Nước Nga giữa quá khứ và tương lai

09:40 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Chín, 2010

Xem thêm:


Nước Nga đang trải qua một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của mình. Chúng ta đang mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của Tổ quốc – kỷ nguyên dân chủ. Lần đầu tiên người dân Nga có cơ hội gây ảnh hưởng đến đời sống của đất nước và xã hội, cũng như có thể tác động lên chính sách của chính phủ. Vì vậy cuốn sách của chúng tôi được lấy tên là Chế độ dân chủ, nhà nước và xã hội.

Tất cả chúng ta đều phải học qua trường học dân chủ: kể cả người vừa bước vào đời cũng như người đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống, vì khát vọng tự do có thể là bẩm sinh, nhưng thực hành dân chủ thì phải học mới biết

NXB Hệ thống giáo dục của Cộng hòa liên bang Nga, xuất bản năm 1995


Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, người ta đã thấy rõ những mâu thuẫn trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội Liên Xô. Trong mươi mười lăm năm cuối cùng, điều kiện bên trong và bên ngoài thay đổi từng giờ chứ không phải từng ngày nữa, nhu cầu bức thiết là phải đánh giá đúng tình hình và tìm phương pháp tiếp cận mới một cách nhanh chóng.

Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó lại có thái độ bảo thủ, tránh né tất cả những gì không nhét vừa các sơ đồ quen thuộc cũ.

Họ vẫn tiếp tục:

  1. Siết chặt quyền lực cả về kinh tế và chính trị
  2. Quy chuẩn các hoạt động xã hội
  3. Coi thường sự đa dạng của các điều kiện địa phương
  4. Sử dụng các biện pháp chỉ huy trong quản lý
  5. Coi thường quy luật giá trị
  6. Dựa vào sự phát triển kinh tế theo chiều rộng
  7. Đặt nặng về số lượng, coi thường chất lượng
  8. Dân chủ hình thức
  9. Ngăn cản, không cho quần chúng tham gia giải quyết các vấn đề tồn đọng
  10. Làm nghèo nàn nền văn hóa, tô hồng hiện thực
  11. Tách rời giữa lý luận và thực tiễn


Cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị tại Liên Xô lúc đó đều không giúp giải quyết các vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Điều đó chứng tỏ rằng, đã đến lúc phải tiến hành thực hiện công cuộc cải tổ cơ bản tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.


Nhưng xã hội chỉ nhận thức được các vấn đề có một cách từ từ, phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều lần tái cấu trúc các lực lượng xã hội người ta mới nhận thức được nhu cầu hiện đại hóa sâu sắc toàn bộ hệ thống.

Lúc đầu (tháng 4 năm 1985) người ta mới nói đến chuyện tăng tốc sự phát triển kinh tế và xã hội. Đó là do (theo các tài liệu hiện có) trong xã hội đã xảy ra:

  1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm
  2. Không hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế
  3. Không hoàn thành các kế hoạch về mặt xã hội. Sự lạc hậu về cơ sở vật chất của khoa học, giáo dục, chữa bệnh, văn hóa, đời sống…


Ngoài ra, một số mục tiêu chính trị cũng được đặt ra nhằm phá vỡ mô hình lãnh đạo chính trị do quá khứ để lại.

Trong xã hội đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về thể chế chính trị được thiết lập tại Liên Xô từ năm 1917. Các quan điểm được phân chia đại thể như sau:

Quan điểm thứ nhất, là đã xây dựng xong CNXH, dù có một số biến dạng nghiêm trọng. Người ta gọi đấy là “chủ nghĩa xã hội biến dạng”, “chủ nghĩa xã hội non”, “chủ nghĩa xã hội trại lính”, “chủ nghĩa xã hội nhà nước”.

Quan điểm thứ hai, ở mức độ nào đó, gần với quan điểm thứ nhất và cho rằng không thể gọi xã hội ta, dù đấy là trong những năm 30, 50 hay 80, là hoàn toàn xã hội chủ nghĩa được. Nghĩa là xã hội Xô Viết đang trải qua giai đoạn quá độ.

Quan điểm thứ ba thì cho rằng, không làm gì có chủ nghĩa xã hội, Sự lựa chọn của Đảng Bolshevik vào năm 1917 là sai lầm, đất là sự bất bình thường so với xu hướng phát triển chung của nền văn minh nhân loại.

