép, đối chiếu, so sánh, khảo cứu từng con chữ trong đó để đối thoại, chú giải, đính chính lại những gì chưa ổn, chưa đúng, đặng mang đến cho bạn đọc một cách hiểu vẹn toàn, chính xác.

Kho tàng tri thức, chữ nghĩa của ông cha để lại là vô tận, bao la; ai có thể ôm hết và hiểu đúng mọi điều? Sai sót trong việc hiểu và giải thích kho tàng chữ nghĩa của cha ông để lại là chuyện bình thường, góp ý để chỉnh sửa lại cho đúng là chuyện rất nên làm và nên khích lệ, ủng hộ, biểu dương… Ai cũng nghĩ thế, huống chi là GS Nguyễn Lân, một bậc thầy đáng kính, một tên tuổi không thể không nhắc tới của khoa học giáo dục nước nhà thời hiện đại, một nhà khoa học luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung…

Do tính chất phức tạp của tri thức tổng hợp được đề cập và dường như lường trước được những "nghi ngờ" khó tránh khỏi của bạn đọc về độ tin cậy trong diễn giải của người soạn, Hoàng Tuấn Công chủ trương trình bày rất chi tiết, cặn kẽ; lập luận rào trước đón sau, dẫn ra nhiều ngữ liệu, "chua" rõ nguồn trích, nguyên văn tiếng Latin, tiếng Hán, tiếng Mường, tiếng Anh; đối chiếu với hàng chục cuốn từ điển khác; liên hệ với cách nói, cách hiểu tương tự của các dân tộc khác… để làm rõ ý kiến của mình. Vì thế, cuốn sách này không chỉ đơn thuần là từ điển giải nghĩa mà nó thực sự còn là một công trình khảo cứu rất công phu… Cũng vì thế việc đánh giá, thẩm định, biên tập không đơn giản.

Mỗi ngày tôi tranh thủ xem và học từ đó khoảng dăm bảy mục, vừa phù hợp với thời gian vừa là để nhấm nháp, nghiền ngẫm, "tiêu hóa" những gì tác giả đã nêu lên vừa như là món ngon để dành ăn dần, sợ hết…

Tiếng nói, ngôn ngữ của một dân tộc là "vốn hương hỏa cha ông để lại" như nhà văn Nguyễn Tuân từng tâm niệm. Mỗi người cần có ý thức và có trách nhiệm chung tay góp phần làm cho "vốn hương hỏa" ấy ngày càng phát triển, sinh sắc hơn lên. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, tiếng Việt đang bị mai một, bóp méo, hiểu sai, sử dụng cẩu thả thì cuốn sách này là một đóng góp có ý nghĩa; một nỗ lực cá nhân đáng trân trọng trong việc giữ gìn tiếng Việt, để tiếng nói của cha ông ngày càng giàu có, tinh tế, chuẩn mực, sáng trong hơn.

(*)Lời bạt đăng trong sách, tòa soạn tóm lược và đặt lại tựa đề


Mục từ: TẨY NÃO
(Nguyễn Lân) "Tẩy Não. đgt. Làm cho người ta thay đổi những quan điểm sai lầm, lệch lạc: Những cuộc chỉnh huấn nhằm tẩy não cho một số cán bộ".

(Hoàng Tuấn Công)
Sai nghiêm trọng. "Tẩy não" [Từ điển Hán Anh: Brainwashing] thường được hiểu với nghĩa tiêu cực, tức là cưỡng bức, can thiệp vào tư tưởng, suy nghĩ của người khác một cách thô bạo; không hiểu sao lại được GS. Nguyễn Lân giải nghĩa theo hướng tích cực là "Làm cho người ta thay đổi những quan điểm sai lầm, lệch lạc".

Từ điển Vietlex giảng như sau: "Tẩy não. đg. tác động đến tâm lý, thường là một cách thô bạo, nhằm làm cho người ta từ bỏ hoàn toàn những quan điểm riêng để theo quan điểm như mình mong muốn". Dưới góc độ giải thích khái niệm, Từ điển bách khoa Britannica giảng rõ ràng và cụ thể hơn: "tẩy não: Nỗ lực có hệ thống nhằm phá hủy sự trung thành và niềm tin cũ của một cá thể và thay vào đó là sự trung thành với một ý thức hệ hoặc quyền lực mới. Nó được các giáo phái cũng như nhóm chính trị cực đoan sử dụng. Các kỹ thuật tẩy não thường bao gồm sự cách ly với những đồng sự cũ và những nguồn thông tin trước đây; thi hành một chế độ nghiêm ngặt yêu cầu sự tuân phục và hạ mình tuyệt đối; áp lực mạnh mẽ của xã hội và khen thưởng cho sự hợp tác; những trừng phạt về thể xác và tâm lý cho sự không hợp tác, gồm có tẩy chay và phê phán, không cho ăn và quan hệ xã hội, giam cầm, và tra tấn. Những kết quả của nó đôi khi bị đảo ngược qua việc tháo gỡ chương trình, một công việc phối hợp giữa đối đầu và tâm lý trị liệu mạnh.
(trang 407, sách "Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, Hoàng Tuấn Công)

Tập sách dày chỉ hàng loạt lỗi 20 năm từ điển của Nguyễn Lân

(Lam Điền thực hiện,Tuổi Trẻ)

Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công là một cuốn sách dày hơn 560 trang vừa ra đời chỉ để phê bình các lỗi sai dày đặc trong ba bộ từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân: Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân!

