Nước Nga, 21 năm sau và một chàng kị sỹ đứng dậy

01:15 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Mười Một, 2019

Nước Nga đã thay đổi như một giấc mộng. Ngày hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, đã có không ít người Việt Nam ở lứa tuổi cha tôi khóc. Với họ, Liên Xô ngày ấy như một người anh em thăng trầm có nhau, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, như một niềm tin và như nơi chứa đựng những ký ức đẹp cho dù rất nhiều người trong số họ chưa hề đặt chân đến đất nước này.

>> Xem phần 1: Bảy ngày ở nước Nga

Chúng tôi đến Moscow vào lúc 6h30 tối ngày 9 tháng 10. Ngay từ lúc máy bay đáp xuống đường băng, tôi đã không rời mắt khỏi ô cửa ở dãy ghế tôi ngồi. Đã 21 năm chưa trở lại thành phố này, nhưng tôi vẫn cố tìm trong những vòm sáng của ánh đèn sân bay một chút gì đó quen thuộc, cho dù tôi biết sẽ chẳng nhận ra điều gì. Nhưng đó là thói quen của một người đã đi qua một vùng đất, giờ muốn kiếm tìm chút gì đó còn lại của quá khứ.

Nước Nga đã thay đổi như một giấc mộng. Ngày hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, đã có không ít người Việt Nam ở lứa tuổi cha tôi khóc. Với họ, Liên Xô ngày ấy như một người anh em thăng trầm có nhau, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, như một niềm tin và như một nơi chứa đựng những ký ức đẹp của họ, cho dù rất nhiều người trong số đó chưa hề đặt chân đến đất nước này.

Và khi bước chân xuống sân bay, tôi cảm thấy có một điều gì đó lặng lẽ buồn. Sân bay như đã lâu lắm không xây dựng gì thêm. Những nhà vệ sinh chật hẹp làm cả đoàn người xếp hàng dài. Những bức tường màu sơn đã cũ màu thời gian... Một cảm giác rời rạc và chậm bao trùm sân bay.

Ngay từ khi ở trên máy bay, nhiều hành khách thắc mắc tại sao các tiếp viên của hàng không Nga lại già và ít mỉm cười như vậy. Cũng có người nói lâu nay, người Việt Nam trong mắt những người Nga đã không còn hiện lên với một hình ảnh thân thiện nữa. Những người Việt Nam làm ăn, buôn bán ở Nga đã làm lu mờ đi hình ảnh của một Việt Nam trước kia chăng? Thời thế đã thay đổi chăng? Người Nga bây giờ không đảm nhận sứ mệnh của một người anh cả nữa. Họ không phải luôn luôn biểu hiện sức mạnh, sự che chở và lòng tin cho các nước đồng minh nữa... Mỗi dân tộc đang phải gồng mình để gánh cái gánh nặng của dân tộc mình.

Trong chuyến bay từ Hà Nội đến Moscow, đầu tôi cứ liên tiếp xuất hiện các câu hỏi về Liên Xô thuở trước và hồi hộp đợi chờ ngắm nhìn nước Nga bây giờ. Những câu hỏi ấy vang lên như những tiếng gõ mỗi lúc một mạnh trong đầu tôi khi đoàn chúng tôi phải mất đến 3 tiếng đồng hồ mới làm xong thủ tục nhập cảnh. Trong lúc làm thủ tục nhập cảnh, cứ thi thoảng một người trong đoàn lại bị đuổi trở về xếp hàng lại vì một lý do gì đó mà không ai hiểu được. Trong khi đó có những nhóm người Nga thản nhiên vượt qua chúng tôi đến bàn làm thủ tục nhập cảnh như là họ chẳng nhìn thấy chúng tôi đang xếp hàng trước họ ở đấy.

Hôn nhau trên Quảng trường Đỏ


Đoàn gồm 80 người của chúng tôi chỉ có một hoặc hai người biết tiếng Nga nhưng hầu hết biết tiếng Anh khá thông thạo. Nhưng cho dù chúng tôi cố giải thích với nhân viên anh ninh cửa khẩu Nga rằng chúng tôi không phải sang đây làm ăn buôn bán, chúng tôi chỉ vì yêu quí nền văn hoá vĩ đại của nước Nga và bị quyến rũ bởi thiên nhiên Nga hùng vĩ và lãng mạn thì các nhân viên an ninh cửa khẩu cũng chẳng để ý gì. Có những nhân viên mà nếu họ không nhai kẹo cao su thì tôi đã nhầm họ với một ma-nơ-canh.