Như vậy nghĩa là, trên mọi bình diện, từ giới hàn lâm cho đến các nhà lãnh đạo chính trị, mọi người đều bắt đầu phân tích hiện tình của đất nước. Đấy là một bước tiến rất lớn vì trong những năm trước đây gần như không có ai đứng ra làm công việc đó cả. Lúc đó người ta thường trích dẫn câu nói của Engels, rằng: “Người ta không oán trách các sự kiện lịch sử, ngược lại, người ta cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và kết quả của chúng”.

Đúng như thế, đây là lần đầu tiên người ta bắt đầu phân tích một cách nghiêm chỉnh nguyên nhân và kết quả của quá trình phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Tổng kết tình hình trong giai đoạn từ 1985 đến 1987, có thể nói đấy là giai đoạn hình thành đường lối chính trị của đất nước và ở mức độ nào đó là sự tập hợp lực lượng để đấu tranh chống lại những biến dạng của chủ nghĩa xã hội.

Từ tháng 4 năm 1987 bắt đầu diễn ra quá trình phân hóa các lực lượng xã hội. Giai đoạn đến năm 1988 là thời kỳ hoạt động của các phong trào dân tộc, hình thành các cơ cấu chính trị (đảng phải, phong trào, nhóm), nhiều phe nhóm được thành lập lúc đó còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đôi khi thật khó đánh giá đúng ý nghĩa của những sự thay đổi trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, nhưng giai đoạn đó, theo chúng tôi, đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử đất nước chúng ta. Đây là lần đầu tiên quần chúng, nhân dân nhận thức được sự cần thiết của xã hội dân sựvà khả năng thông qua cơ chế của nó để tác động lên tiến trình phát triển chính trị của đất nước. Dù không phải tất cả các lĩnh vực đều đạt được kết quả khả dĩ, nhưng tất cả xã hội và từng người dân đã trải qua trường học dân chủ, đã học được những điều sơ đẳng nhất và đấy chính là cơ sở cho quá trình phát triển trong tương lai.

Sau đó là giai đoạn khi mà các tổ chức công dân xuất hiện một cách tự phát, bắt đầu liên kết trên cơ sở các cương lĩnh chính trị và cuối năm 1988 đã có ít nhất là bốn chương trình hành động sau:

- Dân chủ cấp tiến
- Cải cách tự do
- Cộng sản bảo thủ1
- Dân tộc yêu nước

1 Nếu ở phương Tây bảo thủ là những người ủng hộ các giá trị của chủ nghĩa tư bản như tự do kinh doanh, chủ nghĩa cá nhân, tư hữu, thì ở Nga người ta lại coi những người muốn khôi phục nhà nước cộng sản toàn trị*)là lực lượng bảo thủ.


Vẫn còn những cố gắng tiến hành công cuộc cải cách dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và Đảng này, dưới sự lãnh đạo của M. S. Gorbachev, khi mới bắt đầu quá trình cải tổ, còn duy trì được vai trò tập hợp lực lượng của mình. Nhưng Đảng đã đánh mất vai trò đó ngay khi chưa thực thi.

Gorbachev lúc đầu rất được lòng tầng lớp trung lưu, nhưng đã mất dần sự ủng hộ vì trong tình hình phân bố lực lượng phức tạp lúc ấy, ông buộc phải ngả nghiêng giữa phái cộng sản chính thống và phái cải cách. Có sự mâu thuẫn và tính cách hai mặt của đường lối chính trị như thế là vì Gorbachev tiếp tục là lãnh tụ của một Đảng đã chứng tỏ không còn khả năng tiến hành các cuộc cải cách có tính cấp tiến nữa.

Cuộc khủng hoảng tháng 8 năm 1991 đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn này, kéo theo sự tan rã của Liên Xô cũng như sự phân hóa sâu sắc các lực lượng xã hội.

Chúng tôi không có ý định đánh giá các sự kiện lúc đó, vì, một mặt, vấn đề này rất khó và không liên hệ trực tiếp đến đề tài của chương trình.

Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy có thể không chỉ là kết quả của những tiến trình chính trị diễn ra trong nước từ năm 1985. Theo chúng tôi, đấy chính là hậu quả của sự phát triển cả trong lĩnh vực kinh tế, cả trong lĩnh vực chính trị của giai đoạn trước đó. Dĩ nhiên là thật đáng tiếc khi xu hướng chủ yếu trên toàn thế giới là hợp nhất thì tại Liên Xô cũ, xu hướng chủ đạo là ly tâm. Nhưng chúng tôi tin rằng, đây là quá trình tất yếu, các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ phải vượt qua giai đoạn đó mới có thể nhận thức được rằng nhiều vấn đề không thể giải quyết riêng rẽ được; chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ được chứng kiến các cuộc đối thoại của những nhà nước bình đẳng, tôn trọng truyền thống và văn hóa của nhau, cùng quan tâm đến việc hợp tác và thực sự muốn đặt được đồng thuận.