Ông Hoàng Tuấn Công và cuốn sách do Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN

Giả sử những sai sót trong từ điển là do người cộng tác thì với tư cách là tác giả - người nhận Giải thưởng Nhà nước về các công trình này, GS Nguyễn Lân vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hoàng Tuấn Công

Những sai sót trong các sách của ông Nguyễn Lân từ lâu đã được học giới nhắc đến một cách có trách nhiệm, nhưng phía tác giả không tiếp thu và các lỗi sai vẫn nằm trong sách tái bản.

Đây chính là “giọt nước tràn ly” để Hoàng Tuấn Công thực hiện quyển sách nói trên.

Ông vừa dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi nhân dịp quyển sách của ông đang nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

* Thưa ông, nhiều người (kể cả chính soạn giả) giải thích rằng nguyên nhân dẫn đến sai sót trong từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân là do tuổi tác: cụ biên soạn khi đã ở độ tuổi 90.

Lại có người cho rằng những sai sót đó là do cộng sự và học trò của cụ Nguyễn Lân, lỗi của soạn giả là không biên tập đến nơi đến chốn.

Là người khảo cứu rất kỹ từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân, ông thấy thực hư thế nào?

- Theo chúng tôi, vấn đề không phải như vậy. Bởi những sai sót trong từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân diễn ra một cách hệ thống, tìm thấy trong tất cả các cuốn từ điển do ông biên soạn, chứ không riêng một cuốn nào.

Từ cuốn đầu tiên Muốn đúng chính tả (1949), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989), Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989) đến cuốn cuối cùng (Từ điển từ và ngữ Việt Nam xuất bản năm 2000, tái bản 2006).

Về vấn đề “cộng sự”, trong tất cả các lời nói đầu, cụ Nguyễn Lân đều nêu rõ ông chính là người trực tiếp biên soạn, “đơn thương độc mã” (chữ của cụ Nguyễn Lân) biên soạn.

Chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân có những mục từ được biên soạn lúc “tuổi cao” nên có thể có sai sót, nhầm lẫn.

Tuy nhiên, nếu có thì đó chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất.

Mặt khác, đã là sai sót thì do bất cứ nguyên nhân nào, khách quan hay chủ quan, biên soạn ở độ tuổi 80, 90 hay 100 cũng cần phải được sửa chữa.

Tuy nhiên, kể từ lần đầu tiên (1998) nhà nghiên cứu Huệ Thiên có bài Những sai sót khó ngờ của Nguyễn Lân trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên - Huế), đến nay đã ngót 20 năm những sai sót đó vẫn còn nguyên xi trong tất cả những lần sách tái bản.

Ngấy khác ngậy

Theo cụ Nguyễn Lân:

* “béo ngấy tt Nói thức ăn có nhiều mỡ quá: Bát canh béo ngấy”.

* “béo ngậy tt Như Béo ngấy”.

GS Nguyễn Lân giảng như vậy, nhưng trong thực tế với người Việt Nam, “béo ngậy” không thể đồng nghĩa (như) “béo ngấy”.

Vì “béo ngậy” = béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau (1); trong khi “béo ngấy” = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá nhiều mỡ (2). Cùng là “béo” cả, nhưng nó khác nhau căn bản ở chỗ “ngậy” hay “ngấy”.

“Béo” (1) khiến cho ta muốn ăn, còn “béo” (2) lại khiến ta ngán đến tận cổ.

Hoàng Tuấn Công

* Đóng góp đáng kể của sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, ngoài việc phát hiện và phân tích thuyết phục các lỗi sai ở các mục từ, là phần ông “thử lý giải” các sai sót khó hiểu của cụ Nguyễn Lân ở nhiều phương diện: kiến thức ngôn ngữ học, kiến văn, kiến thức Hán Nôm, cách hiểu tiếng mẹ đẻ...

Những lỗi thuộc về tiếng mẹ đẻ cho phép chúng ta nghĩ đến một điều: ngôn ngữ học nói chung và từ điển học nói riêng không phải là sở trường của soạn giả 
Nguyễn Lân?