Điều gì đã làm không ít những người Nga thay đổi tình cảm với những người Việt Nam mà trước kia họ là những người anh em thật khó ai sánh bằng? Lại câu hỏi ấy vang lên. Lại hàng chục câu trả lời khác nhau của những người trong đoàn chúng tôi.

Nhưng khi chúng tôi bước ra khỏi sân bay để trở về khách sạn thì những ngọn gió lạnh đặc trưng châu Âu vào những ngày cuối thu đã làm chúng tôi quên đi câu hỏi ấy. Trong ánh đèn đêm, chúng tôi đã nhận ra thấp thoáng những vòm lá vàng mê đắm của mùa thu nước Nga. Và lúc này, hơi thở rực nóng và giọng nói kỳ lạ từ một nước Nga xa xôi của M. Dostoyevsky, A. Puskin, Lev Tolstoi, của P.I. Traicopxki, Isaac Levitan, của Anna Akhamatova, Mikhain Solokop, của Boris Pasternak, Sergei Exenhin, của Joseph Brodsky, Chingiz Aimatov... tràn về. Ngay lúc đó, trong ánh đêm đầy bí ẩn của mùa thu nước Nga, tôi thấy một nước Nga vĩ đại hiện lên và không còn gì khác thế.

Trong đêm đầu tiên sau 21 năm trở lại Moscow, tuy với chặng bay dài, với những phiền luỵ ở sân bay, tôi vẫn thức rất khuya. Tôi nhìn xuống thành phố từ cửa sổ phòng ngủ trên tầng 19 của khách sạn. Và trong bóng tối, một nước Nga của tôi hiện lên: Hiện lên Dostoyevsky đang ngồi viết Tội ác và trừng phạt trong một căn phòng cũ kỹ và thiếu củi đốt mùa đông. Hiện lên Traicopxki đang run rẩy đặt những ngón tay trên những phím piano lạnh cóng. Hiện nên chàng thanh niên Brodsky lao động trong băng giá ở Xeberi và viết những bài thơ khổng lồ cho nước Nga yêu dấu và đau đớn của chàng. Hiện lên cháu trai tôi bị một số thanh niên Nga trói bằng băng dính để lấy hết số tiền đi mua hàng và ném vào tuyết lạnh. Hiện lên người đàn bà làng tôi đi bán thuốc lá lẻ trong gió tuyết của thế kỷ 21 trên những đường phố Moscow. Và hiện lên cả tôi 21 năm về trước đi mua maiso điện, bàn là, nồi áp suất... mà quên đi những bảo tàng, những cung điện, những cánh rừng nhuộm vàng, những "Hồ thiên nga"... Tôi không thể lãng mạn đến vô tâm trong đói rét của những người thân nhưng tôi đã đánh mất quá nhiều điều mà không bao giờ tìm lại được nữa.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để bắt đầu ngày đầu tiên của chuyến du lịch bảy ngày. Chúng tôi đã mất một ngày kể từ khi thức dậy bước ra khỏi nhà, đến sân bay Nội Bài rồi âm u bay trên trời đến Moscow. Một ngày chưa nhìn thấy nước Nga nhưng là một ngày của ký ức, của trí tưởng tượng, của lo âu, của náo nức, của mệt mỏi, của khó chịu, của những câu hỏi và của những câu trả lời. Và Quảng trường đỏ hiện ra với nhà thờ, chuông điện Kremlin... Chính trên quảng trường này, những đại đoàn hồng quân Liên Xô đã duyệt binh và đi thẳng ra mặt trận. Họ đã làm nên một lịch sử vĩ đại là tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức man rợ, cứu nhân loại thoát khỏi cái chết thảm khốc. Stalin là vị chỉ huy tối cao của hồng quân Liên Xô. Ông đã viết những dòng chữ đỏ vào lịch sử nhân loại. Nhưng trên phần đời sau đó của ông, nhân loại đã viết một dòng chữ khác.

Tôi lang thang trên quảng trường trong gió lạnh của một ban mai mới. Mặt trời đang lên tỏa những tia nắng ấm áp. Khi tôi đang chìm trong trí tưởng tưởng về những đại đoàn hồng quân Liên Xô duyệt binh trên quảng trường và đi từ một mùa đông khắc nghiệt đầy băng giá, đầy đói rét và đầy máu chảy đến một chiến thắng cho toàn nhân loại thì một hình ảnh tự nhiên nhưng như một thông điệp làm tôi vô cùng xúc động. Đó là một người đàn ông Nga đưa con đến thăm quảng trường. Và tôi nghĩ, đây chính là cuộc duyệt binh cho tương lai của nước Nga.