(Phạm Nguyên Trường dịch)
*)Toàn trị (Totalitarianism)là thuật ngữ của giới nghiên cứu mô tả một loại nhà nước thời hiện đại, đã được Giovanni Amendola dùng lần đầu tiên năm 1923 để chỉ chế độ độc tài, phát xít tại Ý thời Mussolini. Nhà nước toàn trị có thể xuất hiện từ việc giới quân sự đảo chính để nắm giữ quyền lực tuyệt đối (loại bỏ xã hội dân sự) như các Nhà nước độc tài quân sự (ví dụ như trường hợp Đảng quốc gia Phát xít của Mussolini đảo chính nắm quyền nước Cộng hòa Ý) hoặc xuất hiện từ một nhóm cá nhân nắm giữ quyền lực tuyệt đối của xã hội do dần dần lạm dụng quyền lực mà không không được sự kiểm soát của toàn xã hội (xã hội dân sự hết sức manh mún, què quặt). Giới cầm quyền có thể mị dân, ngụy trang người dân bằng các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu làm cho nhiều người khó khăn trong việc xác định đúng bản chất của loại nhà nước này trong khi quyền tự do của họ bị hạn chế và vi phạm. Giới cầm quyền cũng có những thay đổi, điều chỉnh theo yêu sách của dân chúng nhưng không làm thay đổi bản chất Nhà nước toàn trị của nó bởi nhóm cầm quyền quan tâm tới chất lượng cầm quyền hơn là chất lượng quản lý Nhà nước của nó. Các lãnh tụ có khuynh hướng giáo điều trong mục tiêu, tùy tiện về phương thức, thích đồng phục trong tư tưởng và không thích tính đa dạng của các cá nhân, bi quan về bản tính con người, chỉ trừ tự coi chính mình là có ý chí, có trách nhiệm, chân thành và đủ phẩm chất phán xét mọi chuyện... (chungta.com)
  • Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Nga Izvestia ngày 7/5/2010, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã chỉ trích "chế độ toàn trị" của Liên Xô cũ và «các tội ác»của Stalin. Thông điệp này sau đó đã được đưa lên các kênh truyền hình chính của Nga. Dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa Phát-xít, Tổng thống Nga muốn tách bạch chiến thắng của Hồng quân cùng với Đồng minh, ra khỏi những tai họa do Liên bang Xô viết gây ra. Ông nhấn mạnh: "chế độ được xây dựng tại Liên bang Xô viết là một chế độ toàn trị, nơi các quyền tự do căn bản bị xóa bỏ hoàn toàn" và "những điều Stalin gây ra cho chính người dân Nga không thể nào tha thứ được".
Theo nhà chính trị học Nga, Alexandre Konovalov, các tuyên bố của ông Medvedev sẽ giúp vào việc trả lại sự thật cho lịch sử. Tuy nhiên, ông Nikolai Petrov, thuộc Trung tâm Carnegie, lại cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Nga chỉ nhằm cải thiện hình ảnh nước Nga trong mắt phương Tây và thành phần cấp tiến tại Nga, chứ không có tác động gì đến giới tinh hoa Nga.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

    24/02/2014Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
  • Ai mất nước Nga?

    13/11/2007SorosSự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín.
  • Chuyện nước Nga

    02/12/2006Thái AThành trì của CNXH xưa kia đã một thời là nơi hàng triệu trái tim Việt trong đó có cả một số người trong gia đình tôi coi là quê hương thứ hai. Chỉ có số phận tôi hẩm hiu, cho mãi tới những năm đầu thế kỷ XXI mới được chính thức biết tới Mùa thu vàng. Điều đó có nghĩa là tôi đã có dịp ngồi trong một căn hộ chính cống kiểu Nga, rung đùi ngó qua cửa sổ nhìn lá rơi, nghe văng vẳng trong không gian tiếng quạ kêu quang quác...
  • Nước Nga năm tháng và hoài niệm

    15/11/2006Hồ Sĩ VịnhTạm biệt nước Nga sau 15 ngày rong ruổi với tâm trạng vừa hân hoan vừa lưu luyến. Hân hoan vì đã gặp lại những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những người thầy phúc hậu, những người bạn chân thành mà vào thời đó đã giúp đỡ chúng tôi trên con đường học tập và nghiên cứu. Còn không lưu luyến sao được khi phải rời một xa đất nước...