- Đúng vậy. Với bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào, việc đem sở đoản ra “thi thố” như một sở trường sẽ khó tránh khỏi thất bại.

* Trong Lời đầu sách, ông có ghi nhận các quyển từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân được phát hành ở cả trong và ngoài nước với tần suất tái bản cao.

Với hàng loạt lỗi sai tồn tại “ổn định” qua các lần tái bản như vậy, ông nghĩ gì về công tác biên tập từ điển của các nhà xuất bản trong nước?

- Những sai sót của các bộ từ điển do GS Nguyễn Lân biên soạn cho thấy dường như các nhà xuất bản đã hoàn toàn đặt niềm tin vào tên tuổi của soạn giả, GS Nguyễn Lân.

Dĩ nhiên, chúng tôi cũng hiểu việc đòi hỏi biên tập viên phải bao quát tất cả các lĩnh vực trong từ điển là chuyện khó. Tuy nhiên, nếu nghiêm túc, ít nhất người ta sẽ phát hiện những lỗi chính tả sơ đẳng như “nõ điếu”, viết thành “lõ điếu”; “len lét”, thành “nen nét” của soạn giả.

Về vấn đề biên tập từ điển, tôi được biết gần đây Nhà nước đã có quy định việc xuất bản từ điển phải qua cơ quan chuyên môn thẩm định nội dung.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều loại từ điển tiếng Việt khổ nhỏ, dành cho học sinh với những sai sót nghiêm trọng vẫn xuất hiện trên thị trường sách.

Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về 
vấn đề này.

Riêng với từ điển của cụ Nguyễn Lân, đến quý 2-2017 vẫn còn được tái bản với những sai sót đã có từ hơn 20 năm trước, tôi nghĩ có một phần trách nhiệm của các nhà xuất bản và những người thừa kế tác phẩm.

Khép lại vấn đề kéo dài hàng chục năm

Đọc Hoàng Tuấn Công, phải thừa nhận tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra.

Những ai từng đọc các giai thoại về “Vua chính tả” Nguyễn Lân sẽ sửng sốt khi thấy chỉ trong cuốn sách mỏng (chỉ hơn 100 trang) Muốn đúng chính tảmà Hoàng Tuấn Công trưng ra được đến 22 lỗi, trong đó có những lỗi khó tưởng tượng được ở một học giả chuyên về từ điển như quyến dũ, xàm xỡ, trạnh lòng, sun soe, (ngã) xóng xoài, xặc sỡ, dây trun...

Làm từ điển phải có một phương pháp khoa học. Hoàng Tuấn Công cho thấy cụ Nguyễn Lân thiếu hẳn một cách làm như vậy: sách của cụ không hề ghi thư mục tham khảo hay bất cứ tài liệu, sách báo tra cứu, tham khảo nào; và trên thực tế, rất nhiều lỗi hoàn toàn có thể tránh được nếu cụ cẩn thận tra cứu, chứ không phải suy diễn, phỏng đoán.

Hoàng Tuấn Công không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua...

Phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học

Hoàng Dũng

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiếng Việt có mơ hồ, thiếu chính xác?

    26/07/2017GS.TS Nguyễn Đức DânĐã từng có quan niệm “tiếng Việt là thứ tiếng của thi ca, tiếng Anh ­– thứ tiếng của thương mại, tiếng Pháp – thứ tiếng của ngoại giao”. Quan niệm xưa cũ này vừa khen lại vừa chê tiếng Việt: một thứ ngôn ngữ nhiều hàm ý thích hợp với đặc thù “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thơ ca, nhưng cũng chính vì thế mà thiếu chính xác, mơ hồ trong diễn đạt.
  • Gặp người mắc nợ tiếng Việt

    16/06/2016Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)TS Ngô Như Bình đã trò chuyện với SVVN về con đường để trở thành giáo sư ở một trường Đại học danh tiếng nhất thế giới - Đại học Harvard.
  • Những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh với việc phát triển báo chí tiếng Việt và truyền bá chữ quốc ngữ

    27/04/2016Nguyễn Thị Lệ HàCho đến nay, phần lớn các tác giả khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh đều cho rằng ông là người thông minh, có tài và đặc biệt xuất sắc trong nghề làm báo và xuất bản. Có thể nói, Nguyễn Văn Vĩnh là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX...
  • Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa

    10/10/2015Vương Trí NhànVới một niềm tin dai dẳng, các phương tiện thông tin đại chúng ở ta thường không mệt mỏi trong việc nhắc nhở mọi người là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, hoặc trong ngôn ngữ thì nhắc nhau là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà mọi chuyện cứ diễn ra theo hướng ngược lại, tại sao lạ vậy?
  • Tiếng Việt

    26/06/2011Lưu Quang VũTiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
    Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
    Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
    Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre...
  • Làm phong phú và trong sáng tiếng Việt