Đứa bé chừng hơn hai tuổi, một công dân tương lai của nước Nga, mặc một chiếc áo đỏ rực, bước đi những bước thật tự tin về phía trước. Tôi không thể biết, 30 hay 40 năm sau, đứa trẻ kia sẽ như thế nào. Nó có thể trở thành một Dostoyevsky, một Traicopxki hay một Brodsky và cũng có thể trở thành một kẻ độc tài của dân tộc Nga. Nhưng tôi tin về một tương lai tốt đẹp. Bởi trên mảnh đất của một nền văn hóa kỳ vĩ kia, nhân loại sẽ được thức tỉnh và đi đúng con đường của mình cho dù có lúc họ đi lạc vào trong một cánh rừng của quỷ như những truyện cổ tích nước Nga.

Chuông đồng hồ điện Kremlin


Nước Nga đang thức dậy cho dù tôi vẫn mang cảm giác dân tộc này thức dậy trong những động tác còn chậm chạp. Nhưng nước Nga là một dân tộc vĩ đại. Dân tộc Nga như con tuấn mã trong một bài thơ của nhà thơ Nga giải Nobel văn học, Joseph Brodsky. Con tuấn mã Nga mạnh mẽ đã thức dậy trong bóng đêm và chờ một kị sỹ, một người Nga quả cảm yêu Cái đẹp và Tự do, đứng dậy để lên đường. Và không chỉ đối với dân tộc Nga, dân tộc nào cũng có một con tuấn mã như vậy để đợi chờ một kị sỹ như vậy đứng dậy và lên đường đi đến tương lai của họ:

Con ngựa đen

Bầu trời đen sáng hơn cả những chân kia
và không thể chìm trong bóng đêm.
Cạnh bếp lửa chúng ta, tối hôm nọ
Ta đã nhìn thấy con ngựa đen.
Tôi không nhớ có cái gì đen hơn.
Đứng trên chân đen như những trụ than,
con ngựa đen như đêm tối,
như hư vô, đen từ bờm đến đuôi,
và lưng nó ánh lên một màu đen khác
cái lưng không hề biết đến yên cương.

Nó chờ bất động và có vẻ đang ngủ
đứng thẳng trên móng guốc đen như nỗi sợ.
Nó đen đến nỗi đã xua tan bóng tối,
đen như thế gian u tối nhất,
đen như sương mù nửa đêm,
đen như cái lỗ của cây kim,
đen như những rừng cây cao mất hút,
giống như khoảng không giữa sườn và ngực,
giống như cái lỗ có hạt giống nằm yên trong đất,
giống như bóng đêm đang xuống trong lòng ta.

Tuy thế dưới mắt ta nó còn đen lên nữa.
Đồng hồ chúng ta chỉ đúng nửa đêm.
Nó không đi về phía chúng ta,
bóng tối kỳ diệu đã nhận chìm hai cạnh sườn của nó
và cái lưng nó biến mất trong đêm.
Mọi vệt sáng đều tan biến,
mắt nó ngả trắng như một cái búng tay,
con ngươi chiếu sáng còn ghê sợ hơn nữa.

Nó giống như âm bản của một người lạ.
Thế thì tại sao, chạy đến chỗ này,
nó dừng lại bên chúng ta đến tận bình minh?
Tại sao nó không bỏ bếp lửa ra đi?
Tại sao nó hít thở không khí đen
trong tiếng xào xạc của cành lá bị giẫm?
Tại sao trong mắt nó chập chờn ánh sáng tối mù?
Nó chờ đợi trong chúng ta một kỵ sĩ đứng dậy.

( Hoàng Ngọc Biên dịch)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nước Nga tuyệt đẹp của Levitan

    06/11/2019Trịnh ChuThế kỷ XIX được mệnh danh là thế kỷ của những người khổng lồ. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ tự nhiên đến xã hội đều xuất hiện những thiên tài kiệt xuất. Nền hội họa Nga tự hào với Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900).
  • Chúng ta đã thực sự hiểu nước Nga?