    12/11/2010Nguyễn Trần BạtTôi cho rằng không có tiếng nước nào làm hỏng tiếng Việt cả, nó chỉ làm phong phú tiếng Việt mà thôi. Ví dụ, việc dịch các tác phẩm vĩ đại của nhân loại chính là một trong những cách thức làm phong phú tiếng Việt. Bởi vì các dịch giả phải tìm ra, phải tập hợp vốn từ ngữ và cách diễn đạt để có thể chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Không chỉ trên lĩnh vực văn học mà còn nhiều lĩnh vực khác cũng vậy.
  • Tản mạn về Tiếng Việt

    03/06/2010Lê Tự Hỷ1. Có gì mâu thuẫn không khi ở Mỹ một thời gian thì lại đâm ra cảm thấy buồn khi đọc báo Việt in ấn xuất bản trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,... mà cứ dùng nhiều tù tiếng Anh như: “tuổi teen”, ăn mặc rất “hot”, M.C này, M.C nọ,... ôi đủ thứ?
  • Tiếng Việt vốn trong sáng mà…

    23/04/2010Cao Tự ThanhMột ngôn ngữ đã trưởng thành như tiếng Việt hoàn toàn có khả năng xác lập lại sự trong sáng của nó ngay cả tại những khúc quanh chật hẹp và nguy hiểm nhất của lịch sử. Cho nên cái làm cho tiếng Việt đứng trước nguy cơ không trong sáng không phải do bản thân tiếng Việt, mà do cách sử dụng tiếng Việt phi quy chuẩn và chính sách ngôn ngữ không rõ ràng.
  • Nhịn ở lời nói - "Vệ sinh tiếng Việt"

    26/11/2009Nguyễn Bỉnh QuânTừ lời nói tới hành động chỉ một gang tay. Nói mãi quen mồm. Nói một trăm lần "tao giết mày" thì rồi đến lúc hung hãn, say xỉn, uất giận là làm thật ! Con đánh mẹ, cháu bóp cổ bà... thì giời đất có dung tha được không! Bà ngân ngấn nước mắt làm em hoảng quá phải an ủi bà: Đó chỉ là số rất ít, là vô cùng hãn hữu, không phải phổ biến trong xã hội ta.
  • Tiếng Việt có chính xác không?

    22/08/2009Ngô Tự LậpCó một nhận định được lan truyền rộng rãi và hình nó cũng được nhiều người chấp nhận, cho rằng tiếng Việt không chính xác, hay nói đúng hơn, ngữ pháp tiếng Việt không chính xác bằng ngữ pháp tiếng Pháp, tiếng hoặc tiếng Nga..., tuỳ theo người đưa ra nhận định biết thứ tiếng nào. Theo tôi, nhận định nói trên phản ánh một định kiến, hay thậm chí là mặc cảm tự ti, rất không nên có.
  • Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật

    05/08/2009GS. Cao Xuân HạoĐến bao giờ sách giáo khoa tiếng Việt mới dạy thứ tiếng Việt mà hơn 70 triệu người Việt đang nói hàng ngày, chứ không phải thứ “tiếng Việt” giả tạo sao chép một cách máy móc từ sách cũ dùng để dạy tiếng Pháp cho dân thuộc địa?
  • Tiếng Việt - Những công lao bị quên lãng

    08/07/2009Cao Xuân HạoTrong lịch sử của ngành Việt ngữ học, ông là một trong những tác giả ít bị những định kiến "dĩ Âu vi trung" chi phối hơn cả, nhất là khi đem so với sách học tiếng Việt ngày nay. Kể cho đến bây giờ, ít có cuốn sách nào cung cấp cho ta nhiều thông tin về ngữ pháp tiếng Việt như mấy cuốn sách không lấy gì làm dày của ông. Trong mấy cuốn này không thiếu những phát hiện quan trọng mà ngày nay chẳng mấy ai nhắc đến, trong khi lẽ ra nó phải được những người đi sau tiếp thu và khai triển, đào sâu hơn nữa.
  • Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

    14/05/2009Hoàng CúcSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại…
  • Wikipedia tiếng Việt

    06/12/2005Nguyễn HoàngDo công việc đòi hỏi, cũng do ham thích các tài liệu bách khoa thư, tôi rất hồ hởi với những bộ từ điển bách khoa mới, đặc biệt là các trang web chuyên phục vụ tra cứu. Tình cờ được một người bạn giới thiệu trang www.wikipedia.com, tôi thử vào và thật sự ngạc nhiên.
  • Giáo dục bằng tiếng Việt - Cuộc chiến hai ngàn năm

    14/05/2003Chúng ta là người Việt, nói tiếng Việt, học tập, làm thơ, làm toán và viết luận án khoa học bằng tiếng Việt - điều đó có vẻ đương nhiên. Thực ra thì không phải thế...
  • xem toàn bộ