    04/11/2017PGS - TS Phạm Vĩnh CưMặc dù rất yêu mến, nhưng chúng ta còn hiểu biết hời hợt và lệch lạc về nền văn hoá ấy, cho nên không thể nói rằng văn hoá Nga đã bắt rễ sâu vào Việt Nam như văn hoá Pháp, mặc dù về mặt chính trị, trong thời kì dài ta và Pháp là thù mà ta với Nga lại là anh em chí thân chí cốt...
  • Thu vàng nước Nga và danh họa Levitan

    21/08/2017Bùi Quang MinhNhững tác phẩm theo trường phái hiện thực của Levitan nổi tiếng với khả năng miêu tả chân thực vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, đồng thời cũng truyền vào đó cảm xúc và tinh thần của tác giả. Có thể kể tới các bức tranh Mùa thu vàng miêu tả mùa thu ở vùng nông thôn Nga...
  • Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

    24/02/2014Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
  • Bảy ngày ở nước Nga

    18/02/2013Nguyễn Quang ThiềuChuyến bay Hà Nội - Moscow ngày 9 tháng 10 dài gần mười tiếng đủ cho tôi nhớ lại những gì ấn tượng nhất về Moscow. Cho dù sau này tôi đã đến và đã lưu lại một thời gian khá dài và nhiều lần ở các thủ đô khác như Sydney, Washington, Stockhom, Oslo, Tokyo... thì Moscow vẫn là một thủ đô tôi nhớ đến với một nỗi nhớ đặc biệt...
  • Lênin hay Stalin làm cho Liên Xô tan rã?

    28/08/2011Vũ Cao ĐàmĐọc bài “Stalin là người đã làm cho Liên Xô tan rã” của Peter Rutland và Philip Pomper do Phạm Nguyên Trường dịch đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi sực nhớ đến một cuốn sách rất thú vị, được xuất bản ngay sau ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười với tiêu đề “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed, một nhà nghiên cứu xã hội học người Mỹ, người đã có mặt trong những ngày bão táp của Cách mạng Tháng Mười...
  • Nước Nga giữa quá khứ và tương lai

    29/09/2010Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, người ta đã thấy rõ những mâu
    thuẫn trong tất cả các lĩnh vực đời sống XH Liên Xô. Trong mươi
    mười lăm năm cuối cùng, điều kiện bên trong và bên ngoài thay đổi từng
    giờ chứ không phải từng ngày nữa, nhu cầu bức thiết là phải đánh giá
    đúng tình hình và tìm phương pháp tiếp cận mới nhanh chóng. Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó lại có thái độ bảo thủ, tránh né
  • Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản âm thầm rút khỏi vũ đài lịch sử

    23/09/2010Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, loài người chứng kiến sự kiện Liên Xô - cường quốc có diện tích khổng lồ trải rộng trên lục địa Á - Âu, có lực lượng vũ trang hùng mạnh... nhanh chóng sụp đổ mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay gặp một biến cố tự nhiên đặc biệt nào. Cho đến nay, nhiều học giả trên thế giới vẫn cố gắng nghiên cứu, lý giải nguyên nhân tan rã của Liên Xô.
  • Quan điểm và cách nhìn nhận của học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên Xô và tiền đồ chủ nghĩa xã hội.

    30/07/2010Trần Nguyên ViệtTrong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích quan điểm và cách nhìn nhận của các học giả Việt Nam trong những năm gần đây về những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài, khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự sụp đổ đó và về tiền đồ tươi sáng, về triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội trong tương lai từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc.
  • Ai mất nước Nga?

    13/11/2007SorosSự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín.
  • Chuyện nước Nga

    02/12/2006Thái AThành trì của CNXH xưa kia đã một thời là nơi hàng triệu trái tim Việt trong đó có cả một số người trong gia đình tôi coi là quê hương thứ hai. Chỉ có số phận tôi hẩm hiu, cho mãi tới những năm đầu thế kỷ XXI mới được chính thức biết tới Mùa thu vàng. Điều đó có nghĩa là tôi đã có dịp ngồi trong một căn hộ chính cống kiểu Nga, rung đùi ngó qua cửa sổ nhìn lá rơi, nghe văng vẳng trong không gian tiếng quạ kêu quang quác...
  • Nước Nga năm tháng và hoài niệm

    15/11/2006Hồ Sĩ VịnhTạm biệt nước Nga sau 15 ngày rong ruổi với tâm trạng vừa hân hoan vừa lưu luyến. Hân hoan vì đã gặp lại những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những người thầy phúc hậu, những người bạn chân thành mà vào thời đó đã giúp đỡ chúng tôi trên con đường học tập và nghiên cứu. Còn không lưu luyến sao được khi phải rời một xa đất nước...
  • xem toàn bộ